Từ bài viết “Thơ – Khen và chê” in trên báo Văn Nghệ, đã diễn ra cuộc đôi co không mấy thuyết phục giữa nhiều cây bút trên trang web Hội Nhà văn TPHCM và báo Văn Nghệ TPHCM. Tác giả bài viết “Thơ – Khen và chê” là nhà thơ Từ Quốc Hoài với bút danh Văn Khúc, đã có đôi lời thưa lại cùng hai đồng nghiệp Nông Tử Lệnh Anh và Đặng Huy Giang. Xưa nay, tranh luận trong xã hội rất cần thiết, tranh luận trong văn chương càng cần thiết. Thế nhưng, điều tối kỵ là chuyện bé xé ra to, nặng lời với nhau ngoài phạm vi học thuật. Để bạn đọc có thêm góc nhìn, chúng tôi giới thiệu nguyên văn phần trao đổi xem như “vãn tuồng” của Văn Khúc – Từ Quốc Hoài. Hy vọng, bàn tròn văn chương nước nhà sẽ bớt đi những dằn vặt bé mọn…
 

Trao đổi với Nông Tử Lệnh Anh và Đặng Huy Giang
   
VĂN KHÚC – TỪ QUỐC HOÀI


1.
                   MUỐN ĐẠT TỚI CHÂN LÝ CẦN TÔN TRỌNG SỰ THẬT

             Ai cũng muốn chân lý đứng về mình. Nhưng không phải ai cũng dám đứng về phía chân lý, vì đứng phía chân lý, trước hết phải dám đối mặt với sự thật. Sự thật là hòn đá tảng, sự khởi đầu để đi tới chân lý.
              Có được bao nhiêu sự thật trong bài viết của tác giả Nông Tử Lệnh Anh?
              Nông Tử Lệnh Anh nói chắc như đinh đóng cột, Văn Khúc nhận được Giấy mời dự Cuộc Tọa đàm về Thơ (2010-2015) do Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh (HN VTPHCM) tổ chức nhân Nhày thơ Việt Nam 2016, nhưng không đi. Xin cung cấp cho Nông Tử Lệnh Anh thông tin này: Trong cuộc họp của Thường vụ HNV TP HCM gần đây, nhà thơ Từ Quốc Hoài tham dự với tư cách khách mời, Phó Chủ tịch Phan Hoàng- người được trao trách nhiệm điều hành cuộc Tọa đàm, thừa nhận vì thời gian cập rập, Ban Tổ chức đã không có giấy mời trực tiếp cho 20 nhà thơ trong danh sách là những tác giả tiêu biểu cần được ưu tiên giới thiệu (thơ, bài viết, giao lưu…) trong Ngày thơ Việt Nam 2016. Thay cho giấy mời, Ban tổ chức gọi điện thoại hoặc tin nhắn. Vậy thì Nông Tử Lệnh Anh lấy đâu ra giấy mời gửi cho Văn Khúc? Không chừng với việc thóc mách vô lối này mà Nông Tử Lệnh Anh bị Phó Chủ tịch Phan Hoàng mắng cho, vì cái chuyện không làm giấy mời là một chiêu được hai ông Phó Chủ tịch Phan Hoàng và Phạm Sĩ Sáu tính rất kỹ để loại người này người nọ trong giấc mơ thao túng hoạt động Hội.
               Nông Tử Lệnh Anh cho rằng Văn Khúc không có mặt ở cuộc Tọa đàm thì biết gì mà lên tiếng? Sau cuộc Tọa đàm văn chương, bị nhà thơ Lê Minh Quốc phản pháo, tác giả Nguyễn Vũ Tiềm bèn mang sự bực bội tới phân bua với nhà thơ Từ Quốc Hoài, rằng thế này, thế nọ… Nhà thơ Từ Quốc Hoài nói với tác giả Nguyễn Vũ Tiềm: Lê Minh Quốc phản ứng là đúng đấy. Anh Tiềm không hiểu được trong tiếng Việt có chữ trẻ , thường dùng cho lứa tuổi thanh niên trở lên và chữ nhỏ thường dùng cho lứa tuổi từ thiếu niên trở xuống. Gọi  “đứa bé một tuổi trẻ hơn đứa bé ba tuổi sẽ bị coi là… ngô nghê”. Nếu sự việc diễn ra tại một cuộc nhậu nào đó, hoặc trong những cuộc hội thảo văn học bình thường thì Văn Khúc bỏ qua. Nhưng đây là một chuyện diễn ra trong Ngày Thơ Việt Nam, lại được đưa tin là sáng kiến, thì thật khó chấp nhận. Mỗi năm cả nước chỉ có một ngày được dành để tôn vinh Thơ Việt, ngày đó được Nhà nước chính thức công nhận, mọi phí tổn đều được chi từ tiền thuế của dân. Riêng chi phí cho Ngày thơ Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã tốn khoảng 150 triệu đồng. Cả nước trên 60 tỉnh thành số tiền phải tiêu tốn từ tiền thuế là bao nhiêu? Ấy là chưa kể kinh phí không nhỏ chút nào tiêu tốn cho Ngày Thơ Việt Nam hàng năm do Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức. Trong khi núi nợ công cao ngất ngưởng chia đều cho mỗi người dân Việt không kể già trẻ lớn bé  đã lên tới con số trên dưới 27 triệu đồng. Chẳng lẽ dùng đồng tiền thuế đẫm mồ hôi nước mắt của dân cho những cuộc Tọa đàm Văn học khen chê vô lối trong Ngày Thơ Việt Nam lại là một việc làm của lương tâm, một sáng kiến, một đặc quyền của các nhà thơ?

