Thanh Tùng có một đời sống vật chất khá ư là vất vả,
thiếu thốn. Cho dù vào đường thơ đã lâu, nhưng phải đến năm 2001, tức là khi đã
66 tuổi, ông mới có đủ tiền để xuất bản tập thơ đầu tiên. Khi in “Thời hoa đỏ”
(NXB Văn học, 2001), ông cho in “dồn toa” đến 124 bài trong một tập thơ chỉ có
khoảng 100 trang. Năm 2002, tập thơ này được trao tặng thưởng (bằng khen) cùng
với nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm, còn nhà thơ Bằng Việt thì được trao giải thưởng
thường niên của Hội Nhà văn. Trước đó, ông mới có hai tập thơ in chung là “Con
sông chảy từ lòng phố” và “Cửa sóng”. Ông bảo: “In thế cho nó tiết kiệm. Nhưng
được như thế cũng là tốt rồi. Còn như ngày trước ấy à, làm gì có giấy tốt, giấy
đẹp để làm thơ nữa kia chứ. Cánh làm thơ ở Hải Phòng chúng tôi dạo ấy, toàn
phác thảo thơ, chép thơ lên vỏ bao xi măng tận dụng thôi. Trường hợp may mắn có
được tờ giấy nào tử tế, chúng tôi chỉ dành để chép những bài thơ mà mình yêu
thích”.
Thi sĩ Thanh Tùng: “Thời hoa đỏ” vẫn còn đó
ĐẶNG HUY GIANG
1.
Cuộc đời của thi sĩ Thanh Tùng không mấy yên ả, nếu
như không muốn nói là đầy xáo trộn và quăng quật. Trước hết là hoàn cảnh gia
đình: Em trai mắc bệnh thần kinh phân liệt, cha và mẹ ly hôn từ rất sớm… Bản
thân phải làm đủ nghề để bám đuổi cái sự mưu sinh: Thanh niên xung phong, giáo
viên dạy thể dục và dạy toán, cửu vạn, thợ sắt, nhân viên áp tải vận chuyển
hàng hóa cả đường bộ và đường thủy… Vì thế mà không có điều kiện tiếp tục theo
học đại học. Ngay cả hạnh phúc lứa đôi, cũng đầy trắc trở, đứt quãng.
Nhìn lại một thời, ông tự nhận mình là một thợ sắt
có nghề, thuộc diện “đầu cu li đít thợ”, rồi ông thở dài: “Đã thế, bao nhiêu trầm
luân lại như giáng cả lên đầu tôi, có lúc khiến tôi có cảm giác như mình đang bị
rơi xuống đáy”.
Còn về thơ, ông nhắc đến một vài kỷ niệm nhớ đời:
“Vào khoảng 1950 - 1951, sau khi cha mẹ tôi chia tay, tôi dồn nhớ thương mà viết
bài thơ đầu tay mang tên “Tựu trường”. Bài thơ này được đăng trên Báo Tia sáng
do ông Hiền Nhân là chủ nhiệm năm 1951. Đấy là nguyên cớ đầu tiên để tôi đến với
thơ. Còn toàn thể bài thơ cụ thể thế nào thì tôi không còn nhớ. Dầu gì thì cũng
đã 65 - 66 năm trôi qua.
Vào khoảng năm 1976 - 1977, bài thơ “Thời hoa đỏ” và
hai bài thơ của tôi được đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội nhờ sự quan tâm đặc
biệt của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh và nhà thơ Vũ Cao. Không như bây giờ, ngày ấy
mà “Thời hoa đỏ” lọt qua các khâu biên tập và duyệt để được lên mặt báo là khó
khăn lắm.
Dễ hiểu vì nó có những câu đụng đến sự mất mát, đổ vỡ.
Mà ngày ấy, tâm lý chung là rất ngại. Tôi đã sốt ruột và hồi hộp chờ đợi cho đến
khi báo ra. Không ngờ cuối cùng không chỉ “an toàn”, mà còn “có hậu”. Kết cục,
chùm thơ được Văn nghệ Quân đội trao tặng thưởng thơ hay trong năm.
Ngày ấy, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh vì thơ, hết lòng vì
thơ lắm. Chính vì thế mà anh hay đi tầm thơ, xin thơ của nhiều anh em bè bạn.
Anh cũng thường tìm mọi cách lách qua cửa hẹp để “ti pô hóa” những bài thơ được
coi là khó sử dụng và dễ đụng chạm.
Sau đó, “Thời hoa đỏ” được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng
phổ nhạc: Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi…/ Trong câu
thơ của em, anh không có mặt/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những
ngày đắm say...
