Bộ VH-TT-DL sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến để sửa đổi quy trình xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật theo chỉ đạo của Thủ tướng…. Hiện theo Nghị định 90, năm 2014, về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật: điều kiện cho tác giả nhận giải thưởng Hồ Chí Minh phải có công trình đặc biệt xuất sắc, giải thưởng Nhà nước phải có công trình xuất sắc. Công trình đặc biệt xuất sắc và xuất sắc đều căn cứ vào việc được tặng giải vàng, giải A, giải nhất trong các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm quốc gia hay giải thưởng cao nhất của Hội Văn học - Nghệ thuật chuyên ngành T.Ư...



KHÔNG ĐỂ QUY TRÌNH MÁY MÓC CẢN TRỞ VIỆC TÔN VINH

TRINH NGUYỄN

Ngày 1.3, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xem xét lại quá trình xét giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. “Không được để các quy trình máy móc cản trở việc tôn vinh các tác giả có tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng và có những đóng góp to lớn cho dân tộc”, Thủ tướng nói.

“Sáng tác trong tù thì lấy đâu ra giải thưởng ?”
Gia đình cố nhà thơ Xuân Quỳnh đã gửi thư ngỏ lên Thủ tướng về việc cố thi sĩ trượt giải thưởng Hồ Chí Minh. Những gia đình nghệ sĩ khác cũng viết thư gửi Thủ tướng với nội dung tương tự. Trong đó, có thư của gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến, người đã sáng tác những bài ca kể câu chuyện hai bờ chiến tuyến, về lòng kính yêu Bác Hồ vô hạn. Có cả thư của gia đình cố NSND Đinh Ngọc Liên, người đã chỉ huy dàn nhạc kèn của đoàn Quân nhạc VN từ thời chống Pháp tới mãi sau này. Ông cũng là một trong những người xây dựng đoàn Quân nhạc VN thành chính quy, là tác giả của cụm kèn hiệu vẫn dùng trong quân đội, nghi lễ cho các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi duyệt binh. Họ đều bàng hoàng và xót xa cho người thân khi bị dừng giải thưởng Hồ Chí Minh ở cấp xét duyệt cuối cùng.
Cũng có những gia đình khác nhiều tâm trạng không kém, nhưng lại chọn cách im lặng. “Tôi hỏi có muốn con viết đơn, ông bảo thôi viết làm gì bởi đi xin giải thưởng đã là không hay rồi... Tôi mong hội đồng có lời giải thích cụ thể tại sao bố tôi bị gạt ra. Không phải là chuyện được hay không, quan trọng là lời giải thích và lý do chính đáng”, đạo diễn Trần Lực, con trai của NSND Trần Bảng, nói. Những đóng góp của ông Bảng cho chèo hiện đại là không thể bàn cãi.
Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, bức xúc về việc đợt này hội của ông có có 8 người trong danh sách gửi lên vòng xét giải thưởng Hồ Chí Minh cuối cùng thì trượt 6. “Toàn là các tác giả thời kỳ chống Mỹ... Tranh của họ được bày tại nhiều triển lãm phục vụ nhân dân thường xuyên. Người ta bày trong bưng biền, người ta bày phục vụ quân đội...”, ông Chương nói.
“Toàn là tác phẩm thời kỳ chống Mỹ thì không có giải thưởng, hoặc tượng đài hay truyện tranh chưa bao giờ chấm giải thưởng. Rồi như ông Bửu Chỉ là sáng tác trong tù thì lấy đâu ra giải thưởng. Hay ông Nguyễn Bích vẽ cuốn Sát Thát chẳng hạn, rất nổi tiếng, là tác phẩm mở đầu tranh truyện VN. Tôi có nghe ông ấy được giải ở Đức, ở Nga, nhưng hồi ấy chẳng ai gửi bằng về, nên gia đình cũng không dám khai, hội cũng chẳng dám viết. Thời kháng chiến mà, phục vụ nhân dân là chính. Quy chế xét thưởng đòi cái mà người ta không thể có, cái không thể có thì không thể đòi được”, ông Chương nói.
Ngày 23.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi trong cuộc họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư: “Tôi lấy ví dụ về vấn đề mà dư luận đang xôn xao, là giải thưởng của nhà nước trong lĩnh vực văn học, cho giới văn nghệ sĩ. Có câu hỏi là tại sao Xuân Quỳnh, Thu Bồn chưa được trao giải thưởng? Do thủ tục, cách làm hay do chủ quan của bộ phận làm thi đua - khen thưởng?”.

