Ba mươi năm đất nước đổi mới, TP. Hồ Chí Minh có những bước đột phá đáng kể về nhiều mặt, trong đó có thơ ca. Thơ ca được tiếp cận nhiều hơn với chân trời nghệ thuật qua đổi mới thi pháp. Thi pháp thơ có thể ví như công nghệ trong đời sống. Ai cũng nhận thấy đời sống của chúng ta được nâng cao hơn rất nhiều, tất cả đều có phần đóng góp rất lớn của công nghệ mới, đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh có cả một khu Công nghệ cao ở quận 9, nhờ vậy mà tăng trưởng GDP luôn gấp 1,6 đến 1,7 của cả nước, đóng góp trên 30% ngân sách cả nước. Còn “công nghệ thơ”? Đương nhiên cũng thay đổi, nhưng khó khăn hơn nhiều bởi nó còn phụ thuộc vào mỗi cá tính sáng tạo. Những nếp cảm, nếp nghĩ, quan niệm triết học, thói quen, bản tính, phong cách mỗi người không dễ gì một sớm một chiều thay đổi để có cách viết khác trước. Nên có người nhanh, người chậm, người thay đổi nhiều người thay đổi ít, có người kiên trì cố thủ. 

SỨC SỐNG THI CA SÀI GÒN

    NGUYỄN VŨ TIỀM

Những năm gần đây, trước sự phát triển quá rộng lớn của các lĩnh vực nghe nhìn giải trí, nói về tương lai của thơ, đây đó có cái nhìn bi quan. Ở trong nước thì thơ in ra ngày càng nhiều mà không có người mua; người làm thơ nhiều hơn người đọc thơ. Ở một số nước trước kia từng có nền thơ lớn và các tác giả lớn như Pháp, Mỹ thì còn đáng buồn hơn: trên báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn VN) số 31, 2-8-2014, bài “Thi ca Mỹ sau thời độc sáng” của Trần Ngọc Cư (một nhà văn VN sống ở Mỹ): Vào khoảng thập niên 90, Nàng Thơ coi như đã trút xong hơi thở cuối cùng trên xứ Cờ Hoa. Trong các loại hình văn học nghệ thuật hiện nay ở Mỹ, thi ca có lẽ là loại hình có số người viết vượt quá xa số người chịu bỏ thì giờ ra để đọc… Đối với tuyệt đại đa số độc giả Mỹ, có lẽ thi ca đã làm xong vai trò lịch sử của nó và đang đi vào màn đêm của dĩ vãng”.
Nhưng ở góc nhìn khác lại thấy những dấu hiệu lạc quan. Đặc biệt, TP. HCM với những sự kiện thơ mới đây:
*Năm 2013, tập thơ đầu tay của nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt “Đi qua thương nhớ” vừa mới in bán hết veo 10.000 cuốn trong 50 ngày. Thời gian không lâu, số lượng phát hành chạm tới con số 13.000 cuốn.
*Năm ngoái, nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân cho ra mắt tập thơ thứ ba có nhan đề Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời. Tập thơ chỉ phát hành qua một kênh bán sách trực tuyến nhưng đã được đặt mua 2.000 bản trước khi ra mắt và ngay sau đó được tái bản với 10.000 bản in.
*Hay nhìn xa hơn một chút, cuộc đấu giá thơ chưa từng có trong mùa xuân năm 2007, ấy là tập thơ giấy dó độc bản, thơ viết tay của 152 nhà thơ ở TP. HCM. Tập thơ được đưa lên sàn đấu giá và đã bán được 285 triệu đồng, bà Lê Thị Giàu, một thương gia đã thắng trong cuộc đấu giá thơ này. Số tiền 285 triệu đồng, Hội Nhà Văn TP. HCM đã trao cho Mặt trận TQ thành phố để ủng hộ trẻ em nhiễm chất độc da cam.
Mấy ví dụ ấy chứng tỏ sức sống thi ca ở thành phố Hồ Chí Minh chúng ta có tiềm năng đặc biệt mà khó tìm thấy ở nơi nào khác. Những người làm thơ ở thành phố rất tự hào về điều đó.
