Đi liền với việc các tác giả tự in tác phẩm của mình là việc tổ chức các cuộc ra mắt tác phẩm. Thoạt đầu là sự lác đác dưới hình thức đơn giản kiểu như sau khi lấy sách từ nhà xuất bản về, tụ tập mấy người bạn cả thân lẫn sơ ở một phòng trà nào đó, uống nước, có người dẫn chuyện, có tác giả tâm sự về tác phẩm, vài người bạn lên ca ngợi tác phẩm, tác giả… Cuối cùng là tác giả kí và tặng sách cho những người đến dự.  Càng về sau việc in sách và ra mắt sách càng đa dạng và cầu kì hơn. Tất cả tùy thuộc vào túi tiền và tính cách của tác giả - người bỏ tiền in sách. Những người nhiều tiền và cẩn thận thì từ khâu in sách đến khâu công bố tác phẩm là cả một chuỗi công việc cầu kì, cẩn trọng và từ đó cũng dẫn đến những bi hài kịch gây ra vui và buồn cho người đọc, cho thiên hạ với những hệ lụy của thời thương mại khi đồng tiền có điều kiện bộc lộ sức mạnh của nó…



RA MẮT SÁCH – TRÒ CHƠI NHIỀU CUNG BẬC CỦA VĂN CHƯƠNG

NGUYỄN HIẾU

Gần ba mươi năm trước đây, được một nhà xuất bản chọn in một tác phẩm thì quả là một sự kiện nằm trong ước mơ cao quý của bất kì người viết nào. Đơn giản vì thời gian đó, nhà nước độc quyền in, các nhà xuất bản in theo kế hoạch đã định và đều hướng vào các tác giả đã được xác định của nền văn học. Từ những năm cuối của thập niên 80 của thế kỉ 20 ngành xuất bản cùng các ngành khác bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới. Các nhà kinh doanh sách tư nhân - thường gọi là đầu nậu- liên doanh với các nhà xuất bản ra đời đã đánh dấu một sự chuyển biến tích cực trong việc in sách. Tạo ra cao trào cho việc xuất hiện các tác phẩm nổi tiếng, quý hiếm của thế giới cũng như các tác phẩm của các tác giả Việt Nam cũ và mới xuất hiện trên thị trường sách nước ta. 
Việc in tác phẩm càng mở rộng đến mức thông thoáng hơn khi các nhà xuất bản không chỉ dừng ở việc liên kết với các đầu nậu mà còn thoải mái cấp giấy phép cho các tác giả bỏ tiền ra in tác phẩm của mình. 
Bên cạnh mặt tích cực của việc cấp giấy phép này là nhanh chóng đưa tác phẩm đến tay người đọc thì còn nảy sinh ra việc không ít các “tác phẩm” quá dở, thậm chí độc hại cũng được phát hành. Sự dễ dãi này đã khiến một nhà xuất bản từng nổi tiếng là nơi đỡ đầu các tác phẩm văn học hay, nhưng gần đây nhìn tên nhà xuất bản này thì đa phần người đọc chán ngán vì biết lại thêm một cuốn sách chất lượng thấp được xuất bản một cách dễ dãi. 
Đi liền với việc các tác giả tự in tác phẩm của mình là việc tổ chức các cuộc ra mắt tác phẩm. Thoạt đầu là sự lác đác dưới hình thức đơn giản kiểu như sau khi lấy sách từ nhà xuất bản về, tụ tập mấy người bạn cả thân lẫn sơ ở một phòng trà nào đó, uống nước, có người dẫn chuyện, có tác giả tâm sự về tác phẩm, vài người bạn lên ca ngợi tác phẩm, tác giả… Cuối cùng là tác giả kí và tặng sách cho những người đến dự. 
Càng về sau việc in sách và ra mắt sách càng đa dạng và cầu kì hơn. Tất cả tùy thuộc vào túi tiền và tính cách của tác giả - người bỏ tiền in sách. Những người nhiều tiền và cẩn thận thì từ khâu in sách đến khâu công bố tác phẩm là cả một chuỗi công việc cầu kì, cẩn trọng và từ đó cũng dẫn đến những bi hài kịch gây ra vui và buồn cho người đọc, cho thiên hạ với những hệ lụy của thời thương mại khi đồng tiền có điều kiện bộc lộ sức mạnh của nó...
Khi bỏ tiền ra tự in sách thì đầu tiên tác giả là người bị chi phối mạnh nhất quy luật “văn mình vợ người”. Cũng xin nói ngay với loại sách tự in thì thể loại thơ chiếm đến 99,9%. Chính vì vậy nên từ khi có phong trào tự in sách không ít người đã kiêu hãnh vì đất nước ta trở thành cường quốc thơ, giống như Việt Nam từng được vu lên là cường quốc đóng tàu… 
Xin trở lại quy trình tự in, tự công bố tác phẩm. Vì bị chi phối bởi quy luật “văn mình…” nên việc đầu tiên người ta chọn những bài thơ tự cho là ưng ý nhất của mình dồn vào một tập (không ít tác giả kiểu này chỉ cho ra những bài thơ ở tầm bích báo cơ quan). Sau đó bỏ tiền mời một cây bút danh giá viết lời nói đầu - chủ yếu là tán. Mời họa sĩ nổi nênh nào đó vẽ bìa, tiện tay vẽ minh họa với vài ba bức theo trường phái tượng trưng chả ăn nhập gì với những bài thơ. 
