Thu hút bởi người thật, việc thật, du ký cũng là thể
loại được công chúng trẻ đón nhận nồng nhiệt kể từ khi nổi lên thành trào lưu từ
cuối năm 2012 với "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip. Các sách du
ký nổi bật thời gian gần đây phải kể đến như "Quá trẻ để chết: Hành trình
nước Mỹ", "Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á" (Đinh Hằng),
"Nước Ý, câu chuyện tình của tôi" (Trương Anh Ngọc), "Con
đường Hồi giáo" (Nguyễn Phương Mai), "John đi tìm Hùng" (Trần
Hùng John), "Hạt muối rong chơi" (Nguyễn Phan Quế Mai)... Những
câu chuyện tản mạn về tình bạn, tình yêu tan vỡ với những cảm xúc như cái tên
đèm đẹp "Buồn làm sao buông", "Đường hai ngã người thương thành
người lạ", "Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em" (Anh Khang);
"Người yêu cũ có người yêu mới", "Mỉm cười cho qua" (Iris
Cao, Hamlet Trương)... cũng chứng tỏ sức hút mạnh khi số lượng xuất bản luôn
vào dạng "khủng".
Sách
phi hư cấu:Dễ đọc, dễ viết nhưng có dễ dãi?
PHAN THI UYÊN
Dòng sách phi hư cấu như du ký, tản mạn, tự truyện...
mà nội dung chính là ghi chép, chia sẻ chuyện đời, những trải nghiệm đó đây của
tác giả đang tỏ ra áp đảo, thắng thế trước sách hư cấu. Những tên tuổi best -
seller chủ yếu nằm trong dòng sách này. Nhiều người coi đó như một hướng đi vào
văn chương, nhưng con đường ấy không hề dễ dàng với các cây bút nghiệp dư đang
nở rộ
Các đầu sách mang nhiều tính tự sự như tự truyện, du
ký, nhật ký hành trình… lên ngôi với nhiều đầu sách mới lạ. Đầu tiên phải kể đến
hồi ký, tự truyện của người nổi tiếng. Họ kể lại một thời đã qua với bao buồn
vui, kỉ niệm hỉ nộ ái ố mà công chúng luôn tò mò muốn biết về người nghệ sĩ đó.
Mục đích của các tác phẩm dạng này đơn giản như
chính các tác giả thường trình bày: coi như một dấu mốc để mình nhìn lại đời
mình và tri ân công chúng. Phải kể đến các tự truyện nổi bật thời gian gần đây
như "Ngẫu hứng Trần Tiến", "NSND Kim Cương: Sống cho người, sống
cho mình", "Ca sĩ Ái Vân: Để gió cuốn đi"...
Ngoài người nổi tiếng, tự truyện của những nhân vật
có cuộc đời rất đặc biệt cũng được chú ý. Chẳng hạn như "Cát hay là
ngọc" - câu chuyện của một cô gái bị người lớn lạm dụng tình dục từ nhỏ;
"Bốp ơi, mẹ bị ung thư" của Bùi Thu Thủy là nỗi lòng của người mẹ đơn
thân bị ung thư; "Lạc giữa thanh xuân" là tự truyện của Bà Tưng, cô
gái nổi lên nhờ tai tiếng từ trò lố trên Facebook...
Hay mới đây là cuốn "Học để thay đổi thế giới -
Nhật ký 300 ngày ở Havard" của Trương Phạm Hoài Chung với những câu
chuyện nhỏ chia sẻ về những thú vị, khó khăn của một du học sinh Việt Nam bước
chân vào một trường đại học nổi tiếng bậc nhất thế giới.
Thu hút bởi người thật, việc thật, du ký cũng là thể
loại được công chúng trẻ đón nhận nồng nhiệt kể từ khi nổi lên thành trào lưu từ
cuối năm 2012 với "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip. Các sách du
ký nổi bật thời gian gần đây phải kể đến như "Quá trẻ để chết: Hành trình
nước Mỹ", "Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á" (Đinh Hằng),
"Nước Ý, câu chuyện tình của tôi" (Trương Anh Ngọc), "Con
đường Hồi giáo" (Nguyễn Phương Mai), "John đi tìm Hùng" (Trần
Hùng John), "Hạt muối rong chơi" (Nguyễn Phan Quế Mai)...