***
Ba mươi năm đất nước đổi mới, TP. Hồ Chí Minh có những bước đột phá đáng kể về nhiều mặt, trong đó có thơ ca. Thơ ca được tiếp cận nhiều hơn với chân trời nghệ thuật qua đổi mới thi pháp.
Thi pháp thơ có thể ví như công nghệ trong đời sống. Ai cũng nhận thấy đời sống của chúng ta được nâng cao hơn rất nhiều, tất cả đều có phần đóng góp rất lớn của công nghệ mới, đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh có cả một khu Công nghệ cao ở quận 9, nhờ vậy mà tăng trưởng GDP luôn gấp 1,6 đến 1,7 của cả nước, đóng góp trên 30% ngân sách cả nước.
Còn “công nghệ thơ”? Đương nhiên cũng thay đổi, nhưng khó khăn hơn nhiều bởi nó còn phụ thuộc vào mỗi cá tính sáng tạo. Những nếp cảm, nếp nghĩ, quan niệm triết học, thói quen, bản tính, phong cách mỗi người không dễ gì một sớm một chiều thay đổi để có cách viết khác trước. Nên có người nhanh, người chậm, người thay đổi nhiều người thay đổi ít, có người kiên trì cố thủ.
Điều dễ nhận thấy nhất là hình thức bài thơ, câu thơ có từ phong trào thơ mới đầu thế kỷ XX, câu thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ, thường là mỗi đoạn bốn câu, đều chằn chặn từ đầu đến cuối. Nhiều khi ý đủ rồi nhưng câu chưa đủ chữ, nhà thơ phải thêm vào, đôi khi thành sai ý, trưởng hợp bài Núi Đôi của Vũ Cao:
Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mơi đôi mươi
Nội dung thì đủ rồi, nhưng hình thức câu thơ thì thiếu ba chữ, nhà thơ đành thêm: trẻ nhất làng, nội dung thành sai lạc , chả lẽ làng ấy không có trẻ em; trai hai mươi, gái mười bảy đã là trẻ nhất rồi?
Khuôn khổ câu thơ, đoạn thơ và vần là chỗ dựa để triển khai bài thơ.
Thi pháp mới phá vỡ tất cả khuôn khổ cũ ấy, câu dài ngắn bất kỳ, không còn vần nữa.
Nhưng khi không còn chỗ dựa là thể thơ và vần, bước đi của thơ sẽ chông chênh, thơ phải có ý tưởng, tư tưởng thì mới đứng được, cho nên khó hơn.
Nhà thơ Chim Trắng có nhiều nỗ lực đổi mới thi pháp, ông sớm loại bỏ nếp quen của thơ khuôn khổ trước đó:
Mỗi ngày chuông điện thoại không reo
Tình yêu không lên tiếng 
Đôi khi cười thầm tự huyễn hoặc mình
Rằng tôi đang đứng cuối con đường tôi đã mở
Đang cuối nỗi buồn để đến niềm vui
                                                (Sân vườn)
Hay Lê Tú Lệ trong bài “Khóc một dòng kênh”
Dòng kênh ấy bây giờ không còn nữa
Nước vô vọng tìm dòng
Nước long đong trên phố
Ta xin hóa khói nhang siêu độ
Bài “Mở nút áo” của Ly Hoàng Ly.
“Chầm chậm, mở một chiếc nút áo
Soi vào gương chầm chậm mở hai chiếc nút áo”.
Có vẻ như vẫn theo truyền thống thơ kể chuyện chăng nhưng không phải.
“Soi vào gương cố tìm nút thứ sáu
Nút thứ bảy, thứ tám, thứ chín
Mở mãi, muốn mở mãi
Mở bầu ngực đêm trong lồng ngực…”.
Tác giả chỉ mượn cái cớ đứng trước gương mở nút áo để nghĩ về điều gì đó thẳm sâu, xa xôi hơn là hình ảnh đang hiện hữu. Một cuộc thăm dò, khám phá bản thể chăng? Năm chiếc nút áo gợi cho ta nghĩ đến cái cơ chế đóng kín mà tác giả muốn cởi bỏ, nhưng chỉ cởi được phần hữu hình, còn phần vô hình vô hạn thì bất lực!
Đặc biệt Phan Hoàng với tập “Chất vấn thói quen”, ngay tên của tập thơ đã thể hiện một thái độ quyết liệt không nhân nhượng với những nếp quen cũ mòn.
