Tác giả Võ Thị Kim Loan sinh ra và lớn lên ở Bình Đại- Bến Tre. Năm 1987, chị tốt nghiệp ĐH ngành Y và giảng dạy tại ĐH Cần Thơ. Từ năm 2000, chị theo chồng sang định cư ở miền Bắc California và… làm lại tất cả trên đất Mỹ. Trải qua bao nhiêu khó khăn để hòa nhập cộng đồng mới, chị nhận được bằng quốc gia Mỹ về chuyên ngành hồi sức tích cực người lớn và hiện tại làm việc ở Bệnh viện O’Connor. Trong câu chuyện kể về cuộc sống những ngày đầu vất vả bên kia bờ đại dương, chị tự gọi mình là Lúa với niềm tự hào gốc gác nông dân Việt! 


THÂN PHẬN ĐÀN BÀ VIỆT BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG

VÕ THỊ KIM LOAN

Từ chuyện mua thức ăn
Lúa cùng con đi chợ của người Trung Quốc trên nước Mỹ. Có một điều trái khoáy, đa số tiệm bán đồ ăn Việt Nam đều do người Trung Quốc làm chủ, mà người Việt Nam quen gọi họ là người Tàu.  Hồi ở Việt Nam, Lúa không có nhiều dịp tiếp xúc với người Tàu, nên không biết nhiều về thực phẩm của họ, cho đến khi sang đây, Lúa dùng rất nhiểu thức ăn người Việt do người Tàu làm.
 Đi vào khu chợ người Việt, Lúa nhớ nhà quá. Những gian hàng rau củ ngăn nấp, và nhiều thực phẩm khác trông rất bắt mắt, nhưng Lúa chỉ mua đủ cho một tuần thôi, không mua nhiều. Con trai và con gái thích ăn đồ ăn ở đây, vì khi đi học chúng ăn trưa ở trường, nên Lúa phải đi thêm chợ bán những thực phẩm của người Mỹ. Đồ ăn của Mỹ rất nhiều bơ, nhiều chất béo, nhưng được ghi rõ ràng hàm lượng của mổi thứ như mở, đạm, và chất bột, nên Lúa chỉ việc nhìn vào đó mà chọn lựa.
Dù không  có nhiều tiền nhưng Lúa vẫn ưu tiên mua thực phẩm cao cấp, không có nhiều chất hoá học, được xuất xứ từ nơi có tiếng, như cách Lúa chọn bò sữa nuôi ở những nông trại, không dùng chất kích thích tạo sữa, hay rau củ không được dùng phân bón nhiều. Khi làm thức ăn cho con, Lúa  rất chú ý đến lượng đường và bột ngọt. Chồng Lúa luôn là người làm cho Lúa lo lắng, vì anh  chỉ biết ngon miệng mà không nghỉ nhiều cho sức khỏe nên Lúa giành làm hết mọi thứ.
 Lúa càng lúc càng bận rộn. Những lúc đó, Lúa hay nghĩ về cuộc sống ngày trước ở Việt Nam. Lúa ứa nước mắt tự hỏi, có bao nhiêu người biết thực sự những gì Lúaphải đương đầu? Có lẽ cũng không có ai nghĩ đến nó đang làm gì? Có chứ, đó là cha với mẹ, biết được sự thật, chắc họ cũng đau lòng lắm chứ.
Lúa cũng nghĩ nếu cuộc sống hiện đại trở nên đơn giản hơn thì hay biết mấy. Nhưng cuộc sống khi có quá nhiều sự hiểu biết, Lúa càng lo sợ cho tương lai con cái. Ngày trước ăn cơm ngày hai bữa, không suy nghĩ nhiều, cái gì mình đã nuốt vào thì thật là đơn giản. Còn bây giờ, sống trong xã hội này, con người hiểu rõ những chất cần ăn thì lại mệt mỏi hơn. Rồi nhìn lại chung quanh, lúc nào cũng thừa thải thức ăn, thì người ta lại càng chọn lựa cái ngon, cái tốt. Càng ngon càng tốt thì lại càng nhiều chất béo, không kềm chế được sẽ dẫn đến ăn quá mức... Nhìn bao nhiêu đứa trẻ bị béo phì mà Lúa ngao ngán. Thấy con gái luôn có cách ăn uống như vậy, Lúa lo sợ. Vì lo sợ nên Lúa lại mất nhiều thời gian chọn lựa thức ăn sạch, hợp lý cho hai con và cho cả chính mình.
