Trong thời buổi con người dễ khủng khoảng niềm tin, nhà thơ – nhà báo Phạm Khải càng đề cao niềm tin cho trẻ em. Niềm tin này cần bắt đầu từ ngay trong học đường. Hoài niệm về một thời nền giáo dục mặc dù gặp khó khăn về nhiều mặt song chúng ta đã tạo dựng được “niềm tin nơi người giảng và niềm tin nơi người học”, tác giả không giấu được sự lo lắng: “Còn bây giờ, không khí học đường của chúng ta như thế nào? Phải công bằng mà nói, một khi sự thực dụng đã và đang ngấm vào lối sống của không ít bậc làm thầy, thì cái việc dạy và học ở nơi này nơi nọ xem ra chỉ thuần túy là vấn đề…kỹ thuật. Nghĩa là, tôi dạy là việc của tôi, anh nghe là việc của anh, tin hay không tin tự anh tìm hiểu lấy. Thậm chí, không hiếm ông thầy giảng thế này nhưng lại nghĩ thế khác”

 
ĐÂU CHỈ LÀ GÓC NHÌN CỦA RIÊNG MỘT NGƯỜI

(Nhân đọc “Một người đâu phải nhân gian”, tập tản văn - thời luận của Phạm Khải, NXB Thông tấn, 2016)

VŨ TỪ TRANG

Với 53 bài tản văn, thời luận từng được in rải rác trên các Báo: Nhân dân, Hà Nội mới, Đại đoàn kết, Thể thao & Văn hóa, Văn nghệ, Công an nhân dân….từ hơn hai chục năm nay, tác giả Phạm Khải đã tập hợp lại thành sách dưới tiêu đề “Một người đâu phải nhân gian”. Qua tập sách, người đọc càng nhận rõ tâm thức, trách nhiệm của người cầm bút trước muôn mặt đời thường của cuộc sống.
Rất nhiều vấn đề xã hội nhức nhối, nóng bỏng được đề cập tới trong cuốn sách. Xin lần theo các tên bài: Từ những “căn bệnh” đã và đang ngày một gặm nhấm và làm thoái hóa đạo đức con người như “Bệnh…sợ”, “Bệnh kêu ca” đến các vấn đề: “Văn hóa cho và nhận”, “Dạy thật và học thật”. Từ vấn đề “Gánh nặng tuổi học đường” đến “Các bậc cha mẹ chỉ lo tu nhân tích đức không thôi, chưa đủ”. Từ chuyện cảnh báo việc “Lạm phát sách…dạy làm quan”, tác giả xoay sang phân tích cái khó của việc xử lý sách lậu “Sách thật khó bật sách giả”. Tác giả cũng dành dung lượng đáng kể để bàn về việc triển khai thực hiện một số nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng như - liên quan tới Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tác giả có chùm bài: “Phải biết tự soi mình”, “Tất cả phải cùng nhập cuộc”, “Quan trọng nhất là yếu tố con người”. Về một số qui định từng gây “bão dư luận” của các Bộ, ban, ngành, tác giả cũng rất bám sát và có lời bàn thấu tình đạt lý: Về việc TP Hà Nội cho triển khai đề án “chỉnh trang sơn vôi, sơn cửa nhà mặt phố trên các tuyến đường phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, tác giả có bài “Trông lên, đừng quên nhìn xuống”; về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư  số 24/ 2013 quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công với cách mạng khi dự thi đại học, trong đó có “người hoạt động cách mạng trước 1-1-1945”, tác giả có bài “Soạn văn bản kiểu…trên giời”. Xung quanh chất lượng chất vấn tại một kỳ họp Quốc hội diễn ra vào trung tuần tháng 6-2012, tác giả có bài “Chất vấn cần phải thiết thực”.
Đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ phát triển, cái tốt cái xấu đan xen, đồng hành. Trong bài viết “Có nhiều nguyên nhân làm trẻ con hư hỏng hơn trước”, tác giả có cái nhìn thẳng thắn, không né tránh, cho dù sự thật có phần chua chát, để chỉ ra: “Một thực tế không dễ phủ nhận là: Trong vài thập kỷ trở lại đây, chưa bao giờ tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng lại trầm trọng như bây giờ. Chỉ cần lướt qua vài trang báo Pháp luật hoặc An ninh là ta có thể bắt gặp những cái đầu lâu nhâu, những gương mặt non choẹt bị gạch những đường chéo đen. Chịu khó lần xuống hàng chữ nhỏ li ti bên dưới, lại càng rùng mình ghê sợ vì tội danh của chúng: hoặc giết người cướp của, hoặc hiếp dâm...”. Bằng con mắt tỉnh táo của người làm báo, tác giả đã gọi ra nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hư hỏng của con trẻ, trong đó có nguyên nhân do các bậc làm cha làm mẹ: “Kiểu sống thực dụng, thực dụng một cách trắng trợn đã ngày càng ngự trị con người họ. Việc giáo dục con cái bị xem nhẹ, thậm chí còn phó mặc cho thời cuộc”. Nhắc tới hai câu thơ của thi sĩ Nga Serger Esenin “Nếu không là nhà thơ/ Tôi đã là trộm cướp” và danh ngôn của một bậc tiền nhân “Sẽ không có cái ác nếu con người luôn ý thức về điều thiện”, Phạm Khải lên tiếng cảnh báo: “Rất tiếc là hiện nay không nhiều những ông bố bà mẹ chịu đầu tư công sức, đặc biệt là tâm trí nhằm nuôi dưỡng, giáo dục và gợi mở cho con cái có một thiên hướng nhằm sau này góp phần làm đẹp, làm trong sạch thêm đời sống xã hội và làm phong phú cho đời sống của chính bản thân chúng. Trẻ cậy cha, già cậy con - một khi các bậc phụ huynh sao lãng việc giáo dục con cái thì cũng có nghĩa là họ đã không lo đến “hậu vận” của mình. Sự đời ngẫm vậy cũng công bằng: Người nào gieo gió thì ắt gặt bão”.
