Tôi mang cuốn “Người mẹ và phái đẹp” đến cho Quốc đọc và hỏi: “Anh giải thích như thế nào về Hoa huệ và Bóng đen khi có ý kiến cho rằng anh đã “thuổng” thơ của Henrich Hainơ?”. Bế Kiến Quốc ngơ ngác, thất thần nhưng anh cũng đã chỉ rõ bài thơ “Bóng đen” 10 câu in trên cuốn Almanach “Người mẹ và phái đẹp” mang tên Henrich Hainơ chính là bản thảo đầu tiên gồm 10 câu của bài thơ “Bóng đen” anh viết năm 1967, chính vì bài thơ có tựa đề u ám như thế nên không thể nào in được vào thời điểm đó. “Sau này thấy bài thơ “Bóng đen” có vẻ hơi dàn trải, một vài câu hơi thừa, một vài chỗ chưa ưng ý lắm, nên tôi đã sửa lại cho cô đọng hơn và đổi tên bài thơ thành “Hoa huệ”. Còn, vì sao bài thơ “Bóng đen” lại được đưa vào sách và nhầm thành của Henrich Hainơ thì tôi hoàn toàn không hiểu”, Bế Kiến Quốc băn khoăn.


BẾ KIẾN QUỐC CÓ ĐẠO THƠ HENRICH HAINƠ?

