Gần một tháng nay, kể từ khi Bộ VH-TT-DL công bố danh sách những ứng viên Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (VHNT) lần thứ 5, do Hội đồng chuyên ngành đệ trình lên Hội đồng cấp Nhà nước để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, đã dấy lên nhiều dư luận về sự minh bạch và công bằng. Đây là hai giải thưởng cao quý nhất về VHNT được xét tặng 5 năm một lần, bắt đầu từ năm 1996, dành cho 9 lĩnh vực: văn học, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, nhiếp ảnh, kiến trúc, văn nghệ dân gian, múa. Hai giải thưởng uy tín này do Chủ tịch nước trao tặng, với giá trị hiện kim kèm theo rất lớn, đã trở thành nguồn khích lệ đối với những người sáng tác, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng cả nước quan tâm VHNT.


Vinh danh giải thưởng - Phải công bằng và minh bạch 

PHAN HOÀNG

Trong 4 lần trước, có lẽ đợt trao giải đầu tiên là được dư luận xã hội đồng thuận cao, vì vinh danh toàn những tên tuổi mà sự nghiệp và tác phẩm đã được khẳng định giá trị từ lâu. Chỉ riêng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt 1, bên văn học có các nhà văn Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Hải Triều, Tế Hanh; còn các lĩnh vực nghệ thuật là những tác giả như: Vũ Ngọc Phan, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Đổng Chi, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Đỗ Cung, Diệp Minh Châu, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước… Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 1 cũng được trao tặng cho toàn những gương mặt xứng đáng. Thế nhưng, càng về sau việc xét tặng hai giải thưởng càng gây tranh cãi, nhất là trong đợt thứ 5 này khi gần như vắng bóng các tác giả xứng đáng ở phía Nam.

Từ lúc danh sách xét tặng đợt 5 vừa được công bố, nhà soạn nhạc kỳ cựu Nguyễn Văn Nam ở TPHCM, tác giả từng nhận Giải thưởng Nhà nước đợt 3, đã lên tiếng phản ứng trên trang mạng cá nhân, vì tên ông bị Hội đồng chuyên ngành loại khỏi danh sách vào vòng cuối của Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 5. Nỗi ngậm ngùi của bậc cao niên đã được giới âm nhạc chia sẻ, bởi vì về khí nhạc Việt Nam thời gian qua, khó ai vượt qua những đóng góp của Nguyễn Văn Nam và không chỉ khẳng định trong nước, tác phẩm của ông còn được đánh giá cao khi công diễn tại nhiều nước trên thế giới.
Riêng lĩnh vực văn học, có 4 ứng viên có tác phẩm được Hội đồng chuyên ngành đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh là nhà văn Xuân Thiều, nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ Thu Bồn và nhà văn Hữu Mai đều đã qua đời. Còn Giải thưởng Nhà nước có tới 29 ứng viên được đề cử, toàn tác giả ở Hà Nội và miền Bắc. Nhìn vào danh sách có những tác giả với tác phẩm chẳng để lại dấu ấn gì trong đời sống văn học, thậm chí có người tên tuổi còn rất xa lạ mà ngay cả trong giới chẳng biết họ viết văn, làm thơ hay viết phê bình!

Điều thú vị là nhà thơ quá cố Thu Bồn, với sự nghiệp thi ca cách mạng đồ sộ, xứng đáng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh những lần trước, nhưng chẳng hiểu vì sao ông chỉ được tặng Giải thưởng Nhà nước. Lần này, sau những trắc trở về thủ tục hồ sơ từ Hội đồng cấp cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam mà báo chí lên tiếng, cuối cùng tên ông cũng “có mặt” ở vòng cuối xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng tác phẩm được đề cử không phải thơ mà là văn xuôi với 2 tiểu thuyết Chớp trắng, Vùng pháo sáng và tập truyện ngắn Dưới tro.

Và điều mà dư luận băn khoăn nhất khi nhìn vào danh sách ứng viên vòng cuối hai giải thưởng đợt 5, đó là ngoài nhà thơ Thu Bồn, thì không còn gương mặt văn học nào ở miền Nam. Ba tên tuổi từng được Giải thưởng Nhà nước là nhà văn Vũ Hạnh, nhà văn Trần Bạch Đằng, nhà thơ Viễn Phương lần này có hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng chẳng biết bị loại ở vòng 1 hay 2. Trong khi đó, những tác giả tiêu biểu khác ở miền Nam mà tên tuổi cả nước đều biết đến bởi sự nghiệp văn học của họ đã được khẳng định từ thời còn chiến tranh, lại tiếp tục vắng bóng ở vòng cuối cùng xét tặng Giải thưởng Nhà nước như: Trang Thế Hy, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Hoài Vũ, Trần Kim Trắc, Trần Thanh Giao, Thanh Giang, Bàng Sĩ Nguyên, Lê Chí, Nguyễn Thanh, Văn Lê… Một số người lớn tuổi đã qua đời. Những người còn lại vẫn tiếp tục sáng tác. Nhìn vào tác phẩm có tầm vóc và ảnh hưởng của họ, có người như Trang Thế Hy, Hoài Vũ còn xứng đáng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. 

Riêng trường hợp nhà văn quân đội Văn Lê, tác giả của gần 30 tác phẩm, một trong những cây bút sung mãn nhất còn lại của thế hệ chống Mỹ, chẳng hiểu sao ông lại cứ mãi trượt Giải thưởng Nhà nước. Lần này, theo nhà thơ Thanh Quế, một trong những giám khảo cấp cơ sở của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Văn Lê nhận 100% phiếu bầu nhưng lên đến Hội đồng chuyên ngành thì bị loại.
Chẳng lẽ một sự nghiệp văn học như Văn Lê lại thua kém những tác giả mà xướng tên lên không biết họ viết gì nhưng lại được đề cử giải thưởng cao quý? Tại sao những tác giả xứng đáng ở miền Nam lại cứ mãi bị loại khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước? Những vị giám khảo cầm cân nảy mực là ai, có quan điểm ra sao đối với tác phẩm của các ứng viên? Rất nhiều câu hỏi mà dư luận bức xúc, cần có sự trả lời minh bạch, xác đáng và cụ thể từ những người có trách nhiệm trong việc tôn vinh các giá trị VHNT.


Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng