Đến hẹn lại lên, đúng định kì 5 năm một lần Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sẽ được diễn ra. Năm 2016, Hội nghị lần thứ 9 được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 28 và 29/9, dự kiến sẽ có hơn 100 đại biểu. Tiêu chí đại biểu được lựa chọn: tác giả sinh từ năm 1980 trở lại, đại diện cho các vùng miền trong toàn quốc, đã có tác phẩm đăng tải trên báo chí, đoạt giải thưởng các cuộc thi sáng tác, có sách được xuất bản. Hiện nay công tác chuẩn bị cho Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 đang được tiến hành gấp rút. Trước thềm Hội nghị, những đại biểu đã và sắp tham dự đều ít nhiều tâm tư.


TÌM RA MÌNH TRONG HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ

LÊ NHI

Đại biểu viết văn trẻ: Ngày ấy – bây giờ
Nhìn lại từ 15 năm trước, sau Hội nghị lần thứ 6 (năm 2001), có những đại biểu nay đã thành các nhà văn ghi được dấu ấn trong lòng bạn đọc như: Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Danh Lam, Lê Thiếu Nhơn... nhưng cũng có không ít người tham dự Hội nghị một lần rồi “biến mất” trên văn đàn, họ dừng sáng tác hoặc chuyển hẳn sang những lĩnh vực hoạt động không liên quan gì đến nghiệp cầm bút. Trong danh sách dự kiến lần này, bên cạnh những cái tên đã trở nên quen thuộc từ các Hội nghị được tổ chức cách đây 10 năm là những gương mặt mới xuất hiện trên văn đàn.
Sau Hội nghị lần thứ 7 (năm 2006), bạn đọc cũng dễ dàng thấy được những tác giả vững vàng trên con đường văn chương đầy thử thách: Nie Thanh Mai, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy...  Hội nghị lần thứ 8 (2011) đã ghi dấu lại bằng những tác giả chứng tỏ được năng lực và bản lĩnh sáng tác: Phạm Thanh Thúy, Lữ Thị Mai, Đoàn Văn Mật, Tống Ngọc Hân, Văn Thành Lê, Trịnh Sơn... Đã có nhiều tác giả sau này trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đặc biệt trường hợp Mergi Phạm (Phạm Phú Uyên Châu) sau Hội nghị lần thứ 8 đã được kết nạp vào Hội Nhà văn ở tuổi 25, hiện đang là nhà văn trẻ nhất trong tổ chức nghề nghiệp này.
So với kì Hội nghị gần đây nhất (năm 2011), số lượng  tác giả tham dự năm 2016 và các tiêu chí được lựa chọn gần như không có sự thay đổi. Nhìn vào danh sách đại biểu, người quan tâm vẫn luôn đặt ra những câu hỏi đại loại: Tác giả này là ai? Đã có những sáng tác gì?... Để trả lời được thắc mắc này, có lẽ cách duy nhất từ phía tác giả là phải chứng minh được năng lực thực sự của mình trong từng trang viết; còn từ phía bạn đọc, chỉ có thể là sự tìm đọc những tác phẩm mới một cách khách quan, công bằng.

