Ký ức của nhà văn Chu Lai về những nhân vật từng ở ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội: Cụ Hải Hồ gầy gò nhưng lại rất thích nói về sex, trong đó cái ngón chơi của bà hoàng hậu Trung Hoa tám mươi tuổi rồi mà vẫn khao khát tình dục đến kinh hoàng qua miệng cụ kể mà nghe sởn cả da gà. Cụ Hữu Mai với chiếc mũ nồi bốn mùa gắn trên cái đầu được biết nó không tròn trịa lắm khi đó đang nổi như cồn bởi “Ông cố vấn” lại chỉ mủm mỉm cười. Còn nhớ một buổi sáng cụ Nguyễn Minh Châu đạp xe đến cơ quan, nhìn tôi với vẻ nghiêm trọng, nói: “Đổi đi! Ông phải thay đổi cách viết đi! Đã đọc Tướng về hưu của cậu Thiệp trên báo Văn Nghệ chưa? Bỏ mẹ, nó viết thế thì có khác gì nó vỗ vào mặt mình là cách viết của các bố cũ, cổ lắm rồi”. Cũng cụ này có hôm bỗng say sưa bàn về bóng đá trong khi chưa một lần ra sân bãi, đến nỗi cụ Nguyễn Khải phải trợn mắt lên: “Nhìn lão này bình luận bóng đá cứ nưng nứng như con đĩ non!”.  


MỘT THOÁNG CHÂN DUNG

CHU LAI

Phố nhà binh. Căn phố có độ dài 1.200 thước ấy thời bao cấp ảm đạm lắm, đêm đêm chỉ có tiếng giày đinh quân cảnh gõ uể oải hai bên hè, tiếng những đôi tình nhân thì thào lả người trong tay nhau, tiếng sấu rụng cô đơn xuống mặt đường và tiếng mèo động tình như tiếng trẻ khóc u oa trên mái ngói.

Căn phố rợp bóng xà cừ ấy lại là nơi trấn ngự một ngôi nhà được liệt vào một trong hai ngôi nhà có kiến trúc đẹp và cổ nhất Hà Nội, ngôi nhà mang biển số 4, ngôi nhà có hai cây đại già đứng trầm mặc rụng hoa trước cổng như một chứng nhân lịch sử mà thỉnh thoảng đi qua đây, khách vãng lai rất dễ có cảm nhận mình đang đi qua một ngôi đền thanh tịnh, yên ắng. Vâng, đó đúng là ngôi đền văn chương, ngôi đền của những tên tuổi văn chương lừng lẫy một thời đã làm nên dòng văn học chủ lưu, lấp lánh về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, đến nỗi đã có nữ thi nhân ví nó như là Hội Nhà văn thứ hai của đất nước: Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hải Hồ, Hữu Mai, Nhị Ca, Xuân Sách, Xuân Thiều, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trọng Oánh, Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Duy Khán, Nam Hà… Tiếp đến thế hệ thứ hai ồn ào và đông đúc hơn với những người lính vừa từ chiến trận trở về: Lê Lựu, Triệu Bôn, Ngô Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Thị Như Trang, Hữu Thỉnh, Thao Trường, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Trần Đăng Khoa, Lê Thành Nghị, Vương Trọng, Hồng Diệu, Khuất Quang Thụy, Ngô Vĩnh Bình, Chu Lai…
Các thế hệ văn chương đến rồi lại đi như thể đây là nơi tập kết trước lúc tung cánh bay xa vào các miền mĩ cảm của những tài năng chứ không phải chỉ là điểm lưu giữ bảo tàng các cốt cách và các chân giá trị. Có người đi và có người không trở về. Cho đến bây giờ, sau hai cuộc chiến tranh và sau thời kì dựng xây dặc dài nhọc mệt, thế hệ các nhà văn trào kháng Pháp đã gần như không còn một ai, nếu còn cũng rơi vào ốm đau nhiều lắm, thế hệ các nhà văn trào kháng Mĩ đã rơi rụng dần để mỗi độ xuân sang, khi ngồi với nhau trong câu chúc tất niên lại chỉ thấy có những khuôn mặt tươi tắn, trẻ trung, xinh đẹp của thế hệ thứ ba, thế hệ dựng xây và hội nhập với những Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thuý, Phạm Duy Nghĩa, Uông Triều, Đỗ Tiến Thụy…

