Người nổi tiếng vốn dĩ  luôn được xã hội mở rộng vòng tay yêu mến và như một tập quán chung của con người, cộng đồng vẫn nới rộng biên độ hành xử với họ. Điều đó có nghĩa là có những việc người bình thường không nên làm, nhưng với người nổi tiếng, nếu họ có thực hiện hành vi không nên làm đó, họ vẫn có thể được cộng đồng dung thứ. Song, nếu là một người nổi tiếng có tri thức, có văn hóa và có trách nhiệm xã hội, người ấy cần phải có ý thức cảnh báo mình rằng dù gì đi nữa, dù sự bao dung, rộng lượng của cộng đồng dành cho mình đến thế nào đi nữa, mình cũng không được phép vượt qua lằn ranh đạo đức của cái biên độ hành xử đã được nới rộng 



SA NGÃ GIỮA DANH VỌNG

HÀ QUANG MINH



Khi thông tin danh hài Minh Béo bị bắt tại Mỹ liên quan đến cáo buộc tấn công và lạm dụng tình dục với trẻ vị thành niên, chúng ta không khỏi giật mình. Đành rằng có lỗi thì phải trả giá nhưng nghĩ đến cái giá phải trả, giữa nơi đất khách quê người, sự cám cảnh hẳn nhiên phải có. Nhưng từ câu chuyện đó, nghĩ sâu xa hơn, chúng ta mới nhận ra rằng đang có một lỗ hổng tri thức cũng như văn hoá rất lớn trong đội ngũ những người của công chúng, đặc biệt là ở địa hạt thể thao, giải trí… Và cái lỗ hổng tai hại đó nó có tác động không hề nhỏ đến thế giới quan, lối sống của một đội ngũ đông đảo những người hâm mộ những tên tuổi nổi trội trong các địa hạt kể trên.

Trước Minh Béo, nghệ sỹ vi phạm pháp luật, ra toà, chịu án cũng không phải là ít. Từ những trọng án như bán dâm cho đến những án kinh tế như buôn lậu, lừa đảo. Thậm chí, kể cả số lượng những người chưa vi phạm pháp luật, nhưng lại vi phạm những chuẩn mực đạo đức xã hội, để lại những vết nhơ không thể gột sạch cũng không hề ít. Và trong cái cám cảnh theo kiểu "đánh người chạy đi, ai đánh người chạy lại" của chính chúng ta, cái nhiễu nhương kia cứ xoay vòng tái hiện, để hình thành luôn một tiêu chuẩn sống và hành xử mới đáng lo ngại cho thế hệ trẻ sau này.

Người nổi tiếng vốn dĩ  luôn được xã hội mở rộng vòng tay yêu mến và như một tập quán chung của con người, cộng đồng vẫn nới rộng biên độ hành xử với họ. Điều đó có nghĩa là có những việc người bình thường không nên làm, nhưng với người nổi tiếng, nếu họ có thực hiện hành vi không nên làm đó, họ vẫn có thể được cộng đồng dung thứ. Song, nếu là một người nổi tiếng có tri thức, có văn hóa và có trách nhiệm xã hội, người ấy cần phải có ý thức cảnh báo mình rằng dù gì đi nữa, dù sự bao dung, rộng lượng của cộng đồng dành cho mình đến thế nào đi nữa, mình cũng không được phép vượt qua lằn ranh đạo đức của cái biên độ hành xử đã được nới rộng kia.

Ý thức được điều đó chứng tỏ người nổi tiếng biết tự trọng, và biết trân trọng tấm lòng của cộng đồng. Còn lợi dụng nó, người nổi tiếng đã phản bội lại chính sự rộng mở đón nhận của xã hội và nói một cách khác, họ đang là những kẻ "cửa quyền danh tiếng".

Sẽ thật đáng buồn nếu như chúng ta đọc được dòng chia sẻ trên trang cá nhân của một cô gái 17 tuổi được cho là thủ phạm gây chia rẽ một cặp đôi khá nổi tiếng giới showbiz gần đây. Cô gái ấy công khai đề cao những hành động vi phạm chuẩn mực đạo đức của hai đàn chị, là hai người lừng danh làng giải trí, với biện minh rằng bước vào cuộc sống, cần phải lạnh lùng, toan tính và thậm chí là cả mưu mô, xảo trá cũng được, miễn là đạt mục đích của mình. Cô gái đó, hay nói đúng hơn là sự lệch lạc nhận thức của cô gái 17 tuổi đó, chính là hậu quả của những scandal mà hai đàn chị kia đã thực hiện nhờ vào cái gọi là "cửa quyền danh tiếng" của mình. Họ đã đặt ra một tấm gương, để rồi từ đó lớp đàn em coi đó như một chuẩn mực bởi "các chị làm được thì tôi cũng làm được".

Đòi hỏi người nổi tiếng trong giới nghệ thuật biểu diễn phải có trách nhiệm xã hội khó lắm, vì không ít người trong số đó vốn ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình. Thế thì phải chăng, đã đến lúc chúng ta đừng cấp cho họ cái quyền có một biên độ hành xử và đạo đức rộng hơn biên độ chung của những người bình thường, để họ không thể lợi dụng nó mà "cửa quyền danh tiếng" nữa. Muốn làm được điều đó, có lẽ, chính nhà báo phải là những người đi đầu, cất tiếng nói đầu tiên, ngưng lại sự bênh vực quá mức cảm tính mỗi khi một người nổi tiếng nào đó mắc lỗi về quy phạm đạo đức ứng xử. Không có sự bênh vực ấy, người nổi tiếng sẽ hiểu rõ ràng rằng họ cần phải cư xử như bao người bình thường khác theo chuẩn mực vô cùng thông thường của cả một xã hội.