Ngoài dịch thuật là mảng nổi trội nhất và bề thế nhất (ông đã có 26 tác phẩm văn học dịch từ tiếng Ba Lan), người ta vẫn gọi ông là nhà thơ Lê Bá Thự. Đã có nhiều báo và nhiều nhà thơ đã giới thiệu về thơ Lê Bá Thự, như báo Văn nghệ, báo Thanh niên, báo Phụ nữ, báo Người Hà Nội vv... Lê Bá Thự in nhiều thơ trên báo chí, nhưng có hai tập thơ đáng chú ý là Hoa giẻ  và Đi về ngày xưa. Đặc biệt tập thơ Đi về ngày xưa. Tên của tập thơ đã đủ nói lên nội dung tập thơ rồi. Đi về ngày xưa, chính là đi về với những kỷ niệm xưa của xứ Thanh, của huyện Thiệu Hóa quê anh. Đoạt nhiều giải thưởng dịch, nhưng anh còn đoạt cả giải trong một cuộc thi thơ hai năm một lần của báo Người Hà Nội.



LÊ BÁ THỰ LẶNG LẼ MÀ HÓM NGẦM

LÊ TUẤN LỘC

“Đại sứ văn hóa” của Ba Lan tại Việt Nam  
Tôi gặp Lê Bá Thự  lần đầu tiên vào mùa đông năm 2002. Tôi mời nhà thơ Bằng Việt và bạn bè đi uống bia ở một nhà hàng bia trên phố Nguyễn Chí Thanh. Cùng đi với Bằng Việt có một người dáng nhỏ nhắn, đầu hói. Anh Bằng Việt giới thiệu với tôi: Đây là anh Lê Bá Thự, nguyên bí thư  thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.    
Chúng tôi quen nhau rất nhanh. Anh cho tôi biết anh người Thanh Hóa. Thế là tôi có thêm một đồng hương xứ Thanh là người nổi tiếng. Anh tặng tôi tập thơ Hoa gie. Tôi được anh giới thiệu đó là tập thơ đầu tay của anh. Trông anh hiền lành chất phác và ít nói va càng quen anh lâu càng thấy cảm nhận này là đúng. Nhà thơ Bằng Việt nói: Lê Bá Thự sống rất chan hòa với bạn bè.   
Tôi không nghĩ rằng buổi gặp nhau lần đầu đó lại là cái duyên để rồi anh em chúng tôi quen thân nhau đến tận bây giờ, khi anh đã ngoài 70 tuổi, tóc đã bạc, đầu hói nhiều hơn. Khi bạn bè gặp nhau anh thường lặng lẽ, ít nói về mình. Thi thoảng, anh cầm theo phong kẹo sô cô la hay một cuốn sách mới dịch nào đó để tặng tôi và bạn bè. Những khi đó, chúng tôi thường nói với nhau về quê hương xứ Thanh với những bóng dáng bạn bè thân thuộc: Nhà thơ Văn Đắc, nhà thơ Mạnh Lê, nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh,  nhà văn Đặng Ái...    
