Thân phận con người là vấn đề mang tầm phổ quát, “vượt lên tất cả bờ cõi và giới hạn” (Nam Cao). Hòa cùng những chuyển biến sâu sắc và mạnh mẽ của văn học Việt Nam thời kì Đổi mới, cảm hứng ưu tư về thân phận người Việt tha hương được cho là một tìm tòi mới, góp phần làm nên tính đa dạng của tiểu thuyết hải ngoại nói riêng và văn xuôi Việt Nam đương đại nói chung. Dòng văn học hải ngoại ở đây chỉ sáng tác của các nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài được viết bằng tiếng Việt. Các tác phẩm được chọn khảo sát trong bài viết như Quyên (Nguyễn Văn Thọ), Chinatown, Paris 11 tháng 8 (Thuận), Tìm trong nỗi nhớ (Lê Ngọc Mai), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng)... chỉ là một vài trong rất nhiều ấn phẩm thuộc bộ phận văn học đã và đang được độc giả quê nhà yêu thích đón nhận. 

TIỂU THUYẾT HẢI NGOẠI VÀ VẤN ĐỀ THÂN PHẬN THA HƯƠNG

LÝ HOÀI THU – NGUYỄN THU TRANG


Từ bi kịch của “kẻ xa lạ”…
Dù là chủ động hay bị động, đột ngột hay có chuẩn bị tinh thần trước, những người Việt di cư ra nước ngoài đều không tránh khỏi cảm giác lạ lẫm, lạc lõng, bất an, sốc văn hóa trên vùng đất mới. Tất cả những trạng huống tâm lí đó, tuy có đậm nhạt khác nhau, đều trở thành vốn liếng, “kinh nghiệm thẩm mĩ” của người viết và được hiển thị lên văn bản sáng tác của họ.   
Lạc lõng nơi đất khách, như một lẽ tự nhiên, những kiếp người xa xứ chới với tìm điểm tựa tinh thần nơi gia đình, ở những người đồng hương hay làm những cuộc thoát li tinh thần ngóng vọng về quê nhà..., nhưng đáp trả lại, họ chỉ ngày càng cảm nhận sâu sắc hơn bi kịch của kẻ ngụ cư, của người khách lạ. Xã hội Tây phương có sức mạnh vô hình khiến những người đồng hương của Quyên (Quyên - Nguyễn Văn Thọ) ngày một xa rời nhau. “Những kẻ đồng hương của cô thiêu thiếu một điều gì đó, điều gì đó có tính rộng khắp, bao trùm lên toàn thể cộng đồng của cô”. Sự “thiếu một điều gì đó” đã khiến những gia đình như Quyên - Dũng, Thị - Phi trở nên tan rạn, vỡ nát, khiến những người như Thị trở nên trơ tráo, vô liêm sỉ, và khiến cả những gì gắn với quê hương cũng ngày một bị mất tích trong lòng xã hội nhập cư ngột ngạt. Cảm giác chống chếnh, bất lực, thiếu niềm tin, nghị lực khiến không ít người gục ngã, phó mặc để những gì gắn bó với quê hương, gia đình dần bị băng hoại dưới sức mạnh của đồng tiền, của cạm bẫy.
Octavio Paz Lozano, một nhà văn lớn của Mexico đã cho rằng, cô đơn là đặc trưng của thân phận người, con người là sinh vật duy nhất cảm thấy mình đơn côi và cũng là sinh vật duy nhất biết tìm đến người khác. Cảm thức cô đơn có thể được hiểu là sự thức nhận về nỗi bơ vơ, lạc lõng của cá thể trong môi trường xã hội của nó. Khách tha hương không chỉ cô đơn khi rơi vào cảnh một mình như nữ nhân vật trong Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng), mà còn cô đơn ngay cả khi sống giữa đám đông như “tôi”, như Thụy trong Chinatown (Thuận). Không gian tha hương như bủa vây, bao chiếm các nhân vật trong nỗi cô đơn không có lối thoát. Sở hữu ba quốc tịch mà vẫn thấy vô tổ quốc (“tôi” trong Chinatown), bên đồng hương, gia đình mà vẫn thấy lạc loài, xa lạ, như thể “sinh nhầm thời”, đó là tâm trạng của Kiên và Lan Chi trong Tìm trong nỗi nhớ (Lê Ngọc Mai). Điều đáng sợ nhất mà Thuận cảnh báo trong sáng tác của mình là sự lạc lõng, bơ vơ của những đứa trẻ, khiến chúng có nguy cơ trở thành “những đứa trẻ chết già” (chữ dùng của Nguyễn Bình Phương). Không chỉ cô đơn trên đất khách, ngay cả khi được trở về, được đứng trên mảnh đất quê hương, những người xa xứ vẫn thấy mình như người khách lạ. Lan Chi trong Tìm trong nỗi nhớ “vừa ngượng ngùng, vừa buồn bực vì phải hỏi và nghe ông xích lô giải thích cặn kẽ cho cô như cho một khách du lịch nước ngoài về những đường phố mà cô không thể nhận ra”. Thông qua nỗi buồn tha hương, những cuốn sách kể trên đặt ra vấn đề lớn hơn, mang tầm triết học hơn: Đâu là giá trị, ý nghĩa đích thực của cuộc sống? Tôi là ai? Tôi đến từ đâu và sẽ đi về đâu?...

