Tôi đang chuẩn bị đi làm thì ông đến. Sau khi chào hỏi, ông nói: “Tui có việc này nhờ anh. Cách đây dăm năm, thầy tôi, ông Đường Minh Phang (ông Đường Minh Phang  là người dịch cuốn Gia phả họ Phan Mạc, dòng họ có nhà cách mạng Phan Đăng Lưu từ chữ nho ra chữ quốc ngữ) nói rằng: Em làm thơ rất hay, em phải vào Hội nhà văn để lưu danh sử sách. Tôi định ra Hà Nội nhờ Nguyễn Thế Kỷ can thiệp để vào Hội nhà văn, nhưng nay Nguyễn Thế Kỷ không làm Phó Ban Tuyên giáo trung ương nữa, nên tôi đến nhờ anh chỉ cho đường đi nước bước để trở thành nhà văn Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, trước là để lưu danh sử sách, sau là để viết kiếm tiền”.


NHÀ THƠ LÀNG VÀ MỘNG ƯỚC  VĂN CHƯƠNG 

PHAN XUÂN HẬU

Quê tôi có một ngôi đền thiêng, người dân thường đến lễ bái và xóc thẻ xem "quẻ". "Quẻ" là những bài thơ có nhiều câu chữ nho mà lớp trẻ không hiểu. Vì vậy, các cụ có hiểu biết hoặc thông nho thường giải những câu thơ này và nhận được tiền công cũng tạm được. Một trong những người đó là ông Tường. Ông sinh năm 1936, sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm thì ông xung phong vào bộ đội, rồi do dính vào chuyện trai gái nên phải ra quân về làm ruộng. Tôi nghe cháu của ông (gọi ông là chú ruột) nói: Thủa nhỏ, ông Tường có tư chất thông minh hơn hẳn các anh ruột trong nhà nên được gia đình đầu tư cho ăn học mà chẳng phải làm gì. Nhưng rồi ông cứ đứng núi này trông núi nọ nên nhà ông rất nghèo.
Tôi quen ông trong một lần đi đền và trong một lần ở nhà người bạn. Phải nói rằng, ông Tường là người thông nho. Ông có một tập thơ đường viết về Bác Hồ bằng chữ quốc ngữ dùng nhiều từ Hán Nôm và ông đề thêm chữ nho bên cạnh. Thơ Đường luật của ông, tôi thấy cũng không hay lắm nhưng trình độ Hán ngữ của ông thì không nhiều người có được.
Cách đây hai ngày, tôi đang chuẩn bị đi làm thì ông đến. Sau khi chào hỏi, ông nói:
- Tui có việc này nhờ anh. Cách đây dăm năm, thầy tôi, ông Đường Minh Phang (ông Đường Minh Phang  là người dịch cuốn Gia phả họ Phan Mạc, dòng họ có nhà cách mạng Phan Đăng Lưu từ chữ nho ra chữ quốc ngữ) nói rằng: Em làm thơ rất hay, em phải vào Hội nhà văn để lưu danh sử sách. Tôi định ra Hà Nội nhờ Nguyễn Thế Kỷ can thiệp để vào Hội nhà văn, nhưng nay Nguyễn Thế Kỷ không làm Phó Ban Tuyên giáo trung ương nữa, nên tôi đến nhờ anh chỉ cho đường đi nước bước để trở thành nhà văn Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, trước là để lưu danh sử sách, sau là để viết kiếm tiền.
Nói rồi ông đọc cho tôi nghe một bài thơ lục bát và một bài thơ Đường luật. Tôi nghe thấy thơ ông rất tầm thường, chẳng có ý tứ gì sâu sắc cả, lời thơ tầm tầm, nếu gửi báo thì chẳng có báo nào đăng được, ngoài mấy tờ bản tin cấp huyện. Tôi nói với ông, để trở thành nhà văn Hội viên Hội nhà văn Việt Nam thì trước hết ông phải có thơ, văn đăng báo hoặc đã in thành sách đã. Sau đó, ông làm đơn vào Hội VHNT tỉnh Nghệ An. Nếu đã được vào hội VHNT tỉnh rồi thì ông phải có hai cuốn sách đã xuất bản và có hai nhà văn Hội viên Hội nhà văn Việt Nam giới thiệu. Sau đó, hội đồng bỏ phiếu và nếu quá bán thì ông mới được vào hội. Ngay cả việc trở thành hội viên hội VHNT tỉnh cũng không dễ. Phải có ít nhất 5 tác phẩm tiêu biểu kèm theo hồ sơ, được chi hội cơ sở  và được hai người là hội viên Hội VHNT tỉnh giới thiệu, sau đó ban chấp hành hội bỏ phiếu nếu quá bán mới được vào. Như xóm Phan Đăng Lưu nhà cháu đây nổi tiếng là hiếu học mà cũng chỉ mới một mình cháu là hội viên hội VHNT tỉnh Nghệ An thôi, còn một người nữa tuy là hội viên Hội nhà văn Việt Nam nhưng trước đó là hội viên Hội nhà văn Hà Nội. Với cách thức này thì chắc chắn ông không vào được. Chỉ có con đường thứ hai là ông gia nhập hội thơ Đường Yên Thành thì dễ hơn nhiều, chẳng cần điều kiện gì to tát cả. Nghe vậy, ông nói:
