MỖI LẦN NHỚ TỚI TÔ ĐỨC CHIÊU….
TÔ HOÀNG
Tính về số trang viết, số đầu sách Tô Đức Chiêu cũng thuộc tay không vừa… Truyện ngắn có các tập: Ngày về, Những người săn tôm, Nhớ đàn chim vàng anh, Đàn vịt giời bay về đâu, Lá bàng xanh ngoài cửa sổ. Tiểu thuyết có: Chân pháo, Chàng rể, Về trong mưa bão, Tháng năm dài lang bạt, Tháng ngày đằng đẵng chân trời, Đường về Thà Khẹt, Thời để nhớ. Và năm 2011 là Phận kiến.
Ấy vậy, nhưng khi nghĩ về nghề văn, hắn chân thành bộc bạch: “Viết là nghề khó và cũng gây ra khá nhiều phiền muộn, nhất là đối với ai ít tài năng hoặc giả không có tài năng như tôi. Giá năm nay chừng mới bốn mươi tuổi tôi nhất định sẽ chuyển sang nghề khác. Tiếc rằng gắng theo đuổi mãi cho tới bây giờ thì mọi sự đã an bài” ( “Nhà văn Hiện đại Việt Nam” in lần thứ IV )
Nhân vật của tôi đã quá “biết điều” như vậy, nếu tôi có thiên về hắn mà không thiên nhiều về sách của hắn, chắc bạn đọc cũng thể tất…
Bỗng nhớ tới một đêm mùa hè năm 1967. Những khoảnh đồi chi chit hố bom, sực nức mùi có cháy, mùi đất mới của vùng Cù Đinh- Ba De hiện ra chập chờn ma quái dưới ánh sáng của đèn dù pháo sáng. Lính vượt sông Tuyến đi vào, đi ra chen chân nhau. Trong tiếng hổn hển, ì ạch thở dốc bỗng có tiếng người nói to, tung tóe trong tiếng cười: “Khiêng pháo với lão Tô Đức Chiêu cao kều này khốn nạn nhất là thằng đi sau” Tôi lên tiếng cuống quít: “Có phải Chiêu đăng bài trên Văn Nghệ Quân đội số vừa rồi không? Thế là vồ vập, quếnh quáng ôm choàng lấy nhau, kéo nhau xuống một hố bom khi có lệnh hạ đòn khiêng, giải lao.
Dạo đó là thế! Cứ có một hai bài thơ, bút ký, truyện ngắn đăng trên Văn Nghệ Quân đội, hay báo Văn Nghệ, y rằng như đã quen nhau từ lâu, đã thân thuộc, gần gụi để sẵn sàng dốc ruột dốc gan mọi chuyện. Hỏi ra, Chiêu cũng họ Tô, nhưng quê Gia Lộc, Hải Dương, chứ không phải Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên như tôi. Nay đều là dân pháo. Chiêu thuộc pháo cối, tôi pháo nòng dài. Chuyện văn chương dưới hố bom tối đó nhắc tới tên các anh Từ Bích Hoàng, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu…Nhắc nhiều tới những truyện ngắn, những bài thơ hay, gây ấn tượng của Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật… Bỗng Chiêu hấp tấp móc từ trong túi áo ngực vật gì đó. Bật cái đèn pin đã che giấy đen ở phao đèn, chỉ để lọt một giọt đỗ ánh sáng hắt lên tấm ảnh, Chiêu thì thào:“ Em gái mình đấy! Nó đang học ở Liên Xô”. Trong tấm ảnh đen trắng tôi bỗng nhìn thấy không phải là một mà có tới ba chiếc gối trắng tinh, căng phồng xếp cạnh nhau. Gương mặt một cô gái trẻ, với mái tóc buông dài, đôi mắt to tròn dạn dĩ, tỳ cầm lên gối. Tôi bảo Chiêu bật đèn lên thêm một lần, lần nữa. Chả mơ mộng, hão huyền đâu nhưng quả là có điều gì quá đỗi tương phản giữa bãi chiến trường đêm nay với tấm ảnh kia. Tấm ảnh vừa xa vời, lại vừa hiện hữu ước mơ của tất cả bọn chúng