Với sự góp mặt của hơn ba mươi cây bút rải rác 5 tỉnh Tây Nguyên, đây cũng là một niềm hy vọng cho văn học ở vùng đất này. Tôi tôn trọng cách họ đến và sống với văn chương. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Ai cũng có những công việc riêng, việc tìm đến văn chương để giải tỏa hay dấn thân tùy ở quan điểm của mỗi người. Nhưng nên mừng vì có một sự gặp gỡ giao thoa nhau của hơn ba mươi tác giả, cụ thể là các tác giả trẻ. Họ trẻ về tuổi nghề thì nên động viên khích lệ. Bởi có vinh quang nào không xây dựng từ những tận cùng khổ đau. Gạo có trắng cũng vì qua xay giã dần sàng. Vì vậy, dòng chảy chậm này sẽ chẳng bao giờ mất đi. Nó vẫn âm thầm miệt mài xuôi về biển lớn. Bạn mặc áo hoa, dòng chảy chậm sẽ mặc áo màu. Màu nào không cần quan tâm. Điều đáng quý là ngoài cuộc sống cơm áo gạo tiền với những cuồng quay, các bạn trẻ đã lặng lẽ chọn cho mình thêm con đường chữ nghĩa. Đây cũng chính là cách tự giáo dục mình để giữ cho tâm sáng lòng trong. Hay cũng là một cách hướng thiện cho xã hội.




VĂN HỌC TRẺ TÂY NGUYÊN – DÒNG CHẢY CHẬM
( Tham luận tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, 9-2016)

NGÔ THỊ THANH VÂN

Hòa vào dòng chảy chung của Văn học cả nước, Văn học trẻ Tây nguyên cũng là một mạch ngầm lặng lẽ, như trăm con sông cũng đổ về biển lớn dẫu bằng cách này hay cách khác. Những dòng sông ấy như những mạch ngầm len lỏi vượt qua các chướng ngại vật để trong hành trình ấy, góp thêm một lát cắt vào diện mạo văn học trẻ của nền văn học Việt Nam đương đại.
          Tây Nguyên là vùng đất với địa hình và khí hậu khắc nghiệt. Thổ nhưỡng vì thế hun đúc những con người tứ xứ lập nghiệp có những cá tính đậm chất Tây Nguyên. Chỉ đáng tiếc một điều, trong văn học của Tây Nguyên nói chung và văn học trẻ Tây Nguyên nói riêng, chất Tây Nguyên đang còn rất mờ nhạt.
Cách đặt tiêu đề cũng là một chủ đích của người viết : Văn học trẻ Tây Nguyên – dòng chảy chậm. Sở dĩ, tôi gọi là “Dòng chảy chậm”, vì:
- Trước hết, xét về góc độ thời gian: 5 năm (lấy mốc từ 2011  - năm diễn ra Hội nghị đại biểu những người viết trẻ lần VIII) thì: trong năm năm ấy, mật độ, tần xuất xuất hiện của những người viết (từng là đại biểu của hội nghị lần VIII) không nhiều lắm so với mặt bằng chung cả nước.
- Xét về góc độ không gian: Biên độ đã mở rộng hơn, các tác giả có bài đăng tải không chỉ là những tờ báo, tạp chí địa phương mà đã vươn ra các tờ báo, tạp chí trung ương. Đây cũng là một điều đáng khích lệ.
- Xét về số lượng tác phẩm công bố:
+ Ở Gia Lai: tác giả miên di: với tập thơ “thơ miên di”, tác giả Hoàng Thanh Hương: với thơ Mùa gió hát và tập truyện ngắn “Phía trước là bầu trời”. Tác giả Vi Thủy: tập thơ “mắt vỡ không còn bóng” và  tập truyện ngắn “Bảng lảng sương đêm”. Và tôi trong thời gian đó cũng vừa kịp giới thiệu đến bạn đọc bạn viết tập thơ “Phác thảo đêm”.