Sống trên đất nước mà người ta có thể chiêm nghiệm được tất cả các món ăn của các dân tộc khác, còn gì bằng. Ngược lại, Lúa không phải là người biết thưởng thức các món ăn. Ăn thứ gì bảo đảm cho sức khỏe thì Lúa chọn lựa. Thỉnh thoảng, Lúa cũng được bạn bè mời đi ăn nhà hàng Tàu, Mễ, Ý... Con gái của Lúa thích ăn nhà hàng của Pháp, còn con trai của Lúa chỉ thích món ăn nhanh ở nhà hàng McDonald.
Nhìn chung thì ở Mỹ, chuyện ăn uống không là vấn đề quan trọng với mọi người. Với Lúa chỉ chú ý để giữ cho sức khỏe tốt và tránh béo phì. Lúa lên kế họach hàng tuần cho gia đình, nên không mất nhiều thời gian ăn cái gì và nếu như nó thì mất thời gian cho chọn lựa thức ăn tốt cho sức khỏe. Cho nên cứ như mâu thuẩn ấy đơn giản và phức tạp cứ quyện lấy nhau.
Đến chuyện nhận phúc lợi
Ở nước Mỹ, mọi người thường nói rằng, có hai loại người “sung sướng nhất”, dĩ nhiên là phải hiểu theo ngụ ý của họ, là thật nghèo hoặc thật giàu.
Những người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp, thì được chính phủ trợ cấp gần như mọi thứ như tiền mua thức ăn hằng ngày, tiền xăng cho bạn đi học, và miễn phí tất cả tiền học cho con cái. Thậm chí, chính phủ trả luôn tiền nhà khi bạn mướn để ở. Và người có thu nhập thấp còn nhận được toàn bộ bảo hiểm y tế, khi khám bệnh và và nằm bệnh viện. Vì vậy mà Lúa cũng đỡ lo lắng trong hoàn cảnh những ngày chập chững theo đuổi “giấc mơ Mỹ”.
Tuy nhiên, vì lòng tự trọng của con người, Lúa luôn luôn cảm thấy có lỗi khi nhận được nhiều trợ cấp trong cuộc sống. Rất nhiều chương trình giúp cho người nghèo hiếu học, họ sẵn sàng giúp Lúa, mua cả dụng cụ đi học nữa, nhưng Lúa cảm thấy ái ngại và từ chối.
Lúa nhớ lại ngày có cái hẹn đến phòng trợ cấp xã hội để hoàn tất số hồ sơ lãnh tiền trợ cấp. Lúa đến mà tâm trạng rất ê chề. Khi ngồi đợi, Lúa nhìn chung quanh, thấy mọi người tỏ ra rất bình thường. Hình như họ đến đây thường xuyên, nên rất tự nhiên và thành thạo các thủ tục, còn Lúa thì quá lúng túng. Ngồi đợi mà lòng Lúa buồn khôn xiết. Lúa tính bỏ cuộc, nhưng vừa đứng đậy thì nghe gọi tên:
- Mời chị Lúa vào phòng 28!
Lúa nhận ra mình được gọi tên từ người phụ nữ có khuôn mặt hiền hậu, nên thấy yên tâm và xóa bỏ trong lòng những ý nghĩ sẽ bị xúc phạm nhân cách, mà đứng dậy trả lời:
- Dạ, chào chị !