tôi thuở mười chín, đôi mươi. Sau này, khi giải thích niềm tin cậy, độ ấm áp của những dòng viết, trang viết thuở ấy, tôi và Chiêu thường hay nhắc đến bức ảnh cô em gái Chiêu trong đêm Cù Đinh- Ba De. Lại tới những tháng năm khi niềm tin ấy lợt lạt, những dòng viết đến với từng trang giấy nhọc nhằn, cậm cạch hơn cũng là lúc Chiêu báo cho tôi hay, cô em gái anh đã lấy chồng sinh ba năm đôi, lương hai vợ chồng không khá giả gì; Chiêu phải gửi tiền giúp đỡ gia đình cô em; tiếp tới cô em gái đổ bệnh rồi mất…
Đăng thêm vài cái ký, vài truyện ngắn nữa tôi và Chiêu được gọi về Ban Tuyên Huấn, Tư Lệnh Pháo 351 sắm vai “đầu binh cuối cán”. Xuống các đơn vị pháo đất, pháo biển ở Khu IV cũ, ở Vinh Linh, Quảng Trị vừa phát hiện “người tốt việc tốt”, nhặt tin tức cho báo ngày, báo tuần, cũng đồng thời ghi vào sổ tay khẩu pháo số mấy đã bắn nhiều loạt đạn xuống căn cứ Mỹ ở Dốc Miếu, Cồn Tiên; khẩu pháo nào bắn chìm tầu Vơ- đét Mỹ… Cả việc gom những chiếc đui đồng của phát pháo đầu tiên này, kia đã bắn chi viện cho bộ binh ở trận Y, trận X để gửi xe chở về Hà Nội nhập phòng truyền thống binh chủng. Trở ra Hà Nội thì sáng tác lời cho các bài ca của đội văn nghệ binh chủng; cắt khẩu hiệu, đóng đinh leo thang, căng, dán mỗi khi Binh chủng mở hội nghị tập huấn hay diễn ra những dịp lễ lạp… “Trợ lý dao pha” mà! Còn việc viết lách văn nghệ, văn gừng không ai giao mà tự lo lấy.
Bây giờ nghĩ lại những năm tháng ấy thấy sao lạ quá. Vào chiến trường, đi theo trinh sát pháo binh tới phía bắc sông Bồ, phía nam căn cứ Ái Tử; lọt vào giữa vùng Tam giác sắt Đông Hà-Cùa- Tân Lâm thì là chiến tranh, là bom đạn, là cái chết rình rập. Ngược đường khu IV cũ ra Hà Nội vẫn giăng giăng đèn dù trên đầu, tiếng phản lực gầm rú và bom, roc két, pháo hạm chớp lửa xanh lét như ma trơi. Nhưng về tới Hà Nội y như rằng có bể chứa nước máy, có nhà tắm nóng, lạnh tập thể; có những buổi sáng tinh mơ tập thể dục theo nhạc trên đài; có bữa điểm tâm với bát cơm rưới nước mắm, bữa trưa, bữa chiều ngồi trong nhà ăn đại táo bốn người một bàn…
Nhớ rõ, lúc nào rỗi rãi Tô Đức Chiêu liền cặm cụi bên bàn viết. Chuyện gì mà viết lắm thế? Tò mò, vắng Chiêu, ngó vào bản thảo. Thì ra cũng là những thứ được nghe kể, được ghi vào sổ tay khi xuống đơn vị mà thưa vắng hẳn những gì mách bảo của trí tưởng tượng. Yên lòng, vì một đồng nghiệp na ná giống mình. Bản thảo của Chiêu dày đặc những hàng chữ nhỏ li ti như nhiều đàn kiến đang nối đuôi nhau. Viết hoàn chỉnh trang nào, hắn kê thêm 1,2 tờ giấy than chép lại, cho có thêm vài bản… lưu cảo! Hỏi: Để làm gì? Đáp hồn nhiên: Giành cho hậu thế!
Sau bữa cơm trưa, như một lệ quen, Chiêu rửa sạch cái chậu nhôm, ra bể nước văn rô-bi-ne hứng đầy một chậu bê vào đặt dưới gầm giường, đợi 1giờ15 kẻng báo thức mang ra rửa mặt. Lại hỏi: Sao cần phải vất vả thế? Đáp: Có mát mẻ, tỉnh táo văn chương mới hay!