Những câu chuyện tản mạn về tình bạn, tình yêu tan vỡ
với những cảm xúc như cái tên đèm đẹp "Buồn làm sao buông", "Đường
hai ngã người thương thành người lạ", "Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em"
(Anh Khang); "Người yêu cũ có người yêu mới", "Mỉm cười cho
qua" (Iris Cao, Hamlet Trương)... cũng chứng tỏ sức hút mạnh khi số lượng
xuất bản luôn vào dạng "khủng".
Dòng sách phi hư cấu hấp dẫn người đọc vì chính đặc
điểm phi hư cấu của nó. Câu chuyện chia sẻ là thật, là những điều tác giả đã trải
qua, đã mắt thấy tai nghe. Anh Khang thừa nhận, phần nhiều các cuốn sách tản mạn
của mình đều viết từ những trải nghiệm nho nhỏ, ghi chép những cảm xúc chân thật
qua bao lần thất tình.
Theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt, cũng dễ hiểu khi tự
truyện, du ký, nhật ký, tản mạn tự sự... thu hút bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ.
Họ là những người chưa trải nghiệm nhiều, chưa đi nhiều, luôn nuôi trong mình
khát khao khám phá chân trời mới. Nên câu chuyện ở nơi xa xôi, trải nghiệm của
những "phượt thủ" đi trước khiến họ thích thú.
Đa phần sách du ký thường gắn liền với giọng văn sôi
nổi, trẻ trung giục giã người trẻ lên đường vì thế giới có vô số điều thú vị, độc
đáo đang chờ đón. Độc giả không chỉ được cùng người viết trải nghiệm những điều
thú vị, độc đáo ở miền đất lạ, gặp gỡ con người mới, văn hóa mới mà còn được
suy tư, học hỏi, cùng người viết lớn dần lên qua mỗi bước chân.
Đinh Hằng trong "Quá trẻ để chết: Hành trình nước
Mỹ" là cuộc hành trình tự chữa lành vết thương sau mối tình tan vỡ.
"John đi tìm Hùng" là cuộc độc đạo tìm về nguồn cội của chàng trai
người Mỹ gốc Việt. Một đất nước chữ S quen thuộc nhưng hiện ra đầy thân thương,
mới lạ.
Giới viết lách chuộng dòng sách này chủ yếu là tác
giả trẻ nên họ hiểu được tâm tư của độc giả cùng lứa tuổi. Câu từ trong dòng
sách này thường nghiêng nhiều về văn phong báo chí hay đời thường, giàu cảm
xúc, thông điệp lại không quá cao xa nên người đọc cảm thấy nội dung gần gũi, cảm
thấy như chính mình cũng có ở trong đó.
Ngoài các nhà văn chuyên nghiệp như Di Li, Trang Hạ,
Phan Việt, Trương Anh Ngọc..., dòng sách phi hư cấu thu hút một lực lượng lớn
những người viết trẻ không chuyên thử sức, nhất là khi mạng xã hội lên ngôi và
cư dân mạng góp phần quan trọng vào văn hóa đọc.
Không hiếm những cuốn sách kể trên là những mẩu chuyện
viết từ blog, facebook tập hợp lại. Thiếu chất liệu, đề tài để sáng tác thì
cách dễ nhất là họ viết tản văn trải nghiệm từ chuyện vặt hằng ngày hay khoác
ba lô để vừa được đi du lịch vừa viết gây chú ý. Bởi tiểu thuyết, truyện ngắn với
họ vẫn là một ca khó đòi hỏi tài năng, óc sáng tạo và sự dày dặn.
Chính nhà văn Di Li cũng thừa nhận: "Thể loại
phi hư cấu thường dễ viết, dễ đọc. Khi viết một cuốn tiểu thuyết, tôi phải đầu
tư, nghiên cứu và phải mất một thời gian rất dài để hoàn thành, trong khi tôi
chỉ cần khoảng 2 giờ cho một bài viết tản mạn. Nó không quá hàn lâm nặng nề, ai
cũng có thể tiếp cận, cảm thụ và chia sẻ được".