Mỗi nhà văn là một tính cách, là một chân trời khát vọng, một phong cách, một năng lực sáng tạo, một cách thức đi thực tế, một kiểu viết khác nhau nhưng đều tập trung về một hướng là làm sao có những trang viết sâu xa nồng nàn, chân thực nhất về đồng đội, về nhân dân của mình trong bão táp đạn bom sinh tử. Tài năng văn học là thời vụ, không phải cứ hiệu triệu hô hào rổn rảng, hùng hục xách ba lô đi vào trận mạc, đi vào điểm nóng là có tác phẩm xứng tầm nhưng nếu không đi, không thở tận cùng cái hơi thở của  người lính, của nhân dân thì chắc chắn sẽ không có những con chữ cốt nhục, đắm chìm, thăng hoa đến thế.

Song cách đi cách cảm nhận của mỗi người mỗi khác. Nguyễn Khải trước khi đi bao giờ cũng sắp xếp sẵn mọi ý tưởng, cốt truyện, nhân vật, tình huống trong đầu, đến nơi gặp người này một tí, người kia một tí, ghi ghi chép chép kĩ càng như cái anh nhà báo chuyên viết phóng sự rồi lắp ghép lại y hệt một thợ xây tài hoa, thế là thành một tác phẩm giàu chất lí sự, câu chữ sắc lẻm, nhận xét đáo để, các nhân vật cứ hiện lên rờ rỡ với các cung cách suy nghĩ, nói năng rất Nguyễn Khải không lẫn vào đâu được. Còn Nguyễn Minh Châu thì lại rất lơ mơ, không hỏi không ghi, chỉ gà gật nhưng câu nào ý nào đã lọt được vào tai là ăn chết ở đó, rất lâu sau mới biến thành nhân vật, ngôn từ và cốt truyện sâu thăm thẳm. Chất lí sự của ông này và chất da diết, tinh tế của ông kia giá như ngào được vào nhau thì sẽ có một tiếng nổ khủng khiếp nhưng làm sao được, mỗi người mỗi tạng, chả ai giống ai, chả ai bắt chước được ai. Cái đó gọi là mùi văn. Có mùi rồi thì dù không biết tên tác giả chỉ cần cầm sách lên lia vài đoạn là biết ngay của ai. Ví như cái mùi tưng tửng, câu chữ tung tẩy, bất ngờ, chả có cái gì cũng vẽ lên được, đọc không thể không bật cười, có lúc bật chửi là y rằng văn của Trần Đăng Khoa. Còn câu cú dây cà ra dây muống, cứ mạch nghĩ mà tương, không màng đến bố cục, ngữ pháp, kể cả chấm phẩy, xuống dòng, đọc mệt nhưng sướng dứt khoát là văn của Lê Lựu…

