Lê Minh Quốc viết nhiều về phụ nữ. Cả cuộc đời Quốc gắn với tờ báo dành cho giới nữ nên anh có quá nhiều kinh nghiệm quá nhiều thông tin từ những chuyến tác nghiệp của nghề báo để thổi vào trang viết những nhận xét tinh tế về các sự kiện muôn mặt của phụ nữ. Anh giải thích bổ sung về thiên kiến đối tượng viết của mình: “Đẻ là sự sáng tạo. Đàn bà là kẻ sáng tạo.Họ sáng tạo ra vũ trụ này”. Do vậy mà khi viết về họ anh một lòng trân trọng trong bất cứ tác phẩm nào như những Tình éo le mà lý oái oăm, Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm mhảy Lambada… Có bạn đọc cắc cớ hỏi :“Gần sáu mươi rồi mà anh vẫn độc thân, được biết anh có khá nhiều mối tình vậy tại sao tan vỡ, lỗi do ai?”.


LÊ MINH QUỐC NHẢY LAMBADA VỚI CHỮ NGHĨA

LÊ KHẮC HÂN
                                                  
            Sau khi rảo một vòng qua Hội sách TP HCM 2016 trước khi bế mạc, tôi đến khu vực của nhà sách Phương Nam. Ở đây tổ chức hội thảo sách của Lê Minh Quốc, tôi được anh nhắn tin mời với ngôn từ khiêm nhường rất Lê Minh Quốc: “Mời anh đến ủng hộ cho em!”. Thực tình với Lê Minh Quốc ngoài việc mến vì sự đa tài trong nghề cầm bút,  khâm phục bởi sức viết - gần 80 đầu sách in trong khoảng 25 năm được bạn đọc mọi giới yêu thích và sự đánh giá cao rất khách quan của bạn văn, tôi còn là sự kính nể của một đàn anh với người em trung thực thẳng thắn cởi mở quyết liệt bảo vệ cái đúng với thiên chức nhà báo.
            Trước khi đến Hội thảo, tôi đã biết gì về Lê Minh Quốc? Vâng đó là một khối tác phẩm đồ sộ của anh. Lê Minh Quốc viết không biết mệt, anh đã trình làng 12 tập thơ trong đó nhiều tập in lần thứ hai hoặc ba. Thơ là thế mạnh của anh và cũng là một thành công bởi hiện nay thơ được tái bản là khá hiếm. Anh có 9 tập bút ký tản văn mà cũng có nhiều tập được tái bản hai ba lần. Tôi không ngạc nhiên với thành tích này bởi như đã nói anh là một nhà báo. Lê Minh Quốc cũng viết truyện dài với 8 tập đã in, tất nhiên lại cũng có tái bản. Và rồi anh viết tiểu thuyết lịch sử với những nhân vật Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn An Ninh,Tôn Thất Thuyết, Bạch Thái Bưởi…
    Bây giờ xin trở về với khung trời hẹp: Hội thảo sách của Lê Minh Quốc. Khuôn viên nhỏ nhưng thơ mộng nằm nép mình dưới những tàng cây cổ thụ, khách dự khá đông đặc biệt là giới trẻ. Có hai MC, một nhà thiết kế thời trang, và một nhà văn nữ mang bút danh Chị Đẹp. Trong suốt hội thảo ta thấy một Lê Minh Quốc luôn hoạt động viết và ký tặng sách, lui tới bởi những di chuyển cần thiết trong khuôn viên hội thảo… Áo ướt đẫm mồ hôi song trên gương mặt hầm hố bặm trợn ấy luôn nở những nụ cười vui tươi mà sảng khoái trả lời những câu hỏi không kém phần gai góc của người dự. Về động từ “viết”, Quốc chia sẻ rằng anh làm việc cần mẫn như con ong, lấy “cần cù bù thông minh”, ngoài việc làm tay phải của một nhà báo anh cấp tập nạp thông tin bằng đi và đọc để hành nghề tay trái viết văn làm thơ bằng mọi thể loại đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau cho người đọc mọi lứa tuổi.
    Lê Minh Quốc viết nhiều về phụ nữ. Cả cuộc đời Quốc gắn với tờ báo dành cho giới nữ nên anh có quá nhiều kinh nghiệm quá nhiều thông tin từ những chuyến tác nghiệp của nghề báo để thổi vào trang viết những nhận xét tinh tế về các sự kiện muôn mặt của phụ nữ. Anh giải thích bổ sung về thiên kiến đối tượng viết của mình: “Đẻ là sự sáng tạo. Đàn bà là kẻ sáng tạo.Họ sáng tạo ra vũ trụ này”. Do vậy mà khi viết về họ anh một lòng trân trọng trong bất cứ tác phẩm nào như những Tình éo le mà lý oái oăm, Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm mhảy Lambada…
Có bạn đọc cắc cớ hỏi :“Gần sáu mươi rồi mà anh vẫn độc thân, được biết anh có khá nhiều mối tình vậy tại sao tan vỡ, lỗi do ai?”. Lê Minh Quốc lý giải : “Tất cả bởi một chữ duyên còn duyên thì sống với nhau trọn đời mà hết duyên thì chia tay mà vẫn xem nhau như bạn bè thân thiết, với tôi chỉ có thể nói như vậy, còn cứ muốn quy trách nhiệm thì xin thưa tại tôi! Ví như có khi bạn thấy tôi hấp dẫn lắm nhưng sống một thời gian lại thấy nhàm chán vậy không tại tôi thì tại ai đây?”. 

