Tác giả được giải thưởng tự răn đe “Trái tim sinh thời nào thì tròn méo theo thời ấy/ Chắc hẳn người đời sau sẽ chê tròn, chê méo trái tim ta”. Còn tác giả hụt giải thưởng tự khuyên nhủ: “Anh không hái nổi mùa anh rồi, em ạ/ Chỉ vì anh đã vung nắm thóc anh vô trật tự/ Ngỡ góc bể chân trời nào đều có lúa anh gieo/ Giờ đây lúa anh lên cùng với cỏ/ Anh gieo bão mà gặt về chỉ gió/ Giàu cỏ cánh đồng thôi, còn nắm thóc vẫn nghèo”. Tất nhiên, cũng có người vì chưa được giải thưởng mà nhói lên chút đau đớn ngọt ngào: “Những vết thương gây ra bởi mùi hương, lâu lành hơn cả/ Chữa lành ư? Lại phải có mùi hương/ May quá! Đây là vết thương không chảy máu, không có hình, không có sẹo/ Và anh có thể đi lại, tươi cười, dẫu bị tử thương”. 

DÙNG THƠ CHẾ LAN VIÊN BÀN VỀ THỊ PHI GIẢI THƯỞNG

LÊ THIẾU NHƠN

Khi những chuẩn mực văn hóa và đạo đức của xã hội đang phải đối mặt với nhiều thử thách, thì các loại giải thưởng rất khó tìm được sự đồng thuận. Và một sự thật không ai có thể phủ nhận là nền văn nghệ chúng ta đang vắng bóng danh sư, vắng bóng những nhân vật mà tiếng nói của họ tạo được niềm tin cho công chúng về giá trị nghệ thuật nhất định. Trước những bấn loạn thẩm mỹ văn chương, chúng ta nhớ đến Chế Lan Viên, một nhà thơ bậc thầy có khả năng dùng thi ca như một công cụ phê bình để nhận đường và mở lối cho sáng tác. Ngay cả giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà Nước cũng liên tục có những mùa trao giải nhiều tiếng bấc tiếng chì, hãy thử lật lại thơ Chế Lan Viên như ông từng di ngôn: "Tôi chết rồi, thơ sau đó sẽ xanh hơn/ Cố nhiên đó là thơ nhân loại khác/ Nếu có luân hồi, ta sẽ về, sẽ đọc/ Sẽ nâng làn cỏ lạ lên môi hôn", biết đâu sẽ có được vài suy nghiệm nho nhỏ!

Hiểu được giá gạo, giá xăng không ngừng tăng lên, số tiền kèm theo giải thưởng cũng tăng lên. Số tiền vài trăm triệu đồng, có thể không lớn với doanh nhân túi bạc kè kè nhưng lại tương đối lớn với thi nhân mộng mơ trăng gió. Số tiền ấy thật đáng phấn khởi giữa hoàn cảnh: "Chung quanh bọn tham ô/ Xây biệt thự lớn nhỏ/ Còn lên lớp nhà thơ/ Cần chịu đựng gian khổ".

Kinh phí đã xong, còn tác phẩm thế nào? Không hề đơn giản, vì bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, ai cũng mơ hồ đoán được: "Bể đã ra khỏi hồn thơ nhiều thi sĩ/ Sóng không còn trong lòng họ từ lâu/ Vầng trăng gọi các thủy triều đã xế/ Gà vịt chuồng thay cánh trắng hải âu". Thế nhưng, đến hẹn lại lên, vẫn phập phồng hy vọng: "Hương bay ở chỗ vắng trầm/ Thơ vang ở chỗ bặt câm ngôn từ".

Làng văn chương không ít những âm thanh ngân nga, tác giả dễ thấy trên tivi và trên mặt báo, mà tác phẩm cứ thưa thớt dần. Những lời kêu gọi làm đơn xin xét tặng giải thưởng vừa hoan hỉ vừa hồi hộp: “Bốn nghìn năm chưa phải là ta đã cày sâu vào trang giấy lắm đâu/ Gié lúa nhiều thế kỷ cầm lên còn lép hạt”. May mắn làm sao, một tiếng hô có trăm tiếng đáp, đơn đề cử và đơn ứng cử khắp nơi bay về. Có đơn được chuyển từ tổ chức chuyên môn và có đơn được chuyển từ chính quyền địa phương, đều cạnh tranh nhau một cách công bằng: “Nghệ thuật đẻ ra ở chỗ giành hai lực/ Nước xô đi và xoắn lại ở chân cầu”. Cứ thế, sự xét duyệt trải qua nhiều chặng gay cấn, hết hội đồng cơ sở đến hội đồng cấp Bộ, rồi đến hội đồng cấp quốc gia: “Những câu thơ pháo – đất – đối – đất vẫn phải qua trời bằng một đường cong/ Có những lúc câu thơ phải bắn cầu vồng/ Mà người nhắm vẫn là nhắm thẳng”. 

Mỗi lần trao giải, những người đang sống không thể lãng quên những người đã khuất. Có thể là sự bái vọng, có thể là sự tưởng niệm: “Có nhà thơ để lại bộ lông vằn tên tuổi/ Các thế hệ sau đến độn vào đấy rơm và danh vọng/ Thậm chí thêm cho con vật chết khô/ Cả một tiếng gầm”. Không sao, văn chương tự cổ vẫn thế, cứ nhìn danh sách đề cử sẽ thấy “Có rồng, nhưng cũng có cá rồng rồng, không phải rồng/ Có thơ, nhưng lại cũng có cái thẩn thơ, thơ thẩn”. Đi sau những bóng dáng lồng lộng của Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao... không hề đơn giản chút nào. Người nhận giải kế theo phải lấy gì để khỏi ngượng ngùng với tiền nhân chứ? Trường giang sóng sau xô sóng trước cách nào? Chế Lan Viên tư vấn: “Tạo ra một giống thơ như một giống lợn nạc nhiều/ Có đùi to, mông to, mười sáu cặp lườn, lắm vú/ Hôn phối nhiều loại thơ để đẻ ra loại thơ ưu tú/ Những F1 mượt lông nhiều sữa, có nên chăng?

Quần anh tụ hội, cái chiếu giữa làng nô nức chen chân, có đề cử được công chúng hài lòng, có đề cử khiến công chúng băn khoăn: “Sợi chỉ lòng anh nghèo có một màu/ Xe vào cái đa sắc của cuộc đời nên chói lọi/ Anh chửa vội dệt đâu, hãy cần cù xe sợi/ Cho quấn chặt vào nhau trăm hình ảnh rạc rời”. Và bất cứ cuộc hò reo nào, đôi lúc cũng chợt ngẩn ngơ vì chỗ trống các tài năng không tham gia: “Phải ba triệu sóng gió của đời mới đúc nên châu ngọc/ Khốn nỗi, đã là ngọc ư, thì lại dễ xa đời”. Đồng nghiệp và bạn đọc không biết nói gì trước những tác giả vì lý do này hoặc lý do khác để không làm đơn xin xét tặng giải thưởng. Đành thở dài chia sẻ bằng thái độ của thi hào dân tộc gửi gắm cho cháu con: “Bất tử hay không, Nguyễn cóc cần/ Thiên tài quen sống đời mây cô độc/ Tuổi tên là phù vân/ Ông chỉ mong ta bền một chữ tâm/ Nhỏ một giọt sương người bên khóe mắt/ Cái Nguyễn chờ là giọt lệ hồi âm”.

Cờ đã treo, trống đã giục, ai thích thì ganh đua, luật chơi rất rõ ràng. Tác giả đã đoạt giải thưởng Nhà nước rồi, thì tìm thêm tác phẩm để ứng thí giải thưởng Hồ Chí Minh. Không có tập riêng khác biệt thì làm tuyển tập chọn lọc: “Đất nước thừa những con sông Tiền Đường định mệnh/ Và dù anh chia Nguyễn Du, Tố Như, Thanh Hiên máu thịt đời anh ra làm ba mảnh/ Thì giọt lệ trang Kiều gom lại một mà thôi”. Náo nức hơn cả, là những tác giả bấy lâu nay xa lạ với độc giả, vẫn tự tin liệt kê danh mục hàng chục tác phẩm đủ mọi thể loại, dù có thể chính họ cũng hiểu: “Trăm câu thơ xóa đi cho một câu khỏi ném vào trong gió/ Và chắc gì câu kia bay được tới bình minh”.

Đề cử thì vô tư, nhưng giải thưởng có hạn. Hội đồng giám khảo bỗng mang gánh nặng nghìn cân, khi phải đóng vai trò những kẻ thưởng lãm thông thái trước bài toán hóc búa: “Khi tất cả những người đọc anh đã bỏ đi/ Còn một độc giả yêu anh và ở lại/ Anh có gì cho người kiên nhẫn ấy? Có còn chăng một vì sao dành lại giữa đêm khuya/ Người ấy tìm ra ngôi sao mà anh hằng ngắm ấy/ Chính ngôi sao kia sẽ gọi trăm người đọc quay về”. Tất nhiên, Hội đồng giám khảo có tiêu chí riêng và bản lĩnh riêng để cầm cân nảy mực cho cuộc chiến hào hoa và lịch lãm nhưng cũng đầy thị phi: “Hãy nghĩ các vị thầy sẽ về đọc thơ anh/ Đó là Nguyễn Du, Nguyễn Trãi/ Các vị thích gì? Thích anh không nhai lại các thầy xưa/ Thích anh có văn phong thời anh, các vị chưa biết bao giờ/ Thích biết chuyện thời anh/ Tâm hồn anh không có gì giống như tâm hồn các vị”. Và chính Hội đồng giám khảo đang chau mày nghiêm nghị đong đếm nặng nhẹ lẫn những ứng viên đang nắc nỏm mong chờ kết quả, vẫn tin chắc công chúng đang cày ruộng, công chúng đang may áo, công chúng đang nấu cơm, mới có quyền phán xét cuối cùng: “Bài thơ anh diễn lên cho người xem trước mặt/ Nhưng có người xem từ buồng trò, xem ra he hé cánh gà/ Họ vừa xem, và nếu anh quên tuồng thì họ nhắc/ Mỗi câu thơ anh đều từ suối họ sinh ra