              Không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng người thay mặt lãnh đạo HNVTPHCM, trực tiếp điều hành cuộc Tọa đàm Văn học trong Ngày Thơ Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh là Phan Hoàng đã tắc trách, không quán xuyến được nội dung của các bản tham luận ( dù có thời gian hàng tháng để chuẩn bị và bản tham luận của tác giả Nguyễn Vũ Tiềm được đăng trên Website của Hội ngày 18/2/2016, trước cuộc Tọa đàm 2 ngày) hay bản thân Phan Hoàng không biết đâu là sai là đúng nên không hề có ý kiến gì về nội dung bản tham luận này. Sau khi bị nhà thơ Lê Minh Quốc phản ứng gay gắt ngay tại Cuộc Tọa đàm, gọi tác giả Nguyễn Vũ Tiềm là giết thơ, và sau đó là sự góp ý thẳng thắn, cụ thể... của nhà thơ Từ Quốc Hoài, chỉ ra lỗ hổng về ngôn ngữ, không phân biệt được từ trẻ và từ nhỏ trong tiếng Việt, thì tác giả Nguyễn Vũ Tiềm mới ngộ ra chỗ mình sai.
               Việc sửa sai trên Website của Hội là cần, nhưng lại sai qui trình. Lẽ ra Phó Chủ tịch Phan Hoàng (hoặc tác giả Nguyễn Vũ Tiềm) phải có lời giải thích về việc thay đổi nội dung bản tham luận, cũng cần một lời xin lỗi bạn đọc, sau cùng là lời đề nghị các báo (kể cả báo giấy lẫn các Website) cần lưu ý đăng theo nội dung đã được chỉnh sửa.
               Chính vì việc sửa sai trên Website của HNVTPHCM thiếu hàm lượng tri thức văn hóa (nói theo kiểu Nông Tử Lệnh Anh) nên từ tháng hai tới nay, bản tham luận với đầy đủ nội dung chê và khen của tác giả Nguyễn Vũ Tiềm vẫn nghiễm nhiên hiện diện trên Website Lê Thiếu Nhơn!.
                Nông Tử Lệnh Anh nói bừa rằng hai chữ “giết thơ”… là của Văn Khúc đem gán cho người khác. Xin bật mí: Văn Khúc đã kiểm chứng ở nhà thơ Lê Minh Quốc và 3 nhà thơ khác trực tiếp tham dự cuộc Tọa đàm là Lệ Bình, Phan Ngọc Thường Đoan và Ánh Huỳnh. Không tin, cứ kiểm chứng lại xem.
                 Đốt đền và vu vạ… là con đường ngắn nhất để nổi danh. Chắc chắn Nông Tử Lệnh Anh sẽ được như ý.
                 Văn Khúc tự thấy hàm lượng tri thức bản thân là có giới hạn, chỉ dám nói sự thật và đúng lương tâm, quyết không cho phép mình đi vào những vùng miền cỡ như… những chân trời tư tưởng tật nguyền.