Ương ương, gàn gàn, viết lách ùng oàng như mình nhưng thi thoảng ngó hắn nghiêng nghiêng trên trang viết, tôi bỗng giật thột phát hiện ra nom hắn hao hao…Lep Tolstoi thời trẻ! Quả là không được coi thường!
Tôi loạng quạng lui tới “le” đám các em văn công Tổng Cục, Đoàn Chèo trung ương, trường Múa Việt Nam… Chiêu chê tôi lãng mạn, không thực tế. Hắn về quê Hải Dương, cưới liền một cô vợ giáo viên, cấp 1 hay cấp 2- tên Xuân, nom mỏng mày hay hạt, ăn nói dịu dàng, khu xử gia giáo, mà lại rất chi là … “tây lai".
Vẫn là lính, vẫn nhận lệnh xuống các đơn vị nơi bom rơi đạn nổ, thế mà quay về HàNội liền được hưởng những “bổng lộc” giống y một viên chức nhà nước. Ví như thỉnh thoảng được mua một đôi chiếu hoa, vài mét vải, thùng lương khô Trung Quốc, hai ba chục lít xăng- thứ xăng các đơn vị không quân thải ra, rắc vài hạt muối có thể đun bếp dầu, chục thăn đậu phụ, mấy cục xà phòng Liên Xô đen như cứt chó… Dĩ nhiên là với giá hời. Và quý nhất là không cần nộp tem phiếu. Dạo đó chưa có từ “ngoài luồng” như sau này. Chỉ biết rằng, nhận những mặt hàng phân phối đó, các bà mẹ, các cô vợ trẻ của cán binh ta mắt sáng rỡ, tíu tít vào ra như sắp có hội hè.
Chúng tôi vẫn ăn, ngủ ở cơ quan nhưng chiều thứ bảy và ngày chủ nhật được “xổng chuồng”: tôi về gia đình ở Hà Nội, Chiêu về quê Hải Dương. Những ngày không ăn cơm tại đơn vị, cuối tháng tài vụ trả lại định lượng gạo bằng tem phiếu. Đi các đơn vị cũng nhận tem phiếu. Nếu đơn vị nuôi, số tem phiếu đó dư ra. Tôi còn nhớ, dạo ấy những tờ tem gạo của bộ đội được tin cậy, quý giá thế nào đó so với những tờ tem phiếu nhân dân.Chả rõ vì sao Chiêu có hẳn một quyển sổ như cuốn album ảnh bây giờ để ép giữ số tem gạo. Mà phân loại đàng hoàng; 250 gram, nửa ký, 1 ký. Mỗi loại tem đều được bọc trong 1 cái túi nilon, tự hắn cắt dán lấy cho vừa kích cỡ của mỗi loại tem.
Chiêu có một chiếc xe đạp “Sputnic” của Liên xô, chắc do cô em gái du học mang về tặng ông anh. Khó lòng ai hỏi mượn chiếc xe ấy của hắn. Mỗi lần đạp xe ra phố trở về, hắn tỉ mỉ lau bụi đất hai vành bánh xe, moay-ơ, khung, đùi, đĩa.. và treo chiếc xe lên cao khỏi mặt đất bởi hai cái móc xích. Có một lần đơn vị hào phóng bán rẻ cho nhân viên cơ quan mỗi người tới 40 lít xăng phế thải. Đúng hôm ấy lại là ngày thứ bảy, Chiêu về quê Hải Dương với vợ. Tôi ngạc nhiên thấy hắn lau chùi chiếc “Sputnic” rất kỹ càng và treo chiếc xe lên cao. Hỏi: không về Hải dương à? Đáp: Về chứ! Lại hỏi: Sao treo cổ xe đạp lên? Đáp: Đường lầm lội thế kia cho hỏng xe à? Chiều đó, Chiêu gồng 2 tay 2 can dầu mỗi can 20 lít, lội mưa gió đi bộ từ Quần Ngựa, ra Chợ Bưởi, đáp xe điện xuống ga Hàng Cỏ để đáp tàu lửa về quê Hải Dương.