             Trong thời buổi con người dễ khủng khoảng niềm tin, tác giả càng đề cao niềm tin cho trẻ em. Niềm tin này cần bắt đầu từ ngay trong học đường. Hoài niệm về một thời nền giáo dục mặc dù gặp khó khăn về nhiều mặt song chúng ta đã tạo dựng được “niềm tin nơi người giảng và niềm tin nơi người học”, tác giả không giấu được sự lo lắng: “Còn bây giờ, không khí học đường của chúng ta như thế nào? Phải công bằng mà nói, một khi sự thực dụng đã và đang ngấm vào lối sống của không ít bậc làm thầy, thì cái việc dạy và học ở nơi này nơi nọ xem ra chỉ thuần túy là vấn đề…kỹ thuật. Nghĩa là, tôi dạy là việc của tôi, anh nghe là việc của anh, tin hay không tin tự anh tìm hiểu lấy. Thậm chí, không hiếm ông thầy giảng thế này nhưng lại nghĩ thế khác” (bài “Niềm tin nơi học đường”).
Là một nhà văn có kinh nghiệm nhiều năm làm báo, tác giả luôn nhạy bén, bám sát các vấn đề thời sự thu hút mối quan tâm của đông đảo người đọc.  Nhân một buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cán bộ chủ chốt của Ban Tuyên giáo Trung ương, tác giả rút ngay được vấn đề cấp thiết của công tác tuyên giáo là làm sao “nói để dân tin” (bài “Nói để dân tin”). Tác giả dẫn luận: “Trong mấy năm vừa qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy có nhiều vụ việc nổi cộm được phanh phui, thu hút sự chú ý của đông đảo khán thính giả và bạn đọc. Hiện mạng internet đã đi vào mọi ngõ ngách đời sống, đến với từng gia đình, và thông qua sự “liên thông” của nó, thì mọi sự đúng - sai của một vấn đề cũng được xác định dễ dàng và nhanh chóng hơn so với trước. Điều ấy có nghĩa là ai đó muốn lấp liếm dư luận một hành vi sai trái...cũng không còn là việc đơn giản, dễ dàng như thể múa tay trong bị được nữa”.
           Nhân nói về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, trước vấn đề “nước sôi lửa bỏng” cần tháo gỡ, khắc phục, tác giả đã lên tiếng phê phán căn bệnh “thích bàn lùi” ở một số người: “Ở Việt Nam ta, ngẫm kỹ từ trước tới nay thì những người thích bàn...lùi nhiều lắm”, “Các ý kiến đại thể thì vậy, và các ý kiến, phân tích nghe ra cũng lọt tai đấy. Nhưng vấn đề ở đây là, nếu cứ với cách bàn lùi như thế, tình hình sẽ đi đến đâu?”. Nhân nói về vấn đề triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, trong bài “Phải biết tự soi mình”, sau khi trích dẫn ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Những việc cần và có thể làm ngay là: Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình…”, Phạm Khải nêu hiện tượng “trước ý kiến nêu trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng đã có một số nhân sĩ, trí thức cảm thấy băn khoăn. Mặc dù rất đồng tình và đánh giá cao tinh thần quyết liệt trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, song họ không mấy tin tưởng vào sự tự giác “biến cải” của những ai đó một khi “tay đã nhúng chàm”, để rồi từ đó anh đưa ra ý kiến của mình: “Phải khẳng định rằng, xã hội ta đang như một cơ thể ủ bệnh, thậm chí bệnh nghiêm trọng. Nói không xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có thể ảnh hưởng đến “sự tồn vong của chế độ” như nhận xét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một sự công khai hóa thực trạng này. Vậy mà đây đó, vẫn có người nghĩ rằng, con bệnh không thể tự cứu mình được, phải cần đến bác sĩ. Xin hỏi: Ở đây, bác sĩ là ai? Và tại sao không nghĩ rằng chính bác sĩ cũng đang mang bệnh, cũng phải tự cứu lấy mình? Sao không nghĩ rằng, sự tiêu cực đang hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực, các tầng lớp trong xã hội. Hoặc giả, tại sao không nghĩ rằng, chính mình cũng vừa là bệnh nhân, vừa là bác sĩ?” (bài “Phải biết tự soi mình”).
