Nhiều năm không về hưởng tết ở quê. Đi giữa phố phường Hà Nội cả những ngày sục sôi không khí chuẩn bị cho tết, hay một buổi sáng quang vắng của mồng một đầu năm thì tôi vẫn cảm thấy như mình đang bị lạc mất tết. Cảm giác lạc tết là cảm giác có thật khi ở lại thành phố. Cảm giác lạc tết khi giữa chiều 30 nhớ chừng này ở nhà, cả mấy gia đình anh chị em, và các chú, các o, họ hàng đang quây quần bên bàn thờ gia tiên để lễ cúng ông bà tổ tiên. Cảm giác lạc tết khi mỗi đêm giao thừa nhìn qua cửa sổ ngắm pháo hoa bay lên trời từ phía Hồ Hoàn Kiếm mà nhớ da diết cái vuông bàn thờ nhỏ để ở ngoài sân cha vẫn dâng lễ cúng trời đất vào phút giao thừa hằng năm. Ô hay, mình ăn tết trong ngôi nhà mình sống hằng ngày, các con mình sinh ra và lớn lên, gia đình mình tồn tại và hiện hữu, sao cảm giác như người lạc tết ngẩn ngơ. 


LẠC TẾT

NHƯ BÌNH

Năm nào cũng vậy, khi đi giữa cái rét cắt ngọt qua làn da, mưa phùn giăng bạc cả phố phường, không gian như co lại chật chội, bầu trời sầm sậm nước, là thấy xa vắng một nỗi nhớ tết. Tết có gì để mà nhớ. Vẫn làng quê nghèo đó, xóm ngõ đó, ngôi nhà cũ ven sông. Vẫn con sông vắt trước làng ngầu đục, những chiếc thuyền nâu chở cát chầm chậm thả trôi, con đường ngõ làng lầy lội bùn đất quanh năm, những ngôi nhà tranh, hay ngói đỏ phía sau những bụi tre gai ken đặc như những chiếc tổ tò vò con nhả khói bếp hoang chiều.

1.
Nhiều năm không về hưởng tết ở quê. Đi giữa phố phường Hà Nội cả những ngày sục sôi không khí chuẩn bị cho tết, hay một buổi sáng quang vắng của mồng một đầu năm thì tôi vẫn cảm thấy như mình đang bị lạc mất tết. Cảm giác lạc tết là cảm giác có thật khi ở lại thành phố. Cảm giác lạc tết khi giữa chiều 30 nhớ chừng này ở nhà, cả mấy gia đình anh chị em, và các chú, các o, họ hàng đang quây quần bên bàn thờ gia tiên để lễ cúng ông bà tổ tiên. Cảm giác lạc tết khi mỗi đêm giao thừa nhìn qua cửa sổ ngắm pháo hoa bay lên trời từ phía Hồ Hoàn Kiếm mà nhớ da diết cái vuông bàn thờ nhỏ để ở ngoài sân cha vẫn dâng lễ cúng trời đất vào phút giao thừa hằng năm. Ô hay, mình ăn tết trong ngôi nhà mình sống hằng ngày, các con mình sinh ra và lớn lên, gia đình mình tồn tại và hiện hữu, sao cảm giác như người lạc tết ngẩn ngơ.
Quê hương là một khái niệm vừa trừu tượng, vừa cụ thể. Là một thói quen cố hữu ăn sâu vào máu thịt mà con người ta, dù đi xa đến mấy, dù ở đâu, trong một không gian nào thì vẫn cứ hiện hữu trong tâm trí ta vẹn nguyên một ký ức. Một ký ức đậm đặc những kỷ niệm và  nặng trĩu một nỗi nhớ. Có lẽ, nhớ tết là nhớ hồi ức về hương vị tết trong tuổi ấu thơ. 
Nhớ bảng lảng một tinh thần tết ở những làng quê Việt Nam, của những người nông dân Việt Nam quanh năm đầu tắt mặt tối bao lo toan vất vả. Nhớ tết và nhớ những kỷ niệm thương khó ngày xa xưa. Chẳng ai nhớ những cái tết xa xỉ, ê hề nơi thành phố. Nhớ tết là nhớ những miếng thịt mỡ mong mỏng bày trên cái đĩa nung đất sét màu nâu bé chỉ vừa bằng một nửa lòng bàn tay bà nội hay dùng để bày cỗ tết. Hay nhớ những miếng giò lụa rất mỏng được bà kỳ công quết cùng với bột gạo giã đều bày đúng sáu miếng trong mâm. Nhớ tết là nhớ cảm giác bầy trẻ con ngồi chầu hẫu quanh mâm, đứa nào cũng đói, cũng thèm, cũng đang tuổi lớn, cỗ tết vừa dọn ra chỉ một loáng đĩa chén đã sạch bách mâm. Nhớ những đĩa mọc cua, mẹ giã thịt nạc với bột gạo, vắt ra từng cái như cái mọc rồi mỗi khi dọn cỗ tết lại tráng trứng làm vỏ bọc ở ngoài có màu vàng của trứng phủ lên trông thật đẹp. Nhớ những nồi chả cá, nói là chả nhưng thực chất mẹ vằm đầu cá, chỉ mỗi đầu cá thôi rồi trộn với bột vắt thành từng miếng mọc cá nhỏ kho lên để lấy nước chấm dưa muối. 
