“Hoa Lư thi tập” được trao kỷ lục bởi Liên minh kỷ lục thế giới – WorldKings, một tổ chức vừa thành lập không lâu và hầu như không có uy tín gì trên trường quốc tế. Thứ hai, “Hoa Lư thi tập” là một tác phẩm bình thường về mặt nghệ thuật văn chương. Nếu lấy chế tác cầu kỳ và đắt đỏ làm tiêu chí, thì chỉ càng thêm bẽ bàng “y phục bất xứng kỳ đức”. Hơn nữa, khi trao giải cho một tập thơ, nhất định phải đề cập đến sức rung động thẩm mỹ, chứ không phải nằm ở trọng lượng. Cái cách mang một tập thơ đặt lên bàn cân để minh định 54 kg hay 53 kg, là một trò hề đích thực! Nếu căn cứ theo số kg, thì tất cả các tập thơ từng được trao giải Nobel chỉ đáng vứt sọt rác, và ngay cả kiệt tác Truyện Kiều đáng tự hào nhất của dân tộc Việt Nam cũng chỉ đáng xếp vào hàng… tập thơ nhẹ ký!


MỘT TẬP THƠ KỶ LỤC NẶNG KÝ, HAY MỘT TRÒ HỀ HÁO DANH LỐ BỊCH?

TUY HÒA

Một buổi lễ khá hoành tráng diễn ra ở Hoàng Thành Thăng Long để đón mừng sự kiện quyển sách có tên gọi “Hoa Lư thi tập” được trao kỷ lục thế giới về tập thơ độc bản nặng ký nhất. Theo Ban tổ chức, đây là tập thơ tả cảnh cố đô Hoa Lư, với 121 bài thơ, được chế tác với độc bản duy nhất, ra đời dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010. Cuốn sách gồm 270 trang được hoạ sĩ Trần Quốc Ẩn chế tác với kích thước 109cm x 70cm x 10cm. Bìa sách làm bằng gỗ gõ đỏ quý hiếm, chạm khắc hình rồng. Các bài thơ trong sách đều được thể hiện bằng chữ thư pháp viết tay trên giấy giả da, đi kèm 121 bức ảnh nhằm mang lại giá trị biểu cảm. Tổng trọng lượng của tập thơ độc bản này lên đến 54kg.

Trước hết, cần khẳng định việc xác lập kỷ lục cũng là một yếu tố khuyến khích sáng tạo nhằm ghi nhận nỗ lực của tập thể hay cá nhân nào đó. Tuy nhiên, tổ chức nào trao kỷ lục và kỷ lục có giá trị gì, thì lại là câu chuyện khác, mang nhiều vinh nhục hơn. 

“Hoa Lư thi tập” được trao kỷ lục bởi Liên minh kỷ lục thế giới – WorldKings, một tổ chức vừa thành lập không lâu và hầu như không có uy tín gì trên trường quốc tế. Thứ hai, “Hoa Lư thi tập” là một tác phẩm bình thường về mặt nghệ thuật văn chương. Nếu lấy chế tác cầu kỳ và đắt đỏ làm tiêu chí, thì chỉ càng thêm bẽ bàng “y phục bất xứng kỳ đức”. Hơn nữa, khi trao giải cho một tập thơ, nhất định phải đề cập đến sức rung động thẩm mỹ, chứ không phải nằm ở trọng lượng. Cái cách mang một tập thơ đặt lên bàn cân để minh định 54 kg hay 53 kg, là một trò hề đích thực! Nếu căn cứ theo số kg, thì tất cả các tập thơ từng được trao giải Nobel chỉ đáng vứt sọt rác, và ngay cả kiệt tác Truyện Kiều đáng tự hào nhất của dân tộc Việt Nam cũng chỉ đáng xếp vào hàng… tập thơ nhẹ ký!

Ông Hoàng Quang Thuận, tác giả cuốn sách vừa được trao kỷ lục với cân nặng 54 kg, lý giải: "Tập thơ này là sử thi vì nó viết lại toàn bộ từ thời Đinh Tiên Hoàng, qua các mốc lịch sử đến Lý Công Uẩn. Nó không chỉ tả cảnh non sông đất nước mà còn miêu tả lịch sử cách đây hàng ngàn năm. Đây là cuốn sách độc bản duy nhất nói chuyên về lịch sử thời kỳ xa xôi, được chế tác tinh vi". Đề tài không phải thước đo tác phẩm. Sử thi ngây ngô, thì còn thua bài học vỡ lòng của trẻ con tiểu học!

Tập thơ 54 ký được xác lập kỷ lục, một lần nữa cho thấy cơn hưng phấn hoành tráng càng ngày càng lan rộng trong ý thức diêm dúa của một bộ phận người Việt. Tập thơ nặng ký nhất cũng như cái bánh chưng nặng ký nhất, chẳng mang lại một khái niệm đẹp đẽ gì cho hành trang người Việt thời hội nhập. 

Nếu kỷ lục đơn thuần nhằm thỏa mãn thói háo danh, thì thật tội nghiệp cho kỷ lục. Bởi lẽ, bên cạnh các loại kỷ lục phát triển theo xu hướng ấy, cũng sẽ phát sinh thêm nhiều loại háo danh, kiểu như tự phong Giáo sư, Viện sĩ hoặc tự phong Nhà khoa học hàng đầu hành tinh, Nhà viết nhạc đỉnh cao nhân loại!