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

   Cách đây gần hai chục năm, khi còn làm ở Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn VN, tôi chơi khá thân với nhà thơ Bế Kiến Quốc và đã có dịp làm sáng tỏ một “nghi án” văn chương liên quan đến một bài thơ tình của anh. Sự việc bắt đầu từ bài thơ “Hoa Huệ” của Bế Kiến Quốc in trên Báo Người Hà Nội ra ngày 1.7.1990 với những câu thơ:
Huệ trắng, bức tường trắng
Sao bóng hoa lại đen
Em đừng nhìn đi đâu nữa em
Anh không biết vì sao, ai có lỗi
Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi
Sao bóng hoa trên tường lại đen
  Bế Kiến Quốc cho biết, bài thơ tình này anh viết tặng một người bạn gái cùng học năm thứ hai Khoa Ngữ văn- Đại học Tổng hợp Hà Nội khi trường sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên năm 1967. Mối tình trắc trở giữa hai người và hình ảnh ngọn đèn dầu hắt bóng hoa lên tường thành màu đen đã giúp anh viết nên bài thơ tình độc đáo ấy.
    Bài thơ “Hoa huệ” với bản thảo đầu tiên mang tên là “Bóng đen” gồm 10 câu thơ được Bế Kiến Quốc đọc trong các đêm thơ sinh viên và được các bạn chép tay, chuyền đi. Khi ấy, không ai nghĩ rằng, hai năm sau, Bế Kiến Quốc đoạt giải nhì cuộc thi thơ 1969-1970 của Báo Văn Nghệ (nhà thơ Phạm Tiến Duật đoạt giải nhất). Nhưng phải hơn 20 năm sau, bài thơ “Bóng đen” được đổi tên thành “Hoa huệ” mới được công bố trên Báo Người Hà Nội với bản thảo đã được nhà thơ Bế Kiến Quốc rút gọn từ 10 câu thơ xuống còn 6 câu thơ như trên.
  Câu chuyện về bài thơ trên không chỉ dừng ở đó. Sau khi bài thơ “Hoa huệ” được công bố, tháng 9.1992, tôi tình cờ có trong tay cuốn Almanach “Người mẹ và phái đẹp” (một cuốn bách khoa thư về phụ nữ) do Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành (nộp lưu chiểu tháng 12.1990). Khi đọc phần tuyển chọn những bài thơ tình hay của thế giới và Việt Nam, tôi giật mình đọc thấy tên nhà thơ nổi tiếng thế giới Henrich Hainơ (Đức) ở bài thơ “Bóng đen” với 10 câu thơ sau :
Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng
Sao bóng hoa trên tường lại đen
Em nhìn đi đâu thế em
Ừ, anh biết chúng mình không có lỗi
Nhưng lòng em băn khoăn tự hỏi
Sao bóng hoa trên tường lại đen
Có thể nào anh lại không tin
Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng
Ai hiểu được cuộc đời kỳ lạ lắm
 Mà bóng em buồn ngả xuống giữa lòng anh
   Phía dưới bài thơ ghi rõ “Rút từ tập thơ Hainơ –NXB Văn học 1970”. Tôi giật mình vì sự giống nhau đến kỳ lạ giữa hai bài thơ có cùng một tứ thơ , nhưng nhà thơ vĩ đại người Đức Henrich Hainơ đã mất từ lâu rồi, nên chắc chắn “cụ” ấy không bao giờ đọc thơ Bế Kiến Quốc.
   Tôi mang cuốn “Người mẹ và phái đẹp” đến cho Quốc đọc và hỏi: “Anh giải thích như thế nào về Hoa huệ và Bóng đen khi có ý kiến cho rằng anh đã “thuổng” thơ của Henrich Hainơ?”. Bế Kiến Quốc ngơ ngác, thất thần nhưng anh cũng đã chỉ rõ bài thơ “Bóng đen” 10 câu in trên cuốn Almanach “Người mẹ và phái đẹp” mang tên Henrich Hainơ chính là bản thảo đầu tiên gồm 10 câu của bài thơ “Bóng đen” anh viết năm 1967, chính vì bài thơ có tựa đề u ám như thế nên không thể nào in được vào thời điểm đó. “Sau này thấy bài thơ “Bóng đen” có vẻ hơi dàn trải, một vài câu hơi thừa, một vài chỗ chưa ưng ý lắm, nên tôi đã sửa lại cho cô đọng hơn và đổi tên bài thơ thành “Hoa huệ”. Còn, vì sao bài thơ “Bóng đen” lại được đưa vào sách và nhầm thành của Henrich Hainơ thì tôi hoàn toàn không hiểu”, Bế Kiến Quốc băn khoăn.
    Để tìm lời giải đáp, người viết bài này đã đến gặp nhà thơ Lữ Huy Nguyên, (lúc bấy giờ là Giám đốc NXB Văn học) để tìm hiểu tập Thơ Hainơ được xuất bản năm 1970. Ông Nguyên và tôi đọc toàn bộ tuyển thơ này, thấy không có bài Bóng đen và hoàn toàn không có một ý thơ, một tứ thơ, một hình ảnh thơ nào tương tự như thế. Để làm rõ hơn, nhà thơ Bế Kiến Quốc và tôi đến gặp nhà thơ Quang Huy (lúc đó là giám đốc NXB Văn Hóa-nơi in cuốn “Người mẹ và phái đẹp”). Cuối cùng, chúng tôi đã tìm ra con đường “sai sót” đưa bài thơ vào tập sách, vì ở cuối phần chọn thơ có ghi rõ những người tham gia tuyển chọn có cả “Tập thể sinh viên năm thứ ba, thứ tư Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội”. Như vậy, bài thơ “Bóng đen” chép tay, lưu truyền trong giới sinh viên đến mức “tam sao thất bản” nhầm lẫn cả tên tác giả đã được đưa vào một cuốn sách khá nổi tiếng.
   Về việc trên, năm 1992, nhà thơ Quang Huy thay mặt NXB Văn hóa đã xin lỗi nhà thơ Bế Kiến Quốc, trả nhuận bút bài thơ “Bóng đen” và hứa khi tái bản lần sau sẽ sửa chữa lại cho đúng. Khi ấy, tôi hỏi vui Bế Kiến Quốc “có nên “chúc mừng” anh vì bị nhầm thành Hainơ không nhỉ?”, nhà thơ  cười cho rằng: “Nhầm thành ai cũng không thích thú gì! Tôi chỉ cần là chính mình mà thôi. Nhân tiện xin kể thêm: Hồi trước 1975, một tờ báo tiến bộ trong đô thị miền Nam đã in bài thơ “Những dòng sông” của tôi để cổ động phong trào sinh viên yêu nước (Bài thơ được trao giải thưởng Báo Văn Nghệ  năm 1969) dưới tên tác giả Hồng Hà để tránh sự kiểm duyệt. Và, một chuyện khác, bài thơ Biến tấu lý qua cầu của tôi (cho tới nay vẫn chưa in sách báo lần nào) đã được nhạc sĩ Trần Tiến phỏng lời câu thơ : “Bằng lòng đi em…!Mỗi khi buồn muốn khóc-Một mình anh ca điệu Lý qua cầu…”. Khi  làm bài thơ này, tôi có đọc cho Trần Tiến nghe, anh ấy thích, bảo tôi chép cho một bản và nói sẽ từ gợi ý của bài thơ để viết một bài hát. Nay mai, nếu tôi in bài thơ đó, rất có thể sẽ có ai đấy ngờ tôi lấy ý bài hát của Trần Tiến. Chính vì ngại phải giải thích dài dòng mà cho tới nay tôi cũng chẳng muốn in bài thơ ấy nữa”. Bế Kiến Quốc giữ đúng lời nói ấy, trong tập thơ cuối cùng, trước lúc qua đời năm 2002, nhà thơ không đưa bài thơ ấy vào trong tập thơ “Mãi mãi ngày đầu tiên” của mình.