Sẽ sửa nhiều tiêu chuẩn
Ông Trần Khánh Chương cho biết thời gian kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có rất nhiều tác phẩm xuất sắc nhưng lại không có triển lãm toàn quốc, cũng không có điều kiện dự triển lãm quốc tế. Tới năm 1993, hội mới có hệ thống giải thưởng đều đặn. Tuy nhiên, điều đó không làm giảm giá trị tác phẩm trong đời sống. Theo ông Chương, giải thưởng chỉ để tham khảo, còn quyết định chính phải dựa vào hội đồng chuyên môn xem xét trên chính tác phẩm. Chẳng hạn, bức tranh sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (Nguyễn Sáng) là tác phẩm xuất sắc nhất của nghệ thuật cách mạng song không có giải thưởng gì. “Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được xét tác phẩm từ năm 1945 trở lại đây. Có nghĩa là 72 năm nay mà chỉ lấy thực tế 20 năm Đổi mới để xây dựng tiêu chuẩn thì làm sao đáp ứng được”, ông Chương nhận định.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, cũng lên tiếng về tiêu chuẩn giải thưởng: “Chúng ta trao giải chỉ dựa trên giải thưởng thì nhiều người rất thiệt thòi. Chẳng hạn, NSND Trần Bảng có nhiều cuốn sách hay về chèo. Nhưng ngày trước ông làm lãnh đạo lại rất giữ ý, không bao giờ dự giải nên giờ thành ra lại chưa được vinh danh”.
Chưa kể, việc lưu trữ thời chiến tranh và việc xét dùng các chứng nhận tương đương cũng cần tính tới khi xét giải thưởng. “Tôi sẵn sàng chứng nhận là có việc anh Nguyễn Bích được giải thưởng truyện tranh tại Đức và Nga hồi đó”, ông Chương nói.
Ông Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, cho rằng cần thay đổi quy định về số phiếu thuận trong hội đồng để đạt giải thưởng. Hiện nay, mỗi hồ sơ đều phải đạt ít nhất 90% số phiếu bầu để có thể đạt giải thưởng. Ông Thông chia sẻ có lần đã trao đổi với thành viên hội đồng xét duyệt giải thưởng, người này còn không biết hết về tác phẩm của một hồ sơ do Hội Kiến trúc sư đề cử. Trong khi đó, khối lượng công việc, công trình của người được đề cử đó chỉ có thể nói là khổng lồ. “Thế thì chuyện đạt 90% phiếu là quá khó, quá rủi ro”, ông Thông nói. Trước đây, một hồ sơ chỉ cần 75% số phiếu là đạt. Ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, cũng là người từng đề nghị bỏ phiếu để xét lại trường hợp nhà văn Bảo Ninh nhưng kết quả trượt vẫn không thay đổi. Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của ông Ninh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới để giới thiệu văn học VN.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lại cho rằng đầu tiên phải bàn về điều mà giải thưởng muốn hướng tới. Theo ông Nguyên, trong đợt đầu, chúng ta tôn vinh những tác giả đã có cả một quá trình cống hiến, sự nghiệp lâu dài. Khi đó giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đều trao cho các “cây đa, cây đề”. Tuy nhiên, tính đến nay, nhiều tác giả thậm chí còn chưa cho thấy sự cống hiến cũng đã đủ tiêu chuẩn được giải thưởng.
Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VH-TT-DL cho biết: “Ngay sau khi trao giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay (11.3), chúng tôi sẽ bắt tay vào việc sửa đổi nghị định về giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật”.

Nguồn: báo Thanh Niên