...đến hành trình đi tìm bản thể
Suy cho cùng, sự thờ ơ, vô cảm, mất niềm tin ở cuộc đời không đáng sợ bằng mất niềm tin vào chính mình. Đi tìm bản thể, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tôi là ai, do vậy, trở thành tâm điểm và là giá trị cốt lõi mà các tác phẩm văn học hải ngoại hướng tới. Sinh ra, lớn lên, lang bạt, vật lộn với cuộc sống rồi “cát bụi cũng trở về cát bụi”, con người sẽ ra sao trong cuộc lưu đày xa xứ? Như nhân vật của Thuận rong ruổi cùng đứa con mang dòng máu Việt - Hoa đi tìm chồng và ngóng trông mỏi mòn, khắc khoải để rồi chẳng biết tìm điều gì và ở đâu. “Chỉ đến tiểu thuyết cuối cùng tôi mới biết viết để làm gì. Chỉ đến tiểu thuyết cuối cùng tôi mới hiểu được Thụy... Tôi đã yêu Thụy như yêu một điều bí ẩn, điều bí ẩn chứa những điều bí ẩn... Yên Khê là bí ẩn đầu tiên. Chinatown là bí ẩn cuối cùng” (Chinatown). Bằng việc xây dựng những nhân vật không chỉ khuyết thiếu về tên tuổi, ngoại hình mà còn cả nguồn cội, quê hương, các tác giả như Nguyễn Văn Thọ, Thuận hay Đoàn Minh Phượng đều hướng tới những con người vô danh trong xã hội. Đó dường như là bi kịch trớ trêu nhất của kiếp người nói chung và những thân phận tha hương nói riêng khi “chết đi chẳng để lại một chút tình cảm nào cho một ai đó còn đang sống trên thế gian này”.

Không khó để nhận ra rằng, người phụ nữ là nhân vật trung tâm trong các tác phẩm in đậm dấu ấn những thân phận xa xứ. Tất cả chỉ là ảo vọng khi trước mắt họ là cuộc sống cơ cực về vật chất, đảo lộn về tinh thần, còn sau lưng con đường trở về quê mẹ đã ngày một xa dần. Nếu như trước đây, khi ở trong nước, họ tự bó buộc trong khuôn khổ gia đình, thì nay rất nhiều người đã phải dấn thân ra ngoài xã hội, bị cuốn vào những cơn lũ xiết của “đồng đô la vĩ đại”. Bi kịch của họ xuất phát trước hết từ chính bản tính “giới”. Càng mỏng manh yếu đuối thì càng dễ bị những cơn bão táp nơi xứ người quật ngã, họ dễ thích nghi song bao giờ cũng phải chịu nhiều va dập, tổn thương hơn nam giới.

Xuất phát từ tâm thế sáng tác và từ một điểm nhìn khác, việc nhận diện và gợi ra được những bản tính cố hữu của người Việt có thể coi là một thành công rất đáng chú ý của tiểu thuyết hải ngoại. Đọc mảng sáng tác này, người đọc có cơ hội được soi chiếu lại những đặc tính vốn đã định hình phần nào trong mỗi người Việt: tâm lí mặc cảm nhược tiểu, duy tình hơn duy lí, ưa co cụm song lại thiếu đoàn kết...

