Hơn 20 năm trước, năm 1995, cũng vào những ngày tháng 9 như thế này, trong đời sống báo chí nói chung và làng báo văn nghệ nói riêng xuất hiện một tờ báo mới, tờ Văn Nghệ Trẻ, phụ trương của báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Tại thời điểm đó, khi mà số lượng các đầu báo trên sạp chưa đông đúc đến ồn ã, đời sống xã hội chưa tràn ngập thông tin như những con đường giờ tan tầm bây giờ, sự ra đời của một tờ báo văn học ngay lập tức nhận được sự chào đón đầy náo nức, hồ hởi của bạn đọc và bạn viết trong cả nước, đặc biệt là người đọc và người viết trẻ, đối tượng mà tờ phụ trương này hướng đến ngay từ măng sét của mình. Với báo Văn Nghệ, đây được xem là một bước chuyển mình đáng kể mang tính bứt phá tại thời điểm đó, nhằm đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của đời sống xã hội cũng như đời sống văn học, đáp ứng nhu cầu của đội ngũ sáng tác và bạn đọc trong cả nước.


VĂN NGHỆ TRẺ TRONG MỘT HÌNH HÀI MỚI

LƯƠNG NGỌC AN

Nói đến cái mốc 20 năm là nói về thời điểm cụ thể của sự sinh thành, còn hoài thai cho một tờ báo, vun vén cho một ý tưởng thì phải lùi thêm một thời gian nữa, cũng bắt đầu từ một diễn đàn của những người viết trẻ như thế này… Ấy là trước đó một năm, tại Hội nghị công tác về những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IV do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, những đại biểu trẻ ở đây đã bày tỏ mong muốn có một tờ báo dành riêng cho những người viết trẻ… Nguyện vọng chính đáng này sau đó cũng được nhắc lại trên nhiều diễn đàn khác như một lời hối thúc chính đáng của văn chương, khiến cho những người có trách nhiệm không thể chần chừ. Vậy là sau Đại hội lần thứ V của Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Chấp hành mới của Hội đã quyết tâm biến mong ước của những người viết trẻ ngày ấy thành hiện thực, và tờ Văn Nghệ Trẻ đã ra đời trong đội hình báo chí của báo Văn Nghệ khi đó, bao gồn Đặc san Văn nghệ Dân tộc và Miền núi, rồi ít lâu sau nữa là Phụ san Thơ, tiền thân của Tạp chí Thơ bây giờ. Tất cả hình thành nên một đội hình báo chí văn học hùng hậu, đa dạng và bao quát, dưới sự điều hành chung của vị “tư lệnh” khi đó là nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng Biên tập tuần báo Văn Nghệ…
Là một tờ  báo văn chương, là sự kết hợp hài hòa, tinh tế của văn chương với báo chí, sự có mặt của tờ Văn nghệ Trẻ trong đời sống xã hội không chỉ phản ánh sự nhạy bén của những người làm báo Văn Nghệ khi ấy với cuộc sống, với con người, mà còn là một tầm nhìn trách nhiệm và tâm huyết cả về bề rộng lẫn chiều sâu đối với sự nghiệp văn học. Những phụ trương của báo Văn Nghệ khi ấy, đặc biệt là tờ Văn nghệ Trẻ, trong suốt một thời gian dài đã không những giúp cho tờ báo hoàn thành nhiệm vụ chính trị trước mắt, mà