+ Kon Tum: Tác giả Hoàng Việt với tập thơ Những buổi sáng bình yên, tác giả Y Việt Sa tranh thủ xuất bản tác phẩm để đời nên việc ra sách vẫn đang dời lại. Hoàng Thị Ngọc Mai với tập thơ đầu tay là “Bỡ ngỡ giao mùa”.
+ Đăk Lăk: Nguyễn Văn Thiện với tập truyện ngắn “Chơi trò đồng xanh” và tiểu thuyết “nước mắt màu xanh thẫm”, Tác giả Nguyễn Anh Đào với tập truyện ngắn đầu tay “Đom đóm lập lòe”. Niê Thanh Mai với tập truyện ngắn “Ngày mai sáng rỡ” và tập truyện in chung “Bốn cây kơnia”. Đặc biệt có 4 sự xuất hiện của 4 cây bút trẻ nữ người bản địa H Siêu Bỹa, H’Xíu Hmok, H’ Phila Niê, H’Wêra trong cùng một tập sách “Nhánh cỏ dưới chân Đăm San” – đây là một tín hiệu mừng cho văn học Tây Nguyên nói chung và văn học Đak Lak nói riêng.
+ Đăk Nông: vì mới tách tỉnh nên hiện tại văn học ở đây đang còn là một khoảng trống mênh mông.
+ Lâm Đồng: Trần Hoàng Vũ Nguyên với tập thơ “Hồi chuông khát”, Nguyễn Minh Hạnh với tập thơ “Bão hôn”, Lê Hòa với tập “Hát ru bầu trời”.
- Xét về góc nhìn của người viết trẻ: Ở góc nhìn này, tôi xin phép được thực hiện việc điểm danh và một vài nhận xét của riêng mình.
Định nghĩa về trẻ thì có rất nhiều, bởi vậy, có lẽ tôi sẽ xét trên 2 phương diện là tuổi đời và thời gian viết vậy. Khoanh vùng lại để công việc rà soát này không bị sót tác giả và nội dung không dàn trải so với một bài tham luận hội nghị.
Trẻ đi liền với nhiệt huyết, mạo hiểm, xông xáo, thích tìm tòi, khám phá, thử nghiệm. Bên cạnh đó, trẻ còn là bản lĩnh tự tin khẳng định mình. Nhưng ở trẻ, ta cũng bắt gặp sự non yếu, thiếu chiêm nghiệm, trải nghiệm... Và người viết trẻ ở đâu cũng phảng phất những điều này trong tính cách lẫn trang viết. Người viết trẻ ở Tây Nguyên cũng vậy. Đa số người viết trẻ ở Tây Nguyên không phải là người dân tộc thiểu số, kèm với việc không am hiểu sâu về phong tục tập quán của các đồng bào sinh sống nơi đây. Có lẽ vì vậy, trong tác phẩm của họ thiếu hẳn hơi thở của màu sắc bản địa. Đây là một phần thiếu sót trong bức tranh văn học Tây Nguyên.
Nhưng bên cạnh đó, Văn học trẻ Tây Nguyên cũng có những điều đáng ghi nhận. Sự đam mê và nỗ lực của người viết nếu được ghi nhận thì mới tạo đà, tạo bệ phóng và niềm hưng phấn để họ có niềm tin và tình yêu đối với công việc lao động chữ nghĩa vốn dĩ “cơm áo không đùa với khách thơ”.
Điểm danh các tác giả trẻ trên 5 tỉnh Tây Nguyên để biết thêm về số lượng người trẻ đam mê văn chương trên vùng đất này:
Thế hệ 7x: Đặng Minh Sáng, Hoàng Việt, Nguyễn Phúc Đoan, Đinh Su Giăng  (Kon Tum); miên di, Hoàng Thanh Hương, Vũ Thu Huế (Gia Lai); Nguyễn Văn Thiện (Đak Lak); Nguyễn Minh Hạnh, Trần Hoàng Vũ Nguyên (Lâm Đồng), Võ Thủy (Đak Nông).
