Khi tôi qua làm báo Lao Động Đồng Nai từ cuối năm 1993 thì máy vi tính đã xuất hiện tại Việt Nam. Kỹ thuật chế bản bằng vi tính đã xuất hiện ở nhiều nhà in lớn trên TP Hồ Chí Minh như ITAXA, Trần Phú, Lishin... Ban biên tập báo Lao Động Đồng Nai mau chóng quyết định dùng kỹ thuật vi tính thay cho việc xếp chữ chì cũ. Nhưng cả tòa soạn mới chỉ có vài người biết “đánh máy vi tính”, còn trình bày báo thì tất cả đều “mù tịt”. Vài tháng đầu, báo phải thuê một nữ kỹ thuật viên của ITAXA (là nơi in báo) trình bày với dữ liệu là các đĩa mềm chứa bài vở được đánh máy sẵn. Một người của tòa soạn phải đem tất cả lên nhà in rồi khi được thông báo thì lại lên sửa mo-rát. Việc đi lại, trao đổi ý kiến khi có trục trặc kỹ thuật hoặc sửa chữa tin bài vào giờ chót rất phiền phức và mất công sức, thời gian.


GIẤY TRẮNG MỰC ĐEN

KHÔI VŨ

Tôi bước chân vào nghề báo từ năm 1983, là phóng viên của báo Văn Nghệ Đồng Nai. Tổng biên tập của báo là nhà văn Hoàng Văn Bổn. Đúng ra, từ Công ty Dược phẩm tỉnh chuyển qua Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, về danh nghĩa tôi là một nhân viên của Văn phòng Hội. Làm báo chỉ là một trong số những nhiệm vụ tôi được phân công, nhưng lại là việc chiếm mất nhiều thời gian nhất. Có điều, khi đi cơ sở lấy tư liệu để viết, tôi và các bạn phóng viên khác của báo Văn Nghệ Đồng Nai chỉ có giấy giới thiệu của Tổng biên tập, đóng dấu của Hội (Báo Văn Nghệ Đồng Nai không có con dấu riêng). Đôi khi gặp khó khăn, chúng tôi phản ánh với Tổng biên tập thì ông nhăn mặt, lắc đầu nói: “Bên Hội Nhà báo tỉnh họ nói báo Văn Nghệ không phải là... báo, nên họ không làm thủ tục xin cấp thẻ nhà báo cho tụi mình!”. Phải đến mấy năm sau, sau nhiều lần đấu tranh và dẫn nguồn tham khảo, cánh phóng viên văn nghệ chúng tôi mới được công nhận là nhà báo và được Hội Nhà báo tỉnh làm hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thông tin cấp thẻ Nhà báo để tiện hành nghề! 

Báo Văn Nghệ Đồng Nai có vài số đầu tiên ra khổ đặc san 20x28cm. Từ khi có giấy phép, có Tổng biên tập chính thức thì ra hàng tháng, mỗi kỳ 16 trang khổ 30x40cm với nguồn giấy bao cấp và kinh phí của tỉnh. Là báo Văn Nghệ, nhưng với loại hình “báo”, nội dung không chỉ là những sáng tác, bài nghiên cứu văn học hoặc nghệ thuật. Báo Văn Nghệ Đồng Nai hồi đó cũng đăng tải những bài có tính thời sự dưới hình thức ký, ghi chép, phóng sự, tiểu phẩm châm biếm... Chính nhờ những bài viết dạng này mà báo bán được rộng rãi trong bạn đọc, không chỉ trong giới văn nghệ sĩ. Nhưng cũng chính vì vậy mà báo lắm phen phải lao đao. Tôi nhớ, sau một bài về tranh chấp đất đai ở Trị An, chúng tôi phải đối phó với những người trong cuộc kéo đến tòa soạn kiện và... dọa đánh. Một tiểu phẩm phê phán sự tiêu cực của cán bộ văn hóa cũng bị một lãnh đạo cấp Phòng của sở Văn hóa Thông tin kiện bằng văn bản, quy tội tác giả là... nói xấu cán bộ. May mà những lãnh đạo của Hội - nhà văn Lý Văn Sâm, chủ tịch, và nhà văn Hoàng Văn Bổn, Tổng biên tập - đều là người có uy tín lớn và “cứng cựa”, nên mọi chuyện cũng qua đi. 