2.
                    NGON & KHÔNG NGON

           Tác giả Đặng Huy Giang dùng từ “không ngon” vốn rất đậm mùi vị ẩm thực khi trao đổi về bài “Thơ – chê & khen” của Văn Khúc. Xem cả bài mới thấy có chuyện ẩm thực thật. Ấy là một bữa cơm. Bữa cơm Nhà hàng thật đặc biệt, nhất là vào hồi kết. Chính cái hồi kết này mở ra câu chuyện tốn nhiều giấy mực. Nhưng sao đang tham gia trao đổi về thơ phú, tác giả Đặng Huy Giang lại dắt dẫn sang câu chuyện ẩm thực?
           Chắc chắn phải có lý do. Thậm chí là lý do rất quan trọng, vì “rất nhạy cảm” đề cập tới nhiều nhân vật này nọ… Nhưng hãy tạm gác vụ này, sẽ đề cập ở phần sau.
           Mở đầu bài trao đổi (đăng trên Website HNV Tp. Hồ Chí Minh) Đặng Huy Giang cho rằng bài báo “Thơ – chê & khen” của Văn Khúc là gây sự. Sao? Bài trao đổi “Thơ – chê & khen” có gì là gây sự khi đề cập tới việc chê & khen vừa sai, vừa không đúng chỗ vì vụ việc chê khen này diễn ra trong Ngày Thơ Việt Nam vốn là ngày để tôn vinh giá trị thơ Việt, đoàn kết các nhà thơ, và quảng bá thơ hay với công chúng rộng rãi. Tác giả Đặng Huy Giang chẳng biết vô tình hay cố ý, đã tảng lờ ý nghĩa chính của Ngày Thơ Việt Nam, cho rằng “ thực chất là một ngày hội của những người làm thơ, yêu thơ… việc chê hay khen là quyền của mỗi cá nhân”  Văn Khúc hoàn toàn ủng hộ việc chê hay khen trong văn học, đó là quyền của mỗi cá nhân, đó cũng là động lực để văn học phát triển. Nhưng việc chê khen vô lối được đề cập trong “Thơ – chê & khen”, có lẽ chỉ phù hợp ở các cuộc nhậu, hoặc các hội thảo văn chương thông thường, không nằm trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam.
              Trong bài viết khoác áo trao đổi về văn chương, nhưng tác giả Đặng Huy Giang lại dùng tới hòn đá to, hòn đá nhỏ (thứ công cụ mưu sinh và đánh nhau khi con người còn ở tầng văn hóa thấp). Tác giả Đặng Huy Giang tỏ ra sành sỏi, mách với bạn đọc: Văn Khúc chính là Từ Quốc Hoài, nhưng không hiểu vì sao Từ Quốc Hoài lại né tên chính của mình, núp dưới bóng một tên phụ là Văn Khúc. Là một nhà thơ, Đặng Huy Giang hẳn biết rõ một người viết có thể có nhiều bút danh. Dù viết dưới bút danh nào thì thì tác giả vẫn phải chịu trách nhiệm trước bạn đọc và pháp luật. Từ Quốc Hoài cũng chỉ là một bút danh được ghi chủ yếu dưới các tác phẩm thơ (còn tên chính thì được ghi trong thẻ căn cước). Văn Khúc là bút danh dùng cho các bài báo, Nguyễn Từ Vũ là bút danh dùng cho tác phẩm văn xuôi, Xương Văn dùng cho các tiểu phẩm mang chất humor… Có lần, khi đưa lên mạng bài viết về tập thơ “Ngữ pháp gió”, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lăn tăn: sao ông không ký là Từ Quốc Hoài mà lại là Văn Khúc? Và được trả lời: Văn Khúc là bút danh chính thức được ký dưới các bài báo. Cái bài báo viết về tập thơ “Ngữ pháp gió” đã làm đảo lộn giải thưởng của Hội Nhà văn năm đó. Từ một tập thơ nhận được 8/9 phiếu của Hội đồng thơ đề nghị trao giải thưởng, sau khi đọc bài báo, tất cả thành viên Ban Chung khảo đã quay lưng, tập thơ nhận được con số 0 tròn trĩnh. Lần đầu tiên tại Hội Nhà văn Việt Nam xảy ra sự kiện hy hữu này.
               Một người duy nhất trong 9 thành viên của Hội đồng thơ nói không với tập thơ “Ngữ pháp gió” là Đặng Huy Giang. Và nhà thơ Đặng Huy Giang nhận được từ đồng nghiệp lời khen là người chính trực, vì đã… tôn trọng sự thật.
               Liệu nhà thơ Đặng Huy Giang có còn giữ được sự chính trực trong bữa cơm được nhà thơ đề cập tới trong bài viết của mình?  Đặng Huy Giang nói là trong bữa cơm đó đã trao đổi với Từ Quốc Hoài “một vài việc không có gì là chính thức, không có gì là quan trọng”?

