“Chim ưng và chàng đan sọt” của Bùi Việt Sỹ là tác phẩm đoạt giải B cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam (không có giải A). Tác phẩm đưa người đọc ngược trở lại thời Trần với hai nhân vật chính được gọi tên cho cuốn sách là Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão. Còn “Sương mù tháng giêng” cũng được coi là bản giao hưởng nhiều bè, nhiều giọng điệu, xoay quanh những mối quan hệ của vương triều nhà Trần ở giai đoạn kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Những nhân vật như Trần Khánh Dư, công chúa Thiên Thụy, Vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông hay Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo hiện lên với tâm tư, tình cảm của những con người cụ thể. Liên quan đến những chi tiết giống nhau giữa hai tác phẩm, phóng viên đã liên hệ với ông Uông Triều - tác giả “Sương mù tháng giêng”, ông khẳng định mình chưa đọc tác phẩm nào của ông Bùi Việt Sỹ: “Tác phẩm của tôi được xuất bản trước khi sách của ông Sỹ xuất bản. Nếu bạn quan tâm thì tự đọc và nghiên cứu. Còn nữa, viết tiểu thuyết lịch sử thì ai viết cũng dựa trên căn cứ của lịch sử cả. Tôi chỉ nói thế thôi, phán xét thế nào là quyền khách quan của mọi người”



Hai tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” và “Sương mù tháng Giêng“: Cuốn nào “đạo” cuốn nào?

BÍCH HÀ

Hai cuốn tiểu thuyết lịch sử có nội dung xoay quanh các mối quan hệ của vương triều nhà Trần và có những chi tiết hư cấu giống nhau đến kỳ lạ. Càng kỳ lạ hơn khi những chi tiết sai hoàn toàn so với chính sử, thì trong hai tác phẩm cũng cùng sai giống nhau. Phải chăng hai tác giả quá đồng điệu ý tưởng hay lại có chuyện “đạo văn” ở đây?

Giống đến từng chi tiết sai
Trong tay người viết có đoạn trích đăng tiểu thuyết lịch sử “Chim ưng và chàng đan sọt” của tác giả Bùi Việt Sỹ trên tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, số tháng 5.2014 và cuốn tiểu thuyết “Sương mù tháng giêng” của tác giả Uông Triều, xuất bản và nộp lưu chiểu vào tháng 3.2015. Hai tác phẩm này có những chi tiết giống nhau. Cùng là tiểu thuyết viết về một giai đoạn trong lịch sử nước nhà, việc có những chi tiết giống chính sử là điều không bàn, nhưng đằng này hai tác phẩm lại giống nhau cả ở những chi tiết hư cấu
Ví dụ, ở chi tiết viết về Hội nghị Bình Than, theo chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư) là họp vào tháng 10.1282. Tại hội nghị này, Vua Trần chưa phong cho Hưng Đạo Vương làm Quốc công tiết chế, mà đến tháng 10.1283 mới phong. Trong “Chim ưng và chàng đan sọt”, ông Bùi Việt Sỹ đã hư cấu để hai Vua Trần phong tước vương cho Hưng Đạo Vương ngay vào đầu năm 1282, với những trang tả cảnh sương mù trên sông (trang 46 tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, số 5.2014 - PV). Và “Sương mù tháng giêng” của Uông Triều cũng có những chi tiết như vậy, chỉ khác là một đằng phong vào tháng 2, còn một đằng Hưng Đạo Vương được phong Vương vào tháng giêng (trang 60, Sương mù tháng giêng).
Chính sử tả nhân vật Trần Khánh Dư là người mặc áo ngắn, đội nón lá. Ông Sỹ hư cấu trong “Chim ưng và chàng đan sọt” là người mặc áo tơi, đội nón lá, thì ở trang 49 của “Sương mù tháng giêng”, ông Uông Triều cũng viết là “áo tơi, đội nón lá”.
Nhân vật dân gian Phạm Nhan được cả hai tác giả đưa vào tác phẩm và đều biến báo để nhân vật làm hướng đạo cho quân Nguyên. Hay ở trang 48 tác phẩm của ông Sỹ in trên tạp chí Nhà văn và Tác phẩm có đoạn Trần Khánh Dư chỉ đạo: “Thứ gì cướp được thì cướp. Không cướp được thì đốt hoặc đánh chìm xuống biển”. Trang 194 tác phẩm của Uông Triều cũng có chi tiết đó, nhưng là “Khánh Dư đốc quân, thuyền nào không cướp được thì đánh chìm, đốt cháy”.
Đặc biệt, ở phần tóm tắt tác phẩm “Chim ưng và chàng đan sọt”, những dòng cuối tác giả Bùi Việt Sỹ có ghi Trần Khánh Dư đốt cháy và đánh chìm được 70 vạn hộc lương của Trương Văn Hổ. Đây là phần hư cấu sai. Thực tế phải là đốt 70 vạn thạch lương - đơn vị đo lường dùng cho thuyền thời này đều dùng thạch để tính trọng tải, thường tính theo khối lượng, không mấy khi tính theo trọng lượng (một thạch thời Nguyên tính theo trọng lượng bằng 30 quân, tức là 120 cân - PV). Trong “Sương mù tháng giêng” của ông Uông Triều cũng lại sai y như vậy.
Trong “Chim ưng và chàng đan sọt”, ông Sỹ đã có những chi tiết hư cấu về nhân vật Trần Khánh Dư, như quan hệ với chị Cả Lưu, để nhằm khắc họa nhân vật Trần Khánh Dư ngoài tài thao lược hơn người thì cũng kiêu căng trịch thượng, hào hoa, đa tình. Trong tác phẩm của ông Uông Triều cũng có chi tiết đó, chỉ khác là quan hệ với một chị tên là Từ Ô. Hay chi tiết khi Trần Khánh Dư bị Trần Quốc Nghiễn bắt quả tang ngủ với vợ mình là công chúa Thiên Thụy, Trần Khánh Dư đã mở đường máu và đâm vào vai Trần Quốc Nghiễn để tẩu thoát (trang 45). Đây là chi tiết ông Sỹ hư cấu để nhằm miêu tả một góc khác về một nhân vật lịch sử. Trong tác phẩm của Uông Triều cũng có những chi tiết này, nhưng theo hướng Trần Quốc Nghiễn đâm vào vai Trần Khánh Dư để rửa hận.