Hội nghị viết văn trẻ: thiết thực hay phong trào?
Theo quy định của ban tổ chức, đã từ nhiều năm nay khi tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, đại biểu phải là người ở độ tuổi từ 35 trở lại (năm nay là 36). Thế nhưng có những tác giả ngoài 40 mới bắt đầu bước vào nghiệp văn chương và nhanh chóng khẳng định được tên tuổi như: Inrasara, Mạc Can, Nguyễn Trí, Trần Thanh Cảnh... liệu có được xếp vào hàng ngũ “trẻ” ở thời điểm họ khởi nghiệp? Tiêu chí “trẻ” được đặt vào đâu khi với người cầm bút thì năng lượng sáng tạo và sức lan tỏa của tác phẩm mới là điều quan trọng nhất? Nhìn vào lực lượng viết trẻ hiện nay – kể trên diện rộng bao gồm cả sáng tác và phê bình - nhà thơ Lê Anh Hoài (báo Tiền Phong) nhận định: “Tôi ghi nhận được một số người viết trẻ có những tìm tòi, cách tân. Bên cạnh đó có những người lặng lẽ làm việc, họ chiêm nghiệm đời sống, đi sâu vào bản thể từ chính đời sống của mình. Nhưng số này ít lắm. Và dường như họ không được soi chiếu đến? Đa số là những người viết trẻ nhưng ít chịu tìm tòi, nghiên cứu nghề. Họ lóe lên vài ba tác phẩm rồi bắt đầu cứ thế đi vào lối mòn. Hình như người viết trẻ hôm nay đông hơn nhưng họ dễ dãi hơn, họ sợ sệt điều gì đó, như thể nếu đi vào những đường riêng họ sợ không được công nhận? Xuất bản giờ đây cũng khá dễ dàng nên nhiều người tỏ ra vội vã và nhanh chóng thỏa mãn.”
Điểm lại các kì Hội nghị đã qua, hầu hết những người đã từng tham dự (một hoặc nhiều lần) đều có cảm nhận chung rằng đây vừa là niềm vui lớn vừa là cơ hội học tập hữu ích.
Tác giả trẻ Phùng Thị Hương Ly (sinh năm 1991 – đại biểu đến từ tỉnh Bắc Kạn) trước lần đầu tiên đi dự Hội nghị đã bày tỏ: “Đây là sự kiện mà tôi cũng như các cây bút trẻ khác mong đợi. Vì là lần đầu tiên vinh dự được là đại biểu của Hội nghị viết văn trẻ Toàn quốc nên tôi khá hộp, tò mò rằng mình sẽ được trải nghiệm những gì tại Hội nghị. Đến đây tôi sẽ tận dụng cơ hội để lắng nghe và học hỏi những điều bổ ích thú vị, gặp gỡ và trao đổi với các tác giả trẻ khắp mọi miền để từ đó có thêm động lực để sáng tạo.”
Nhà văn Nguyễn Hiệp – một đại biểu tham dự Hội nghị viết văn trẻ tháng 9 năm 1998 chia sẻ: “Với tư cách của người đã từng đi dự Hội nghị viết văn trẻ và kinh nghiệm tìm ra mình, tôi thấy thật sự đây là hoạt động cần thiết. Hội nghị viết văn trẻ không chỉ “điểm danh” những người viết trẻ mà còn giúp họ định dạng lại chính xác về mình, biết mình đang ở đâu qua những người viết cùng trang lứa, thậm chí có thể nói không quá là Hội nghị đã tiếp thêm rất nhiều lửa cho những cây bút còn hơi thiếu lửa. Trong Hội nghị, giao lưu gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của các thế hệ nhà văn là hoạt động rất quan trọng. Như trường hợp của chính tôi, nhờ Hội nghị viết văn trẻ năm ấy mà tôi được gặp nhà văn Tô Hoài, chính cụ đã gợi ý cho tôi chuyển sang viết văn xuôi thay vì đại biểu dự Hội nghị với tư cách người làm thơ. Và tôi đã thật sự tìm được mình qua những trang văn xuôi như hiện nay.”
Thay lời kết cho bài viết này, xin dẫn ra một chia sẻ rất chân thành của nhà phê bình Inrasara: “Tôi chưa một lần dự Hội nghị viết văn trẻ, bởi khi xuất hiện với tư cách người làm thơ (bài thơ đầu tiên đăng báo, tập thơ đầu tiên xuất bản) tôi đã… già: 40 tuổi chẵn! Thế nên, tôi nghĩ, Hội nghị hay các hoạt động tương tự chỉ là phong trào, nhưng lại là phong trào cần thiết với kẻ biết vận dụng nó để làm thật...”


Nguồn: Văn Nghệ Trẻ