Tuy sống ở Hà Nội nhưng Chiêu ít giao du, bầu bạn với cánh viết văn làm thơ trẻ mặc áo lính vây quanh tạp chí Văn Nghệ Quân đội như Đỗ Chu, Nguyễn Tri Huân, Dương Duy Ngữ, Thao Trường, Triệu Bôn…Càng không bao giờ tụ bạ với đám văn thơ dân sự như Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khắc Phục, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Tô Hà, Bế Kiến Quốc…Không phải hắn định kiến, ghét bỏ ai cả. Nhỏ to tâm sự mới hay, hắn “biết thân biết phận” khi đặt chân vào mảnh đất văn chương và thấy mình không xứng đáng “xếp cùng chiếu” với những tên tuổi đang nổi lên như cồn ấy.
Viết thêm, đăng thêm… Chẳng có văn bằng, chứng chỉ nào nhưng ở cơ quan Tư Lệnh lao xao gọi hai thằng là “Nhà văn Binh chủng”. Tôi dân HàNội, áo quần, tóc tai tươm tất hơn, quan hệ rộng rãi hơn nên bị “lườm”. Chiêu mộc mạc, chân chất hơn, ít va chạm hơn. Và bản lĩnh hơn hẳn tôi vì thêm tính “bỏ ngoài tai” tất cả. Tư lệnh trưởng bảo, Chiêu đọc “Sông Đông êm đềm”, “Pie Đại đế”, “Con đường đau khổ”…nghĩa là tất tật những cuốn tiểu thuyết nhiều tập, tóm lược lại, chiều thứ 3, thứ 5, thứ 7… kể tóm tắt cho tớ nghe. Chiêu răm rắp chấp hành. Phong phanh tôi được điều chuyển lên tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Sướng mê hồn. Trưởng Phòng Tuyên Huấn bảo: Cậu cứ thích bôi mỡ vào người cho kiến nó bâu. Thích làm văn nghệ chuyên nghiệp, để sa chân vào hố bùn Nhân văn-Giai phẩm à? Tôi cãi băng xích xông. Chiêu lắc lư, khuyên can: Giải thích chuyện văn chương với họ làm gì, cho phí sức. Im lặng là vàng! Cả hai thằng yên phận với cái ve áo “thượng sỹ Đông Dương” nhiều năm, chuyển qua cái ve “chuẩn úy chuyên nghiệp” thêm nhiều năm nữa, lương lậu vẫn không tăng, sao hột vẫn thế. Tôi kêu ca, phản ứng: Mình chả tội tình gì, ra vào chiến trưởng không hề có tỳ vết . Sao ở các Phòng, Ban khác chúng lên sao hột tanh tách, còn tôi với ông thành dưa khú thế này? Chiêu cười cười như cam chịu. Sau bữa cơm chiều cho tới lúc kẻng báo giờ ngủ, úy tá xúm xít quanh cỗ bài tiến lên, ván cờ tướng… Hai thằng viết văn khốn nạn muốn tiến xa hơn trên con đường văn nghiệp, liền ra một góc che ngọn đèn hí húi với các ông Ốp, ông Ép. Liền bị chê “sống không hòa đồng”, “sống khác người”. Tôi ngu dại viện dẫn Tố Hữu khuyên phải “nhặt tý phân rơi, gom từng ngọn lá”; Chiêu không được đọc buổi tối thì tìm tới sách vào giờ được ngủ trưa.
Chúng tôi dốc ruột giải bày tâm sự, kể tội những úy, tá định kiến với dân viết văn làm thơ cho một nhà thơ “đàn anh” ở Phòng văn Nghệ Quân đội nghe. Một bận, cơ quan Chính trị Binh chủng mời “đàn anh” kia xuống nói chuyện về tình hình văn nghệ. Giữa chừng câu chuyện, nhà thơ “đàn anh” bỗng hùng hồn: ở binh chủng các đồng chí có hai tay viết. Các đồng chí cứ thẳng tay rèn cặp, uốn nắn. Để lũ văn veo này bớt đi thói tiểu tư sản, thích tự do, phóng túng và rất dễ phạm quan điểm chính trị …Ôi, thì ra, bị “lườm” nhiều, sao hột không mọc, lương lậu không tăng vì chót dại mang mấy chữ “văn nghệ sỹ” đây!
