Những người hoạt động văn hóa văn nghệ thời kháng
chiến chống Pháp ở Liên khu 4 gần như đều biết đến mối tình của Hoàng Thi Thơ -
chàng sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn thuở ấy và Tân Nhân - cô nữ sinh trường
Huỳnh Thúc Kháng. Họ cùng quê hương Quảng Trị và cùng mang tuổi trẻ nhiệt tình
của mình tham gia kháng chiến. Về sau này, họ chia tay nhau, ông Hoàng Thi Thơ
vào Sài Gòn tiếp tục con đường âm nhạc, trở thành một nhạc sỹ tài danh, và bà
Tân Nhân vững vàng trên con đường kháng chiến, trở thành một nghệ sỹ ưu tú, với
giọng hát truyền cảm được nhiều thế hệ yêu thích. Những bài bà hát như “Xa
khơi”, “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Nhớ”, “Ru con”…. làm rung động và mãi khắc
ghi trong tâm hồn bao người …
KHÚC HÁT CUỐI CHO MỘT CUỘC TÌNH
CHÂU LA VIỆT
Năm 1975 đất nước thống nhất. Trước đó năm 1974, nhạc
sỹ Hoàng Thi Thơ dẫn đầu một đoàn nghệ thuật của Sài Gòn đi trình diễn tại Nhật
Bản, và sau đó ông sang định cư tại Mỹ. Cho tới năm 1994 , nghĩa là 20 năm sau,
ông mới có dịp về thăm đất nước. Hai ông bà lúc ấy mới có dịp gặp lại nhau sau
hơn 40 năm xa cách, trong một cuộc gặp gỡ đầy ân tình và tự trọng của những nghệ
sỹ nổi tiếng. Và sau lần gặp thứ hai, thì họ vĩnh viễn chia tay nhau… Nhạc sỹ
Hoàng Thi Thơ mất tại Mỹ năm 2001,và điều day dứt với nhạc sỹ cũng như nhiều
người mến mộ âm nhạc cũa ông là nhiều tác phẩm âm nhạc của ông cũng như của nhạc
sỹ Phạm Duy lúc ấy chưa được phép phổ biến ở trong nước…
Gần cuối năm 2007, một lần tôi sang chơi thăm mẹ,
khi này mẹ tôi đã chuyển vào sống ở Sài Gòn, mẹ tôi vẫy lại gần, quàng vai tôi
âu yếm và nói:” Con gắng đi Mỹ, sang đó tìm nơi ba Thơ ( nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ)
yên nghỉ, thắp cho mẹ một nắm nhang…”
...Ít ngày sau, tôi và vợ tôi đi Mỹ. Vì công việc,
chúng tôi phải đến bờ đông nước Mỹ trước, cho đến khi sắp về nước, mới tới được
bờ tây, tìm đến công viên vĩnh hằng nơi nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ yên nghỉ, với bản
đồ chỉ dẫn của một người bạn là Nguyễn Hiệp, lại thêm có hai người cháu ruột của
nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là nhạc sĩ Hoàng Thi Thao và anh Hoàng Hữu Quýnh (Anh ruột
anh Hoàng Kiều) đưa đi. Vợ chồng tôi đã cung kính thay mặt mẹ tôi thắp hương
cho nhạc sĩ, thưa với nhạc sĩ những tình cảm quý trọng của mẹ tôi cũng như nguyện
vọng của mẹ tôi với những tác phẩm âm nhạc viết về quê hương đất nước rất thắm
thiết của NS…Những dòng nước mắt dài chảy trên má tôi, tôi hiểu đấy là nước mắt
của cả tôi và của cả mẹ tôi thương tiếc nhạc sỹ…
Ngay khi chúng tôi về nước, tôi liền đến thăm mẹ
ngay, mang quà Mỹ về tặng mẹ. Nhưng hình như mẹ tôi chỉ quan tâm tới những tấm
hình chụp khi tôi dâng hương cho nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Mẹ tôi xem rất kỹ từng
tấm hình, với gương mặt hết sức chăm chú nhưng không nói thêm một lời nào…
Điều hết sức kinh ngạc là chỉ 4 ngày sau, trong một
buổi sáng như mọi sáng mai khi mẹ tôi ra sân quét lá , mẹ tôi bất ngờ ngã xuống
vì một cơn đột quỵ. Kể từ khi ấy, mẹ tôi không một lần mở mắt và không còn biết
một điều gì…
Một điều bất ngờ khác là khi dọn lại giường chiếu
cho mẹ, tôi thấy dưới gối của mẹ tôi một bản nháp của một lá thư đề nghị, mà bản
chính em tôi cho hay chính mẹ tôi đã ra tận bưu điện gửi đi chỉ trước ngày bà bị
đột quỵ ít ngày). Lá thư như những lời cuối của mẹ tôi cho một tình yêu phải
nói là đầy đau khổ của cuộc đời mẹ …
“Kính gửi Bộ Văn hóa!