               Vụ việc “không có gì là quan trọng” là vụ việc gì vậy?
               Xin bật mí: Đấy là vụ trước thềm Đại hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, Phan Hoàng dựng chuyện nhà thơ Trương Nam Hương đã dẫn nhà thơ Huệ Triệu tới nhà Chủ tịch Hội đồng thơ Bằng Việt, để nữ nhà thơ ngủ qua đêm tại nhà Chủ tịch Hội đồng thơ vào dịp chị được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Theo cách định danh hiện nay, thì vụ việc tối om kiểu đó rất dễ bị khép vào hành vi rất rất… không hay chút nào. Trước hết là vụ việc động chạm tới nhân phẩm của ba nhà thơ Trương Nam Hương, Huệ Triệu và Bằng Việt. Rồi hạnh phúc gia đình họ cũng có thể bị bới xới bởi những lời đàm tiếu.
                Việc làm sáng tỏ những thông tin hư hư thực thực với cái vỏ bọc tin đồn là cần thiết, thậm chí bức thiết nhưng không dễ. Vì Phan Hoàng đã lan truyền nó với cái vỏ bọc tin đồn. May thay, đầu mối của cái tin đồn đó được chiếc điện thoạt thông minh LG.3 lưu lại. Phan Hoàng rất sợ sự thật bị phanh phui, bị lộ mặt là người chủ tâm dựng chuyện, bôi xấu các nhà thơ Trương Nam Hương và Bằng Việt thời điểm đó đang là Ủy viên và Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, những vị trí mà Phan Hoàng đang để mắt tới. Phan Hoàng cũng bị coi là tác nhân gây mất đoàn kết nghiêm trọng trong BCH. Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh (HNVTPHCM) vì liên quan tới hành vi bôi xấu các thành viên khác trong BCH. Hội là các nhà văn nhà thơ Bích Ngân, Trầm Hương, Phan Trung Thành.
               Bữa cơm mà tác giả Đặng Huy Giang đề cập tới chính là để mua sự im lặng của nhà thơ Từ Quốc Hoài, người đang nắm giữ những thông tin rất bất lợi đối với chiếc ghế Phó Chủ tịch HNVTPHCM của Phan Hoàng. Bữa cơm đặc biệt do một tay chân thân tín của Phan Hoàng là Xuân Trường trả tiền, sau khi đã móc ví trả cho bữa điểm tâm sáng và cuộc càfe nửa buổi…
              Cuối bữa cơm, cả ba nhân vật thân tín của Phan Hoàng là Đặng Huy Giang, Nguyễn Vũ Tiềm và chú em Xuân Trường đồng loạt… thuyết phục nhà thơ Từ Quốc Hoài  bỏ qua cho Phan Hoàng cái vụ dựng chuyện không chút lương thiện kia.
              Tại sao các nhà thơ Đặng Huy Giang, Nguyễn Vũ Tiềm, Xuân Trường không thuyết phục Phan Hoàng nhận ra cái sai, thành tâm xin lỗi những đồng nghiệp bị mình gây hại, mà lại đi làm cái việc ngược lại? Phải chăng, trong xã hội hiện tại, theo tác giả Đặng Huy Giang, việc dựng chuyện bôi xấu người khác để ngoi lên là chuyện “không có gì là quan trọng”. Còn nếu ai đó quyết làm sáng tỏ lối hành xử khuất tất, sai trái, để mối quan hệ giữa con người trở nên lành mạnh, trong sạch hơn… thì bị coi là không ngon.
             Nhân thể xin nói thêm, cái vụ ghi âm lén bữa cơm, là hoàn toàn bịa đặt.
              Ngon hay không ngon? Xin dành câu trả lời cho nhà thơ Đặng Huy Giang, một người tuy mới gặp nhau vài lần, đã từng quí nhau, từng hành xử tốt với nhau, và đã có lúc là người chính trực.
             Văn Khúc (Từ Quốc Hoài) kết thúc vụ này để dành thời gian cho những việc có ích khác.