Nói chung thì sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài viết của anh là bênh vực phụ nữ, cảnh báo đàn ông phải nhận thức lại chớ chủ quan  cho mình có vai trò tuyệt đối  phụ nữ chỉ luôn là “Con gái giữ đạo tam cang/ Lấy chồng gánh vác giang san nhà chồng”. Người phụ nữ thời nay khác trước nhiều, họ được trang bị nhiều tri thức và nhất là trách nhiệm cộng đồng đã quan tâm đến họ nhiều hơn, chu đáo hơn. Lại nữa bằng sự trợ giúp của khoa học, họ có thể sinh con mà chẳng phải “nâng khăn sửa túi” cho một gã đàn ông nào. Theo Lê Minh Quốc: “Tùy vào nhận thức, mỗi người phụ nữ có trách nhiệm với gia đình chồng. Họ thực hiện theo cách của họ mà vẫn tròn đạo dâu con. Vì thế đừng đem quan niệm xưa cũ phán xét về đức hạnh tư cách của họ. Nhà thơ Ý Nhi chia sẻ:  “Với Lê Minh Quốc, người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là nguồn cội của tình yêu, là người sáng tạo thế giới và cũng là người chịu đựng nhiều nhất những tai ách, những đau đớn của kiếp người. Tôi nghĩ nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy, về một đề tài đã được nhiều người luận bàn.”

Như đã nói, nghề báo giúp Lê Minh Quốc có nhiều đất viết và một trong những cách thể hiện là anh viết nhật ký về văn hóa, xã hội. Anh tích lũy thông tin thời sự hàng ngày sau đó chắt lọc và suy ngẫm, liên tưởng sâu hơn. Tôi khá thích thú với nhận xét của nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Viết nhật ký chỉ dành riêng cho mình đọc, không khó. Nhưng viết nhật ký cho nhiều người khác cùng đọc thì khó. Vì nếu chỉ viết về “cái tôi riêng tư” thì ai mà thèm đọc, nên còn phải viết về “cái chung ta quan tâm” để bạn đọc chia sẻ. LMQ chọn cách viết khó và đã đưa nhật ký của anh lên mạng xã hội để bạn đọc góp ý, trước khi in thành sách. Anh đã khôn khéo khi viết về “cái tôi riêng tư”, nhiều khi bằng những bài thơ tự sự nên bạn đọc dễ cảm thông”.

Điều này được minh chứng trong tập “Ngày trong nếp ngày” gồm 112 tạp bút từ nhật ký anh ghi chép trong năm 2013, đó là những lời tâm sự với thời gian mỗi ngày vừa trôi qua khiến mỗi chúng ta quý trọng hơn đời sống hiện tại của mình. Một bạn đọc hỏi: “Bảy năm đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường Campuchia tiếp đến bốn năm học đại hoc đến năm 1988 mới đi làm nhà báo vậy mà  đến nay anh đã có 80 đầu sách chất lượng được in, xin cho biết bí quyết?”. Lê Minh Quốc vui vẻ bộc bạch: “Tôi nghiêm khắc thực thi lịch làm việc được vạch cụ thể hàng ngày, đã ngồi vào bàn là viết không có “ phây phủng vô bổ” gì hết . Vâng, thực tế cuộc sống ngồn ngộn từ cái thời đi lính đó rồi lại làm báo trời cho thêm cái khiếu thơ văn  thì xúc cảm có từ đó nên không phải đợi cảm xúc đến mới viết”.
 Tôi hoàn toàn chia sẻ điều đó với anh bởi tôi có những người quen như nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn bằng với thực tế cuộc đời từng trải quá phong phú luôn tôn trọng một lịch làm việc sít sao khoa học và khi đã ngồi vào bàn là chỉ có viết…Những người viết Tựa và Bạt cho cuốn “Gương mặt thời gian” in năm 1999 của tôi như nhà lý luận văn học Lê Ngọc Trà viết nhiều sách lý luận có giá trị trong nước và những năm gần đây cho nước ngoài, rồi nhà thơ Trần Mạnh Hảo mà ít người có sức tự học sức đọc sức viết  như anh.

Tôi không có ý định “chụp ảnh” buổi hội thảo, nên chỉ lướt qua mấy nét tôi thích. Bởi tôi đến đây còn để học. Tuy đi làm báo cùng lúc với Lê Minh Quốc nhưng lúc đã ở tuổi tri thiên mệnh khởi đi từ một ông giáo dạy và làm toán đã gần ba chục năm trong nghề nên chỉ tập trung học và hành nghề báo, còn viết văn thì phải đợi có cảm xúc. Ngồi với máy chẳng phải viết ngay mà còn “phây phủng” tùm lum… thói quen ghi nhật ký thì được chăng hay chớ. Và lần này thì tôi đã học được rất nhiều nhất là phong cách làm việc ở chú em tôi vốn rất quý. 

Mấy cuốn sách tôi vừa ra là Lê Minh Quốc có bài bình ngay còn lần hội thảo này tôi lại ầu …ơ…!