Thế hệ 8x: Niê Thanh Mai, H Siêu Bỹa, H’Xíu Hmok, H’ Phila Niê, H’Wêra Nguyễn Anh Đào (Đak Lak), Y Việt Sa, Phạm Doãn Thị Mãi, Hồng Thủy Tiên (Kon Tum), Đào An Duyên, Lê Vi Thủy, Lê Kim Sơn, Tạ Ngọc  Điệp, Trương Thị Chung, Trần Hồng Vân và tôi (Gia Lai), Cát Miên, Lê Miên Ca, Lê Hòa (Lâm Đồng), Nguyễn Kiên Nhẫn (Đak Nông).
Với sự góp mặt của hơn ba mươi cây bút rải rác 5 tỉnh Tây Nguyên, đây cũng là một niềm hy vọng cho văn học ở vùng đất này. Tôi tôn trọng cách họ đến và sống với văn chương. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Ai cũng có những công việc riêng, việc tìm đến văn chương để giải tỏa hay dấn thân tùy ở quan điểm của mỗi người. Nhưng nên mừng vì có một sự gặp gỡ giao thoa nhau của hơn ba mươi tác giả, cụ thể là các tác giả trẻ. Họ trẻ về tuổi nghề thì nên động viên khích lệ. Bởi có vinh quang nào không xây dựng từ những tận cùng khổ đau. Gạo có trắng cũng vì qua xay giã dần sàng. Vì vậy, dòng chảy chậm này sẽ chẳng bao giờ mất đi. Nó vẫn âm thầm miệt mài xuôi về biển lớn. Bạn mặc áo hoa, dòng chảy chậm sẽ mặc áo màu. Màu nào không cần quan tâm. Điều đáng quý là ngoài cuộc sống cơm áo gạo tiền với những cuồng quay, các bạn trẻ đã lặng lẽ chọn cho mình thêm con đường chữ nghĩa. Đây cũng chính là cách tự giáo dục mình để giữ cho tâm sáng lòng trong. Hay cũng là một cách hướng thiện cho xã hội.
“Hữu xạ tự nhiên hương” là điều người cầm bút nào cũng hiểu và nên hiểu. Chẳng tuyên ngôn nào thuyết phục bằng chính sản phẩm của tư duy, của sáng tạo. Chuẩn về hay cũng rất vô chừng. Văn chương là cảm. Mà cảm ở mỗi người cũng rất khác nhau. Nên anh cứ viết. Chưa luận bàn đến hay dở. Bởi, tác phẩm tự thân. Nếu tác phẩm có giá trị thì sau khi rời cơ thể mẹ, nó sẽ có một đời sống riêng. Gạt bỏ những chiêu trò lăng xê, Pr, đánh bóng, sau những ồn ào hào nhoáng về hình thức, tác phẩm giá trị sẽ ở lại với cuộc đời, với con người. Còn không, thì tại thời điểm đó, nó cũng đã hoàn thành xong vai trò và chức năng giải trí của mình. Cũng như con người, đến rồi đi khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ, và bổn phận của mình trước cuộc đời.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, dòng chảy vẫn trôi, văn học vẫn cứ nhịp nhàng đi tới. Ở nhánh sông rẽ về Tây Nguyên, con nước vẫn lặng lẽ âm thầm. Chưa có tác giả tạo nên tiếng vang mạnh mẽ, điều này không đồng nghĩ với việc không còn ai chọn con đường khổ ải với chữ nghĩa làm cái tâm của cuộc đời mình. Lửa rơm bao giờ cũng cháy phừng soi tỏ mặt người nhưng lại rất nhanh tàn. Chúng tôi, những người cầm bút ở Tây Nguyên chỉ muốn làm hòn than âm ỉ cháy. Và tôi luôn nghĩ “không thành công cũng thành nhân”câu nói của Nguyễn Thái Học sẽ là động lực giúp tôi còn bền tâm với ngòi bút của mình. Những trải nghiệm trên con đường chúng ta đi sẽ là những bài học quý báu trong cuộc đời mỗi con người.