Cuộc đời binh nghiệp của tướng tài Huỳnh Văn Nghệ rẽ sang hướng khác khi ông ra Bắc trước thời điểm tập kết ít lâu. Nhưng ông đã kịp để lại trời Nam hình ảnh một danh tướng gươm đàn, oai phong võ nghệ trên mình ngựa. Không dưng mà thơ ông đậm cá tính mà dân gian đã khuyên răn: “Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng”. Ông chẳng những đã từng mà còn là con dân chính hiệu của xứ Đồng Nai ăn to nói lớn, hảo hán, dũng mãnh. Đất nước thống nhất, ông chưa hưởng được yên hàn thì đã lâm trọng bệnh và mất sớm, năm 63 tuổi. Sớm nhưng mà trọn vẹn vì ông không có cơ hội để bất bình hay vòi vĩnh như nhiều người ở cương vị như ông. Dù sống lâu trong guồng tổ chức ngặt nghèo, tư chất thi sĩ và cá tính ngang tàng của ông vẫn không bị bào mòn: Gửi lại bạn mấy vần thơ trên cát. Và giờ đây tôi qua bến lên đường”



NGƯỜI QUA BẾN

DẠ NGÂN

1. 
Có những buổi sớm Sài Gòn se lạnh và lắt thắt mưa, vỉa hè ẩm mềm. Bỗng dưng nhớ Nguyễn Bính với hoa xoan lớp lớp dù dưới chân không có cánh xoan nào. Chẳng qua lòng đang chùng buồn, vậy thôi.
Có những mét đường trầm ngâm, mùa bông tràm này, màu nước đặc trưng U Minh này đủ khiến nhớ Sơn Nam chưa? Quê gốc Sơn Nam là đây, xứ An Biên - Rạch Giá nhưng sao nhà lưu niệm ông lại ở mạn Bảo Định - Tiền Giang? Đâu có gì lạ, Sơn Nam thuộc về Nam Bộ và nói ngược lại thì, nhờ có Sơn Nam mà Nam bộ dậy hương hơn.
Có những lúc bất chợt nghe thấy một thứ tiếng Việt be bét từ miệng ai đó trên tivi, hay từ những người chung quanh, trong đó có cả sinh viên và thầy cô giáo, bỗng ngậm ngùi mấy câu hát của Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi. Từ khi mới ra đời người ơi... Tiếng nước tôi, bốn nghìn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi...”
Và có những ngày như những ngày này, nỗi niềm non sông, biển đảo, mạnh yếu, thế sự... bỗng bật ra:
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa linh quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta

2. 
Những năm đất nước bời bời, không phải áng văn hay áng thơ nào cũng làm nên sức mạnh liên kết mọi người với nhau. Đọc Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền thấy hay, thậm chí cực hay khi tâm tình riêng tư của mình đang có nhu cầu một mình một góc. Đọc Bình Nguyên Lộc, phục ông ở tài năng tao nhã chữ nghĩa nhưng chiến cuộc khốc liệt, lòng chưa thể lắng đợi để nhâm nhi. Một đồng hương của ông, một vị tướng trong cuộc chiến thứ nhất chỉ có mấy câu thơ mộc mạc mà được dân chúng truyền miệng mấy chục năm dài:
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Tôi không nhớ mình nhập tâm mấy câu thơ ấy khi nào. Ông nội tôi chính là người dong buồm rời Cao Lãnh để đến tận cuối trời sông Hậu mua đất lập trại. Ông không có ngựa, không có gươm nhưng có khẩu khí và có khí phách trong bước di cư cho cả gia tộc tới năm gia đình nhỏ. Đúng rồi, tôi thấm những câu thơ ấy từ ông và cha mình. Ông cha tôi gối đầu giường bằng Truyện Kiều, truyện thơ Lục Vân Tiên và những câu thơ rời của vị tướng ấy.
Vừa mới chớm lớn, tôi vào chiến khu. Tôi thấy những người kháng chiến hầu như ai cũng thích ngâm nga thơ Huỳnh Văn Nghệ. Họ là những nông dân cầm súng, từng nóp với giáo trong cuộc chiến giành độc lập với người Pháp. Họ mang sự hào sảng trong gien của cư dân liên miên chiến đấu để mở mang bờ cõi. Đến cuộc chiến với người Mỹ thì tâm tư ấy thành khắc khoải thống nhất và hòa bình. Những câu thơ vì vậy mà sống thêm, sống mãi.