Trước những năm đầu của thập kỷ 90 (thế kỷ XX), nghề in ở nước ta còn áp dụng kỹ thuật xếp chữ chì, in offset (đôi chỗ vẫn còn in typo). Đó là thời kỳ báo Văn Nghệ Đồng Nai mà tôi làm phóng viên có tia-ra cao nhất là 3.000 bản. Kết quả này có được là do tòa soạn giao hẳn nhiệm vụ phát hành cho một nhân viên nữ; chị này chỉ có nhiệm vụ duy nhất là đi đến các đơn vị trong tỉnh vận động họ đăng ký mua báo dài hạn với số lượng ổn định, sau khi có được chữ ký thì chuyển hợp đồng qua bưu điện để nơi đây giao nhận. Do học lóm được vài công việc tòa soạn và nhà in từ hồi còn là sinh viên viết báo thiếu nhi Tuổi Hoa ở Sài Gòn trước năm 1975, tôi biết cách đếm số chữ mỗi bài báo rồi tính toán để trình bày trong một diện tích trang báo là bao nhiêu, cần bao nhiêu cột báo kích cỡ nào, kích thước minh họa là bao nhiêu để đặt họa sĩ vẽ. Đây là một khâu trong công việc làm ma két (trình bày) mà nếu tính toán sai sẽ khiến bị thiếu chỗ hoặc thừa chỗ trên trang báo dự kiến, phải xử lý rất phiền phức. Tôi cũng biết dự kiến vị trí các bài cần ưu tiên và chuẩn bị các bài nhỏ để sẵn sàng trám chỗ trống khi cần thiết. Năm 1985, nhà thơ Xuân Sách từ Nhà xuất bản Đồng Nai chuyển qua Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai cùng làm báo với nhà văn Hoàng Văn Bổn. Một lần do anh họa sỹ trình bày của báo đi phép, ông nghe nói trong số phóng viên có tôi là người biết đôi chút về trình bày báo nên thử giao cho tôi làm một kỳ. Tôi “liều mạng” làm mà không ngờ lại... thành công tốt đẹp: bài vở khi đưa đi xếp chữ không bị thừa hay thiếu chỗ quá nhiều. Hai ô trống nhỏ thì đã có bài dự bị đưa vào ngay. Vậy là sau lần đó tôi được tham gia thường xuyên công việc này cùng với anh họa sỹ và rồi cứ thế... nghề dạy nghề!

***

Thời gian trước năm 1993 là thời điểm báo Lao Động Đồng Nai được phép xuất bản, thì trong tỉnh mới có 2 tờ báo in: báo Đồng Nai và báo Văn Nghệ Đồng Nai. Văn Nghệ Đồng Nai phải tự thân vận động phát hành, trong khi báo Đồng Nai có lợi thế hơn về khâu này: báo được tỉnh yêu cầu các đơn vị từ cấp xã trở lên, phải đăng ký mua dài hạn. Ngoài hai tờ báo in, tỉnh còn có Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh (báo hình) do UBND tỉnh quản lý. Báo Đồng Nai ngoài ban biên tập và đội ngũ phóng viên hùng hậu còn có hẳn một nhà in riêng, tên là Xưởng in báo Đồng Nai. (Tỉnh còn có Xí nghiệp In trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin). Báo Văn Nghệ Đồng Nai có một thời gian in tại Xưởng in báo Đồng Nai này, sau đó chuyển lên in tại nhà in báo Quân Đội Nhân dân trên TP Hồ Chí Minh. Mỗi kỳ in báo, anh H.A.D là nhân viên của văn phòng Hội chạy xe Honda lên giao bài vở, hình ảnh và ma két (vẽ trên giấy 30x40cm) cho nhà in. Khi nơi này xếp chữ xong, in ra bản bông thứ nhất thì gọi điện thoại thông báo, anh chở tôi (lúc này đã là thư ký tòa soạn) lên cùng kiểm tra mo-rát và ma két, có trục trặc gì thì xử lý luôn. Ngày ấy ảnh và tranh minh họa phải đem đi làm cliché (bản kẽm hoặc chì) thì mới in được. Chúng tôi sửa mo-rát, góp ý giải quyết những chỗ trống (nếu có) và ký vào bản bông cuối cùng thì nhà in mới cho làm bản nhũ: họ vỗ từng trang in mực đen vào giấy can rồi rắc nhũ cản quang lên mực. Khâu cuối cùng của họ là làm bản kẽm và in thì chúng tôi không thể can thiệp. Những chuyến đi/về chặng đường 30km Biên Hòa - Sài Gòn thật vất vả, kể cả hai mùa mưa nắng! Buổi trưa ở lại thì hai anh em tìm một quán cơm bình dân gần đó gọi mỗi người một dĩa cơm mà bỏ bụng, rồi lại tìm một quán cà phê ngồi vừa uống vừa... ngủ. Nhưng cũng nhờ đó mà tôi “thu hái” được khá nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật nhà in.

