Từ nhiều năm nay, nhà văn Hà Khánh Linh (em gái của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) ở một mình trong một căn nhà rộng 20m2 ở hẻm nhỏ đường Chế Lan Viên, Tp. Huế. Hai đứa con lớn lên đều đi làm và lập gia đình ở xa. Ngay cả bé Bình Nghi, đứa cháu nội bà rất yêu quý, nuôi nấng từ lúc mới sinh ra, thay cho người mẹ muốn bỏ rơi, cũng bị bắt phải rời xa bà. Một Hà Khánh Linh ngày nào giờ chỉ còn cách gạt bỏ những đau đớn, nhức nhối, tìm kiếm, chắt chiu từng giọt thời gian để sáng tác. Vui với người trong truyện. Tạo ra nhân vật đồng điệu tâm hồn để chia sẻ với mình. Và ngày ngày nhà văn vẫn cặm cụi bên bàn viết, lần giở về những kỉ niệm xa xôi, ngày-tháng-năm của bao buồn vui, trăn trở.


MẢNH TRĂNG HOÀNG CUNG – NGÀY ẤY, BÂY GIỜ

SỬ KHUẤT

Mới đây, nhà văn Hà Khánh Linh đã xuất bản cùng lúc hai tiểu thuyết “Em còn gì sau chiến tranh”và “Biến cố 182010”.  Tiểu thuyết “Em còn gì sau chiến tranh” là câu chuyện cảm động, đầy nước mắt về số phận của Phương Anh một nữ chiến sĩ quân y, người đã sống hết mình vì lí tưởng, trách nhiệm của một người yêu nước trong và sau chiến tranh. Với bút pháp tả thực, cách viết hấp dẫn lôi cuốn,  nhà văn Hà Khánh Linh đã tường thuật về một thời đại sống động, bi thương từ cuộc chiến gian khổ đến hòa bình đầy nước mắt của một thân phận phụ nữ.  Tiểu thuyết“Biến cố 182010” lại là một câu chuyện cảm động về tình bà cháu trong một gia đình không lành lặn. Tác phẩm viết ra từ nỗi niềm của chính nhà văn, nhiều chi tiết xúc động, cay đắng của một hiện thực vẫn chưa có hồi kết.
Hà Khánh Linh, nữ nhà văn Cố đô tên tuổi, với hơn 40 năm viết văn, làm báo, đến nay bà đã xuất bản hơn 20 tác phẩm tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn, bút ký, hồi ký gắn bó mật thiết với vùng đất quê hương Thừa Thiên Huế. Ít ai biết rằng, ngoài một Hà Khánh Linh bút lực dồi dào trên văn đàn, còn có một Hà Khánh Linh khác với nhiều giai thoại văn chương, mà cuộc đời nhà văn cũng là một cuốn tiểu thuyết đầy kịch tính.