Thật ra dòng sách phi hư cấu cũng đã có một số tác
phẩm chạm tới đỉnh cao của văn chương. Nhưng đa số dạng sách phi hư cấu bây giờ,
nhất là của các tác giả không chuyên trên mạng, dù nó có gây sốt cũng không có
nghĩa là nó chất lượng, có chiều sâu. Rất nhiều tác giả viết kiểu ngẫu hứng,
thích gì viết nấy một cách hời hợt, chạy theo phong trào để làm sang, chơi nổi.
Không hiếm người đọc phàn nàn vì sách du ký không
khác gì một cuốn cẩm nang du lịch, nhật ký hành trình, sách tự truyện thì chủ yếu
khoe mẽ cái tôi, chia sẻ quá nhiều cảm xúc cá nhân cũng như những trải nghiệm
thót tim, câu khách của tác giả mà thiếu đi góc nhìn sâu sắc, gửi đến một thông
điệp ý nghĩa khi gấp sách lại.
Số khác lại sa đà vào việc đặt tên sách sao cho thật
sốc, thật kêu và bôi đậm chữ "đây là câu chuyện có thật của abc gì
đó". Nếu sách tản mạn tự sự thường dễ lâm vào kiểu sến súa, phô diễn kỹ
thuật con chữ hào nhoáng trong khi nội dung khá vụn vặt thì sách du ký của những
cây bút nghiệp dư thường giản dị, không trau chuốt, thậm chí có phần vụng về,
thô thiển.
Nhiều tác giả lại viết theo lối mòn, không có sáng tạo
đột phá trong cách thể hiện. Số sách có hàm lượng sáng tạo cao, có thông điệp về
văn chương chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng chính vẻ bề nổi hào nhoáng của
nó khiến loại sách này dễ tiếp thị, dễ tổ chức các cuộc ra mắt sách ồn ào với
chiến lược PR rầm rộ.
Trong khi đời sống của sách phi hư cấu khá sôi động
thì dòng sách văn học hư cấu lại lặng lẽ, đìu hiu. Tại một cuộc khảo sát nhỏ
trong "Ngày hội sách cũ" diễn ra năm 2015 ở TP Hồ Chí Minh, số người
chọn tác phẩm văn học kinh điển của thế giới và Việt Nam, văn chương hư cấu
khai thác đề tài lịch sử, kỹ năng sống, văn hóa, môi trường… chiếm số lượng rất
khiêm tốn. Người ta lười đọc sách văn học vì nhiều lý do.
Thông thường tiểu thuyết, truyện ngắn phải đọc chậm,
kỹ để ngẫm nghĩ mới hiểu được phần nào thông điệp tác giả gửi gắm. Thế nhưng,
bên cạnh nhịp sống hối hả như hiện nay, không phải ai cũng đủ vốn kiến thức và
kinh nghiệm sống để đọc và hiểu thông điệp đó, huống hồ là người trẻ. Rải rác,
vẫn có một số tác phẩm văn học hư cấu mới ra đời nhưng lại không có chiến dịch
PR bài bản, không tạo được sức lan tỏa đến bạn đọc.
Làng văn đang trầm lắng thì sự nóng sốt của dạng
sách phi hư cấu được kỳ vọng là con đường dẫn dắt bạn đọc trở lại với văn
chương đỉnh cao. Nhưng trong trào lưu nhà nhà viết sách phi hư cấu, người người
viết sách phi hư cấu, không phải ai cũng có thể có được một tác phẩm chất lượng,
có chiều sâu, hấp dẫn người đọc.
Làm được điều đó không hề đơn giản bởi nó đòi hỏi độ
sắc sảo của ngòi bút, sự tinh tế của trái tim và khối óc của tác giả. Đồng thời,
tác giả phải biết tìm tòi chất liệu để dùng ngôn ngữ bóc tách và lấy được hạt
ngọc từ những câu chuyện muôn màu trong cuộc sống.
Nguồn: Văn Nghệ Công An