Lúa bước đến và theo chân chị vào phòng. Lúa quan sát các phòng chung quanh. Có rất nhiều nhân viên làm việc nhưng mỗi người có không gian riêng, không  có liên quan và ảnh hưởng đến nhau.Và Lúa được mời ngồi xuống một chiếc ghế rất lịch sự. Chị chuyên viên tư vấn là người Việt, nên trang trí gian phòng đầy đủ những bức tranh và vật dụng về văn hoá của người Việt. Lúa thấy lòng ấm lại, không cảm thấy ngại ngùng nữa. Chị chuyên viên tư vấn bắt đầu giải thích việc Lúa cần làm ngày hôm nay, về những quyền lợi và trách nhiệm của Lúa, khi chánh phủ giúp đỡLúa trong thời gian học tập. Chị chuyên viên tư vấn đã hướng dẫn Lúa rất nhiều chương trình mà Lúa không nghĩ đến, thậm chí cả tiền đổ xăng đi học. Lúa từ chối vì nghĩ rằng mình cũng không nên lợi dụng quá. Chị mỉm cười, giải thích:
- Tôi làm việc ở đây hơn hai mươi lăm năm rồi, chỉ có em là người như vậy. Không chỉ những người được chính phủ trợ cấp đến với tôi mà cả thế hệ con cái của họ nũa. Còn em nhận trợ cấp chỉ có vài năm trong nhà trường và khi em ra trường rồi, lương của em gấp đôi gấp ba lần của tôi, và tiền em đóng thuế sẽ nuôi vài gia đình như em bây giờ. Mục đích chính của chương trình là phụ giúp em hôm nay, để ngày mai em nuôi lại người khác. Đừng ngại gì cả em à! Chị biết em có lòng tự trọng,nhưng hãy nghĩ, mình chỉ mượn thôi, rồi vài năm sau mình trả. Chị đã biết nhiều người họ lợi dụng chánh sách này, đến đây tìm mọi cách để xin xỏ. Và khi gặp những người như vậy, chị  sẵn sàng hạn chế sự lợi dụng của họ.
Lúa ra về, lòng thấy như được giảm bớt sự nặng nề và suy nghĩ những lời khuyên của chị chuyên viên tư vấn. Lúa thấy bớt đi sự lệ thuộc tiền bạc từ chồng, mà Lúa có thể sử dụng tiền này trong thời gian học tập, như vậy cũng bớt đi áp lực trên đôi vai mình. Lúa thầm cám ơn chị ở phòng trợ cấp xã hội và cám ơn chương trình đã giúp Lúa trong những ngày bỡ ngỡ và gieo neo.
Không ít lần Lúa ngồi học, chồng đưa cho Lúa số tiền chi tiêu cho gia đình mà Lúathấy giống như là anh ấy đang “bố thí” cho Lúa. Không biết phải là Lúa rất nhạy cảm, dù có lẽ chồng Lúa không nghĩ thế. Những lúc ấy, nước mắt Lúa cứ rơi, vì chưa bao giờ Lúa bị phụ  thuộc như vậy!
Lúa được sinh ra trong gia đình nông dân mà cha mẹ Lúa chỉ biết dùng sức của bản thân, làm việc cực nhọc có tiền lo cho con ăn học. Khi Lúa lớn lên cũng vậy, dùng khả năng của mình tạo ra tiền bạc để sống. Mang tiếng chồng là “Việt Kiều”, sau khi lập gia đình, Lúa  cũng làm việc và nuôi con như bao người phụ nữ hiện đại khác, không bám víu vào chồng,  không bị lệ thuộc về kinh tế. Khi qua Mỹ, Lúa cũng  mang theo một số tiền trang trải cuộc sống bước đầu, nhưng tập trung vào học tập nên Lúa chẳng có thu nhập nào, phải dựa dẫm vào chồng, nên Lúa có cảm giác của người có lỗi. Chỉ cần một động tác vô tình làm tổn thương của chồng là Lúa rơi nước mắt ngay, sự nhạy cảm làm cho Lúa càng khổ tâm hơn, mỗi khi anh có một lời nói vô tình hay cố ý, làm cho Lúa quá đau lòng.