còn góp phần kiến tạo, vun đắp những giá trị văn hóa, đạo đức lâu dài cho con người, cho đất nước. Sự kết hợp đó được thể hiện trên từng số báo, với những quy hoạch văn chương - báo chí - mỹ thuật đan xen nhau hết sức nhạy bén, hài hòa, ấn tượng, khai thác tối đa thế mạnh của từng thể loại, tạo nên một sắc thái riêng không thể lẫn trong đội hình báo chí cả nước. Nhiều tác giả xuất hiện trên tờ Văn nghệ Trẻ sau này đã trở thành những cây bút, những tác giả, những nhà văn, nhà báo có nhiều thành tựu, những tên tuổi góp phần vào sự sôi nổi và bề thế của văn đàn sau này…
20 năm, những người làm báo Văn nghệ Trẻ khi ấy giờ kẻ còn người mất. Cũng 20 năm, sự nghiệt ngã của văn chương đã lựa ra những người đồng hành chung thủy, và cũng chia tay không ít những người bận rộn bên những lối rẽ dọc đường. Song giờ này nếu kể ra đây những cái tên này, thì chắc hẳn những ai ít nhiều đã một thời bìu díu với văn chương sẽ không thể nào quên. Ấy là Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Hồng Thanh Quang, Yên Ba, Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh, Trần Quang Quý, Nguyễn Thành Phong, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Trần Quốc Thực… Sau nữa là Trần Thị Thắng, Đỗ Bạch Mai, Dương Dương Hảo, Phong Điệp… Đó là những người trực tiếp làm báo, còn tác giả thì còn nhiều hơn thế. Và không chỉ những người trẻ, mà ngay cả những nhà văn “lão thành” khi ấy cũng đã hết sức nhiệt tình tham gia, tạo cho tờVăn nghệ Trẻ một không khí chan hòa ấm cúng như trong một gia đình thực sự, chứ không chỉ đơn thuần là một diễn đàn. Ngay từ số báo đầu tiên ra ngày 5 tháng 9 năm 1995, sau lời mở đầu của Thủ tướng đương nhiệm khi ấy, đồng chí Võ Văn Kiệt, cũng là tác giả đầu tiên của tờ báo, với bài viết như một lời nhắn gửi: Lớp trẻ phải có cái nhìn tương lai, các tác giả đã khởi đầu để tạo nên một diện mạo, và sau đó đồng hành với tờ báo qua bao thăng trầm phải kể đến là Võ Văn Trực, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Trần Cương, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Bình Phương, Phan Triều Hải, Vũ Thị Huyền, Ngân Hoa, Dương Trung Quốc, Phạm Xuân Nguyên, Lê Huy Bắc, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Sơn Minh, Đỗ Doãn Hoàng… Đặc biệt có những tác giả chỉ từ việc giữ mục cho tờ báo mà sau này đã tập hợp được từ những bài viết của mình thành những tập sách có giá trị, đầy chiêm nghiệm và giãi bày. Ấy là Đỗ Chu với Tản mạn trước đèn, là Phạm Tiến Duật với Vừa làm vừa nghĩ, là Vũ Quần Phương với Đi, nghĩ và viết, là Tạ Ngọc Liễn với Bút hoa… Những tác phẩm báo chí nhưng lại có sức sống bền bỉ với thời gian là một đặc điểm, một yêu cầu khe khắt, và cũng là những dấu ấn rất riêng của báo Văn  N ghệ nói chung và Văn nghệ Trẻ nói riêng cho đến tận bây giờ.
