Nhà văn, nhà báo Bùi Mai Hạnh một thời “nổi như cồn” vì không ai khác, chính chị là người đã chắp bút cho cuốn hồi ký "Lê Vân yêu và sống". Hiện nay chị đang định cư cùng chồng tại Úc. Nhân sự kiện “hồi ký Thương Tín” chị đã có bài trả lời phỏng vấn đầu tiên liên quan đến cuốn sách "Lê Vân yêu và sống" cũng như những câu chuyện liên quan đến viết hồi ký, tự truyện: “Vấn đề là "vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ" của ai và "trong thước đo thị hiếu" nào? Tôi cho rằng, bị đám đông phản ứng thậm chí chê bai không phải lúc nào cũng là điều tệ hại lắm nếu không muốn nói đôi khi lại là điều đáng mừng. Dư luận trái chiều là tốt, có tranh luận, phản ứng, phản kháng mới bộc lộ đúng sai chứ!”




Làm gì có giá mà... giảm!

TRẦN HOÀNG THIÊN KIM

Phóng viên: Thưa nhà văn Bùi Mai Hạnh, thời gian qua dư luận đang ồn ào xung quanh cuốn hồi ký của diễn viên Thương Tín: "Một đời giông bão". Đây là một cuốn sách được nhà thơ, nhà báo Đinh Thu Hiền chắp bút. Thương Tín nói rằng, anh cần ra mắt sách một phần vì cần tiền để lo cho cô con gái nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn của anh. Chị có theo dõi câu chuyện này không và chị đánh giá thế nào về cuốn tự truyện này?
Bùi Mai Hạnh: Viết hồi ký và xuất bản là một nhu cầu lành mạnh trong một xã hội có nền văn hóa đọc lành mạnh. Tôi có đọc được đâu đó trên mạng nói về cuốn hồi ký này, tôi cho đó là điều tự nhiên. Riêng tôi chưa được đọc nên không thể nói gì về nó.
@: Nhiều người đánh giá cuốn hồi ký của Thương Tín đã đánh động về một lối sống sa đọa một thời của anh và sự tự trải lòng của anh cũng đã vô tình gây tổn thương cho không ít người trong cuộc. Bản thân chị, với tư cách là người chắp bút cho "Lê Vân yêu và sống", cuốn tự truyện một thời làm dậy sóng dư luận, chị nghĩ thế nào về trách nhiệm của nhà văn (những người chắp bút) trong câu chuyện viết hồi ký dạng như thế này?
Bùi Mai Hạnh: Trong câu hỏi của bạn có bao hàm mặt tích cực của cuốn sách đó rồi mà người đọc chưa nhận ra đó thôi. Quá tốt nếu nó thực sự "đánh động được về lối sống sa đọa" của ai đó nếu có. Về trách nhiệm của người chắp bút. Với những cuốn sách mang danh "tự truyện" nhưng không do chính người trong cuộc viết, người chắp bút chỉ đứng ở vị trí rất khiêm tốn, là một "công cụ trung gian" mang câu chuyện của người kể đến với bạn đọc thôi. Ý tôi là, người chắp bút chịu trách nhiệm sáng tạo về mặt nghệ thuật, cấu trúc của cuốn sách, văn phong của cuốn sách, sao cho câu chuyện đến với bạn đọc một cách hấp dẫn, chân thực. Và nếu qua đó người đọc thu nhận được một tư tưởng, một triết lý hay ho nào đó về kiếp nhân sinh thì là thành công. Tôi hiểu vậy về cái bạn gọi là "trách nhiệm của người chắp bút", nếu người khác hiểu khác thì đó là quyền của họ.
@: Người chắp bút là một công cụ trung gian, nhưng chẳng hạn, chị là một nhà văn, một người ngoài cuộc, là một độc giả đầu tiên và có lẽ sẽ có một sự sàng lọc nhất định trong vấn đề xử lý tài liệu và tham vấn cho nhân vật để ít ra khi hồi ký của họ xuất bản không vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ trong thước đo thị hiếu? Chị nghĩ gì về phản ứng trái chiều của độc giả với “Lê Vân yêu và sống” thời của 10 năm trước?