Ai cũng dễ dàng đồng tình: “Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn/ Chả qua để kẻ yêu thơ khỏi tủi trong lòng/ Ông đã hóa mây trắng bay ngang trời hoài niệm/ Hóa ra Kiều cao gấp mấy đời ông”, nhưng đã thi thố ắt phải có kẻ được người không. Tác giả được giải thưởng tự răn đe “Trái tim sinh thời nào thì tròn méo theo thời ấy/ Chắc hẳn người đời sau sẽ chê tròn, chê méo trái tim ta”. Còn tác giả hụt giải thưởng tự khuyên nhủ: “Anh không hái nổi mùa anh rồi, em ạ/ Chỉ vì anh đã vung nắm thóc anh vô trật tự/ Ngỡ góc bể chân trời nào đều có lúa anh gieo/ Giờ đây lúa anh lên cùng với cỏ/ Anh gieo bão mà gặt về chỉ gió/ Giàu cỏ cánh đồng thôi, còn nắm thóc vẫn nghèo”. Tất nhiên, cũng có người vì chưa được giải thưởng mà nhói lên chút đau đớn ngọt ngào: “Những vết thương gây ra bởi mùi hương, lâu lành hơn cả/ Chữa lành ư? Lại phải có mùi hương/ May quá! Đây là vết thương không chảy máu, không có hình, không có sẹo/ Và anh có thể đi lại, tươi cười, dẫu bị tử thương”. 

Như một lẽ thường tình của nhịp sống văn minh, trong thâm tâm những người chưa được giải và những người chưa dự giải đều mong muốn vài bất cập về cơ chế xét tặng sẽ được cải tiến ngày càng hợp lý: “Với con thuyền xưa, Crixtốp Côlông tìm ra châu Mỹ/ Sao con tàu ngày nay vứt dáng cổ thuyền xưa? Chả là tàu muốn trung thành hơn với bể/ Nội dung bể phải đâu muôn đời vẫn thế/ Thay hình thức của thuyền đi, sẽ hiểu bể thêm mà!”

Các loại giải thưởng khác thì nhiều, mà giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà Nước thì 5 năm mới có một lần. Dư luận ồn ào lên rồi trả các tác giả về với bản thảo nhọc nhằn: “Đừng chờ câu thơ anh làm anh vĩnh cửu/ Anh như con nhện đòi dệt tơ tằm, sao được? Dệt nắng trời sao được? Làm sao câu thơ anh lại lâu dài, trường cửu/ Hơn đời anh chóng vánh?”. Và lại viết, viết lặng lẽ, viết bồn chồn, viết âu lo vì sứ mệnh người cầm bút: “Sau lưng anh còn mênh mông nhân loại/ Đừng nghĩ mình là người đi cuối/ Phải để lại dấu chân, nhành cây, viên sỏi/ Cho người theo sau không cô đơn”.

Văn chương thời hội nhập mỗi ngày mỗi nghiệt ngã, đòi hỏi những tác giả khao khát kê cao tác phẩm Việt phải vượt lên trở ngại: “Cởi bỏ cái cũ có khi tuột da, lòi xương, chảy máu/ Đất nước bùn lầy đẻ ra công nghiệp khó khăn sao/ Trận đánh ấy ta trèo lên, tụt xuống rồi lại phải trèo lên/ Giữa cảng lớn dầu khí ngày nay, con thương mẹ ngày xưa leo lét ngọn đèn dầu/ Mẹ lấy tay che phía này, phía nọ cho trang thơ con được lặng/ Trong khi trang con viết ngày nay đang chờ Gió Lớn ùa vào”. 

Không thể nói khác, giải thưởng Hồ Chí Minh hay giải thưởng Nhà Nước ngoài sự ghi nhận, còn là một thước đo và còn là một sự cảnh tỉnh giúp mỗi tác giả nhắc nhở bản thân: “Để cho người ta có thể cúi xuống vuốt mắt tay chân anh lạnh giá/ Không lợm mửa khi khiêng anh bỏ vào hòm/ Hôm nay anh cố gắng tạo mùi hương trí tuệ/ Viết câu thơ sáng chói tâm hồn”.