20 năm tồn tại, và trưởng thành, có lúc lấp lánh hào quang, lại có khi vật vã với cơm áo gạo tiền, với thị trường, với cả “đầu vào” - là người viết, với “đầu ra” - là bạn đọc của tờ báo, tờ Văn nghệ Trẻ đã đi qua 3 thế hệ Tổng Biên tập, đó là nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Trí Huân và nhà văn Khuất Quang Thụy. Tuy nhiên người gắn bó nhiều nhất, sâu sắc nhất với tờ báo thì không thể không nói đến nhà văn Trương Vĩnh Tuấn. Ông là Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ, nhưng từ khi được phân công phụ trách tờ Văn nghệ Trẻ, bao nhiêu thăng trầm của tờ báo không khi nào thiếu vắng vai trò của ông. Không lâu sau những năm tháng hồ hởi và say sưa với một sân chơi mới, với tất cả đam mê và sáng tạo của tuổi trẻ, thì cũng như một thứ tình yêu sét đánh, là những ngày tờ báo phải đối mặt với những thực tiễn không mấy suôn sẻ của cuộc sống, cả từ góc độ xã hội lẫn góc độ văn chương… Tôi còn nhớ có một lần, vào cái thời mà thế hệ trẻ nói chung trong cả nước đang rộ lên một khẩu hiệu đầy hăng hái: Học tập để ngày mai lập nghiệp, thì trong một buổi giao ban, Tổng Biên tập Hữu Thỉnh đã phải thốt lên: - Đó là một thứ khẩu hiệu cổ súy cho sự vị kỷ. Chẳng lẽ thanh niên bây giờ chỉ biết nghĩ đến việc lập nghiệp thôi sao… Còn lý tưởng, còn đam mê, còn trách nhiệm với đất nước, với dân tộc nữa thì ở đâu?... Nghe ông nói, nhiều người bỗng giật mình. Hóa ra lâu nay những thứ nghe mãi thành quen tai, cứ tưởng là đúng, là sâu sắc, hóa ra lại đang là một thiếu sót khi định hướng cho tương lai cả một thế hệ…
Đó cũng là những ngày mà Văn nghệ Trẻ thưa thớt dần bóng dáng những cây bút mới, những tác phẩm mới. Lượng phát hành giảm dần. Người viết thì nói tờ báo xa dần văn chương, người làm báo thì bảo người viết xa dần đời sống. Một cái vòng luẩn quẩn mơ hồ dần dần mọc lên quanh tờ báo, giờ ngẫm lại thấy có gì đó liên quan đến cái mục tiêu “ngày mai lập nghiệp” thật. Cái “nghiệp” văn chương với nhiều người xem ra đã có lúc trở nên khép nép với cái “nghề” để kiếm sống thật…  
Thế là nảy sinh nhu cầu cải tiến, cải tổ tờ báo. Nhu cầu thay đổi tư duy làm báo cũng được đặt ra một cách gắt gao. Nhiều phương án mới được đem ra áp dụng, nào là thay đổi măng sét, nào là cải tiến cách trình bày, rồi thay người “cầm” tờ báo, thậm chí là cả chuyện điều chỉnh tỷ lệ văn chương - báo chí trong từng số báo… Mỗi lần như vậy là một lần ngơ ngác, thảng thốt. Nhưng cũng lại là một lần dè dặt hy vọng lạc quan…
Thế nhưng rồi đến lúc cả những hy vọng dè dặt ấy cũng phải khép lại. Vì nhiều lý do, Đặc san Văn nghệ Dân tộc và Miền núi, người anh em đồng niên với Văn nghệ Trẻ dừng xuất bản, Phụ san Thơ trước đó cũng đã tách khỏi báo Văn nghệ để trở thành một tạp chí trực thuộc Hội Nhà văn, chỉ còn tờ Văn nghệ Trẻ với những người bạn thủy chung cặm cụi cùng nhau đi đến tuổi 20 thì Tổng Biên tập Khuất Quang Thụy buộc lòng phải đề xuất với Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cho chấm dứt phiên bản báo giấy để chuyển sang xây dựng phiên bản điện tử. Trong bài viết như một sự giãi bày của mình tại số báo cuối cùng, số báo thứ 908 của năm thứ 20, ra ngày 23 tháng 3 năm 2014, ông viết: Hai mươi năm về trước, phụ san Văn nghệ Trẻ ra đời với động lực chủ yếu là tạo thêm sân chơi cho giới trẻ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật để khơi nguồn sáng