Bùi Mai Hạnh: Vấn đề là "vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ" của ai và "trong thước đo thị hiếu" nào? Tôi cho rằng, bị đám đông phản ứng thậm chí chê bai không phải lúc nào cũng là điều tệ hại lắm nếu không muốn nói đôi khi lại là điều đáng mừng. Dư luận trái chiều là tốt, có tranh luận, phản ứng, phản kháng mới bộc lộ đúng sai chứ! Không gì đáng chán hơn cái cuộc sống chỉ có một chiều duy nhất dẫn người ta xuống địa ngục của sự buồn tẻ. Tôi kinh sợ cái sự êm đềm đẹp đẽ giả dối đến ngạt thở đầu độc giết dần mòn tinh thần con người. Về xử lý tài liệu, người khác làm thế nào tôi không biết, riêng với cuốn sách này, tôi chỉ lựa chọn những chi tiết cần thiết phục vụ cho nội dung cuốn sách, mà không nhất thiết cần đong đếm phản ứng của độc giả hoặc phải "vuốt ve" ai đó đến mức cố tình che giấu hoặc làm mờ nhòe đi sự thật.
@: Tôi cho rằng, viết hồi ký, tự truyện hay là gì đi nữa cũng hướng tới độc giả, và dù người chắp bút, người viết là ai thì cũng phải có lương tâm làm nghề, chứ không phải chỉ đơn thuần là chuyện gây sốc, gây hot cho thị hiếu của khán giả, độc giả bây giờ. Chị là một nhà văn, chị nghĩ thế nào về việc này và chị còn nhớ cảm giác của mình thời viết "Lê Vân yêu và sống"?
Bùi Mai Hạnh: Khi viết "Lê Vân yêu và sống", tôi rất say sưa thích thú, cảm giác như có thể "hóa thân" vào Lê Vân để viết ra những điều mà, đôi khi, bằng trực cảm tôi biết, chị Vân không thể diễn đạt bằng lời.
@: Nhưng tôi biết rằng, sau khi xuất bản cuốn "Lê Vân yêu và sống" câu chuyện của gia đình nghệ sĩ danh giá nhất nhì đất Bắc Trần Tiến cũng đã lao đao trong một thời gian dài. Hồi đó, chị có bao giờ ân hận vì đã chắp bút cho Lê Vân không?
Bùi Mai Hạnh: Nhưng tôi không thấy mình có lý do gì chính đáng để phải ân hận vì đã chắp bút cho Lê Vân. Tôi là người chủ động đề nghị được viết về cuộc đời Lê Vân để qua đó, vẽ lên được phần nào bức tranh sự thật đau thương về cái xã hội mà các thế hệ phụ nữ Việt Nam đang phải chịu đựng. Lê Vân nhận lời hợp tác làm sách dù chưa hề quen biết tôi, và với tôi đó là điều may mắn. Bây giờ nhìn lại, đôi khi nghĩ, nếu tôi thận trọng hơn về câu chữ, để vẫn nói sự thật nhưng làm cho những người liên quan bớt tổn thương thì có lẽ tốt hơn chăng? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thấy làm được việc đó quả là khó. Thí dụ, trong chương về bố mình, Lê Vân nói: "Tôi không yêu bố". Tôi đã ngạc nhiên, cố gặng hỏi: "Vậy bố chị có yêu chị không?". Lê Vân trả lời: "Tôi không biết". Sự thật là thế đấy, qua lời kể của Lê Vân. Liệu bạn có cách nào truyền đạt đúng tinh thần ấy, nội dung ấy, mà làm cho người cha bớt đau không? Bạn sẽ xử lý ra sao khi đó là một chi tiết đắt làm nên tính cách và số phận của nhân vật? Nhân vật lại xưng tôi, rất khó để "lựa lời" theo kiểu: "Dường như tôi không yêu bố lắm thì phải", hay là: "Có lẽ tôi chỉ không yêu bố một chút thôi". Nó quá xa lạ với cách nói thẳng thắn của Lê Vân. Mà sao phải thế? Một đứa con không yêu bố thì người bố phải tự hỏi tại sao nó không yêu mình thay vì kết tội nó là đứa con bất hiếu, khi mà chính đứa con nó cũng đau khổ vì không hiểu tại sao nó lại không thể yêu bố như lẽ thường phải thế.
@: Có bao giờ chị gặp lại nghệ sĩ Trần Tiến và nói chuyện với ông về vấn đề này?