Nhiều bạn đọc cứ nghĩ tôi ở Hải Phòng và Hải Phòng
có nhiều hoa phượng nên cứ nghĩ là bài này viết về thành phố Cảng. Kỳ thực, bài
này tôi viết về người vợ quá cố của mình, bà tên Nhàn. Lúc ấy, Nguyễn Đình Bảng
đang theo học ở Học viện Traicốpxki (Liên Xô cũ). Khi em dâu tôi báo tin và
mang về cho tôi một đĩa hát có bài hát ấy thì tôi vẫn sấp mặt xuống đất mà quai
búa, không biết bầu trời trên đầu mình màu xanh hay màu vàng”.
Thật là “môn đăng hộ đối” – Tôi nhận xét.
Thanh Tùng phản ứng ngay: “Là ý ông định nói về lời
và nhạc của ca khúc ấy chứ gì? Phải nói là rất “đôi lứa xứng đôi”, mới phải.
Nói thế cho nó gần gũi hơn và Nam Cao hơn”.
2.
Thanh Tùng có một đời sống vật chất khá ư là vất vả,
thiếu thốn. Cho dù vào đường thơ đã lâu, nhưng phải đến năm 2001, tức là khi đã
66 tuổi, ông mới có đủ tiền để xuất bản tập thơ đầu tiên. Khi in “Thời hoa đỏ”
(NXB Văn học, 2001), ông cho in “dồn toa” đến 124 bài trong một tập thơ chỉ có
khoảng 100 trang.
Năm 2002, tập thơ này được trao tặng thưởng (bằng
khen) cùng với nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm, còn nhà thơ Bằng Việt thì được trao giải
thưởng thường niên của Hội Nhà văn. Trước đó, ông mới có hai tập thơ in chung
là “Con sông chảy từ lòng phố” và “Cửa sóng”. Ông bảo: “In thế cho nó tiết kiệm.
Nhưng được như thế cũng là tốt rồi. Còn như ngày trước ấy à, làm gì có giấy tốt,
giấy đẹp để làm thơ nữa kia chứ. Cánh làm thơ ở Hải Phòng chúng tôi dạo ấy,
toàn phác thảo thơ, chép thơ lên vỏ bao xi măng tận dụng thôi. Trường hợp may mắn
có được tờ giấy nào tử tế, chúng tôi chỉ dành để chép những bài thơ mà mình yêu
thích”.
Nói đến đây, ông như chợt nhớ ra một điều gì đấy:
“Mà hồi bấy giờ, không có chuyện vừa đọc thơ vừa uống rượu, uống bia như bây giờ
đâu. Thảng hoặc có lần được nghe thơ bạn hoặc được đọc thơ mình cho bạn nghe,
mà được uống cà phê đá, đã mừng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu sao ở miền
Bắc nói chung và Hải Phòng nói riêng thời ấy, người ta toàn uống cà phê đá bằng
cốc vại (cốc có dung tích ¼ lít)”.
Rồi ông trầm ngâm: “Thời xa xưa, người đọc và người
viết đọc của người viết nhiều lắm. Có khi chỉ được đăng một chùm thơ trên Báo
Văn nghệ, Tạp chí Tác phẩm mới hoặc một vài bài thơ trong các tập thơ “Sức mới”,
“Hoa trăm miền”… đã được coi là người nổi tiếng.
Còn bây giờ, số nhà văn, nhà thơ đọc nhau, càng ngày
càng ít. Có khá nhiều nhà thơ thường xuyên gặp gỡ nhau, chơi với nhau, nhưng
cũng không biết bạn mình đã viết gì, có tác phẩm gì. Thời xa xưa, biên tập viên
ở các báo, tạp chí văn, nhất là ở các nhà xuất bản, đa phần là nhà văn.
Nhiều người trong số đó đã có vai trò “bà đỡ” cho những
đứa con tinh thần của nhà văn. Giờ thì hầu như không còn. Đa số biên tập viên
chỉ có vai trò chỉnh sửa thuần túy, gọi là, không quan tâm và đặt chất lượng
nghệ thuật lên hàng đầu nữa và có vẻ cũng không đủ năng lực và tự nâng cao năng
lực để làm việc ấy”.
Liên hệ trước đây với ngày nay, Thanh Tùng nói: “Vào
những năm 70, 80 của thế kỷ trước, “khí quyển văn chương” lạ lắm và sôi động lắm.
Nó kích hoạt nhiều văn nghệ sĩ, hấp dẫn nhiều văn nghệ sĩ, kể cả nghiệp dư và
chuyên nghiệp, khiến cho phong trào sáng tác văn chương như lúc nào cũng có những
đợt sóng ngầm.