Mỗi cụ là một thế giới riêng độc đáo và hết sức phong phú về tư duy, tâm hồn, cả khẩu khí. Cụ Châu thì nhỏ nhẹ, rì rầm, như không thích nói, muốn nói. Cụ Khải thì véo von, nói như không, thoạt nghe chưa thấy gì, thấm rồi mới thấy sao nó tinh thế, sâu thế. Cụ Hải Hồ gầy gò nhưng lại rất thích nói về sex, trong đó cái ngón chơi của bà hoàng hậu Trung Hoa tám mươi tuổi rồi mà vẫn khao khát tình dục đến kinh hoàng qua miệng cụ kể mà nghe sởn cả da gà. Cụ Hữu Mai với chiếc mũ nồi bốn mùa gắn trên cái đầu được biết nó không tròn trịa lắm khi đó đang nổi như cồn bởi “Ông cố vấn” lại chỉ mủm mỉm cười. Đánh bóng bàn cụ cũng mủm mỉm vậy nhưng nhiều khi gài cho cây vợt Thu Bồn có lối đánh ồn ào những cú trái tay đến phải mở miệng văng tục. Nhưng Thu Bồn, người đàn ông cao to như một dũng sĩ châu Phi với một hệ thống giai thoại ái tình ngây ngô, bão tố khi nói chuyện với phái nữ lại không ồn ào chút nào, thậm chí cứ hễ cất miệng đọc thơ là lại khóc khiến cho trái tim bao thiếu nữ và thiếu phụ tan chảy. Còn Xuân Sách, nhà chân dung học độc đáo có một không hai trong làng văn lại chỉ đưa đôi mắt rất hóm quan sát tất cả đồng nghiệp để rồi sau đó vài ngày, một chân dung bằng thơ được kết nối bằng tên các tác phẩm và tính cách của ai đó được tấu lên với độ chính xác và lạnh buốt đến sững sờ. Còn nhớ một buổi sáng cụ Nguyễn Minh Châu đạp xe đến cơ quan, nhìn tôi với vẻ nghiêm trọng, nói: “Đổi đi! Ông phải thay đổi cách viết đi! Đã đọc Tướng về hưu của cậu Thiệp trên báo Văn nghệ chưa? Bỏ mẹ, nó viết thế thì có khác gì nó vỗ vào mặt mình là cách viết của các bố cũ, cổ lắm rồi”. Cũng cụ này có hôm bỗng say sưa bàn về bóng đá trong khi chưa một lần ra sân bãi, đến nỗi cụ Nguyễn Khải phải trợn mắt lên: “Nhìn lão này bình luận bóng đá cứ nưng nứng như con đĩ non!”. Đại khái thế, sáng sáng cánh trẻ ngồi bậc tam cấp hóng chuyện các cụ vỡ ra được vô khối điều về nhân tình thế thái, về tình yêu tình người, cả về chuyện nghề trúc trắc, tế nhị không dễ nói ra. Riêng chỉ có Duy Khán, nhà thơ, người lính radda năm xưa là vẫn nói về nghề một cách say sưa rôm rả như một cậu bé mới vào nghề. Và chính cái tâm hồn bé thơ được ướp rượu gần như trong vắt ấy đã giúp ông sau này cho ra đời được cuốn văn xuôi chứ không phải thơ Tuổi thơ im lặng được liệt vào hàng tuyệt bút. Cũng như câu nói cuối cùng của ông khi được nhận một căn hộ ba chục thước vuông ở Hải Phòng trước khi về hưu được liệt vào loại tuyệt khẩu: “Đây là bài thơ đẹp nhất của đời tôi”.

Nghèo. Thời bao cấp các nhà văn mặc áo lính thật nghèo. Lương không đủ sống nửa tháng, tết nhất rút thăm được lạng mỡ này, lạng thịt kia đã rưng rưng muốn khóc nhưng mà sống với nhau thật chí tình chí nghĩa. Chí tình chí nghĩa trong quan hệ đồng nghiệp, trong cả quan hệ tổ chức. Bây giờ thỉnh thoảng đi qua ngôi nhà thân yêu, tôi dường như vẫn vẳng nghe tiếng đọc thơ biền ngẫu qua giọng Huế rất đằm của cụ Thanh Tịnh, thủ lĩnh thứ hai của Tạp chí sau tướng Văn Phác. Thơ cụ làm theo kiểu độc tấu nhưng ý nghĩa bên trong cứ làm cho ta xao xuyến, giật mình đến tận cùng về kiếp người, về lẽ nhân sinh mà tầng minh triết trong đó so với đúc kết được gọi là thâm thúy của ông thủ tướng họ Chu đã về nghỉ của quốc gia láng giềng bên kia kiểu như “Tất cả đều ở ngoài ta chỉ có sức khoẻ là ở trong tay”, hay “Nhà của cha mẹ là nhà của con nhưng nhà của con không bao giờ là nhà của cha mẹ”… còn thâm sâu hơn nhiều. Và được nghe cả tiếng cười sảng khoái của tác giả Núi đôi, nhà thơ Vũ Cao, thủ lĩnh đời thứ ba như vẫn còn lẩn khuất đâu đây trong hai vòm hoa đại. Lẩn khuất cả câu nói bất hủ: “Lãnh đạo văn nghệ tức là không lãnh đạo gì”. Câu nói đã đi vào cốt lõi của tâm hồn người làm văn học nghệ thuật chỉ tuân thủ phép tâm trị chứ không phải pháp trị.

