Từ 25 hồ sơ được đệ trình lên Hội đồng cấp Nhà nước
đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, có 18 hồ sơ đủ tiêu chuẩn với trên
90% số phiếu đồng ý từ các thành viên của Hội đồng này, trong đó vẫn có tên nhà
thơ Xuân Quỳnh và nhà văn Thu Bồn. Đến khi danh sách này được "gút" lại
còn 13 hồ sơ, tờ trình của Bộ VH-TT& DL trình lên Thủ tướng Chính phủ vẫn
có tên nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà văn Thu Bồn. Nhưng đến danh sách được Chủ tịch
nước ký và công bố gần đây nhất thì tên hai tác giả này đã bị "trật
ra" sau khi đối chiếu với các quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định số
90/2014/NĐ-CP của Chính phủ về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải
thưởng Nhà nước" về Văn học nghệ thuật.
Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn
học nghệ thuật năm 2016:
Vì
đâu nên nỗi “lùm xùm”?
NGUYỆT HÀ
Không phải đợi đến ngày 20-2 vừa qua, khi danh sách
các tác giả được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về
Văn học nghệ thuật năm 2016 (đợt V) chính thức được công bố thì dư luận mới được
phen ồn ã về chuyện "người trúng - người trượt"... Từ giữa tháng
1-2017, khi "theo những nguồn tin riêng", một số "cái tên"
được tiết lộ đã khiến dư luận dấy lên những câu hỏi chất vấn, nhất là những tên
tuổi như nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà văn Thu Bồn, nhạc sĩ Thuận Yến, nhạc sĩ Phạm
Minh Tuấn đã không còn nằm trong danh sách cuối cùng...
Thực tế, từ ngày 5-1-2017, Chủ tịch nước đã có các
Quyết định kèm theo danh sách những tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí
Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nhưng mãi tới ngày 20-1 vừa
qua, danh sách này mới được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL)
cung cấp cho báo chí. Còn trước đó, danh sách này mới được rò rỉ qua đường
"tiểu ngạch".
Theo đó, trong quyết định số 42-QĐ/CTN, có 7 tác giả
được tặng thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh bao gồm: GS.TS. NSND Lê Ngọc Canh
(sách: "Đại cương nghệ thuật Múa", "Nghệ thuật múa Chèo",
"Nghệ thuật múa tộc người Mạ"); NSND Chu Thúy Quỳnh (các tiết mục
múa: "Mùa xuân trên bản H'Mông", "Hoa xuân đất nước",
"Hầu văn Xá Thượng Ngàn"); TS Trần Đình Ngôn (Kịch bản sân khấu:
"Duyên nợ ba sinh", "Nàng chúa ong", "Những vần thơ
thép"); nhà nghiên cứu sân khấu Mịch Quang (sách: "Đặc trưng nghệ thuật
Tuồng", "Khơi nguồn mỹ học dân tộc"); GS. NGND Trọng Bằng (ca
khúc: "Bão nổi lên rồi", "Chúng ta là chiến sĩ công an",
"Vang mãi bản tình ca", "Giao hưởng thơ Người về đem tới niềm
vui", Hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng "Trường ca Tây Bắc- Điện Biên
Phủ"…); TS Doãn Nho (Thanh xướng kịch: "Trẩy hội Đền Hùng",
"Hoa Lư Thăng Long - Bài ca dời đô", Giao hưởng "Khúc tưởng niệm",
Liên khúc Giao hưởng 3 chương "Chiến thắng"); PGS Chu Minh (các ca
khúc: "Tên người đẹp mãi Bến Tre", "Non nước tên Người",
"Ngày ấy người đi dặm dài thế kỷ"…).
Ngoài 7 tác giả vinh dự được trao tặng giải thưởng
cao quý này còn có 3 cố tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm có
nhà văn Xuân Thiều (tiểu thuyết thiếu nhi: "Khúc hát mở đầu", tiểu
thuyết "Huế mùa mai đỏ"); nhà văn Hữu Mai (tiểu thuyết "Đêm yên
tĩnh" ,"Người lữ hành lặng lẽ"); nhạc sĩ Hoàng Hà (Giao hưởng hợp
xướng: "Côn Đảo", ca khúc: "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn",
"Cùng hành quân giữa mùa xuân", "Đất nước trọn niềm vui",
"Tiếng rừng dương").
Ngoài danh sách nói trên, Chủ tịch nước cũng ký quyết
định trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho 56 tác giả - đồng tác giả và 11 cố tác
giả có đóng góp xuất sắc cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà, trong đó có các
tên tuổi như Đạo diễn - NSND Nhuệ Giang, nhà viết kịch Chu Thơm, nhà văn Dương
Hướng, đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn, NGND Hoàng Cương, GS. TS Trần Thế Bảo, NSND
Lê Văn Thi, NSND Trần Thế Dân, TS Ngô Phương Lan, KTS Lê Thành Vinh, NSND Hà Bắc,
nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương...