Khi tôi qua làm báo Lao Động Đồng Nai từ cuối năm 1993 thì máy vi tính đã xuất hiện tại Việt Nam. Kỹ thuật chế bản bằng vi tính đã xuất hiện ở nhiều nhà in lớn trên TP Hồ Chí Minh như ITAXA, Trần Phú, Lishin... Ban biên tập báo Lao Động Đồng Nai mau chóng quyết định dùng kỹ thuật vi tính thay cho việc xếp chữ chì cũ. Nhưng cả tòa soạn mới chỉ có vài người biết “đánh máy vi tính”, còn trình bày báo thì tất cả đều “mù tịt”. Vài tháng đầu, báo phải thuê một nữ kỹ thuật viên của ITAXA (là nơi in báo LĐĐN) trình bày với dữ liệu là các đĩa mềm chứa bài vở được đánh máy sẵn. Một người của tòa soạn phải đem tất cả lên nhà in rồi khi được thông báo thì lại lên sửa mo-rát. Việc đi lại, trao đổi ý kiến khi có trục trặc kỹ thuật hoặc sửa chữa tin bài vào giờ chót rất phiền phức và mất công sức, thời gian. Tự biết không thể duy trì tình trạng làm báo như thế mãi, trong khi bên báo Đồng Nai đã có họa sĩ trình bày riêng sau một thời gian học tập kinh nghiệm ở báo Sài Gòn Giải phóng, Ban biên tập Lao Động Đồng Nai động viên tôi “tự học” phần mềm trình bày sách báo PageMaker. Hồi ấy chưa có nhiều sách tiếng Việt dạy về vi tính - sách về các phần mềm chuyên dụng càng không có - vì thế tôi phải mày mò vừa dịch bản hướng dẫn bằng tiếng Anh của phần mềm này, vừa thực tập trên chiếc máy vi tính 486 của mình ở nhà. Khi “thành công” được kỹ thuật nào, tôi lập tức hướng dẫn lại cho cậu kỹ thuật viên của báo. Cứ thế, hai anh em người nghiên cứu, người thực hành rồi bổ sung cho nhau, sau ba tháng cũng tự trình bày được tờ báo! Dĩ nhiên chỉ là tạm ổn về mặt kỹ thuật, chứ về mỹ thuật thì chúng tôi “nghĩ sao làm vậy” bởi cả hai đều không rành về lĩnh vực chuyên môn này! Ít lâu sau, với sự tài trợ của báo, anh em chúng tôi lại chở nhau tuần 2 ngày lên TP Hồ Chí Minh học cách sử dụng phần mềm xử lý ảnh Photoshop. Khi học, cậu kỹ thuật viên được ưu tiên ngồi máy, còn tôi chỉ xem và ghi chép rồi về nhà thực tập trên máy của mình. Vẫn lại là... nghề dạy nghề! 

Cho đến nay, báo Đồng Nai vẫn luôn là tờ báo in chính của tỉnh. Báo thay đổi nhiều đời Tổng biên tập trong khi Văn Nghệ Đồng Nai chỉ có nhà văn Hoàng Văn Bổn phụ trách đến tận năm 2001 vì đội ngũ kế cận chúng tôi còn “non” quá. Sau này khi nhà văn Hoàng Văn Bổn về hưu thì Tổng biên tập là họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ (Nguyên là giám đốc sở Văn hóa Thông tin nghỉ hưu chuyển qua), tôi là Phó TBT phụ trách. Bên Lao Động Đồng Nai thì thời kỳ đầu ổng biên tập là một Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ kiêm nhiệm; chính thức điều hành tờ báo là nhà báo Đào Minh Phúc, Phó Tổng biên tập chuyên trách (Tôi là Thư ký Tòa soạn). Tính tới nay, báo Lao động Đồng Nai đã có ba đời Tổng biên tập.

