Nếu như cải lương có vở “Nửa Đời Hương Phấn” mua được nước mắt khán giả mọi thời. “Quán bên đường” đã làm bạn đọc xúc động trước đôi bạn thời thơ ấu chia nhau củ khoai sùng lượm mót. Chiến tranh xa nhau tình cờ một chiều mưa họ gặp nhau trong quán lá ven đường, ngỡ ngàng thấy một người bẹo hình bẹo dạng bán bia ôm, một kẻ thì lấy cây viết làm cái cần câu cơm. Hai thân phận có gì giống nhau. Buồn hay vui? Câu trả lời hãy hỏi cuộc đời. Qua bài thơ ta hiểu tâm hồn của một con người. Qua bài thơ ta có thể hiểu vì sao ông viết rất ít so với mọi người mặc dù ông được xã hội công nhận là nhà văn lớn, phải khẳng định vậy. Ngoài Bắc có ông Kim Lân trong Nam có Trang Thế Hy. Dù viết ít nhưng những truyện ngắn của Trang Thế Hy như “Mưa Ấm”, “Về Nhà Trước Cơn Mưa”, “Nợ nước mắt”, “Người bào chế thuốc giảm đau”, “Vết Thương Thứ 13” sống mãi theo thời gian đọc lại vẫn nghe ray rứt lòng.



TRANG THẾ HY và QUÁN BÊN ĐƯỜNG

NGÔ KHẮC TÀI

Trước thời gian kiếp người chỉ như những cái quán ven đường. Trang Thế Hy tình cờ ghé qua rồi lặng lẽ từ giả giữa khuya không đợi xuân về. Nhớ tới người khách. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, ở miền Nam phải nhớ đến tờ tuần báo Nhân loại, sau đó là các tờ Sáng tạo, tạp chí Văn, Bách khoa. Tuần báo Nhân loại còn nhớ quy tụ những cây viết văn Phụng Mỹ tức Trang Thế Hy, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Vũ Anh Khanh, Đông Hồ, Dương Trữ La, chữ nghĩa chất phác mộc mạc. Truyện ngắn “Nắng đẹp miền quê ngoại” tác giả Văn Phụng Mỹ, nội cái tên truyện, tên tác giả cũng đủ thấy nó hiền. Thật ra nết văn chương ấy phù hợp với tính cách, tạng của người Miền Nam. Trông phóng khoáng, bậm trợn mà lại hiền thể hiện qua văn thơ, qua 6 câu vọng cổ, nhạc Boléro. Bài thơ “Đắng và ngọt” của Trang Thế Hy được Phạm Duy phổ nhạc đổi tên thành “Quán bên đường” được Thái Thanh, Quỳnh Giao, sao này là Khánh Ly, Ý Lan hát. Chẳng phải nhờ tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh mà bài thơ nổi tiếng, mà chính bài thơ để mọi người nhớ mãi về ông.
Nếu như cải lương có vở “Nửa Đời Hương Phấn” mua được nước mắt khán giả mọi thời. “Quán bên đường” đã làm bạn đọc xúc động trước đôi bạn thời thơ ấu chia nhau củ khoai sùng lượm mót. Chiến tranh xa nhau tình cờ một chiều mưa họ gặp nhau trong quán lá ven đường, ngỡ ngàng thấy một người bẹo hình bẹo dạng bán bia ôm, một kẻ thì lấy cây viết làm cái cần câu cơm. Hai thân phận có gì giống nhau. Buồn hay vui? Câu trả lời hãy hỏi cuộc đời. Qua bài thơ ta hiểu tâm hồn của một con người. Qua bài thơ ta có thể hiểu vì sao ông viết rất ít so với mọi người mặc dù ông được xã hội công nhận là nhà văn lớn, phải khẳng định vậy. Ngoài Bắc có ông Kim Lân trong Nam có Trang Thế Hy, dù viết ít nhưng những truyện ngắn của ông như Mưa Ấm, Về Nhà Trước Cơn Mưa, Nợ nước mắt, Người bào chế thuốc giảm đau,Vết Thương Thứ 13 sống mãi theo thời gian đọc lại vẫn nghe ray rứt lòng.
Trang Thế Hy được người ta nhắc đến vì trang viết của ông vừa có văn vừa có tính tư tưởng nằm trong những câu văn hiền lành để người đọc phải suy nghĩ. Nhất là văn chương ông một mực không a dua chạy theo thời đại. Nhất là thái độ sống, đức độ của ông thể hiện qua câu nói “đi chỗ khác chơi”, được mọi người phong cho là người hiền Nam Bộ. Khác với mọi nhà văn hay đi đó đây, có người còn đi đến địa phương đòi hỏi này nọ, Trang Thế Hy thì không, hầu như ông không đi đâu, lúc trẻ cũng vậy, mà chỉ ngồi nhà nhìn vào lòng mình rồi nhìn ra – trong vời thế giới cánh chim bay (thơ của một thiền sư mà tôi đã quên tên). Giống như Phật dạy nghiệm thế gian qua lòng mình. Đức Phật còn nói – một trong những việc khó ở đời là được gặp những người hiền. Vì những người này thường chọn đời sống ẩn dật, phải đi tìm họ. Nhà văn Trang Thế Hy là một người như vậy. Sự lặng lẽ có sức thu hút đến mức những người có máu lân tài, nhà thơ  Hữu Thỉnh vốn là đại biểu không nói chi, mà Tô Hoàng, Triệu Từ Truyền ở Sài Gòn cũng thường xuống Bến Tre thăm ông. Nhà văn Ngô Thảo từ Hà Nội xa xôi nhiều lần tìm về Bến Tre gặp Trang Thế Hy chuyện trò.
Riêng tôi những lần cùng với Ngô Thảo, Nguyễn Ngọc Tư đi thăm ông, nhận xét ông thường nghe nhiều hơn nói. Ít nói, nhưng ngoài đời xảy ra chuyện gì, ai viết gì, ông biết hết. Ông đọc rất kỹ các tay viết trẻ mới xuất hiện và chỉ ra ngay điểm mạnh điểm yếu của nó, nghe ông phải tâm phục khẩu phục. Có lần tôi đùa sao chú lại đi lấy tên Văn Phụng Mỹ, Trang Thế Hy nghe rất sến, cải lương. Thật ra 2 biệt danh nói lên ông là người theo trường phái duy mỹ, thờ cái đẹp. Ông hiểu ý cười cười hà hà miệng móm mém không có chiếc răng nào nói “thôi mày”. Và có một lần tôi hỗn hào: làm nhà văn nổi tiếng mà viết ít như không thấy viết. Ông không trả lời, để rồi khi ra về tôi được ông cho 2 trái bưởi và nhớ mãi ông nói hiền lành như một công án - lúc nào cũng viết, không viết đâu có nghĩa là không viết chú em.

 Vĩnh biệt chú Tư Sâm. Trang Thế Hy. Gaté -Gaté - ba la Gaté – Bồ đề tát bà ha. Án tô rô, tô rô, tất rị.