Chung mối quan tâm này, nhà thơ Vũ Từ Trang viết hẳn
một cuốn sách thuộc dạng chân dung văn học mang tên “Phía sau con chữ” phản ánh
“khí quyển văn chương” một thời qua các nhà thơ, nhà văn: Lưu Quang Vũ, Hoài
Anh, Đào Cảng, Tạ Vũ, Đào Ngọc Vĩnh, Nguyễn Ngọc Liễn, Yên Đức, Nghiêm Đa Văn,
Võ Văn Trực, Lê Bầu, Phạm Ngọc Cảnh, Mã Giang Lân, Hà Cận, Lữ Giang, Quang
Dũng…trong đó có tôi đấy”.
3.
Năm 2004, Thanh Tùng làm một cuộc chuyển đổi chỗ ở
nhờ tấm lòng hiếu thảo của cô con gái Lan Hương. Nơi ở mới của ông là Sài Gòn.
Ông bảo: “Do thiếu thốn quá, hoàn cảnh quá, nên tôi xin giải quyết chế độ một lần,
như thế cũng có nghĩa: Về lâu, về dài, tôi không có lương hưu”. Ông đã bộc lộ hết
mình việc này trong một trường ca có độ dài 500 – 600 câu mang tên “Hành phương
Nam”.
Mười mấy năm gắn bó với vùng đất mới, ông thấy Sài
Gòn là nơi thú vị và hấp dẫn. Ông bảo: “Sài Gòn tuy là thành phố công nghệ, là
đất báo, nhưng lại là nơi nuôi nấng sự cách tân thơ và cũng là nơi tụ hợp nhiều
nhà thơ đến từ nhiều địa phương khác nhau”.
Ông bảo: “Đã là thi sĩ thì không nên quá ràng buộc với
vật chất. Thi sĩ chỉ cần được đối xử phóng khoáng và chỉ cần được người khác hiểu.
Thi sĩ rất cần tự do và lấy tự do dâng hiến làm cứu cánh. Làm thơ chính là quá
trình ngộ ra được vẻ đẹp vĩnh cửu của trời đất, của thiên nhiên và của con người
một cách tự nhiên nhất. Cũng có lẽ vì thế mà tôi đặc biệt yêu thích thơ của
Wuýtman và Apôline”. Và ông cảm nhận được ngay Sài Gòn như là phát hiện của
riêng ông:
Gió tự do thổi rộng mặt đường
Nắng vắt ra từ những trái xoài thơm.
Đọc chùm thơ mới nhất của ông, gồm: “Sinh nhật”, “Trẻ
em”, “Mùi xưa”, “Vũ điệu thơ”, “Tình yêu”… tôi càng nhận ra phẩm chất thi sĩ
trong ông. Đó là sự trong suốt về mặt nhân bản từ sâu thẳm. Tôi sinh ra là
để cho thơ/ Tôi hiểu thế từ khi còn thơ dại/ Ngày tôi ra đời gió chưa bị sước/
Mỗi bông hoa được nở hết mình/ Mùa thu được buồn/ Mùa xuân được hát/ Mùa hè òa
vỡ nắng trinh nguyên; Chỉ bên các em tôi mới được yên bình/ Mắt tôi ngọt và tim
tôi yên ả/ Đầu giường tôi không treo cái roi/ Vì da thịt các em mềm như nước mắt/
Trái tim tôi treo nơi đầu ngõ/ vọng vang chiều chiều chạng vạng gọi các em về với
mùi cơm thơm của mẹ/ Không đứa trẻ nào không phải con tôi; Em yêu thay anh, chết
cũng thay anh/ Em đã để lại nhiều đến thế/ Bây giờ anh đang là tỷ phú/ Tình yêu
đầy ắp trong anh/ Anh biết yêu khi chẳng còn em nữa/ Xưa anh chỉ là trẻ nhỏ/ Tập
đánh vần tình yêu… - đó là những câu thơ thật đáng nhớ của ông.
Ở vùng đất mới Sài Gòn, Thanh Tùng có nhiều bè bạn.
Người ta quý, trân trọng ông vì ông và vì thơ của ông. Ông hấp dẫn nhiều
người vì có tài làm thơ ứng tác và lôi cuốn nhiều người bởi bản năng “mau nước
mắt” chân thành nơi ông. Trong số người thân ông nhất là nhà thơ trẻ Lê Thiếu
Nhơn. Có người bảo: Muốn biết Thanh Tùng đang ở đâu, muốn gặp Thanh Tùng ở chỗ
nào, hãy gọi điện thoại cho Lê Thiếu Nhơn, chắc cũng không xa thực tế bao
nhiêu.
Nếu trong tình yêu, Thanh Tùng từng buồn vì “không
đi hết những ngày đắm say”, thì trong thơ, không thế. Ông vẫn tiếp tục “đi hết
những ngày đắm say” trong thơ. Như thế cũng có nghĩa, trong thơ, “thời hoa đỏ”
của Thanh Tùng vẫn còn đó.
Nguồn: Văn Nghệ Công An