Ngày trước, tôi hiểu về đất nước Ba Lan rất ít. Chỉ biết có một Ba Lan với thủ đô Varsawas, có trái tim Sô-panh và những nhà thờ có tháp chuông cao vút. Tôi chỉ biết Ba Lan qua bài thơ Em ơi... Ba Lan của nhà thơ Tố Hữu, từ cái thuở tôi đang còn ngồi ghế nhà trường. Năm 2008, tôi đến Cracop, cố đô của Ba Lan, theo giới thiệu của Lê Bá Thự. Khi tôi đi Ba Lan, anh đã giúp tôi các thủ tục cần thiết và dặn dò những điều cần lưu ý khi đến Ba Lan. Rất tiếc tôi không đến được Varsawas để tưởng niệm trước tượng nhạc sỹ thiên tài Sô-panh. Nhưng bù lại, tôi đã được đọc thơ Tố Hữu Em ơi Ba Lan, để rồi, khi tôi đọc câu cuối cùng của bài thơ: ... Ca ngàn năm Ba Lan, Ba Lan... thì giai điệu rất nhạc của bài thơ đã được khán giả là những thợ mỏ Ba Lan vỗ tay nhiệt liệt, cho dù tôi đọc bằng tiếng Việt. Cái đêm cuối cùng trước khi rời cố đô Cracop của Ba Lan, trong hầm mỏ muối Wieliczka, trong ánh đèn nê ông sáng xanh lung linh, nghe tiếng nhạc valse du dương, tôi nhớ đến dịch giả Lê Bá Thự và thầm cảm ơn anh, bằng những tác phẩm dịch tuyệt vời đã được Việt hóa của anh, anh đã làm cho tôi càng thêm yêu Ba Lan.  Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từng nói một câu rất hay: Mọi quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia thường bắt đầu bằng mối quan hệ cá nhân. Khi chơi thân với Lê Bá Thự, tôi hiểu điều đó sâu sắc hơn. Bởi năm 2012, anh đã từng được trao Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan. Buổi lễ diễn ra rất long trọng nhưng đầm ấm, do ngài Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam, thay mặt Tổng thống Cộng hòa Ba Lan trao. Nguyên văn của những lời hôm đó là “Huân chương được trao cho dịch giả nhà thơ Lê Bá Thự, về những đóng góp của ông trong việc giới thiệu văn học Ba Lan tại Việt Nam, góp phần vào việc tăng cường sự hợp tác và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và hai dân tộc Ba Lan - Việt Nam”. Tham dự lễ trao tặng huân chương có nhiều yếu nhân trong lĩnh vực ngoại giao và văn chương quốc tế cũng như Việt Nam…  
Như thế đủ biết, văn hóa có tác dụng mạnh mẽ như thế nào đến sự hiểu biết lẫn nhau giữa con người với con người và tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.    
Tôi đọc những tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ Ba Lan do Lê Bá Thự dịch, hiểu thêm về một nền văn hoá rực rỡ với bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel.  Có thể nói, Lê Bá Thự đã là một cây cầu nối quan trọng giữa nền văn hoá ấy với nền văn hóa Việt. Đến nay, anh vẫn là Ủy viên BCH Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan.
“Cây cười chưa lộ diện”    
Lê Bá Thự gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003 thì năm 2005 đã được mời vào Hội đồng văn học dịch của Hội và sau đó làm Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam đến năm 2015. Điều này khẳng định uy tín dịch thuật của anh.    
Tôi rất thích những truyện cười Ba Lan do Lê Bá Thự dịch. Đọc những tập truyện như  Cười quanh năm, Năm châu cùng cười, Hành tinh cười... tôi cứ ngỡ đây là những truyện cười Việt Nam thật sự. Vì đó là những truyện cười Ba Lan đã được anh “Việt hóa” tài tình tới độ người đọc không còn nhận ra được đó là những truyện cười nước ngoài. Đọc truyện cười Lê Bá Thự dịch ta dễ dàng nhận ra một Lê Bá Thự hóm ngầm. Có thể khẳng định, Lê Bá Thự hiền lành và ít nói trong đời thường, nhưng đó chỉ là cái vỏ bề ngoài.
