Trong cuộc sống hiện đại, nghề báo vẫn là một nghề được xã hội coi trọng bởi những thông tin thiết thực, bổ ích được đưa đến cho công chúng qua các kênh truyền thông đều có đóng góp quan trọng của các nhà báo. Người ta cũng hay dành cho nhà báo nhiều mĩ từ như người đại diện cho "quyền lực thứ 4", "sứ giả của sự thật"...  Không biết những xưng tụng này đúng đến đâu nhưng có một điều chắc chắn và không phải bàn cãi: nghề báo là một nghề hết sức nhọc nhằn. Và nếu một nhà báo còn đồng thời là một người viết văn hoặc ngược lại thì sự nhọc nhằn này có lẽ còn tăng gấp đôi. Theo cách nói vui của các nhà báo "hai trong một" thì đó quả là một người có số "giời đày", hay nhẹ hơn thì là "một cổ hai tròng" dễ dẫn đến ăn không ngon, ngủ không yên... vì công việc luôn luôn truy đuổi họ.


NHỮNG NHÀ BÁO “2 TRONG 1”

CẨM KHÊ

Tuy đến nay không có thống kê trong hơn 1 vạn nhà báo được cấp thẻ có bao nhiêu người là nhà văn, song có thể thấy hiện nay có nhiều gương mặt nhà báo xuất sắc đồng thời là nhà văn. Thế hệ trước Cách mạng Tháng Tám có những tên tuổi như Tản Đà, Phan Khôi, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Lạp... Họ là những nhà văn nổi tiếng nhưng đồng thời cũng là những nhà báo có những đóng góp lớn trong lịch sử báo chí còn non trẻ của nước nhà. 
Nền báo chí đương đại cũng đã ghi nhận nhiều nhà báo "hai trong một" thành danh như các tên tuổi: Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Hữu Ước, Nguyễn Như Phong, Dương Kỳ Anh, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Cảnh Nhạc, Hồng Thanh Quang, Trần Anh Thái, Tạ Duy Anh, Trần Quang Quý, Phạm Ngọc Tiến, Vương Tâm, Phạm Khải, Nguyễn Hồng Thái, Như Bình, Bình Nguyên Trang, Phong Điệp, Lê Thiếu Nhơn... Họ đều là những người thành danh với văn chương trước khi bước chân sang địa hạt báo chí, và đã có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực báo chí, được độc giả ghi nhận. Đa số họ đều giữ cương vị cầm chịch nội dung, thư ký tòa soạn, hay phụ trách nội dung của một tờ báo hoặc nhiều ấn phẩm báo chí. Một số người "khởi thủy" là những người yêu văn chương đã lựa chọn báo chí để lập thân, lập nghiệp nhưng không từ bỏ giấc mộng văn chương. Nhưng cũng có một số nhà văn đã chọn cách viết báo là công việc hàng ngày như một cách làm việc song hành nuôi dưỡng giấc mộng văn chương của mình như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư... 

Những nhà báo viết văn, đa phần đều họ không thoát khỏi sức hút ma mị của văn chương. Công việc làm báo, là phóng viên hay là lãnh đạo một cơ quan báo chí thì đều bị cuốn vào dòng thời sự, với những sự kiện xảy ra nối tiếp nhau, với những số báo cứ đúng giờ đó là phải lên khuôn, ký lệnh in để phát hành... nhiều khi tưởng chừng không còn kẽ hở nào cho văn chương. Nhưng bằng niềm đam mê, cũng có thể là duyên nghiệp đeo đuổi, họ vẫn âm thầm sáng tác. Họ viết như như cầu tự thân, nhu cầu được giải tỏa, chia sẻ với những thôi thúc đến từ chính bản thân mình. 

Người làm báo viết văn thường là những người sắc sảo trong việc nhìn nhận đánh giá đời sống nên những tác phẩm của họ thường mang nhiều hơi thở của thời đại, chất chứa nhiều dữ liệu sinh động, chân thực mà đời sống của người làm báo đã cung cấp cho họ. Và thế mạnh của nhà văn viết báo, đó chính là ngôn ngữ phong phú, sinh động. Chính vì thế, độc giả mới được tiếp cận với những tiểu thuyết, phim truyền hình ngồn ngộn chất liệu sống của nhà văn Nguyễn Như Phong như "Cổ cồ trắng", "Bí mật của những cuộc đời", "Chạy án", "Đồng tiền quỷ ám"... 

Những tài liệu, vốn sống, trải nghiệm suốt hơn 30 năm làm báo và những lần may mắn được tiếp cận với những chuyên án lớn đã trở thành nguồn tư liệu quý giá, sống động, chân thực để nhà văn Nguyễn Như Phong hoàn thành tác phẩm của mình.
Với nhiều nhà báo viết văn, báo là làm nghề, viết văn là hành "nghiệp". Như cách nói của nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc thì "nghề" để kiếm sống, còn "nghiệp" cho ta niềm đắm say. Niềm đắm say trong tình yêu với văn chương của họ cũng là thứ đắm say không lý giải nổi. Nó giống như chính cuộc đời: cần có bánh mì nhưng vẫn luôn cần những đóa hồng ngát hương...


Nguồn: Văn Nghệ Công An