Làm lính trực tiếp của anh Nguyễn Như Phong 14 năm, nhưng tôi vẫn không có cảm giác phân biệt anh là cấp trên, mình là cấp dưới để mà sợ, ngại hay phải đề phòng. Tôi chỉ nghĩ đó là một ông anh trong nghề. Với công việc, anh khó chịu đến mức khắc nghiệt. Sống thì ngược lại, hào sảng, nguyên tắc cơ bản rất tào lao XHCN - “miễn vui là được”, đầy ngẫu hứng, thậm chí bốc đồng. Anh chẳng giống ai, vào việc là chửi rất ác. Chửi chưa xong, không nhịn được đã phì cười. Hơn 60 tuổi, khuôn mặt anh vẫn phúng phính như trẻ con sắp dỗi, chẳng có điểm nào quan dạng của một ông đại tá hay nhà báo từng là Tổng biên tập, từng là sếp của mình…Buồn mồm, tôi hay nôm na cái nụ cười phúng phính, hơi...ba phải mà gọi anh là “Ông Di Lặc đời áp chót”. Chẳng biết đồng tình hay phản đối, tôi chỉ thấy anh nhăn nhó trước khi tủm tỉm cười mà lắc đầu: “Mày chỉ láo lếu”.
Ừ, mà tôi có thể đã láo lếu thật nên suốt 14 năm, ông đã không ít lần trị tôi đến nơi đến chốn, đến mức tôi không kêu nhưng người khác đã từng phải kêu giùm.
Đùng một phát, anh xin nghỉ hưu trước 5 năm ở tờ CAND khi đang là một Phó Tổng Biên tập tên tuổi. Ít tháng sau, ngành dầu khí có một tờ báo riêng là Năng Lượng Mới, sau ra thêm báo mạng Petrotimes, Tổng biên tập là Nguyễn Như Phong, đăng rất nhiều bài sốt sình sịch…
Tôi nghĩ, nghề báo, nghề viết chọn Nguyễn Như Phong, không phải anh chọn nghề. Thật ra anh Phong chẳng bao giờ lăn tăn chọn lựa gì lợi lộc cho riêng mình cả. Đi bộ đội bên Lào một thời gian, anh chuyển sang viết báo, bắt đầu từ “những mẩu tin con con bằng bao diêm cho báo Công Binh”. Nghề dạy nghề, đúng thôi, nhưng với anh thì “máu dạy nghề” mới chuẩn. 1985, một mình một AK 47, anh Phong là nhà báo đầu tiên đã đi bộ gần tuần lễ sục lên tận ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào ở Lai Châu, nằm trên đó cả tháng trời cho bọ chó cắn chỉ để viết vài bài báo. Trường Sa, anh đi những 4 lần. Tháng 5-2014, sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, anh là Tổng Biên tập duy nhất có mặt tại Hoàng Sa, cũng là nhà báo lớn tuổi nhất có mặt trên tàu CSB ở vùng điểm nóng. Vụ ma túy Vũ Xuân Trường, vụ buôn lậu Tân Trường Sanh, phóng viên tất cả các báo khác bám theo Nguyễn Như Phong lẵng nhẵng để “xin anh cho một tí thông tin”, bởi cơ quan điều tra bảo là “ông Như Phong nắm hết cả rồi, còn gì mà cung cấp cho báo chí nữa”. Mỹ đánh Apganistan, anh lại cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phi ngay sang Pakistan, tìm đủ cách vượt biên giới để có mặt ở vùng chiến sự. Không vào được, hai ông nghệ sĩ – nhà báo này vặt trụi cả cây rau quế đại thụ của khách sạn chỉ để pha mì tôm ăn trừ bữa suốt tháng trời. Vụ cướp tiệm vàng Kim Sinh ngoài Hà Nội, Nguyễn Như Phong là người đầu tiên có mặt tại hiện trường, người đầu tiên thẩm vấn hung thủ, bởi anh chính là tài xế chuyến xe chở cán bộ điều tra Công an Hà Nội đi làm án. Từ ông Phó Tổng Biên tập được trở thành... lái xe, anh chẳng câu nệ gì, khoái chí lắm…
Không mấy người say mê, quyết liệt với nghề như anh. Chả có ông Phó, rồi Tổng Biên tập nào vừa làm “quan báo” vừa viết 100 phóng sự mỗi năm như anh Phong cả. Mà đã viết là phải đi, à không, “phải chạy như chó dái tháng 7”, phải đến, phải tai nghe, mắt thấy, tay sờ anh mới chịu. Phóng viên đi lũ lụt về, anh Phong hỏi: “Nước lụt có ngọt không?”. Ôi trời, có nếm đâu mà biết. Vậy là anh chửi ngay: “Không uống thử, nếm thử, ai cho mày viết nhìn con nước mà đắng cả lòng! Nói dối!”.