Không chỉ giải thoát trong tư tưởng, nhân vật còn có những phá phách đầy bất cần, quyết liệt để tự vệ và chống trả lại thực tại kìm kẹp. Có người chạy trốn gia đình, chạy trốn nguồn gốc như Hùng trong Quyên của Nguyễn Văn Thọ. Có người lao vào cuộc tình ngang trái, bị cấm đoán, phản đối như nhân vật nữ chính trong Chinatown. Có người sống cuộc sống nổi loạn, đi ngược đạo đức truyền thống, thậm chí buông thả trong những cuộc tình trụy lạc, rã rời như Mai Lan, con gái Mai Lan trong Paris 11 tháng 8... Việc nhân vật tìm cách tự giải thoát chính mình tạo nên hiện tượng nhân vật “di cư liên văn bản” rất thú vị ở một số tác phẩm. Môtíp con người ra đi, vì vậy, xuất hiện nhiều lần, rất đáng chú ý, nhất là trong tiểu thuyết của Thuận.
Rõ ràng, nền văn học Việt Nam sau Đổi mới đã có nhiều chuyển biến tích cực nhằm đáp ứng những nhu cầu và xu thế thời đại ở cả hai phía sáng tác và tiếp nhận. Qua một số tiểu thuyết hải ngoại đương đại, chúng ta nhận thấy các nhà văn đã tỏ ra nhạy bén trước những cách tân, vừa “kết nối” với văn học trong nước, vừa giao lưu, đối thoại với một số nền văn học trong khu vực và trên thế giới, trong đó có việc biểu đạt bi kịch của thân phận con người.