Có thể nói, sau 5 đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí
Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật bắt đầu từ năm 1996 đến nay,
chưa có năm nào không có những vấn đề "lùm xùm" đáng tiếc xảy ra. Đặc
biệt là, khi danh sách 10 tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh được "rỉ
tai" nhau ra ngoài từ giữa tháng 1-2017, đặc biệt ở lĩnh vực "nhạy cảm"
là văn học chỉ còn lại 2 tác giả là Hữu Mai và Nguyễn Xuân Thiều được giải thưởng
khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên và gia đình, thân nhân của hai nhà văn quá
cố còn lại bức xúc. Bởi theo thông tin được công bố trước đó, nhiều người đã
nghĩ rằng, khả năng cố nữ thi sĩ Xuân Quỳnh và cố nhà văn Thu Bồn sẽ là những
người được xướng tên là khá cao...
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ 25 hồ sơ được đệ trình
lên Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, có 18 hồ sơ
đủ tiêu chuẩn với trên 90% số phiếu đồng ý từ các thành viên của Hội đồng này,
trong đó vẫn có tên nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà văn Thu Bồn. Đến khi danh sách
này được "gút" lại còn 13 hồ sơ, tờ trình của Bộ VH-TT& DL trình
lên Thủ tướng Chính phủ vẫn có tên nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà văn Thu Bồn. Nhưng
đến danh sách được Chủ tịch nước ký và công bố gần đây nhất thì tên hai tác giả
này đã bị "trật ra" sau khi đối chiếu với các quy định tại Khoản 3,
Điều 9, Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ về "Giải thưởng Hồ Chí
Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về Văn học nghệ thuật.
Bức xúc trước thông tin nữ thi sĩ Xuân Quỳnh không
có tên trong danh sách được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, PGS Lưu Khánh
Thơ - em chồng của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, đồng thời là người trực tiếp kê khai hồ
sơ đã có bức "Thư ngỏ" gửi đến một số cơ quan thẩm quyền mong muốn có
câu trả lời chính thức "về lý do nhà thơ Xuân Quỳnh không có tên trong
danh sách được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2016".
Sau đó, bằng những nỗ lực của cá nhân và tình cảm
dành cho vợ chồng người anh tài hoa bạc mệnh của mình, PGS Lưu Khánh Thơ - đại
diện gia đình của cố tác giả Xuân Quỳnh đã có Đơn đề nghị Thủ tướng Chính phủ
và các cơ quan liên quan xem xét hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh
cho tác giả Xuân Quỳnh do gia đình đã xin được Giấy xác nhận của Hội Nhà văn Việt
Nam về việc tập thơ thiếu nhi "Bầu trời trong quả trứng" của tác giả
Xuân Quỳnh từng được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982-1983…
Giống với tâm trạng của PGS Lưu Khánh Thơ, NSƯT Hồ
Thanh Hương - vợ của cố nhạc sĩ Thuận Yến cũng tỏ ra ngạc nhiên và bức xúc trước
thông tin chồng mình không có tên trong danh sách được vinh danh ở hạng mục Giải
thưởng Hồ Chính Minh. Bà Hương cho biết, bà cũng sẽ làm đơn đề nghị xem xét lại
trường hợp của chồng mình và những đóng góp đáng kể của ông đối với nền văn học
nghệ thuật của nước nhà.
Ngày 24-2 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã ký
văn bản số 39/BC-BVHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ nhằm báo cáo chi tiết về
công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ
thuật năm 2016. Theo báo cáo được Bộ này đề nghị phổ biến thì: "Ngày
14-2-2017, Bộ VH-TT&DL đã có Tờ trình số 31/TTr-HĐGT trình Thủ tướng Chính
phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" về văn
học, nghệ thuật cho 2 cố tác giả: Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Hà Đức Trọng (Thu Bồn),
có hồ sơ đủ điều kiện và tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số
thành viên Hội đồng cấp Nhà nước. Hồ sơ này tuy thiếu Giải thưởng theo quy định
tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ nhưng các tác phẩm
này được Hội đồng đánh giá có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và hình thức
nghệ thuật; có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn
và lâu dài trong đời sống xã hội, tác dụng giáo dục và định hướng thẩm mỹ cao
cho thanh, thiếu niên; góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân
dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Đây được xem là nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ trưởng Bộ
VH-TT&DL trong hoạt động này và thực tế cho thấy, những quy định tại
Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập cần phải có
những điều chỉnh kịp thời. Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước
về văn học nghệ thuật đang đến rất gần, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11-3 tới.
Nguồn: Văn Nghệ Công An