- Vào hội thơ Đường Yên Thành rồi sau đó vào hội nhà văn à?
Tôi trả lời:
- Vào hội nhà văn là chuyện khác, đó là một tổ chức rất khó trở thành hội viên. Yên Thành là một vùng đất học, có hai trạng nguyên và là địa phương có trại trạng nguyên đầu tiên của cả nước mà cũng mới chỉ có năm người là hội viên hội nhà văn Việt Nam thôi. Trong đó, chỉ có ba người là đang còn sống thôi ông ạ...
Nghe vậy, ông Tường hỏi tôi:
- Vậy chứ cháu thì răng?
- Cháu chỉ là hội viên hội VHNT tỉnh, còn chuyện trở thành hội viên hội nhà văn Việt Nam đối với cháu vẫn còn xa  lắm. Mục tiêu quan trọng nhất của cháu là nuôi con trưởng thành.
Ông Tường nói thêm mấy câu đại ý là ông vẫn đinh ninh  rằng mình sẽ trở thành nhà văn Hội viên Hội nhà văn Viêt Nam và là nhà văn lớn lưu danh sử sách. Ông chào tôi rồi ra về.
Từ chuyện ông Tường, tôi lại nhớ một " nhà thơ" cấp làng khác, ông tên là Huề, là ông chú cùng họ với tôi. Hồi còn nhỏ, ông là tâm điểm chú ý của dân làng vì nhiều lẽ. Trong đó có hai đặc điểm nổi bật là nghèo và lười biếng. Thời bao cấp, ông nhận phân   đạm của hợp tác xã về nhưng ông không bón ruộng mà đem bán, vì vậy, ruộng của ông bao giờ cũng khác biệt so với đồng làng: trông như một đám cỏ may. Không bao giờ ông nạp nghĩa vụ thuế với nhà nước, vì thế, ông gánh một đống nợ mà tôi nhớ có lần, vào trước tết, đội thu thuế của xã đến nhà ông và vét mãi cũng chỉ được chục cân thóc. Không biết họ có thu số thóc cỏn con đó không nhưng nhà ông có đến 5 đứa con cách nhau từ một đến hai tuổi và trông đứa nào cũng bụng ỏng đít beo, có đứa út lên năm tuổi mới biết đi.
Ông rất lười, dù mang bệnh hen không làm được việc nặng  thì ông vẫn làm được việc nhẹ, nhưng không, suốt ngày ông nằm đọc sách.  
Nhà ông không khác cái chuồng trâu là mấy nhưng ông thông thạo hết cuốn sách này đến cuốn khác, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, ông có thể thao thao bất tuyệt về Đông chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa, Số đỏ cho đến bộ Tấn trò đời của
 Ban - Zắc. Ông có trí nhớ khá tốt.
Rồi vợ ông không chịu nỗi bèn ly dị. Ở làng vẫn lưu truyền nhiều giai thoại về ông như: trời mưa, lúa đang phơi bị ướt hết nhưng mặc kệ, ông vẫn nằm đọc sách.Có những giờ ăn, ông hái sung về luộc vậy mà ông vẫn sống đến bảy mươi tuổi.
Tôi xa quê 12 năm. Ba mươi tuổi thì tôi về định cư hẳn ở làng, thỉnh thoảng, tôi ghé nhà ông chơi, khi này, con ông đã trưởng thành và đứa nào cũng ngoan nên vẫn gửi tiền về giúp ông, vì vậy ông không đói rách nữa, nhưng ông vẫn nghèo. Vườn nhà ông không trồng gì mà để cỏ mọc đầy, ông vẫn không thay đổi tính cách.
Có lần, xem xong một cuốn tiểu thuyết đang gây xôn xao dư luận, ông nói:
-          Cuốn sách này không hay, nhà văn Việt Nam không ai có tài.
Tôi bèn nói mát:
-          Thì có mỗi mình chú có tài mà chú không viết thì thôi…
Ông cười, tự nhận câu nói của tôi là đúng.
Ông có làm thơ, tả cảnh nhà giột của mình:
   Hàng trăm cửa sổ huy hoàng
  Gió vào trăng cũng xuống đò sang ngang
Tôi nghĩ, do không có ý chí và gia cảnh gieo neo nên ông đành phải vậy, nếu không, biết đâu ông cũng có thể trở thành nhà thơ.