3. 
Chuyện rằng, lấy xong bằng Thành chung, chàng thanh niên Huỳnh Văn Nghệ đầu quân vào hãng Hỏa xa Sài Gòn. Một suất thưởng Hà Nội bằng tàu hỏa cho một nhân viên giỏi giang. Thấy một đồng nghiệp gốc Bắc bùi ngùi quá, ông nhường tấm vé ấy cho bạn. Trên sân ga lưu luyến, những câu thơ bứt rứt trong hồn. Bài thơ hoàn thành nhanh chóng, ông gửi nó qua bưu chính cho nhà thơ Xuân Diệu. Năm 1940 ấy Hà Nội ngùn ngụt không khí đòi độc lập, nhà thơ Xuân Diệu đã biên tập vài chỗ, cho xuất bản và còn đưa bài thơ đi phụ họa cho việc diễn thuyết. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi. Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Nhanh như gió, những câu thơ của chàng trai Nam bộ được lan truyền khắp nước. Xuân Diệu đã cắt nghĩa cho hai chỗ biên tập của mình rằng “Từ thuở” phổ thông hơn “Từ độ” và “Nghìn năm” nghe vang vọng hơn là “Trời Nam”. Không hề có chuyện dị bản ở đây, đọc nguyên theo Huỳnh Văn Nghệ cũng hay mà thuộc theo Xuân Diệu thì cũng tuyệt vời.
Cuộc đời binh nghiệp của tướng tài Huỳnh Văn Nghệ rẽ sang hướng khác khi ông ra Bắc trước thời điểm tập kết ít lâu. Nhưng ông đã kịp để lại trời Nam hình ảnh một danh tướng gươm đàn, oai phong võ nghệ trên mình ngựa. Không dưng mà thơ ông đậm cá tính mà dân gian đã khuyên răn: “Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng”. Ông chẳng những đã từng mà còn là con dân chính hiệu của xứ Đồng Nai ăn to nói lớn, hảo hán, dũng mãnh.
Đất nước thống nhất, ông chưa hưởng được yên hàn thì đã lâm trọng bệnh và mất sớm, năm 63 tuổi. Sớm nhưng mà trọn vẹn vì ông không có cơ hội để bất bình hay vòi vĩnh như nhiều người ở cương vị như ông. Dù sống lâu trong guồng tổ chức ngặt nghèo, tư chất thi sĩ và cá tính ngang tàng của ông vẫn không bị bào mòn.
Gửi lại bạn mấy vần thơ trên cát
Và giờ đây tôi qua bến lên đường
Bia mộ của ông trong vườn hương hỏa gia tộc đề từ bằng chính hai câu thơ biết trước về chuyến đi xa mãi mãi của mình.
Người đời từng gọi ông là “Thi tướng rừng xanh” để chỉ về nguồn cội Tân Uyên và những năm tháng chiến khu của ông. Nhưng thời gian đã xếp đặt lại lần nữa, đất nước nhiều tướng lĩnh nhưng gươm đàn và trận mạc thành danh như ông không nhiều. Và giờ đây, để chỉ về ông, thiên hạ chỉ gói gọn ông là “Thi tướng”.

Vâng, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, ngựa tung bờm, trán cao chí khí đã qua bến lâu rồi. Nhưng nhớ đến Đồng Nai thì vẫn là ông rồi Bình Nguyên Lộc. Riêng ông, lịch sử người Việt Nam bộ không bao giờ có thể quên ông bởi hình ảnh những đôi chân vạn dặm. Những con người của mấy trăm năm ấy càng đi càng gan góc và trong tâm tư là thơ là nhạc với đất nước, với giống nòi.