 Lúa cũng không muốn xin xỏ từ chính phủ vì Lúa nhớ lại cảnh xếp hàng mua nhu yếu phẩm thời bao cấp ở Việt Nam. Lúa từng xếp hàng cả ngày. Khi đến tên của gia đình mình thì họ lại dừng  ăn trưa, trong khi đó Lúa phải xếp hàng từ sáng sớm, không ăn uống và muốn xỉu rồi. Lúa tiếp tục đứng ngoài nắng, chờ đợi cho những người bán hàng ăn uống đùa giỡn, và từ đó Lúa nguyện trong lòng: sẽ không bao giờ xếp hàng và xin xỏ bất cứ cái gì nữa! Và Lúa đã làm được điều đó, nhưng không ngờ khisang đến Mỹ, lại phải xin trợ cấp chính phủ. Thế nhưng nghe chị ở phòng trợ cấp xã hội nói, Lúa nghĩ mình không vi phạm lời hứa bản thân mà chỉ là tạm thời thôi. Lúa tin vào bản thân, một người đàn bà Việt biết nương tựa vào tri thức và khát vọng của chính mình!
Hàng ngày, nhìn những người chung quanh Lúa ở, có nhiều gia đình không làm việc, không đi học, mà họ vẫn sống rất đầy đủ. Lúa mới hiểu ra rằng,chính phủ vẫn tiếp tục trợ giúp họ có cuộc sống như thế này. Tiền mua thức ăn được chính phủ cho rất nhiều, nên thỉnh thoảng đứng xếp hàng trong siêu thị, Lúa mới hiểu khi thấy có rất nhiều người dùng  thẻ này. Họ mua những thức ăn rất mắc tiền, không tính toán. Họ có thể mua hàng trăm USD cho bữa ăn. Trước đó, Lúa rất ngạc nhiên, nhưng bây giờ Lúa trả lời được những gì mình thắc mắc.
- Em để chị trả tiền cho. Sau đó em trả lại cho chị!
 Lúa rố mắt nhìn người nó chưa từng quen biết với lời đề nghị đi kèm
- Tại sao chị kêu em làm như vậy?!
Chị ta không trả lời và mỉm cười. Lúa không đồng ý vì Lúa  không được giải thích nguyên nhân. Nhưng ngay lúc đó, chị chủ chợ giải thích giùm. Lúa cảm thấy rất là khó chịu, nên không đồng ý. Chị đứng phía sau không còn mỉm cười thân thiện với Lúa nữa. Đó là hình thức gian lận chính phủ. mà nếu Lúa nghe theo, sẽ tiếp tay cho kẻ gian. Sự gian lận ở đây thật công khai và trắng trợn.
“Thiệt là...”. Lúa rất buồn khi tình huống này xảy ra trong cộng đồng. “Mà bây giờ mình cũng dùng cái thẻ giống họ...”. Lúa thấy tự bản thân mình nhục làm sao ấy.
Không phải là ai cũng vậy, như Lúa gặp và nghĩ. Nhưng theo lời chị chuyên viên tư vấn trợ cấp xã hội thì rất nhiều trường hợp người ta không cần nhưng vẫn được hưởng chế độ của chính phủ thường xuyên. Cho nên Lúa mới hiểu, có những người đến chợ với dáng vẻ giàu có. Họ chạy xe sang, đeo nhiều hột xoàn mà vẫn dùng thẻ trợ cấp của chính phủ. Và khi mua thức ăn, họ chọn toàn loại thực phẩm cao cấp như bào ngư và vi cá... Lúa tự nhủ: “Họ không sợ thì mình cũng không có gì phải sợ. Mình chỉ tạm thời dùng thẻ, không có gì phải cắn rứt lương tâm. Hãy  cố gắng học hành để trả lại món nợ này cho chính phủ, cho những người đang cật lực đi làm đóng thuế và cho mình đồng tiền ý nghĩa qua cơn khó khăn này!”.