Hay nhớ nồi riềng mẻ, riềng ba phần, xương cục chỉ một phần mẹ ninh chủ yếu là lấy nước cho riềng ngọt hơn, đỡ chát hơn, ăn độn trong bữa cỗ tết của lũ con đương sức ăn. Những món ăn kể trên giờ đã tuyệt chủng theo cha trở về với thiên cổ, theo mẹ ở tuổi gần đất xa trời nhớ nhớ quên quên.
2.
Tết ở quê, nhớ nhất những đêm giao thừa dù nhà nghèo đến mấy,  ai ai cũng cố dành dụm ra một tí tiền đủ mua bánh pháo tép cho các con đốt phút giao thừa đón chào năm mới. Bánh pháo tép chưa đốt đã nổ xoẹt một phát là hết. Mấy đứa con túm nhau tìm những chiếc pháo lép chưa nổ để tiếp tục đốt. 
Có những chiếc bị xịt hẳn, mấy anh chị em xé xác pháo ra rải xuống góc sân để sớm mai mồng một, thức dậy, nhìn ra góc sân chỗ cây đào nơi tối qua cha treo bánh pháo tép,  thấy xác pháo bung đầy một góc sân xanh đỏ thì lấy làm sung sướng hoan hỉ. Bởi lát nữa thôi, bọn trẻ con chạy qua nhà nhau, nhìn đám xác pháo vương đầy sân thì gia chủ trong lòng thấy hãnh diện lắm, ngầm ý bảo với chúng bạn rằng tết năm nay nhà tao cũng có đốt pháo. Cứ nhìn xác pháo trên sân nhà tao là biết chắc chắn bánh pháo nhà tao hôm qua đốt dài lắm, nổ đã lắm.
Nhớ đến những bánh pháo nổ lúc giao thừa, tôi lại nhớ người bạn nhà sau ngõ vườn nhà tôi. Nhà nó nghèo lắm, nhà lợp mái tranh, bốn phía tường trét đất bùn trộn rơm, quanh năm gió lùa lạnh cóng. Nhà nghèo đến nỗi, tết cứ trống trơn trên bàn thờ, chỉ có mấy cây hương và mấy đòn bánh chưng thờ tết. Quê tôi cứ tết là vào mùa giáp hạt, đói rã họng, ăn còn đứt bữa phải chạy ăn từng bữa nói chi đến tết. Nhà nào khá lắm thì cũng lo nổi mâm cỗ chiều ba mươi tết và con gà, ít chè nếp nấu cúng giao thừa, rồi mồng 2 tết có một mâm cỗ để đưa ông bà ông vải về trời. Nhưng cái tục đón tết ở quê tôi, dù nghèo khó đứt bữa đến mấy thì cả năm đã phải tính đến ba ngày tết, dành dụm để có được 3 ngày tết, với 3 mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên. 
Để lo được cái tết mẹ tôi phải tính toán, chắt chiu dành dụm từ nhiều tháng trước chỗ nào là thóc xay gạo tết, chỗ nào là nếp đồ xôi, chỗ nào dành dụm tiền mua thịt, mua cá. Cha tôi là con cả, tết nào cũng phải lo đủ lễ nghi cúng đơm lên bàn thờ gia tiên và mời các chú, các cô về ngày tết hương khói cho tiên tổ. 
Nhà đông con, đông khách nhưng tết nào mẹ tôi cũng chỉ sắm được 3kg thịt để chế biến cho một cái tết. Nhà tôi cũng không nấu bánh chưng vì mẹ chỉ lo đủ gửi người ta độ 5 cái vừa cúng tết. Thế nên trong ký ức tuổi thơ bé, tết chưa bao giờ chúng tôi được ăn đã thèm thịt, cá, giò chả. Nhưng như vậy còn sung sướng chán vạn những gia đình trong thôn khác. Như người bạn sau ngõ vườn nhà tôi đó, nhà nghèo đến nỗi không bao giờ mấy anh em có nổi một manh áo mới mặc tết. Tết năm nào cũng không có pháo đốt giao thừa. Mấy đứa em nó trời lạnh như cắt, hai lỗ mũi thò lò xanh lè, nó cõng em trên lưng, em nó có mỗi manh áo ngắn cụt sờn bẩn. Nó cũng chỉ manh áo bông rách, chiếc quần xanh chéo vá ba bốn miếng.
