Nhà văn Trang Thế Hy từ giã nhân gian lúc 0h50 phút ngày 8-12-2015, hưởng thọ 92 tuổi. Tôi đã từng ngồi trong căn nhà đơn sơ của ông suốt một buổi để cố cắt nghĩa vì sao từ con người tưởng chừng khắc khổ ấy lại có thể bật ra nhiều câu chuyện ấm nồng đến vậy. Tôi nhìn dáng đi chậm rãi của ông bước trong vườn rột roạt lá và gió, tôi nhìn bàn tay run run pha trà của ông sau vạt nắng nhập nhoạng mái hiên, tôi nhìn đuôi mắt chất đầy vết nhăn năm tháng của ông lâu lâu nhíu nét cười hóm hỉnh. Và cuối cùng tôi đã bất lực trước ham muốn lý giải cốt cách Trang Thế Hy. Ông như một gốc cổ thụ không xum xuê cành lá, nhưng lộc biếc vẫn rạo rực giữa mùa đông ngỡ trơ trọi và lạnh lẽo tứ bề. Gốc cổ thụ Trang Thế Hy biết cách giấu cho mình một vẻ đẹp lặng lẽ.

TRANG THẾ HY ĐÃ TRẢ XONG NỢ NƯỚC MẮT

LÊ THIẾU NHƠN

Tôi không thể nhớ đã gặp nhà văn Trang Thế Hy bao nhiêu lần, khi thì ở Sài Gòn khi thì ở Bến Tre. Tôi cũng chẳng mấy khi nhớ ông tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh năm 1924. Tôi chỉ nhớ giới văn chương hay gọi ông thân mật là chú Tư Sâm.
Từ tác phẩm đầu tiên “Nắng đẹp miền quê ngoại” in năm 40 tuổi thì Trang Thế Hy đã có một cá tính sáng tạo được nhiều người quý mến. Mãi đến khi ông nghỉ hưu và quyết định rời Sài Gòn về sinh sống tại quê nhà huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre ( bây giờ là khu phố 1, phường Phú Tân, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre) thì hành trang của ông có thêm khiêm nhường hai cuốn “Mưa ấm” và “Vết thương thứ mười ba”. 

Nhà văn Trang Thế Hy viết rất ít, có lẽ ông quá nghiêm cẩn với chữ nghĩa. Có lần ông bảo rằng, ông cũng được trời cho chút năng khiếu viết lách nhưng ông kém ý chí và thiếu đam mê nên sự thành đạt không đáng kể. Ấy là ông nhún mình nói vậy, chứ tôi tin thẳm sâu lòng ông lúc nào cũng thao thức những trang văn nâng đỡ số phận con người. Bằng chứng là, sau khi ông ở ẩn nơi vườn dừa chôn nhau cắt rốn từ năm 1992, hai tác phẩm “Tiếng khóc và tiếng hát” và “Nợ nước mắt” tiếp tục mang lại cho độc giả những rung động sâu xa về cuộc đời bình dị đầy rẫy ngã rẽ quanh co.

Tôi đã từng ngồi trong căn nhà đơn sơ của ông suốt một buổi để cố cắt nghĩa vì sao từ con người tưởng chừng khắc khổ ấy lại có thể bật ra nhiều câu chuyện ấm nồng đến vậy. Tôi nhìn dáng đi chậm rãi của ông bước trong vườn rột roạt lá và gió, tôi nhìn bàn tay run run pha trà của ông sau vạt nắng nhập nhoạng mái hiên, tôi nhìn đuôi mắt chất đầy vết nhăn năm tháng của ông lâu lâu nhíu nét cười hóm hỉnh. Và cuối cùng tôi đã bất lực trước ham muốn lý giải cốt cách Trang Thế Hy. Ông như một gốc cổ thụ không xum xuê cành lá, nhưng lộc biếc vẫn rạo rực giữa mùa đông ngỡ trơ trọi và lạnh lẽo tứ bề. Gốc cổ thụ Trang Thế Hy biết cách giấu cho mình một vẻ đẹp lặng lẽ. 

Nhiều người đã ca ngợi nhà văn Trang Thế Hy bằng những mỹ từ rộn rã. Tôi tin, ông dửng dưng với mọi lời tán tụng dù chân thành hay giao đãi. Ông chỉ dành tâm hồn phiêu lãng trong thế giới của ông, một cái thế giới trầm buồn và khắc khoải. Tôi dám chắc chẳng ai hiểu được cái thế giới của Trang Thế Hy, nếu ông không làm… thơ. Đó cũng là một niềm may mắn cho những người hâm mộ ông. 

     Nhà văn Trang Thế Hy kể “Về một món đồ chơi của tuổi thơ nghèo” rằng: “Bài học vỡ lòng về tình mẫu tử, tôi học trên bộ ngực mỏng trang bị khiêm nhường bằng đôi vú nhỏ như vú cau của cô giáo làng gầy nhom vì bịnh đau tim, thương đứa học trò mồ côi mẹ, ôm tôi vào lòng, dạy tôi đánh vần mờ e me nặng mẹ” qua nỗi hoài vọng: “Giờ đây, trên đoạn cuối của đường đời, khi những kỉ niệm tuổi thơ đã thụt lùi rất xa về phía bên kia đường biên của cõi nhớ, ông già gần đất xa trời vẫn còn gặp hoài trong mộng mị những cái vú cau lượm trong khay đựng trầu của bà nội ngày xưa”.

    Một người ưa ngẫm ngợi như nhà văn Trang Thế Hy thì tránh sao khỏi những phút chạnh lòng. Thơ của nhà văn Trang Thế Hy luôn biến chuyển suy tưởng trên thế mạnh logic mạch lạc vốn có ở một người viết văn xuôi. Thơ Trang Thế Hy giục người đọc phải “nghĩ” nhiều hơn phải “cảm”. Điềm đạm trong miền lương thiện, thơ Trang Thế Hy nhoi nhói sự dằn vặt thế thái nhân tình phía “Lời nói dối nhân ái”. Đối với ông, lời nói dối nhân ái có thể là: “Gió nói với chiếc lá úa: Trong vòng luân hồi bất tận của kiếp lá, màu vàng của mi trong khoảnh khắc nầy, là nét đẹp vĩnh hằng của nhan sắc mùa thu tàn phai nhanh. Đừng buồn! Cái đẹp nào cũng phù du, vì chỉ có cái phù du mới đẹp”. Lá biết gió nói dối nhưng lá vẫn vui vẻ bay vèo theo gió” và có thể là “Cô gái nói với ông già: “Bố đẹp lão quá, hồi còn trai chắc bố có số đào hoa”. Ông già – héo queo như cây kiểng còi – uống lời nói dối cực kì khó tin của cô gái, như uống giọt nước thần có dược chất hồi xuân”. Hình dung là vậy, kỳ vọng là vậy, nhưng sao hụt hẫng “Tiếc thay, những lời nói dối ta phải nghe hằng ngày, lại là những lời nói dối không nhân ái!”.
 
Khi viết những câu thơ đó, Trang Thế Hy đang cười hay đang khóc, tôi không biết được. Trước khi nhắm mắt xuôi tay về cõi khác, nếu đọc lại ông khóc hay cười, tôi cũng không biết được. Bởi lẽ, nhà văn Trang Thế Hy đã “đi chỗ khác chơi” thanh thản khi đã sống trọn vẹn một cuộc đời cầm bút dài 92 năm và trả xong "nợ nước mắt" cho chúng sinh!