Bùi Mai Hạnh: Tôi chưa có dịp nào gặp lại ông, chỉ nghe kể lại là ông "ghét" tôi và "bênh" chị Vân lắm. Ông bảo đại ý là, chỉ tại cái "con nhà báo" chứ con Vân nó dại lắm. Đấy, ông chả hiểu gì con ông cả, cho nên ông yêu con mà có lẽ là không biết cách thể hiện tình yêu chăng?
@: Sau cuốn hồi ký Lê Vân yêu và sống”, với những dậy sóng của nó, chị cảm thấy về cá nhân mình, một nhà văn, được và mất những gì, buồn và vui như thế nào?
Bùi Mai Hạnh: Xét về tiêu chí văn chương, tôi không hề thỏa mãn với cuốn sách. Tôi cần làm việc nhiều giờ hơn với nó trước khi nó được in ra thì tốt hơn. Giờ đọc lại tôi thấy thật là xấu hổ. Một số chương viết ẩu, nội dung lặp lại, câu cú lởm khởm sai chính tả tùm lum. Xét về tiêu chí muốn viết một cuốn sách có tác động xã hội, tôi cho rằng mình đã thành công. Tôi chọn Lê Vân làm nhân vật cho cuốn sách ấy, cuốn sách mà tôi dự định đặt cho nó cái tên nghe khá "văn học", khá "tiểu thuyết" là: "Tôi muốn làm đàn bà" một cái tên sách gợi tò mò theo cách khác "Lê Vân yêu và sống". Nhưng rồi chẳng hiểu sao, có lẽ là để bán sách, mà tôi mềm lòng với cái tên "Lê Vân yêu và sống".
@: Chị và Lê Vân, sau khi cuốn sách có những phản ứng trái chiều, có khi nào ngồi lại với nhau để nói về nó? Và có ai nói "giá mà…" vì một điều gì đó về cuốn sách?
Bùi Mai Hạnh: Có chứ, chúng tôi không chỉ nói về nó mà còn khóc cười với nó, "đứa con tinh thần chung" của hai chúng tôi. Bởi thế mà tôi không muốn trả lời câu hỏi này. Tôi muốn giữ những bí mật riêng chỉ hai chúng tôi biết với nhau.
@: Hồi chị ra sách Lê Vân, chị có được nhiều tiền nhuận bút và công viết không?
Bùi Mai Hạnh: Nói đến tiền nhuận bút mới nhớ, có người hỏi tôi phải trả bao nhiêu tiền cho chị Vân để được viết sách về chị. Người khác lại hỏi, Lê Vân phải thuê tôi bao nhiêu tiền để tôi ngồi viết. Thực tế là chúng tôi chẳng hề một lần đề cập đến tiền cho đến khi nhà xuất bản bảo hai chị em mỗi người phải nộp một nửa tiền nếu muốn in sách. Thế rồi sách ra, người ta cứ in và trả nhuận bút 10 hay 15% giá bìa gì đó. Cuối cùng thấy cũng được một mớ tiền, in mấy chục ngàn bản, có thể gọi là nhiều so với thứ nhuận bút trả bằng sách biếu bấy giờ.
@: Có nhiều người cho rằng, thời đại này việc gì cũng có thể xảy ra, cụ thể như bản thân các nhân vật không biết rằng, mình đang là "công cụ" cho truyền thông cũng như đang làm lợi cho một công ty sách nào đó xuất bản vì sách sẽ bán rất chạy. Trong khi đó, "cái giá" của mình thì lại giảm đi đáng kể trong lòng khán giả?
Bùi Mai Hạnh: Những người không biết mình là công cụ làm lợi cho người khác thì làm gì có cái giá nào để mà bị giảm chứ!
@: Nếu bây giờ có một nghệ sĩ nào đó nhờ chị chắp bút cho hồi ký đời họ, (như Lê Vân, Thương Tín) chị có nhận lời không?
Bùi Mai Hạnh: Cũng có một vài lời mời tôi chắp bút viết hồi ký cho họ, tôi đồng ý với điều kiện, tôi lấy tiền công viết thôi, còn họ phải đứng tên tác giả, nhưng họ không chịu.
@: Trân trọng cảm ơn chị!

Nguồn: Công An Nhân Dân