TỪ NỮ GIẢI PHÓNG QUÂN “UỐNG SỮA THAY CƠM”
Bà quê ở thôn Niêm, làng Ưu Điềm, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sinh ra và lớn lên trong một danh gia vọng tộc, họ Nguyễn Khoa, với tên khai sinh rất nhã và mềm mại Nguyễn Khoa Như Ý.
Năm 1965, lúc mới tròn 20 tuổi, Nguyễn Khoa Như Ý theo học dự bị tại đại học Khoa Học Sài Gòn. Ít ai biết rằng, thời gian này cô nữ sinh ấy đã hoạt động bí mật cho cách mạng. Cứ mỗi lần vào Sài Gòn ra Huế, Như Ý đều mang theo mình nhiều tài liệu mật để trong cặp xách. Cô nữ sinh thơ ngây, xinh đẹp ấy chính là một “trợ thủ” đắc lực cho đơn vị tình báo anh hùng T65 của Bộ Nội vụ. Nhận thấy tình hình hoạt động có nhiều bất ổn, năm sau cô nữ sinh Nguyễn Khoa Như Ý quyết định bỏ học để gia nhập quân Giải phóng.
Lên rừng, cô nhận công tác ở trường Văn hóa Miền Tây dạy học từ lớp 1-7 cho con em cán bộ chiến sĩ, sau đó làm phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, phóng viên Đài Phát thanh Bình Trị Thiên. Thời gian đầu, cô nữ sinh duyên dáng như một bông hoa rừng xinh xắn giữa đại ngàn Trường Sơn đã thu hút sự chú ý của những đoàn quân vào Nam ra Bắc. Đi đâu, người ta cũng nhắc tới cái tên đẹp, kiêu sa Nguyễn Khoa Như Ý, đến nỗi ai cũng muốn được nhìn thấy mặt, được nói chuyện chỉ để... cho biết. Người ta còn đồn “rất dễ thương”: “Trên núi rừng này, chỉ có cô Như Ý uống được sữa mới sống nổi, chứ không ăn được cơm đâu”. Bỗng chốc cô giải phóng quân xinh đẹp trở thành “hiện tượng lạ” khiến cho anh em chiến sĩ đã mến thương lại càng thương cảm hơn. Nghe tin đó, nhiều người tương thật nên hễ đi công tác có ghé qua đơn vị của cô thì thế nào cũng biếu vài hộp sữa, dù vắng mặt cũng được đề tặng lại biếu Nguyễn Khoa Như Ý. Nhưng sự thật thì cô giải phóng quân Như Ý ngày đó không thể nào uống được sữa, dù chỉ là một giọt.
 Chuyện thật hy hữu, số là thuở nhỏ cô đã mắc chứng thiếu men Lactase ở ruột non, cơ thể không dung nạp được đường Lacto nên đường không được phân tách và sẽ không được hấp thu vào máu mà bị tồn đọng ở ruột, dẫn đến những rối loạn tiêu hóa. Đây là nguyên nhân làm cho cô không uống được sữa. Vì vậy chỉ cần uống một vài giọt cũng đã khốn khổ rồi, có khi phải cấp cứu, chứ đừng nghĩ đến chuyện uống sữa thay cơm giữa đại ngàn Trường Sơn bom đạn. Vậy mà trong vòng vài tháng, hàng trăm hộp sữa “tới tấp” gửi đến cô, cô đem biếu lại hết cho anh em thương bệnh binh bồi dưỡng sức khỏe.