Và tất nhiên, nghề chẳng phụ người. Một mình Nguyễn Như Phong đã sở hữu 7 giải báo chí toàn quốc, tôi nhớ không lầm có 3 giải nhất. Các giải Bộ, ngành khác thì tính làm gì, nhớ không hết. Chưa hết, mỗi năm anh vẫn đều đặn ra ít lắm cũng dăm chục tập phim truyền hình, phim nào độ hot cũng thuộc hàng top.
Ông nhà báo đàn anh của tôi biết nhiều chuyện và cũng thuộc hàng …lắm chuyện. Ông này thông minh kiểu một anh Trạng dân gian, phát ngôn hay viết lách đều rất dí dỏm nhưng cực kỳ nôm na xách qué và đầy cảm tính. Anh viết bài, dùng bài cứ như thể lên đồng, ưa là viết, độc giả thích là đăng, ai nghĩ gì, khen chê kiểu gì không chấp. Mà đã viết, đã đăng là tuyệt đối tin, dù niềm tin đó đôi khi rất hồn nhiên ngây thơ. Thành ra, nhà báo Nguyễn Như Phong nổi danh không giống ai và ưa lội ngược dòng. Báo chí mắng CSGT sa sả, anh tự viết, tự đăng bênh CSGT chằm chặp, lập luận rằng các ông các bà cứ ra cày đường nhựa 4 tiếng đồng hồ liên tục giữa trưa nắng 40 độ xem có mềm mỏng, hòa nhã với dân bựa, bọn quái xế nỗi hay không? Vụ buôn lậu Tân Trường Sanh ra tòa, cánh phóng viên đua nhau săn tin lời khai, tranh luận tại tòa, anh một mình lùng sục để tìm ra chi tiết Phùng Long Thất ăn cơm hộp, cố đào cả hộp cơm lên để chôn cái đùi gà xuống dưới, ăn sau như trẻ con. Đã vậy còn chua một câu nghe rất không….pháp đình, rằng “Nhìn gã tội nhân cười tít mắt với cái đùi gà to đùng, tôi bỗng thấy cảm cảnh cho những bữa ăn trên máy bay của Vietnam Airline”! Nghe đâu hồi đó, ông Tổng Minh “cận” của Hãng hàng không quốc gia đã phải kêu trời: “Viết vậy là chê cơm của Vietnam Airline thua cả cơm tù à?!”
Đại khái thế. Độc, quái, không giống ai, bất chấp thời tiết, Nguyễn Như Phong cứ viết và đăng bất cứ thứ gì anh thấy, anh biết, anh chứng kiến, anh nghĩ và anh tin. Không ít trường hợp anh tỏ ra cực đoan, quá quắt, bị kiện, anh em ngại giùm, ông Di Lặc đời áp chót lại trợn mắt: “Chỉ không làm thì mới không sai. Sai thì sửa. Nhìn đâu cũng sợ thì còn làm báo làm gì”.
Rồi cuối cùng anh vấp chuyện, có lẽ không kịp sửa.
Tôi không bàn chuyện đúng sai. Nhưng trong chuyện này, tôi biết có một chi tiết rất ít “thần thánh” trên mạng nói nhiều hiểu ít có thể biết. Đó là, anh Phong đã nhận mọi trách nhiệm, chấp nhận vơ hết vào mình mọi kỷ luật để tránh cho lính – đàn em anh ấy có thể sẽ bị một sự xử lý nặng hơn. Một nghịch đảo của Lê Lai cứu chúa.
Đó chính là lý do những kẻ đi sau như tôi luôn nghĩ về anh như một đàn anh – chỉ làm điều mình nghĩ, sai dám chịu, không bỏ của chạy người. Còn hơn vô số kẻ không bao giờ sai, chỉ vì toàn viết hoặc đăng những điều không tin, không nghĩ, thậm chí không biết!
Đúng sai, thành bại, đời biết đâu mà lần. Kiềng canh nóng thổi cả rau nguội thì còn làm được việc gì? Làm báo để làm gì?
Bị tước thẻ, ông nhà báo già vẫn chỉ phụng phịu như trẻ con bị giật mất kẹo, dỗi nhưng chưa chắc đã nghĩ suy nhiều cho mình. Tôi biết, điều nặng lòng nhất với anh bây giờ là hàng chục nhân viên của Năng Lượng Mới – Petrotimes, toàn những người anh xem như em, như cháu. Không còn anh là thủ trưởng để lo và mắng, chắc họ sẽ khó khăn không ít. Mà anh Nguyễn Như Phong thì vốn là người cả lo cho người khác, có đem con bỏ chợ bao giờ.
Nói vậy thôi, chứ nhiều hơn, nghe mà không ưa, lão Di Lặc đời áp chót lại chửi cho. Lão ấy mà chửi thì kinh lắm!