Làng báo Đồng Nai không quên những tên tuổi lão làng như Lê Tân, Lê Thiện (Út Thiện), Võ Thế Đại (Ba Đại), Nguyễn Thiện Nhựt... Về lực lượng phóng viên thì là những tên tuổi của báo Đồng Nai “lừng lẫy” trong tỉnh như: Xuân Phú, Kim Loan, Bùi Thuận, Hữu Thạnh, Thúy Liễu... (thời kỳ đầu), Phong Vũ, Kim Tuấn, Thu Trang, Phương Liễu... (thời kỳ sau này); kế đến là các nhà báo của Lao Động Đồng Nai: Lê Hoàng, Lê Công Hiếu, Trần Phi Châu, Ánh Tuyết... Nhóm nhà báo Văn Nghệ Đồng Nai luôn ở vị trí khiêm tốn. Trong những lần xét giải “Ngòi bút vàng” hàng năm, đa số nhà báo đoạt giải cao là của báo Đồng Nai hoặc Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai. Nhà báo của Lao Động Đồng Nai tuy lép vế hơn nhưng vẫn “vượt mặt” các nhà báo văn nghệ...

Vài năm trước năm 2001, báo Văn Nghệ Đồng Nai chuyển qua làm khổ 20x28cm với tên mới là “Sông Phố”, và làm theo kiểu “cầm chừng” vì thời gian ấy tỉnh Đồng Nai thực hiện Chỉ thị 01 của Chính phủ khiến Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai gần như giải thể. Đến năm 2001, sau Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần III, tôi từ giã báo Lao Động Đồng Nai để trở lại Hội nhận nhiệm vụ Phó Tổng biên tập chuyên trách tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai. Từ báo chuyển qua tạp chí, tờ “báo” mới của giới văn nghệ sĩ Đồng Nai in khổ 16x24cm, 96 trang, xuất bản 2 tháng một số. Năm 2008 tôi về nghỉ, người thay tôi là nhà thơ Đàm Chu Văn. Đến năm 2014, diễn đàn của văn nghệ sĩ Đồng Nai lại có sự thay đổi về nhân sự phụ trách. Báo Lao Động Đồng Nai cũng có sự thay đổi người đứng đầu: nhà báo Tôn Hoàn từ nhiệm vụ Phó Tổng biên tập báo Đồng Nai qua làm Tổng biên tập thay người tiền nhiệm là nhà báo Kim Tước về hưu. Báo Đồng Nai thời kỳ này do nhà báo Trần Huy Thanh làm tổng biên tập. Đài Phát thanh truyền hình thì do nhà báo Mai Sông Bé làm giám đốc (Ông cũng là chủ tịch Hội nhà báo tỉnh).

 Số kỳ phát hành của các báo cũng tăng đáng kể (trừ Văn Nghệ Đồng Nai): báo Đồng Nai phát hành mỗi tuần 4 số vào các ngày thứ hai, ba, năm, bảy; báo Lao Động Đồng Nai thì phát hành tuần 3 số vào thứ hai, tư, sáu; Đài Phát thanh Truyền hình từ một kênh ĐN1 có thêm kênh ĐN2, ĐN3 và mạng lưới các đài truyền thanh thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, 9 huyện ngày một phát triển hơn.
Thông tin thời sự trong nước và quốc tế, các báo ở Đồng Nai cũng như các báo tỉnh khác thường thất thế hơn so với các báo lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Vì thế thời sự trong tỉnh được chú trọng khai thác hơn. Có nhiều vụ việc diễn ra trong địa bàn Đồng Nai được cả nước chú ý như vụ xả thải của Công ty Vedan, vụ lấn sông ở đầu nguồn hồ Trị An... Nhưng có lẽ vụ việc do chính các nhà báo Đồng Nai đưa ra công luận được chú ý nhất là vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa ở phường Quyết Thắng (TP Biên Hòa) hành hạ hai cháu Huỳnh Thị Mỹ Duyên và Phan Thành Đạt xảy ra vào năm 2007, sau đó bà Kim Hoa phải ra tòa và đã bị xử 18 tháng tù giam. Trong vụ việc này, các nhà báo truyền hình Đồng Nai đã “mật phục” như công an để ghi hình tố cáo tội ác của người bảo mẫu kia. Họ đã được nhận giải báo chí quốc gia.
Tuy nhiên bên cạnh những “vinh quang”, nhà báo Đồng Nai cũng không tránh khỏi những nhọc nhằn thậm chí nguy hiểm khi tác nghiệp. Có nhà báo đã bị kẻ xấu hành hung khi đang ghi hình hay chụp ảnh hiện trường; rồi có người bị đe dọa... Dù sao, tất cả đã vượt qua bằng tình yêu và lòng đam mê nghề nghiệp.
Ngày Nhà báo 21/6 hàng năm là dịp các nhà báo Đồng Nai họp mặt đều được tổ chức long trọng và thân mật. Năm nào, cũng ngày này, Hội Nhà báo tỉnh trao các giải Ngòi bút vàng (hàng năm) và giải báo chí Dương Tử Giang (5 năm/lần).