ĐẾN NÀNG THƠ BỎNG CHÁY TRONG “TRĂNG HOÀNG CUNG”
Là người làm văn học, nhưng đồng thời Hà Khánh Linh cũng là một “nguồn cảm hứng” cho văn học. Mối “duyên nợ” ấy không ai khác chính là Phùng Quán (1932- 1995), nhà văn chiến sĩ trọn đời trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn với những bài thơ gan ruột “thơ là lý lịch, là mạng sống đời tôi”. Vậy mà, người thi sĩ đầy cá tính đó lại “tơ vương” một “vầng trăng hoàng cung” ở đất Cố đô quê nhà, không ai khác chính là cô giải phóng quân Nguyễn Khoa Như Ý ngày nào giờ đã trở thành một nhà văn chững chạc trong làng văn.
Năm 1984, Hà Khánh Linh đang làm biên tập viên cho Tạp chí Sông Hương và ở với hai con nhỏ tại một gian phòng hẹp trong khuôn viên Hội VHNT Bình Trị Thiên. Một ngày hạ năm đó, có người đàn ông xuất hiện tại trụ sở Hội như nhà văn sau này miêu tả trong cuốn Phùng Quán viết Trăng Hoàng Cung (2007): “... tuổi chừng ngoài năm mưới mặc bộ quần áo vải chàm, chân đi guốc mộc, tóc chải lật ra phía sau, cằm lún phún râu, tay xách chiếc bị lát cỡ lớn lửng thửng đi vào ngồi nghỉ ở hàng hiên, hỏi chuyện bâng quơ các nhân viên hành chánh rồi đọc thơ.” Thấy lạ, Hà Khánh Linh bắt chuyện và bất ngờ khi biết đó là nhà thơ Phùng Quán nổi tiếng và càng ngạc nhiên hơn khi nghe nhà văn nói bằng giọng Huế.
Từ buổi đầu ấy, Phùng Quán si mê đến nỗi: “Tôi ao ước được nhìn lại gương mặt huyền hoặc của nàng. Trí nhớ tôi như phiến gỗ thông Đà Lạt, khoảnh khắc tạc lên gương mặt Nàng bằng bút lửa...
Phùng Quán tìm thấy thơ mình ở Hà Khánh Linh và say mê sa vào nàng thơ quên cả tháng ngày, yêu như suối nguồn, thơ như thác lũ, như rừng cây đang hồi chín mọng: “Từ khi anh biết em/ Trái thơ chín nhiều đến nỗi/ Mỗi đêm anh phải thức giấc nhiều lần (Trái thơ). 
Nhưng đáp lại, giai nhân xứ Huế vẫn giữ khoảng cách đúng mực, chỉ xem Phùng Quán như bậc đàn anh trong làng văn. Nhà văn Hà Khánh Linh có lần cũng phải thốt lên: “Quả thật tôi là cái cớ để anh làm thơ, thì từ nay anh cứ việc làm. Nhưng mỗi ngày phải tiếp… chuyện thơ một hai lần thế này thì tôi thật ngán!”.  Thế mà Phùng Quán vẫn yêu, vẫn nhớ, vẫn chờ, cho đó là người tình của mình dù bất khả, thậm chí có cả quyền hờn ghen: “Tôi khóc niềm tin yêu nát tan/ Tôi khóc ngai vàng mộng tưởng/ Tôi khóc Trăng hoàng cung bị lấm bẩn/ Tôi khóc không biết lấy gì gột sạch trăng... (Khóc).
Đứng trước một “nàng thơ thật”, thi sĩ “bút lửa” đã viết nên những dòng thơ say đắm: “Chỉ riêng nụ cười nàng lim dim mắt/ Ta đã đặt dưới chân nàng cả vương quốc thơ” (Nắng Cố đô). Và tiểu thuyết tình 13 chương Trăng hoàng cung được hoàn thiện và không ai khác chính nhà văn Hà Khánh Linh là người khơi nguồn cảm hứng, trở thành “nàng thơ bất đắc dĩ” của tập tiểu thuyết mơ mộng của nhà thơ Phùng Quán bởi:“Làm gì có chừng mực thơ... làm gì có chừng mực yêu” (Bức điện).
Trăng hoàng cung ra đời từ những nỗi niềm lay động tâm hồn, trong cuộc tình, tạm gọi là đơn phương, nhưng ở đó Phùng Quán đã tìm được nơi: “Cho anh ẩn trốn những trận mưa xấu xa, dung tục”. Nghĩ về chuyện cũ, nhà văn Hà Khánh Linh giữ một thái độ rất điềm tĩnh. Năm 1995, Phùng Quán mất, nhiều tờ báo, nhà xuất bản đặt bài viết nhưng Hà Khánh Linh vẫn im lặng. Mãi gần đây, năm 2007, khi mọi chuyện dường như “dấu xưa rêu phủ”, cuốn Phùng Quán viết Trăng Hoàng Cung mới ra đời, chia sẻ với bạn đọc những chuyện ngày đó với bao tình tiết thú vị.