 Trong một bài báo, tôi không thể giới thiệu Lê Bá Thự đầy đủ như một tác giả, vì ông rất đa dạng, đa tài, nhưng có một mảng không thể không nói tới là thơ. Ngoài dịch thuật là mảng nổi trội nhất và bề thế nhất (ông đã có 26 tác phẩm văn học dịch từ tiếng Ba Lan), người ta vẫn gọi ông là nhà thơ Lê Bá Thự. Đã có nhiều báo và nhiều nhà thơ đã giới thiệu về thơ Lê Bá Thự, như báo Văn nghệ, báo Thanh niên, báo Phụ nữ, báo Người Hà Nội vv... Lê Bá Thự in nhiều thơ trên báo chí, nhưng có hai tập thơ đáng chú ý là Hoa giẻ  và Đi về ngày xưa. Đặc biệt tập thơ Đi về ngày xưa. Tên của tập thơ đã đủ nói lên nội dung tập thơ rồi. Đi về ngày xưa, chính là đi về với những kỷ niệm xưa của xứ Thanh, của huyện Thiệu Hóa quê anh. Đoạt nhiều giải thưởng dịch, nhưng anh còn đoạt cả giải trong một cuộc thi thơ hai năm một lần của báo Người Hà Nội.
Những bài thơ trong tập: Đi về ngày xưa, Tình xưa, Nơi sông Chu sông Mã, Vợ tôi, Với bạn đồng môn, Cô láng giềng, Mùa đom đóm mở hội, Cây đa làng tôi, Dáng xưa, Áo tơi vv... rất nông dân, rất quê mùa và rất quê choa. Tập thơ có 47 bài thì đã có 37 bài viết về kỷ niệm xưa, mối tình cũ hoa giẻ và xứ Thanh thuở thiếu thời.    
Về tập thơ Đi về ngày xưa, nhà thơ Vân Long viết: “... Cái chân tình của nhà thơ không cần duy mỹ, không cần cường điệu đi quá cái cảm xúc thực của mình đã làm rung động con tim của bạn bè, độc giả”. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế nhận xét về tập thơ  Đi về ngày xưa: “...  Thơ Lê Bá Thự đau đáu tình quê hương, tình người, “mộc mạc mà man mác”, như nhà thơ Bằng Việt khen ngợi. Ông viết thơ cho mình, cho những hồi ức…”. Chỉ cần thế thôi, ta nhận ra một Lê Bá Thự - hồn thơ xứ Thanh.  
Ngoài hàng chục tác phẩm quan trọng của Ba Lan được Lê Bá Thự dịch công phu, những truyện cười Ba Lan đã được anh “Việt hóa” tài tình tới độ người đọc không còn nhận ra được đó là những truyện cười nước ngoài.   
Một gia đình hạnh phúc
Lê Bá Thự rất hiếu khách. Khi thì anh mời tôi đến chơi ăn cỗ Tết hay cùng tiếp khách với anh dịp có bạn quí từ nước ngoài về. Trong lúc chờ chị Nga, vợ anh, làm cơm, tôi hay thơ thẩn xem tranh treo trên tường, hay xem những cuốn sách anh đặt trên giá. Tôi rất thích bức tranh treo trong phòng khách của anh có tiêu đề “Chiều xuống Tả Xùa” với đàn ngựa đang thanh bình gặm cỏ trong nắng chiều. Xin lưu ý, Lê Bá Thự tuổi Nhâm Ngọ. Tết nhất, bạn văn đến nhà, bất cứ lúc nào anh cũng có chén “rượu Sô - panh” hay một chai rượu cỏ, đặc sản Ba Lan, để tiếp chúng tôi.    
Chị Nga, một giáo viên Hà Nội xinh đẹp, trông quí phái và nề nếp. Những bữa ăn ngon tại gia đều do chính tay chị làm đầu bếp. Tôi cảm được một gia đình hạnh phúc và đầm ấm. Tôi thèm được như gia đình anh. Đi đâu cũng có đôi, cho dù họ chẳng còn trẻ trung. Những buổi giới thiệu sách dịch của anh, bao giờ tôi cũng thấy chị Nga xuất hiện. Hình ảnh ấy như một nguồn động viên anh Lê Bá Thự, để công việc sáng tạo được tốt hơn. Tôi càng hiểu hơn, thấm thía hơn câu tục ngữ xưa: Giàu vì bạn, sang vì vợ.