“Một người đâu phải nhân gian” là cuốn sách đề cập, lý giải nhiều hiện tượng, nhiều sự việc, nhiều vấn đề thời sự xã hội. Là một nhà văn, tác giả có cách dẫn dắt vấn đề bằng các câu chuyện, hình ảnh sinh động, giúp độc giả dễ tiếp nhận và cách lập luận của anh cũng được soi xét trên nhiều bình diện nên càng có tính thuyết phục. Nói về sự “lợi bất cập hại” của hệ thống…loa phường (bài “Tại cái… loa phường”), sau khi kể việc chiếc loa phường làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của người dân (nhất là những người công nhân làm ca làm kíp) khi bất thần “phát sóng” vào lúc 6 giờ 15 nhằm thông báo mọi người tham gia tổng vệ sinh, làm sạch đường phố trong ngày thứ bảy, tác giả bình luận: “Theo lẽ bình thường, hẳn nhiều người sẽ nghĩ, việc kêu gọi người dân tham gia tổng vệ sinh, làm sạch môi trường trong ngày nghỉ là cần thiết lắm chứ. Tôi cũng đồng ý như thế. Song nên nhớ là môi trường sống của con người đâu chỉ có việc quét dọn vệ sinh, đâu chỉ có việc ngăn chặn bụi bặm. Trong những thứ ô nhiễm: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước…người ta còn nói tới “ô nhiễm tiếng ồn”. Thế mới có chuyện, ở những nước tiên tiến, người ta nghiêm cấm và phạt nặng hành vi bấm còi hơi khi xe đi vào thành phố, vào khu đông dân…”.  
 Việc kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam những năm gần đây ít nhiều tạo sự ì xèo mà một số báo đã phản ánh. Phạm Khải đã có bài “Niềm an ủi nào cho những tác giả chưa là hội viên?”. Bài viết ra đời từ năm 2001, nhưng vẫn đúng với tính chất và thực trạng bây giờ: “Khác với cái lạnh lẽo của đất trời những ngày cuối năm, không khí văn đàn mấy tuần vừa qua có vẻ như đang “nóng” lên bởi đây là thời điểm các hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam xúc tiến việc bình xét kết nạp hội viên mới”. Đương nhiên, nhà văn chân chính phải sống bằng tác phẩm chứ không phải sống bằng danh hiệu. Tuy nhiên, “Nói gì thì nói, là người sáng tác mà không được vào Hội, mang tiếng lắm chứ. Giải thích thế nào thì người ta cũng vẫn cho là mình bất tài…Lẽ đời, danh có chính thì ngôn mới thuận…”, trong khi với nhiều người, hành trình vào Hội cứ như “leo cột mỡ”. Phạm Khải đã nêu ra một khía cạnh thực của đời sống người cầm bút, trước khao khát chính đáng của họ, để rồi chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vướng mắc này: “Nói cho sòng phẳng thì các nhà văn, nhà thơ trong các hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam không phải là những người có thể biết rõ được “tay nghề” của tất cả những người có đơn xin gia nhập Hội. Điều này có thể do khả năng đọc và giao tiếp của họ, song trước hết vẫn là bởi sách báo hiện nay in ra quá nhiều, việc phát hành lại manh mún, công tác giới thiệu sách quá ư lộn xộn…Điều đó đương nhiên dẫn tới tình trạng họ sẽ dành lá phiếu của mình để ủng hộ những người họ “biết” hơn cả. Và trong sự “biết” này, không thể loại trừ sự cảm tính”.
Nhiều tên bài trong tập sách đã gợi cho độc giả mối quan tâm. Ví dụ: “Phải chăng tết trung thu ngày càng “tẻ” hơn?”, “Khó cho người đương nhiệm”, “Xin đừng lạm phát thư riêng”, “Hà Nội đẹp vì đâu?”, “Xin đừng qua cầu rút ván”, “Hấp dẫn” nhưng phải có tình”, “Lãng phí nhiều là từ tham nhũng”…Có cái tít đã là câu trả lời, nhưng đa phần gợi cho độc giả những điều cùng suy ngẫm. Mỗi vấn đề nêu ra, tác giả đều có cách phân tích, bình luận thấu đáo và không ít trường hợp, anh đề xuất hướng xử lý, giải quyết.
         Như ở phần đầu đã đề cập, tất cả những bài viết trong tập sách này trước khi in thành sách đã được tác giả cho công bố trên báo chí. Với nhiều người, tư duy báo chí có thế mạnh riêng và có phần đối lập với tư duy văn học (một bên là tư duy cụ thể, chính xác, một bên là tư duy hình tượng, trừu tượng). Nhưng ở các cây bút chắc tay, thì hai trạng thái này lại được chuyển hóa cho nhau rất hiệu quả. Ngay ở nước ta, đã có những tác giả thành danh với thể loại tản văn, thời luận này. Phạm Khải là một trong những trường hợp như vậy.
                                                                               Tháng 3-2016