Tên tôi là: Trương Thị Tân Nhân – Nghệ sĩ ưu tú, Đảng
viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi làm đơn này xin đề đạt một nguyện vọng như sau,
kính mong các đồng chí xem xét.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng là một đồng chí, đồng đội
của tôi trong kháng chiến chống Pháp. Sau đó, vì hoàn cảnh riêng, nhạc sĩ về
quê hương, sau đó vào Sài Gòn làm một nhạc sĩ tự do (như trường hợp của nhạc sĩ
Phạm Duy). Mặc dù không cùng trong hàng ngũ của chúng ta, nhưng nhạc sĩ không
có bất cứ một hành động nào chống phá cách mạng, chống phá kháng chiến, chống
phá đất nước. Kể cả sau năm 1975, nhạc sĩ có trở về thăm đất nước, gặp lại nhiều
bạn bè cũ như nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Trọng Bằng… rất thân thiết. Trong sáng
tác âm nhạc của mình, dù trong bất cứ môi trường nào, những tác phẩm của nhạc
sĩ Hoàng Thi Thơ cũng đều mang âm hưởng dân ca, đậm đà màu sắc dân gian dân tộc,
nội dung ngợi ca tình yêu đất nước quê hương. Chính vì những điều này, nhiều
bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được đông đảo công chúng yêu mến, truyền tụng.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã mất tại Hoa Kỳ. Điều mong ước
lớn nhất của nhạc sĩ là những tác phẩm của mình luôn được phục vụ quê hương đất
nước, luôn được phục vụ công chúng là bà con lao động của xứ sở mình. Điều đáng
tiếc vì những lý do lịch sử, các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chưa được
phép sử dụng trong nền nghệ thuật của chúng ta, mặc dù nó vẫn được lan truyền
trong dân gian.
Với tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là mối tình đầu. Dù
trong hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm với tình cảm này. Đặc
biệt trên cương vị là một ca sĩ, luôn trân trọng các tác phẩm âm nhạc hay đẹp
ngợi ca quê hương đất nước, trong đó có một số tác phẩm của anh Hoàng Thi Thơ.
Năm nay tôi đã 75 tuổi, suốt một cuộc đời là phục vụ Đảng, đất nước và nghệ thuật.
Với tôi, giờ đây đã gần đất xa trời. Còn điều gì chưa yên thì đấy là những tác
phẩm của tình yêu đầu của mình chưa được phép sử dụng rộng rãi. Với tình cảm và
trách nhiệm của một người nghệ sĩ, một Đảng viên cộng sản, tôi kính mong các đồng
chí xem xét lại các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, cho phép các tác phẩm tốt,
các tác phẩm ngợi ca đất nước quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được phổ biến
rộng rãi trong công chúng như trường hợp với các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm
Duy.”…
Những dòng nước mắt chảy dài trên má tôi. Tôi hiểu
đây là những lời nói cuối, là khúc hát cuối của Mẹ cho mối tình đầu đầy khổ đau
của mình... Yêu mẹ nhiều hơn, và càng thương mẹ nhiều hơn …