Nhớ sau tháng 5 năm 1975, các bậc nhiều sao, nhiều hột thay nhau vào hưởng hương hoa của Sài Gòn. Hai thằng “nhà văn binh chủng” bị xếp xó… Rồi đánh đùng một cái, ban Cán bộ gọi hai “nhà văn binh chủng” lên giảng giải: Tinh giảm biên chế hai cậu ạ. Các anh đại úy, thiếu tá chuyển ra ngoài khó lắm. Hai cậu hàm thấp, lương ít, lại còn trẻ, cố gắng tìm cách mà chuyển ra ngoài…Nghĩa là xéo cho nhanh !
Tôi vớt vát, còn chuyển được về làm Biên tập ở Xưởng phim Quân đội. Chiêu ở lại thêm một, hai năm và chuyển sang cậm cạch làm gì đấy… ở Ban Thanh tra Chính phủ.
Nghĩ tới bạn tôi- Tô Đức Chiêu là nghĩ tới một người rất tốt bụng, rất chân thực, cả trên trang viết, lẫn trong đời sống. Cũng là người hết sức biết điều, hết sức cam chịu, hết sức né tránh những đụng độ, va chạm, cả trong nghiệp văn lẫn trong nghiệp làm người. Biết điều, cam chịu, né tránh nhưng trong lòng vẫn kìm nén một ngọn núi lửa, để khi cần cũng cho bùng nổ thành một trận lôi đình. Mà tất cả, nghĩ cho cùng cũng chỉ để chỉ nhắm gồng gánh trên vai hai đầu quang: cuộc sống gia đình, vợ con và những trang viết hắn ấp ủ.
Rồi tôi vào Nam. Nghe nói Chiêu về làm Chánh văn phòng Hội Nhà văn VN. Đúng chỗ, đúng người rồi còn gì. Có Vâng, Dạ cũng là giữa những đồng nghiệp, bạn bè. Có dở chiêu Chí Phèo thì nơi ấy còn nhiều Chí Phèo cao tay ấn hơn nhiều. 15 năm ở văn phòng Hội Nhà văn VN viết được nhiều đầu sách; nước trong nước ngoài cũng vài lần; mua đất, xây thêm nhà mới bên kia sông Hồng, cưới vợ cho hai cậu con trai. Những gì Chiêu tạo dựng được- tôi biết, hắn tìm được một niềm vui thầm kín: Xuân, người vợ hiền hậu, xinh đẹp của hắn đều được hưởng, được chứng kiến. Đánh đùng một cái, Chiêu gọi điện cho tôi báo tin Xuân mất đột ngột..
Một năm sau, từ Sài Gòn ra, Chiêu chở tôi trên xe máy qua sông Hồng, sang thắp hương cho Xuân. Chiêu kể, cách đây mấy ngày, tớ đã vái lạy cô ấy, xin cô ấy cho phép tớ lấy vợ khác. Chờ đến ngày hết tang thì đứa chó nó vồ à?
Rồi Chiêu bị tai biến. Đến thăm, thấy hắn vẫn kềnh càng, cao lớn, mặt đỏ lựng, miệng ú ớ không nói được điều gì rành rõ. Nom lại giống ông Lev Tolstoi khi sắp rời khu trại Iasnaia Poliana. Giống hơn nữa một cây gỗ cao chạm trời, thân vòng tay mấy người ôm, bỗng một ngày không giông gió đổ kềnh càng chắn ngang lối mòn như điều thường thấy trong các cánh rừng Trường Sơn.
Hỏi người vợ sau của Chiêu: tại sao không để anh ấy nằm trên chiếc giừơng ở buồng trong mà đưa ra nằm đi-văng ngoài phòng khách thế này? Đáp, anh ấy to lớn, nặng nề thế kia, vần chuyển trên giường không nổi. Để ở đây, em còn có thể quỳ cạnh đi - văng mà xốc anh ấy lên chứ. Hỏi: thế tối cô ngủ ở đâu? Đáp, em phải ngủ cạnh anh ấy, chứ nằm xa đâu được. Nằm ngay trên sàn nhà này.
Hai lần tai biến, một lần mổ sọ. Chị vợ thứ hai này cũng đã cháo lão, thuốc thang, hầu hạ bạn tôi sắp được hai năm nay rồi…
Phận lính, được từng ấy cũng coi là nhiều rồi, Chiêu ơi !
Sài gòn, trước Tết Đinh Dậu 2017