Tôi nhớ những ngày còn bé tí, nó cõng em chạy theo đám bạn trong ngõ chơi. Các bạn đánh đáo, chơi bật xu ăn tiền, nó cõng em đứng chầu hẫu nhìn chăm chăm vào những đồng bạc sáng loáng chạy dưới đất với cái ánh mắt thèm thuồng cháy bỏng. Nó không bao giờ có tiền xu để chơi đánh đáo, trong túi quần nó chỉ có con quay làm bằng gỗ tự đẽo. Nó chơi quay rất tài, nhưng trước đám con nít trong làng xúng xính áo mới còn nguyên nếp hồ gấp mẹ vừa đi chợ về mua cho thì nó cũng chỉ giấu con quay trong túi quần cõng em đứng nhìn từ xa. Tôi không bao giờ quên được cái tết năm ấy. 
Giao thừa, cha tôi đốt bánh pháo tét, nhà nó phía sau cũng nghe tiếng gì như tiếng pháo nổ to lắm. Tôi đứng sau hiên nhà, lom khom chạy ra vườn ngó qua bờ giậu tre, thấy cha nó và nó đang ụp mạnh xuống đất những quả pháo được làm từ đất sét dẻo. Tiếng nổ của pháo đất phát ra không đanh giòn như tiếng pháo làm từ giấy và thuốc nổ nhưng nghe nó cũng lụp, bụp, có độ rền vang rất hấp dẫn. Mấy đứa em nó thì lấy giấy xanh đỏ chắc lượm và trữ từ trước xé ra rải xuống sân cho giống xác pháo để sớm mai, có ai qua nhà chúc tết, thấy trước sân có xác pháo vương vãi mà lấy làm hãnh diện trong lòng rằng tết năm nay nhà mình cũng ăn tết phong lưu, có pháo đốt giao thừa.
Thời của chúng tôi những người sinh ra trước năm 1975 ở hầu hết các làng quê đều đón những cái tết thương khó như vậy. Thế nên trong những cái tết đủ đầy của hiện tại, cảm giác lạc tết, nhớ tết cũng là điều dễ hiểu. Nhớ tết là nhớ đến từng kỷ niệm, nhớ nỗi thương khó xa xôi lúc nào cũng bám riết trong ký ức tuổi thơ. 
Nhớ cái tinh thần của tết xưa, nhớ những công việc tâm linh với tiên tổ, và nhiều khi nỗi nhớ về những gánh nặng oằn lưng của cha mẹ mỗi dịp tết về. Tết ở quê thường nặng về việc lễ nghĩa, cúng đơm. Tết ở quê tôi, người lớn lo phúc đáp lạy tạ tổ tiên sau một năm làm ăn vất vả. Việc cúng đơm diễn ra trong 3 ngày tết, từ trong nhà ra đến nhà thờ họ, rồi đến đình làng. Tết còn là dịp người lớn tổ chức mừng thọ cho ông bà, tế lễ nhà thờ, và cũng là dịp thăm hỏi chúc tết mừng tuổi những bậc cao niên trong làng. Tết là dịp người lớn dù làm ăn đâu xa, bận đến mấy cũng tụ trở về quê, với ông bà tổ tiên quây quần bên nhau sau  một năm vất vả, xa cách. Là dịp để đến thăm nhau, chúc tết nhau, hàn huyên nhau.
Có khi ba ngày tết là ba ngày vất vả cực nhọc của người lớn. Chỉ có lũ trẻ con là vô tư lự, khoe áo mới, mong lì xì, vui đùa với nhau mà không hề quan tâm rằng để có được một cái tết đủ đầy ý nghĩa, tóc cha bạc thêm, lưng mẹ còng xuống, gương mặt mẹ trĩu nhiều nếp nhăn hơn vì phải tính toán lo toan.
Đã từ lâu rồi, mẹ tôi không còn lo được tết nữa. Bà bất lực ngồi đếm thời gian và nhớ những vang bóng một thời trong vai trò dâu trưởng của cả một gia đình. Đã từ lâu rồi, chúng tôi lo tết thay cha mẹ. Ngồi quây quần với gia đình lớn của mình trong ngôi nhà cha mẹ cũ, với bữa cơm chiều ba mươi tết, thấy hụt hẫng một nỗi buồn cách biệt âm dương. 
Nhìn ra trước sân, thiên đài vẫn còn đó nhưng đã bao lâu vắng bóng cha đứng lặng lẽ trong nghi lễ linh thiêng. Góc sân rêu phủ dày, cây đào ở góc sân nơi cha treo pháo chuột, pháo tét đã chết lụi từ bao giờ. Cha tôi, chú, mự, anh cả giờ đã rời bỏ cõi nhân gian thương khó để ngồi cùng ông bà tổ tiên trên bàn thờ khói hương bao phủ. Mẹ giờ đã già lắm, đã khó khăn để nhớ ra đứa nào, tên gì, trong lũ con bà sinh nở nuôi nấng chăm bẵm dạy dỗ chúng hơn nửa thế kỷ nay. 
Trong bữa cơm chiều cuối năm, giữa tết, ăn tết mà mấy anh chị em than với nhau, sao mà bỗng nhiên nhớ tết đến lạ lùng. Hóa ra đó là nỗi nhớ trào ngược từ ký ức của những kẻ vọng cũ luôn đi tìm những thứ đã mất, đã xa xưa...