Khi giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần thứ 5 (2010-2015) ở Nghệ An vừa kết thúc phần chung khảo thì cũng là lúc dư luận lại bất bình về quy chế giải thưởng và chất lượng chấm giải. Ông Lê Minh Thông, phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nói: “Tôi là chủ tịch hội đồng chung khảo nhưng thú thật không có thời gian đọc kỹ, đọc hết tác phẩm do ban sơ khảo đưa lên. Tôi chấm điểm chủ yếu dựa trên kết quả sơ khảo. Vì thế các thành viên chấm sơ khảo phải có khả năng thật sự và hết sức công tâm, chuẩn mực. Sau khi trao giải, chúng tôi sẽ giao các cơ quan liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và bàn hướng xử lý cho mùa giải tiếp theo để giải thưởng danh giá mang tên nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương thật sự có ý nghĩa”.


GIẢI THƯỞNG HỒ XUÂN HƯƠNG- GIÁM KHẢO VỪA ĐÁ BÓNG VỪA THỔI CÒI?

VŨ TOÀN

Ngày 5-4, ngay sau khi hội đồng sơ khảo nhiếp ảnh tổ chức công bố giải thưởng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Xuân Lương mang đơn kiến nghị gửi trực tiếp ông Hồ Phúc Hợp (trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy) và ông Lê Minh Thông - phó chủ tịch UBND tỉnh (trưởng ban chung khảo). Ông Lương kiến nghị những điểm bất cập: “Thể lệ có những điểm chưa đúng như ảnh đơn nghệ thuật, bộ ảnh rồi ảnh nhóm khá lộn xộn, không rõ ràng cụ thể. Một mình bà Nguyễn Thị Phước - chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An - làm chủ tịch chín hội đồng sơ khảo nên không thể đọc hết các tác phẩm để chấm điểm nhưng hưởng thù lao chấm giải cao (18 triệu đồng/9 hội đồng).
Một số thành viên hội đồng sơ khảo chưa đủ khả năng thẩm định tác phẩm. Hầu hết những người chấm giải đều dự thi và đoạt giải cao là không khách quan”.

Một người “kiêm” chủ tịch 9 hội đồng sơ khảo
Tổ chức xét giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương (do UBND tỉnh Nghệ An xét tặng năm năm một lần) có hội đồng sơ khảo và hội đồng chung khảo. Riêng sơ khảo có chín hội đồng gồm các chuyên ngành: nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, múa, sân khấu, lý luận phê bình, thơ, văn xuôi và văn nghệ dân gian. Tất cả chín hội đồng sơ khảo đều do bà Nguyễn Thị Phước làm chủ tịch.
Vì sao một người làm chủ tịch chín hội đồng sơ khảo? Bà Lưu Thị Hồng Trâm - chuyên viên tổng hợp của UBND tỉnh Nghệ An (người trực tiếp soạn thảo các quyết định, quy chế về xét tặng giải thưởng) - giải thích: “Là chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An nên sẽ am hiểu hết chín chuyên ngành của giải, vì thế tham gia chấm cùng chín hội đồng là chuyện bình thường”.
Khi chúng tôi nêu câu hỏi: một người thì không thể đọc kỹ và chấm cho chín chuyên ngành khác nhau được vì không đủ sức thẩm thấu tác phẩm nên có thể sẽ thiếu khách quan? Bà Trâm khẳng định: “Nếu không chấm được cho chín chuyên ngành thì không thể làm chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật. Thiếu khách quan thì rút kinh nghiệm cho đợt xét tặng giải lần sau”.

Vừa chấm giải vừa dự thi
Hầu hết thành viên chín hội đồng sơ khảo đều có tác phẩm dự thi và đều đoạt giải cao. Riêng hội đồng thơ có năm thành viên chấm giải thì bốn người có tác phẩm dự thi. Kết quả, một giải A được trao cho bà Nguyễn Thị Phước; hai giải B và một giải khuyến khích thuộc về ba thành viên trong hội đồng chấm giải.
Giải thích cho việc này, bà Trâm nói: “Những thành viên chấm giải đã được lựa chọn kỹ. Họ là những tác giả xuất sắc. Họ có tác phẩm dự thi nhưng không được chấm tác phẩm của mình nên vẫn đảm bảo chất lượng của giải”.
Các hội đồng sơ khảo nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, văn xuôi đều có bốn thành viên nhưng hầu hết các thành viên đều đoạt giải cao.
Trước đó, cách “vừa đá bóng vừa thổi còi” kiểu này đã gây dư luận phản ứng trong giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ 4 (2005-2010) khiến giải phải trao chậm hơn tám tháng. Hồi ấy, ngay trước khi trao giải, bí thư Tỉnh ủy Nghệ An là ông Phan Đình Trạc (nay ông Trạc là trưởng Ban Nội chính trung ương) đã có công văn khẩn, yêu cầu UBND tỉnh tiếp thu, chấn chỉnh quy chế giải thưởng, trong đó có việc “vừa chấm giải vừa dự thi” theo dư luận phản ánh trên báo chí.
Thế nhưng, quy chế xét tặng giải thưởng lần thứ 5 vẫn không sửa nội dung này. Đã thế lại còn thêm quy định giao cho chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật “kiêm” chủ tịch chín hội đồng sơ khảo. Trả lời về câu hỏi nêu trên, ông Lê Minh Thông nói: “Chúng tôi làm theo quy định, quy chế đã ban hành năm 2014. Tôi vừa mới nhận nhiệm vụ phó chủ tịch tỉnh nên không có thời gian điều chỉnh nữa. Trước một số đơn thư phản ảnh, không đồng tình với quy định, quy trình chấm giải dẫn đến việc tác phẩm bị loại “khó hiểu” thì sau khi các tác giả khiếu kiện, chúng tôi sẽ tổ chức phúc khảo”.



Nhà văn Nguyễn Thị Phước – Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Nghệ An, viết trên facebook cá nhân:
VẪN CHUYỆN GIẢI THƯỞNG VHNT HỒ XUÂN HƯƠNG
1. Kỳ giải thứ 4, chàng nọ chê giải thấp, viết đơn trả lại giải thưởng. Cùng với những lời lẽ chả văn chương gì ở nhiều chỗ , cả trên báo chí! Sau này, mình hỏi kế toán cơ quan, tiền ấy trả kho bạc chưa, thì nghe trả lời là chàng ấy đã nhận, (hay uỷ quyền cho ai đó).
2. Kỳ giải thứ 5, vẫn chàng đó, không có tác phẩm để dự, nhưng không quên "món nợ" lần trước- (đánh cho huỷ giải mà không được), nên chưa công bố kết quả giải mà đã vội ra đòn!
GIÁM KHẢO PHẢI RA KHỎI KHU VỰC HỘI ĐỒNG LÀM VIỆC KHI HĐ CHẤM TÁC PHẨM CỦA MÌNH-
cả 2 lần giải đều như vậy. Y ĐƯỢC GIẢI THÍCH NHƯ VẬY , và quy chế cũng viết như thế.
Vậy mà y cứ la làng lên là VỪA ĐÁ BÓNG VỪA THỔI CÒI.
Bọn mình làm việc ba tháng ròng rã, chưa ai nhận xu nào, cũng chưa biết tài chính cấp cho được nhiêu, mà họ đã la lên là tớ được 18 triệu!