Sài Gòn. 29.4.1975. Tờ Điện Tín ra số chót. Ngày hôm sau, cả biển người và cờ hoa tràn ngập. Làng báo miền Nam được lệnh đình bản nhưng sau đó có hai tờ may mắn được tục bản là nhật báo Tin Sáng và nguyệt san Đối Diện. Không phổ cập đến quảng đại quần chúng mà dư vang trong công luận tưởng không tờ nào bằng Đối Diện do một nhóm linh mục chủ trương. Nhiều tờ báo khả tín và công minh hơn, để lại trầm tích văn hóa sâu lắng hơn, phản ánh thực tại xã hội bao quát hơn, song đã mấy tờ có số phận ly kỳ như Đối Diện.



TỪ ĐỐI DIỆN ĐẾN ĐỨNG DẬY

TRẦN TRỌNG CÁT TƯỜNG

Nguyệt san Đối Diện do Chân Tín chủ nhiệm, Nguyễn Nghị chủ bút, Hà Châu tổng thư ký tòa soạn. Cứ theo như bìa 4 của mấy số đầu tiên, bộ biên tập quy tụ được những khuôn mặt sáng giá trong làng văn làng báo như Thế Nguyên, Minh Quân... Linh mục tham gia có thể kể đến Trần Thái Đỉnh, Trương Bá Cần... Và còn có cây bút đối lập như hai kiện tướng cùng tên Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trung. Từ số 23 (5.1971), nhóm Việt chính thức đảm trách phần văn nghệ và ngưng ở số 69 (4.1975). Mà về sau (đầu năm 1972), nhóm Việt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy Huế, dĩ nhiên, tuân thủ nguyên tắc độc nhất và tuyệt đối: văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực xã hội.
Đối Diện số 1 ra mắt (7.1969) minh định ý hướng đối thoại, thì thầm tâm tình và sẵn sàng lắng nghe: “Sẽ là nơi gặp gỡ của tất cả người Việt, bất phân tôn giáo, giai cấp, già trẻ, có tín ngưỡng hay vô tín ngưỡng, nhưng tha thiết với quê hương đất nước, tha thiết với tiến bộ nhân loại, tha thiết với sự phát triển toàn diện con người, tha thiết với những vấn đề của tuổi trẻ hôm nay, của nền văn minh cơ giới của chúng ta”.

Khởi sự, tòa soạn đặt tại 38 Kỳ Đồng (Tu viện Dòng Chúa Cứu thế) và từ số 19 đến số 39, dời về 453/41 ter Trương Minh Giảng. Ngày 4.8.1972, chính quyền ban hành sắc luật 007/TT/SLU bắt buộc các tờ báo phải ký quỹ một số tiền khá lớn, nếu không, bị rút giấy phép và ngưng hoạt động. Số 40, linh mục Chân Tín vẫn giữ vai trò chủ nhiệm nhưng trên bìa gắn thêm mỹ danh “Hải ngoại” và địa chỉ tòa soạn chuyển đến tận chân trời góc bể: 107122 Pavillon Parent - Cité Universitaire - Quebec 10 - PQ, Canada (có lúc tòa soạn đặt tại CP Box 334 Sillery PQ, Canada, như số 67). Sang đến số kép 41 - 42, linh mục Trần TamTỉnh chủ nhiệm, Đối Diện chọn tư thế ngoài vòng cương tỏa và giữ vị trí chủ đạo trong dòng báo chí bất hợp pháp.

Một chút tò mò về nhà in. Khi thì ăn gió nơi này, khi thì nằm mưa tận đâu đâu, nhiều số không xác định được nơi in (số 26, 30, 36, 39, 57). Ban đầu in tại cơ sở ấn loát báo Đức Mẹ Hằng Cứu giúp của Tu viện Dòng Chúa Cứu thế đường Kỳ Đồng. Từ số 20 tại nhà Trình Bầy của Thế Nguyên, 291 Lý Thái Tổ. Số 24 trở đi, chủ yếu tại nhà Phương Quỳnh của bà Tôn Thất Dương Kỵ, 150F Yên Đổ. Để rồi từ số 40, Masako Mikutina, Shinsei Gakuryo, 84 - 36 Hongo Bunkyoku, Tokyo - Japan đảm trách việc in ấn. Thỉnh thoảng lại lưu động, nhà Thi Nha, Phan Rang (số 47) rồi sang nhà Tha Nhi, Mỹ Tho (số 48). Ghi thì ghi vậy, chứ chắc nhà in vẫn quanh quẩn Sài Gòn!
Chuyện báo đối lập bị tịch thu, phạt tiền, đình bản và chủ bút ra tòa như cơm bữa. Năm 1970, liên tiếp 8 số Đối Diện bị tịch thu (11 - 18). Riêng hai số 15 và 16 chạy bài của linh mục Trương Bá Cần “25 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc” chêm vào những con chữ ca ngợi miền Bắc no cơm ấm áo. Hai số đề cao chủ nghĩa cộng sản này, ngoài việc bị tịch thu còn khiến ông Nguyễn Tín (linh mục chủ bút Chân Tín) nhận trát hầu tòa và lãnh sáu tháng tù.
                         