VÀ MỘT HÀ KHÁNH LINH THAO THIẾT TRÊN TỪNG TRANG VIẾT
Nhà văn Hà Khánh Linh theo đuổi văn xuôi với ba mảng đề tài: Cuộc kháng chiến đầy hào hùng và gian khó của nhân dân; Về những gương mặt sáng thời các chúa Nguyễn, nhất là bốn vị vua đầu tiên; Những khó khăn thuận lợi trong công cuộc tái thiết đất nước sau ngày thống nhất và trong thời kỳ đổi mới, hiện tại... Nhà văn tâm niệm: “Tôi coi công việc sáng tác mình như như một cuộc chơi, và tôi tham gia vào cuộc chơi đó với tất cả ý thức trách nhiệm, với cộng đồng, với nơi mình được sinh ra và lớn lên, với những ngày không có mình mai sau... Bởi nhà văn quan niệm: “Khi đau khổ, tuyệt vọng, một số người tìm đến chất gây nghiện, cuộc đỏ đen,... còn nhà văn thì tìm đến cây bút và trang viết. Sự hưng phấn của kẻ nghiện khác với sự thăng hoa trong tâm hồn nhà văn khi sáng tác là ở chỗ, một bên là tự tàn phá cuộc đời, hủy hoại nhân cách và làm khổ nhiều người, còn bên kia thì ngược lại”.
Nhà văn Hà Khánh Linh nổi tiếng với hàng chục tác phẩm Thúy (tiểu thuyết, Nxb Văn nghệ Giải phóng - 1973) và được dịch sang tiếng Nga. Cũng vì muốn đọc được bản dịch tiếng Nga nó ra thế nào, vậy là Hà Khánh Linh bỏ công đi học 5 năm để đọc lại chính tác phẩm của mình đã được chuyển ngữ. Nụ cười Ápxara (tập truyện, Nxb Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh - 1983), tập truyện viết về đất nước Campuchia hồi sinh in năm 1981. 9 năm sau tác giả trở lại Campuchia tình cờ gặp các chiến sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở đó đọc những bản đánh máy lại và quay rô-nê-ô. Hỏi ra mới biết bên ấy rất thích quyển nầy, về mua ở Sài Gòn bao nhiêu cũng không đủ, nên phải đọc bản rô-nê-ô. Tiểu thuyết Chiến tranh và sau chiến tranh (Nxb Thanh Niên - 1989) nhận được nhiều đánh giá cao và vinh dự được giải thưởng Cố đô. Có những tác phẩm để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc bởi giá trị văn học như Người cắm hoa nhà thờ (tiểu thuyết, Nxb Văn Học- 2002), Người kinh đô cũ (tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà Văn - 2004),... Mới đây, nhà văn Hà Khánh Linh cũng đã hoàn thành xong bản thảo của ba tác phẩm mới “Biến cố 182010” (tiểu thuyết) , “Những dấu chân của mẹ” (tiểu thuyết) , Trái tim tôi ở Hội An (tập truyện ngắn)...
Từ nhiều năm nay, nhà văn Hà Khánh Linh ở một mình trong một căn nhà rộng 20m2 ở hẻm nhỏ đường Chế Lan Viên, Tp. Huế. Hai đứa con lớn lên đều đi làm và lập gia đình ở xa. Ngay cả bé Bình Nghi, đứa cháu nội bà rất yêu quý, nuôi nấng từ lúc mới sinh ra, thay cho người mẹ muốn bỏ rơi, cũng bị bắt phải rời xa bà. Một Hà Khánh Linh ngày nào giờ chỉ còn cách gạt bỏ những đau đớn, nhức nhối, tìm kiếm, chắt chiu từng giọt thời gian để sáng tác. Vui với người trong truyện. Tạo ra nhân vật đồng điệu tâm hồn để chia sẻ với mình. Và ngày ngày nhà văn vẫn cặm cụi bên bàn viết, lần giở về những kỉ niệm xa xôi, ngày-tháng-năm của bao buồn vui, trăn trở.
Cuộc đời bà với bao thăng trầm biến cố nhưng vượt lên tất cả đó là đức hy sinh, chịu đựng của một người phụ nữ bản lĩnh. Bà chưa bao giờ đấu tranh điều gì cho bản thân, kể cả những mất mát, đớn đau về danh dự, tình cảm. Nhà văn chia sẻ “Tất cả những ý thức, ý hướng đấu tranh thì tôi đã dồn hết cho nhân vật. Cuộc sống, không bao giờ đấu tranh cái gì để giành riêng cho mình, không bao giờ đấu tranh để giành hơn thua, được mất”. Vì cái cốt yếu là đạt được sự bình an, thanh thản. Và Hà Khánh Linh luôn là cô giải phóng quân đáng yêu, gan dạ, mãi là vầng trăng hoàng cung hiển hiện giữa cuộc bể dâu.

Nguồn: Báo Văn Nghệ