Bản thân một mình Hội Nhà văn TPHCM khó cáng đáng hết được, và sân chơi ở 81 Trần Quốc Thảo thì quá nhỏ, lại thiếu quảng bá nên người ngoài nhìn vào tưởng… học sinh đi cắm trại. Sân khấu quá nhỏ, khán giả phải xoay, tức chạy qua phía hành lang xem múa hát rồi chạy về chỗ ngồi nghe đọc thơ. Nhiều nhà thơ cho rằng, ý tưởng về ngày hội thơ cũng quá cạn kiệt, không có gì mới mà thơ ngày càng thu hẹp phạm vi, bị “câu lạc bộ hóa”. Cười đó, mà cũng buồn đó, phải chăng thơ ngày càng mất giá, hay ngược lại, bị đẩy ra khỏi sân chơi chuyên nghiệp? Thế nên có chuyện người làm thơ chuyên nghiệp lại ngại đọc thơ ở một “sân đình” như thế, chỉ biết ngồi bên dưới ngậm ngùi.


NGÀY THƠ NGỒI… CƯỜI BUỒN

MINH THI

Hòa chung không khí ngày hội thơ cả nước, ngày 21.2, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức Ngày thơ Việt Nam với sự tham gia của các nhà thơ chuyên nghiệp lẫn các CLB thơ không chuyên ở các quận, huyện của TPHCM. Điều đáng nói là nhiều nhà thơ đã rất buồn lòng khi nhìn thấy thơ ngày một bị quần chúng hóa, hay nói đúng hơn, tính chuyên nghiệp bị xem nhẹ. Các nhà thơ phải ngồi chịu trận, nghe các CLB đọc vè, múa, hát quan họ. Thế nên, ngày thơ càng thiếu sức hút với độc giả thực sự của thơ. Theo nhiều nhà thơ, tôn vinh thơ hay không phải là đưa thơ đủ chủng loại ra mà phải có sân chơi riêng biệt, tôn trọng người nghe. Đặc biệt, thơ của khối không chuyên quá dở, nên tạo ra sự chênh lệch lớn với khối chuyên nghiệp, lại càng khiến nhiều người quay lưng lại với thơ.

Là ngày hội thơ, phải có sự đầu tư của Nhà nước chứ không phải tổ chức vài vách thơ, phố thơ, chiếu thơ cho có như ở sân thơ trẻ. Ở vách thơ, mỗi tác giả trẻ được “khoe” hai câu thơ của họ cùng bức hình, có những câu thơ đọc khá ngô nghê. Ở phố thơ, chỉ là vài cuốn thơ được chồng lên bàn. Còn ở chiếu thơ, đúng nghĩa đen là đem các tập thơ rải lên chiếu cói. Làm như vậy có ý nghĩa gì chăng? Hay đó là cách “diễn tả” theo nghĩa đen những gì đang được trưng bày ở sân thơ trẻ?

Bản thân một mình Hội Nhà văn TPHCM khó cáng đáng hết được, và sân chơi ở 81 Trần Quốc Thảo thì quá nhỏ, lại thiếu quảng bá nên người ngoài nhìn vào tưởng… học sinh đi cắm trại. Sân khấu quá nhỏ, khán giả phải xoay, tức chạy qua phía hành lang xem múa hát rồi chạy về chỗ ngồi nghe đọc thơ. Nhiều nhà thơ cho rằng, ý tưởng về ngày hội thơ cũng quá cạn kiệt, không có gì mới mà thơ ngày càng thu hẹp phạm vi, bị “câu lạc bộ hóa”.

Cười đó, mà cũng buồn đó, phải chăng thơ ngày càng mất giá, hay ngược lại, bị đẩy ra khỏi sân chơi chuyên nghiệp? Thế nên có chuyện người làm thơ chuyên nghiệp lại ngại đọc thơ ở một “sân đình” như thế, chỉ biết ngồi bên dưới ngậm ngùi.

Còn nhớ năm ngoái, tại ngày hội thơ, BTC có in tuyển tập thơ độc bản với tựa đề “Lớn lên cùng thành phố”, tuyển thơ này được bán đấu giá khá xôm tụ. Số tiền thu được 22 triệu đồng đã được đưa vào quỹ hỗ trợ các nhà thơ trẻ có năng lực nhưng gặp khó khăn trong việc in tác phẩm. Đó là công việc có ý nghĩa hơn nhiều so với việc biến sân thơ thành sân văn nghệ quần chúng.

Nguồn: Báo Lao Động