Có phải “đạo văn”?
“Chim ưng và chàng đan sọt” là tác phẩm đoạt giải B cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam (không có giải A). Tác phẩm đưa người đọc ngược trở lại thời Trần với hai nhân vật chính được gọi tên cho cuốn sách là Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão. Còn “Sương mù tháng giêng” cũng được coi là bản giao hưởng nhiều bè, nhiều giọng điệu, xoay quanh những mối quan hệ của vương triều nhà Trần ở giai đoạn kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Những nhân vật như Trần Khánh Dư, công chúa Thiên Thụy, Vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông hay Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo hiện lên với tâm tư, tình cảm của những con người cụ thể.
Liên quan đến những chi tiết giống nhau giữa hai tác phẩm, PV đã liên hệ với ông Uông Triều - tác giả “Sương mù tháng giêng”, ông khẳng định mình chưa đọc tác phẩm nào của ông Bùi Việt Sỹ. “Tác phẩm của tôi được xuất bản trước khi sách của ông Sỹ xuất bản. Nếu bạn quan tâm thì tự đọc và nghiên cứu. Còn nữa, viết tiểu thuyết lịch sử thì ai viết cũng dựa trên căn cứ của lịch sử cả. Tôi chỉ nói thế thôi, phán xét thế nào là quyền khách quan của mọi người” - ông Uông Triều cho biết.
Còn ông Bùi Việt Sỹ - tác giả tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” - thì khẳng định tác phẩm của mình viết trước tác phẩm của Uông Triều, ông có đầy đủ các văn bản, bằng chứng để chứng minh điều đó. “Tác giả Uông Triều đã thuổng một nhánh chính là Trần Khánh Dư ở cả phần cốt truyện và chi tiết trong tác phẩm của tôi. Giống đến cả chi tiết sai, thì chỉ có “đạo” thì mới lấy luôn cả cái sai của tác giả khác vào tác phẩm của mình mà không biết” - ông Sỹ nói. Cũng theo ông Sỹ, ông mong tác giả tiểu thuyết “Sương mù tháng giêng” đối thoại, lên tiếng làm rõ, để bạn đọc có được cái nhìn rõ ràng hơn trong vụ việc này.


Nguồn: Lao Động