tạo thì hôm nay, sau số báo này, Văn nghệ Trẻ sẽ bước vào không gian mạng cũng với mục đích và động lực như vậy. Ban Biên tập tuần báo Văn nghệ và Ban Biên tập chuyên trang Văn nghệ Trẻ đã mạnh dạn tự tin lựa chọn bước đi này như một cuộc tìm kiếm vùng đất mới để cùng bạn đọc, bạn viết góp phần vào sự nghiệp chấn hưng nền văn hóa nước nhà trong thời đại Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước. Chúng tôi hy vọng bạn đọc, bạn viết, những người từng yêu mến Văn nghệ Trẻ trong hai mươi năm qua sẽ ủng hộ và cùng chúng tôi chấp nhận thử thách này…
Vẫn biết trong dòng chảy vô cùng của cuộc sống, mọi sự biến thiên đều là lẽ thường tình, và sự chuyển động của một tờ báo cũng không nằm ngoài quy luật đó, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Song tại thời điểm ấy, có thể nói đây là một quyết định đau lòng với nhiều người vốn lâu nay xem sự có mặt của một tờ báo như một thói quen, như một niềm tri kỷ, đặc biệt là do những lý do hết sức hành chính mà phiên bản điện tử của Văn nghệ Trẻ này ngay lập tức chưa thể ra mắt như một sự tiếp nối, để lại một khoảng trống quạnh hiu ngơ ngác cả trên văn đàn lẫn trong lòng người, mãi cho đến tận hôm nay…
Trong một hình hài mới, với một tư thế và vóc dáng mới, phiên bản điện tử của Văn nghệ Trẻ, chuyên trang của báo Văn nghệ điện tử tại địa chỉ http://vannghetre.com.vn vừa ra mắt vào tháng 4 năm 2016 vừa rồi, với kỳ vọng sẽ trở thành nơi khơi nguồn cho sức sáng tạo trẻ, vừa là kết quả của sự nỗ lực, nhưng cũng lại vừa là những thách thức mới của những người làm báo Văn nghệ hôm nay. Bởi vì 20 năm rõ ràng là một từng trải, 20 năm cũng một bề dày của kinh nghiệm, của tình yêu, tình bạn. Song 20 năm ấy cũng sẽ không là gì khi bước vào một cuộc sống mới mẻ hoàn toàn, với nhịp đập của trái tim và hơi thở hoàn toàn khác, với yêu cầu và đòi hỏi cũng khác, nếu như người ta không có được những đồng cảm và sẻ chia…
Lớp trẻ phải có cái nhìn tương lai. Ngày hôm nay, trong sự kiện này, xin được mượn lại câu nói của tác giả đầu tiên trên tờ Văn nghệ Trẻ hơn 20 năm trước, tác giả Võ Văn Kiệt, để khẳng định lại một điều, rằng mọi giá trị trên đời đều có thể thay đổi theo thời gian, chỉ có tuổi trẻ và tình yêu thì mãi mãi luôn là sự bắt đầu. Vậy nên xin hãy đừng coi tờ báo này chỉ là nơi ghé qua, mà hãy xem đây thực sự là ngôi nhà chung của chúng ta, ngôi nhà của tình yêu và của tuổi trẻ, để cùng chung tay vun đắp nó, bởi đó cũng chính là vun đắp cho hành trang của mỗi người, hôm nay và ngày mai
Trong ngôi nhà ấy, trước thềm Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ IX này, chúng tôi đã gắng sức để tạo nên một chuyên mục, như một thư viện nhỏ, về những đại biểu tham dự Hội nghị. Dẫu biết rằng như vậy chưa phải là tất cả, đặc biệt là với toàn thể lực lượng sáng tác trẻ hôm nay thì tất cả những điều ấy hãy còn là quá nhỏ bé, nhưng hãy thử nhìn lại mà xem, chưa bao giờ trước một sự kiện như thế này chúng ta lại có điều kiện để biết rõ về nhau nhiều và rộng như lần này chỉ thông qua một tờ báo. Lợi thế của công nghệ là thế, nhưng cơ hội, và cũng là trách nhiệm của chúng ta, cũng là thế. Thành quả của hôm nay phải được đo bằng sức vóc của ngày mai. Vậy nên hãy đón nhận kết quả ngày hôm nay như một sự bắt đầu tươi trẻ, để cho mỗi ngày mai đang đến kia sẽ là vạm vỡ một tương lai… 

Nguồn: Báo Văn Nghệ số 39-2016