Có một điều chung là các cụ không mấy mặn mà với chuyện họp hành, kể cả họp chi bộ. Ngồi họp mà đầu óc cứ lãng đãng để đi đâu, nếu buộc phải phát biểu cái gì đó thì cũng phát biểu rất ngắn, cụt thui lủi, cạn ý hết lời lúc nào không biết. Thậm chí chẳng may trúng cấp ủy là đùn đẩy tung toé cho nhau với đủ những lí do chả có liên quan gì đến tính đảng cả. Cũng may mà trong số đó có cụ lại có cảm hứng phát biểu, nhất là các cụ quê vùng Nghệ Tĩnh, phát biểu rất hăng, rất dài, khúc chiết, câu nào ra câu đó, nghị quyết rạch ròi phân tích đến nơi đến chốn cho nên cuộc họp cũng có phần đỡ nặng nề. Vì vậy cứ sắp đến một cuộc họp hay học nghị quyết gì đó, mà thời ấy xểnh ra là học, mọi người lại bảo nhau phải khích cho lão này lão kia lên tiếng, chỉ cần hai lão thôi là hết giờ, xong. Chả thế mà có thời người ta nói “Văn đội quân Nghệ” chứ không phải “Văn nghệ quân đội”. Còn bây giờ các cụ đồ Nghệ lác đác rụng rơi gần hết rồi.

Không biết từ bao giờ có cái định đề nghe có vẻ biện chứng thế này: Sáng tạo là cô đơn, là lặng lẽ đến ghê người, cái anh viết hay thường nói dở và cái anh viết dở lại nói hay, như một sự bù trừ. Tôi thấy không đúng. Nhà số 4 hồi đó thường hay có tao nhân mặc khách từ mọi nơi đến chơi. Thôi thì đủ các thứ chuyện, các khẩu khí khác nhau. Tôi nhớ có một anh nói nhiều lắm, nói có duyên, nếu đến chơi khách chỉ đủ thì giờ nghe chủ nói cả buổi rồi bấm bụng ra về. Đó là Tô Hoàng vừa tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh từ Liên Xô về. Nhưng Tô Hoàng ngồi trước một người tóc bạc sớm, nói nhỏ nhẹ thôi mà chữ nghĩa cứ như kim khí va nhau lanh canh, sắc lạnh là chỉ còn há miệng ngồi nghe. Đó là Nguyễn Khắc Phục, vừa từ chiến trường Khu 5 trở về. Cả hai con người này ngồi trước một người thứ ba, nói như lên đồng, nói trong hơi thuốc lào vã, nói đùn bọt mép, nói như đưa như ru, nói như không hiểu mình nói gì thì chỉ đành ngồi im. Đó là Đỗ Chu. Vậy mà cả ba ngồi trước một vị trung tuổi, da dẻ hồng hào nhẵn nhụi, răng cửa hơi vổ, vừa nói vừa cười, ý nọ nhằng vào ý kia, ý nào cũng tràn trề triết lí bất ngờ thì chỉ còn cách uống từng lời, càng uống càng khát. Đó là cụ Nguyễn Khải.

Nhớ lại, kể lại về những con người Nhà số 4 thì vô hồi vô hạn, xin tạm chấm phá vài dòng để làm động tác tri ân, để nhớ về một ngôi nhà trầm mặc đã sản sinh ra bao tài văn trong lịch sử văn học, đã tạo nên một tượng đài văn chương uy nghiêm của dân tộc trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Mới đó mà người đã đi xa, tất cả những người tôi vừa kể trên, người không còn nữa, người nghỉ hưu, người đang thoi thóp trên giường bệnh nhưng ngôi nhà ấy, những tên tuổi ấy sẽ còn lưu danh mãi trong lòng người đọc, trong các thế hệ mai sau, trong lòng nhân dân cần lao. Âu đó cũng là cái hạnh phúc khôn nguôi, cao quý, thơm thảo, tinh khiết, chay tịnh của kẻ sĩ một thời và muôn thời. Như hương nhụy của hai vòm hoa đại kia.