-Bỏ đi bỏ đi bỏ đi
nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen
không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng
                                                          băng băng về phía trước.
Anh thường có những câu thơ kết thúc bài giàu sáng tạo:
Đau những chân trời tư tưởng tật nguyền
câu thơ neo bờ nước mắt
               (Tiếng thì thầm)
Nhìn chung, kết thúc không đóng chốt mà mở ra nhiều hướng liên tưởng. Trước kia, kết thúc bài thơ không ít trường hợp thường nhắc lại nhấn mạnh điều mà ai cũng biết cả rồi, nay thi pháp mới, mỗi dấu chấm hết của bài thơ lại mở ra chân trời chưa biết.
Nói chung các nhà thơ đều có nhiều nỗ lực đổi mới nhất là các nhà thơ trẻ: Phan Ngọc Thường Đoan, Trần Hữu Dũng, Lê Thiếu Nhơn, Lệ Bình, Phan Trung Thành, Nguyễn Phong Việt, Ngô Liêm Khoan, Ngô Thị Hạnh…
***
            Đất nước đổi mới vào đúng thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ, sự chuyển giao hệ thi pháp của thơ Việt có thể tóm tắt:
* Hệ thi pháp cũ: Kể - Tả - Suy luận - Kết thúc đóng (nghiêng về cổ vũ động viên)
* Hệ thi pháp mới: Nghĩ - Cảm - Suy tưởng - Kết thúc mở (nghiêng về chia sẻ nỗi niềm).
Cùng một đối tượng, nhiều người kể - tả có thể có kết quả tương đối giống nhau, nhất là chịu ảnh hưởng “thơ phải chân chân chân thực thực thực” (Xuân Diệu); nhưng nghĩ – cảm thì mỗi người một khác không thể giống nhau được. Hiện thực hiện hữu và hiện thực tâm trạng vừa tương đồng, vừa khác biệt tạo sự nhạy cảm thẩm mỹ, giúp thơ nhìn ra nhiều góc khuất của đời sống, rung cảm tới từng tế vi của tâm tư; hiện thực do đó phong phú, đầy đủ hơn. Hình ảnh, câu chữ tự nhiên, gần gũi; những buồn vui ít giả mà thật nhiều hơn; thơ đến với mọi cảnh ngộ, mọi số phận, an ủi và sẻ chia, nhất là thời hậu chiến, thơ làm vơi đi một giọt nước mắt là một đóng góp thiêng liêng.
Hệ thi pháp mới mở rộng chiều kích nội hàm thơ: không những phản ánh mà còn phản biện, không những cổ vũ động viên mà còn dự báo; không những nhận thức mà còn thức tỉnh lương tri.
So sánh hệ thi pháp cũ – mới trên đây là nhìn trên bình diện tổng thể khái quát, chứ thực tế thì thì văn bản luôn có sự lồng ghép giao thoa. Một số (rất ít) bài thơ trước đổi mới vẫn có phần nào yếu tố nghĩ – cảm – suy tưởngkết thúc mở và ngược lại. Hệ thi pháp cũ: thơ cảm nhiều hơn nghĩ; hệ thi pháp mới: thơ nghĩ nhiều hơn cảm; tư duy đi trước cảm xúc do đặc điểm thời đại tác động, ít êm ái trữ tình mà nhiều góc cạnh duy lý, đậm chất đối thoại.
Đặc biệt là các bạn trẻ, điều dễ nhận thấy là họ say mê khám phá sáng tạo thơ ca, đồng thời mang lại không khí dân chủ trong học thuật; nhiều tư tưởng triết học mỹ học tiến bộ đã in dấu ấn trong mỗi tìm tòi thể nghiệm. Họ sớm xác định vị thế bản thể sáng tạo để mong đóng góp những giá trị mới vào cuộc sống.
Sự chuyển đổi hệ thi pháp đã mang lại cho thơ ca thành phố diện mạo tươi tắn tràn đầy sức sống. Trách nhiệm công dân của nhà thơ đồng nghĩa với trách nhiệm thẩm mỹ. Quả thật, TP. HCM chính là vùng đất màu mỡ cho những hạt mầm đổi mới và sáng tạo