...và những cách tân phương thức tự sự
Tiếp cận bút pháp hiện đại, nghệ thuật xây dựng nhân vật trong nhiều tác phẩm hải ngoại được thể hiện thông qua hình thức giấu mặt và những mảnh vụn tâm lí rời rạc. Với chủ đích xây dựng kiểu nhân vật vắng mặt, các tác giả dường như muốn thể hiện sự thiếu hụt, trống rỗng, không hoàn thiện cũng như nỗi cô đơn hoang vắng thường trực của con người hiện đại. Một cách khái quát, xóa bỏ ngoại hình và tính cách là một trong những thủ pháp hữu hiệu để xây dựng kiểu nhân vật vắng mặt, nhân vật vô danh và nhân vật bị “tẩy trắng”. Tác giả không chủ đích đặt ra những sự kiện, tình huống để nhân vật bộc lộ tính cách, mà lại thông qua những mảnh vụn tâm lí, kí ức rời rạc không liên kết. Việc kể lại, tóm tắt lại Chinatown (Thuận) hay Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng) quả là rất khó khăn khi tất cả mạch truyện chỉ là những dòng hồi tưởng miên man không dứt của người kể chuyện về chính mình và cuộc sống, về các nhân vật xung quanh mình.
Để tránh lối kể chuyện khá đơn điệu từ một điểm nhìn, tiểu thuyết Việt Nam đương đại nói chung và tiểu thuyết hải ngoại nói riêng những năm gần đây đã tìm cách làm mới hơn phương thức trần thuật từ ngôi thứ nhất. Trong nhiều tác phẩm, câu chuyện không chỉ được kể bởi một nhân vật tôi, mà có nhiều vai giao tiếp cùng ở ngôi thứ nhất kể những chuyện khác nhau từ những điểm nhìn khác nhau. Những cái tôi kể chuyện đồng đẳng này góp phần tạo nên tính chất đa thanh của tiểu thuyết. Chinatown của Thuận có hai người kể chuyện xưng tôi. Tác phẩm này là một tự sự kép: câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ Việt tha hương tên Phượng, ám ảnh trong khát vọng tìm lại và nhận chân về người chồng gốc Hoa của mình cũng như khu phố Tàu ở Sài Gòn có tên Chợ Lớn, và câu chuyện về người đàn ông khát khao trốn chạy người vợ tên Loan, sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu trừ Chợ Lớn trong tác phẩm I’m yellow của Phượng. Dạng người kể chuyện đa thức cũng được vận dụng trong Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. Kể chuyện từ ngôi thứ nhất, tác phẩm dung chứa cùng lúc hai cốt truyện được triển khai theo cấu trúc song tuyến. Cốt truyện (1), người kể chuyện - nhân vật tôi, tên là An Mi, có chồng vừa bị tai nạn - kể về hành trình đi tìm cái chết của chính mình. Cốt truyện (2) là chuyện về gia đình mình của Michael Kempf, một nhân viên khách sạn. Tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng thành công ở nghệ thuật trần thuật luân phiên điểm nhìn với nhiều người kể chuyện và “sự chiếu sáng các nhân vật” (Kundera).
Một trong những đặc điểm khá nổi trội của tiểu thuyết hải ngoại đương đại là khám phá và diễn tả dòng ý thức. Cụ thể hơn là tăng cường độc thoại nội tâm và giản lược đối thoại. Tăng cường độc thoại thể hiện thông qua tần số xuất hiện các cụm từ “tự nhủ”, “thầm nghĩ”, “tự hỏi”, “tự trả lời”...  chính là yếu tố tạo nên sức sống cho các nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận, khiến họ cho dù có vắng mặt nhưng người đọc vẫn thấm thía nỗi cô đơn bất khả chia sẻ đầy bi kịch và ám ảnh. Đứng trước những tình huống đối thoại, các nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận hầu hết đều chọn giải pháp hoặc giản lược, hoặc khước từ. Sự giản lược đối thoại thể hiện khá rõ thông qua những tín hiệu “im lặng”, “gật đầu”, “lắc đầu”... Thế giới nhân vật đó, ít nhiều gợi dáng dấp những con người tự kỉ - một căn bệnh đang có nguy cơ gia tăng ở xã hội hiện đại với nền văn minh kĩ trị.
Nhằm tô đậm cảm giác cô độc của con người trong không gian, các nhà văn hải ngoại đã gặp nhau trong cách thức đặt nhân vật vào những chuyến đi. Câu chuyện Và khi tro bụi diễn ra ở châu Âu và Ấn Độ trong thời hiện tại với những địa danh như Paris, Frankfurt hay Rajasthan… Chinatown, Paris 11 tháng 8 của Thuận xuất hiện vô số các cảnh sân bay hay nhà ga và đa dạng các loại phương tiện giao thông mà nhân vật sử dụng. Theo bước chân nhân vật, không gian luôn có sự biến đổi liên tục. Gắn với sự dịch chuyển của không gian, thời gian cũng được sắp xếp không theo một trình tự cố định nào, khiến nhân vật chới với trong ba chiều quá khứ - hiện tại - tương lai. Tìm trong nỗi nhớ của Lê Ngọc Mai là tác phẩm có những ghép nối uyển chuyển giữa quá khứ của “tôi” và hiện tại của Lan Chi. Bảy chương lẻ (1, 3, 5, 7, 9, 11, 13) là những năm 80 thế kỉ XX đầy lãng mạn và hoài bão của thời sinh viên Moskva qua lời của cái tôi hồi tưởng hay tưởng tượng. Bảy chương chẵn (2, 4, 6, 8, 10, 12, 14) là những tháng ngày yên bình đến đều đặn của cuộc sống tha hương tại miền Nam nước Pháp - những gì đang diễn tiến trong hiện tại của nhân vật tôi. Có thể nói, không gian dịch chuyển, thời gian biến đổi là một đặc điểm tiêu biểu của các tác phẩm hải ngoại. Cảm thức xa xứ, tha hương in hằn lên cách cảm, cách nghĩ của mỗi nhân vật - cứ đi và không biết đâu là bến đỗ.
Các nhà văn hải ngoại đã “viết cái gì mình hiểu rõ, chia sẻ với những người muốn hiểu, và cất tiếng nói hộ cho những người có tâm thế giống mình mà không có điều kiện hay thời gian để nói” (Nguyễn Văn Thọ). Phản ánh cuộc sống, thân phận của người Việt xa xứ là một hướng khám phá mang chiều sâu nhân bản. Đọng lại trên từng trang viết, vượt lên mọi biến cố dồn dập, vượt lên cả những bi kịch của sự vỡ mộng, khổ đau, qua những mảnh đời và những năm tháng nhọc nhằn, chúng ta cảm thấu được một tinh thần Việt trong hành trình sống, đối mặt và nếm trải những thăng trầm của đời tha hương. Đó là “kênh giao tiếp” để chúng ta hiểu sâu sắc hơn đời sống cũng như thân phận của người Việt xa xứ - một phần máu thịt của cộng đồng dân tộc. Văn học hải ngoại nói chung và tiểu thuyết với đề tài tha hương nói riêng đang ngày một xác lập vị trí không thể thiếu trong bản đồ văn chương Việt Nam đương đại. 


Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội