Dự án thép Ninh Thuận và nỗi ám ảnh Formosa
Bài báo mới nhất, ngày 20-9-2016, trên Công An Nhân Dân, nhà báo Hà Quang Minh tiếp tục phản biện: “Rất đơn giản, đúng là thép mang lại l...
http://www.lethieunhon.vn/2016/09/du-thep-ninh-thuan-va-noi-am-anh-formosa.html
Bài báo mới nhất, ngày
20-9-2016, trên Công An Nhân Dân, nhà báo Hà Quang Minh tiếp tục phản biện: “Rất đơn giản, đúng là
thép mang lại lợi ích rất lớn, ngành công nghiệp Việt Nam cần thép, các địa
phương như Ninh Thuận cần thép để tăng ngân sách nhưng điều đó không có nghĩa
rằng phải làm bằng mọi giá, nhất là cái giá mà nhiều thế hệ tương lai phải trả
trong nhiều năm dài. Muốn phát triển ngành thép, tại sao không công khai mở
thầu với những quy định nghiêm ngặt về môi trường, xả thải, công nghệ hiện đại
mà thế giới tiên tiến đang áp dụng, WSA đang cam kết về một ngành thép đặt mình
trong trọng tâm của công nghiệp xanh? Nhà đầu tư nào cảm thấy đầu tư theo cam
kết như thế mà vẫn sinh lời, họ sẽ sẵn sàng bỏ thầu và nhiệm vụ của quản lý nhà
nước chỉ là giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện; kiểm soát chặt chẽ hoạt động
sản xuất kinh doanh cho đúng lộ trình thay vì mời gọi nhà đầu tư một cách dễ
dãi theo kiểu miễn là các vị có tiền, chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện”.
KHÔNG THỂ PHÁT TRIỂN BẰNG MỌI GIÁ
HÀ QUANG MINH
Khi câu chuyện Formosa vừa đi qua,
nhưng chưa kịp liền vết sẹo sợ hãi trong lòng người, nỗi sợ hãi về một môi
trường bị xâm hại nặng nề đến mức ngành kinh doanh hải sản bỗng trở nên xơ xác
một cách bất thường, câu chuyện Tôn Hoa Sen và dự án nhà máy thép ở Cà Ná đã
làm nổ ra một cuộc tranh luận lớn, cuộc tranh luận giữa những người muốn bảo vệ
môi trường sống tự nhiên và những người có quan điểm rằng "để phát triển
thì có những cái giá phải chấp nhận"… Trong
tất cả những quan điểm tranh luận ấy, có nhiều quan điểm rất nghiêm túc, rất
đáng được cân nhắc nhưng cũng có những quan điểm mà nói như bà Arlene Burgos,
Giám đốc truyền thông xã hội và tin tức tích hợp của Hãng truyền thông ABS-CBN,
thì mạng xã hội không phải là chỗ cho những tranh luận trí tuệ tồn tại.
Thực tế, trước câu chuyện
thép Cà Ná, chúng ta cần có những suy nghĩ nghiêm túc nào đây? Đúng là để phát
triển, để hiện đại hoá, để tự chủ hơn trong vật liệu cơ bản, phát triển ngành
thép là một điều cần phải làm, nhất là khi nhu cầu sử dụng thép trên thế giới
vẫn tăng trưởng rất mạnh mẽ. Dù không có số liệu báo cáo chính xác, nhưng ngành
thép Việt Nam có sản lượng được đánh giá khá tốt, đứng khoảng thứ 22 trên thế
giới, cận với sản lượng hằng năm của Hà Lan, Bỉ và vượt trên sản lượng của Úc,
Czech, Argentina và Indonesia.
Tiềm năng để phát triển ngành
thép của Việt Nam cũng rất lớn, và đó cũng là lý do kiến giải vì sao ngành thép
Việt Nam lại được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm rất sớm, gần như là sớm
nhất, kể từ khi chúng ta mở cửa ở cuối thập niên 80. Nhu cầu xây dựng cơ bản ở
Việt Nam cũng đang rất mạnh mẽ và bởi vậy, nó kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép
vật liệu rất lớn.
Điều đó mở ra một viễn cảnh phát
triển công nghiệp và kinh tế khá sáng sủa nhưng chưa rõ nét. Và điểm chưa rõ
nét nằm ở chính câu chuyện chúng ta đang tiếp cận với ngành thép như thế nào mà
cụ thể là vấn đề môi sinh xung quanh những khu công nghiệp sản xuất, cán thép
vốn dĩ đã được mặc định rằng sẽ có những tổn hại đặc biệt nếu không được kiểm
soát một cách hoàn hảo.
Nếu chúng ta chịu tìm hiểu một
chút, để lên trang web của Hiệp hội Thép toàn cầu (World Steel
Association-WSA), chúng ta sẽ nhận ra rằng dù sản lượng của chúng ta được đánh
giá thuộc diện khá nhưng chúng ta đang lạc hậu với những tôn chỉ và mục đích
của ngành thép thế giới.
Ngay ở trang đầu tiên trên giao
diện của WSA, những nguyên tắc đạo đức của ngành đã được đề cập tới, như một
kim chỉ nam cho hành động của ngành thép thế giới. WSA nhắc tới một khái niệm
rất lý thú, tạm dịch ra là "Công chính là trái tim của công nghiệp
thép" mà trong đó chỉ ra rất cụ thể rằng "trong năm 2015, có 75 thành
viên của WSA đã ký cam kết làm thép thì phải bảo đảm cải thiện xã hội, kinh tế
và đặc biệt là môi trường".
Thêm vào đó, WSA cũng đưa ra cam
kết rằng ngành thép hiện đại phải tự đặt mình vào vai trò cốt lõi của ngành
công nghiệp xanh, với nguyên tắc cụ thể rằng ngành thép sử dụng nước sạch thì
phải trả lại 90% nước sạch ấy trở về với môi trường. Những quy định của WSA ấy
với ngành thép hiện đại cho thấy, dù ngành thép là một ngành mang lại lợi nhuận
rất lớn, cơ hội phát triển rất lớn nhưng không thể nào vì hai chữ phát triển mà
đánh đổi bằng mọi giá, đặc biệt là lấy môi sinh ra làm cái giá để đánh đổi.
Sản xuất thép ra cũng để phục vụ
con người. Vậy thì khi con người không thể sống khoẻ mạnh, thép còn mang lại
được ích lợi gì nữa đây? Và trong những vấn đề thiết thực được thế giới hiện
đại đặt làm trọng tâm như thế, ngành thép Việt Nam đang đặt mình ở đâu?
Phát biểu của Vụ trưởng Vụ Công
nghiệp nặng, Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài, cho rằng "Dù không
phải là Hoa Sen đầu tư làm thép, thì Cà Ná đã ở trong quy hoạch ngành thép từ
năm 2008 và đã có một lộ trình khá dài của quy hoạch này" và "Đây là
địa điểm tiềm năng để đầu tư vào ngành thép" để lại cho chúng ta suy nghĩ
gì?
Rất đơn giản, đúng là thép mang
lại lợi ích rất lớn, ngành công nghiệp Việt Nam cần thép, các địa phương như
Ninh Thuận cần thép để tăng ngân sách nhưng điều đó không có nghĩa rằng phải
làm bằng mọi giá, nhất là cái giá mà nhiều thế hệ tương lai phải trả trong
nhiều năm dài.
Muốn phát triển ngành thép, tại
sao không công khai mở thầu với những quy định nghiêm ngặt về môi trường, xả
thải, công nghệ hiện đại mà thế giới tiên tiến đang áp dụng, WSA đang cam kết
về một ngành thép đặt mình trong trọng tâm của công nghiệp xanh? Nhà đầu tư nào
cảm thấy đầu tư theo cam kết như thế mà vẫn sinh lời, họ sẽ sẵn sàng bỏ thầu và
nhiệm vụ của quản lý nhà nước chỉ là giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện;
kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh cho đúng lộ trình thay vì mời
gọi nhà đầu tư một cách dễ dãi theo kiểu miễn là các vị có tiền, chúng tôi sẵn
sàng tạo mọi điều kiện.
Chúng ta sẵn sàng tạo mọi điều
kiện cho một ngành thép sạch nhưng chúng ta không thể tạo bất kỳ điều kiện nào
cho một ngành thép cổ hủ, lạc hậu, bất chấp hậu quả môi sinh. Và câu chuyện của
ngành thép không chỉ là câu chuyện chuyên biệt của một ngành cụ thể mà nó là cả
một câu chuyện cần được áp dụng cho mọi ngành khác. Chúng ta muốn phát triển,
nhưng chúng ta không thể đánh đổi sự phát triển ấy bằng bất cứ giá nào, với cái
xuề xòa theo kiểu, đợi đến lúc trả giá đời mình cũng đã xong rồi.
Nguồn: CAND