                                         

Năm 1972, linh mục Chân Tín bị Tòa án Mặt trận Biệt khu Thủ đô kết án 5 năm cầm cố và 3 triệu đồng phạt vạ vì đã làm phương hại nền an ninh quốc gia, trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu quân đội. Còn linh mục Chân Tín thì dõng dạc trước tòa: “Chúng tôi không hổ thẹn về những gì đã viết hay cho in trong Đối Diện và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc”.
Trong Tìm hiểu tạp chí Đối Diện (luận văn tốt nghiệp văn bằng cử nhân báo chí, tại Ban Báo chí, Phân khoa Văn hóa và Khoa học, Viện Đại học Vạn Hạnh, 1973), sinh viên Nguyễn Thanh Sơn mổ xẻ số 1 đến số 48. Sự nhất quán xuyên suốt trên Đối Diện là đả phá chính quyền và hô hào con đường hòa bình trên tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc. Tác giả bình nghị thêm. Chung góp của Đối Diện cho nền hòa bình là nhỏ nhoi so với bao nhiêu xương máu của hàng triệu đồng bào ruột thịt. Khuyên son của Đối Diện chính là chỗ gây xúc cảm tình tự dân tộc, cổ súy một xã hội tốt đẹp và phồn thịnh hơn, ý thức được thân phận nô lệ, mất chủ quyền, lệ thuộc ngoại bang.
Ngay sau ngày thống nhất đất nước, Đứng Dậy số 70 (7.1975) in roneo, chỉ “để làm tin”, tục bản theo Quyết định số 1/QĐ TTVH của Bộ Thông tin ngày 4.7.1975 với chủ nhiệm Chân Tín, tổng thư ký Nguyễn Ngọc Lan, thư ký tòa soạn Võ Hồng Ngự. Số 71 tiếp theo (8.1975) trở lại in typo như hầu hết các số trước đó và chính thức bước qua giai đoạn mới. Bài “Một con đường đã vượt qua và con đường để đi tới” đặt đầu số xác định hướng đi và nhiệm vụ: “Được tục bản giữ nguyên danh xưng “đứng dậy”, dĩ nhiên là Đứng dậy muốn trung thành với hướng đi từ trước của mình nhưng trung thành một cách sâu sắc và đích thực (...) Ngày nay Cách mạng thành công, thế đứng của Đứng Dậy đương nhiên đổi mới. Góp phần củng cố và xây dựng Cách mạng trở thành nhiệm vụ đương nhiên của Đứng Dậy để trung thực với chính mình, đi đến cùng con đường mà mình đã chọn lựa”.
Nhóm chủ trương tự hào Vui gì hơn làm người lính đi đầu (Tố Hữu): “Đứng dậy cũng được hân hạnh hiếm hoi từ giữa thành phố này phản ánh tuy chỉ một phần nào - trong những giới hạn nhất định của khả năng và hoàn cảnh của nó - nhưng liên tục lịch sử đất nước từ hơn tám năm nay”.
Và đây là “hồi ngũ liên” phấn chấn và hào hùng về những sự kiện trọng đại của đất nước: Những năm tháng gian khổ hào hùng (...) Những năm tháng kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao (...) giai đoạn lịch sử mới: cả nước độc lập thống nhất tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa (số 100, 10.1977).
Mùa Giáng sinh 1978, Đứng Dậy cáo biệt “vì tạp chí không còn hội đủ điều kiện để tiếp tục nữa”. Và Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan cùng ban biên tập và tòa soạn dè dặt vài lời riêng với các bạn Kitô giáo: “Việc tạp chí Đứng Dậy không còn nữa chỉ nên giúp chúng ta hiểu rõ hơn trong lòng tin là nó không cần thiết vì cái cần thiết thực sự, cái cần thiết tuyệt đối là “một sự sống, một niềm hy vọng và yêu mến lớn lao hơn cả bản thân Giáo hội” (...), nói chi đến bản thân một tờ báo” (số đình bản 114, 12.1978). Và không ai ngạc nhiên, khi đã khép áo lui chân, gần như nhóm chủ trương khuất chìm và lặng im. Bao nhiêu cảnh ngộ, bấy nhiêu tâm sự, mấy ai thấu hiểu.
Dòng đời Đối Diện là cả một trời khúc khuỷu. Chừng mực nào đó, người ta phải mạnh dạn ghi nhận, nó chỉ còn là cái bóng tĩnh lặng của chính mình trên bến bờ sau 1975, hiền hòa chứ không còn quyết liệt phiêu lưu. Nhóm chủ trương giảm bớt (hay đoạn tuyệt?) thiên chức của phận văn, nghiệp báo đơn giản vì nắm bắt được quan hệ khăng khít giữa văn hóa với chính trị? Ý nguyện, tinh thần dấn thân và thái độ nhập cuộc nung nấu dưới mái nhà Đối Diện đã truyền dẫn đến thế hệ sau như thế nào? Một nhận định thấu đáo đành chờ ánh sáng buổi “tân vận hội” soi rọi cái nhìn từ bên ngoài và từ phía sau với một gián cách thời gian cần thiết.

Nguồn: Người Đô Thị số ra ngày 29-4-2016