Cầu kì hơn, người tự in còn mời vài nhạc sĩ tiếng tăm hoặc thân quen phổ vài bài thơ của mình làm sang, ra điều thơ mình có sức lay động. Cuối cùng là in vài ba câu hoặc dăm bài viết của ai đó nói về thơ của tác giả để in phần phụ lục. Có vị còn làm oách ấn phẩm tự xuất bản bằng việc cho in vài ba tấm ảnh chụp với các nhà văn, nhà thơ có tiếng. Gần đây nhiều vị còn chơi cao tay hơn và chắc cũng là hạng nhiều tiền còn thuê cả người thạo ngoại ngữ dịch thơ mình ra ngoại ngữ để cho ra tập thơ song ngữ. 
Còn việc công bố tác phẩm của mình đến thời gian này cũng thật đa dạng. Không ít tác giả vẫn giữ lối in và công bố tác phẩm đơn giản như tôi vừa phác họa ở trên. Tiến thêm bậc nữa là chọn một nhà hàng, một trung tâm dịch vụ văn hóa nào đó treo pa nô long trọng bằng tấm nilon nhựa khổ rộng, có in ảnh tác giả, in tên tác phẩm, vài câu thơ được xem là tiêu biểu. Có MC dẫn chương trình. Chuẩn bị sẵn vài người phát biểu cho xôm trò. 
Thêm một bậc nữa – loại này đa phần thuộc các tác giả có lực về kinh tế - là biến cuộc ra mắt sách tự in của mình thành cuộc biểu diễn các tác phẩm trong sách mới in trước đông đảo người được mời bằng những giấy mời long lanh, trang trọng. Còn phần biểu diễn tác phẩm của mình là các ca sĩ, kịch sĩ chuyên nghiệp được thuê… và với cả tác giả ở các sân khấu lớn, tráng lệ như Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung Hữu nghị Việt Xô… 
Tiện đây cũng xin nói về một hiện tượng. Đó là việc không ít bài thơ tầm tầm tình cờ được phổ nhạc. May hơn nữa là vào một ngày hứng khởi nhạc sĩ lại tìm được một khúc thức hay ho, đi vào lòng người nên đã biến bài thơ tầm tầm - một con vịt xấu xí thành một con thiên nga. 
Thế cho nên gần đây mới có hiện tượng không ít người làm thơ nốt nhạc bẻ đôi không biết, nhưng nhiều tiền, bèn tự nhiên ư ử bài thơ theo một giai điệu nào đó – đa phần là mô phỏng hoặc phảng phất các bài nhạc mình từng thuộc - rồi nhờ hoặc thuê nhạc sĩ hay người biết nhạc kí âm lại để hi vọng trở thành những ca khúc để đời. Trò chơi văn chương thời thương mại quả là lắm chiêu. 
Trong vài năm trở lại đây ngoài sách tác giả tự in với giấy phép của nhà xuất bản còn xuất hiện loại sách tự in mà không có giấy phép của nhà xuất bản. Một phần nguyên nhân vì những bản thảo này không qua nổi khâu duyệt bản thảo với lý do về nội dung không được phổ biến, hoặc do nghệ thuật chưa xứng tầm một tác phẩm. Nguyên nhân nữa là không ít tác giả này không muốn trả tiền quản lý phí của NXB. Nhưng tác già vẫn bỏ tiền ra in với hình thức không kém gì những tác phẩm chính thức được xuất bản. 
Và sau khi in xong, nhiều tác giả loại sách này cũng tổ chức các buổi ra mắt công khai, linh đình không kém. Người viết bài này đã từng được dự và tặng một cuốn tiểu thuyết dầy không dưới 600 trang bìa cứng, vài ba tập thơ, văn mà nghệ thuật chưa vượt qua sự viết văn nghiệp dư. Riêng việc in và ra mắt loại sách này xét nghiêm nhặt là sự lách luật xuất bản để cho ra loại sách không đáng có trên thị trường và ít nhiều gây phản cảm cho người đọc.
Tôi viết những dòng này không phải vì phản đối việc tự in, tự công bố sách vì đây là sự tự do được phép của nhà nước. Mặt khác tôi đã được tặng nhiều tập thơ tự in và đi dự nhiều cuộc ra mắt sách để sau đó ra về với nhiều cảm xúc đa dạng, trái chiều.
Cách đây ba bốn, năm, một ông tổng giám đốc của một doanh nghiệp ăn nên làm ra khá thân thiết với tôi. Khổ nỗi ông này lại rất thích làm thơ, mà các bài thơ của ông thì một trăm bài dù là viết về con đường hay tình yêu đều một giọng kiểu như:
Con đường ơi, bây giờ anh mới ngắm
Em trinh nguyên như một bài thơ.
Con đường được ông gọi bằng đại từ em. Còn người yêu thì ông lại dùng ngôn từ khủng hơn:
Người anh yêu – vầng dương chói lọi
Khỏa mây mù trong bóng tối lòng anh .
Ông mời một nhà thơ định danh viết lời “vào sách”, nhà thơ này chơi hẳn bốn trang trong đó có câu hạ cuối cùng có lẽ đã thành công thức những bài của ông và của không ít bạn viết ít suy nghĩ, thích tán để được lòng người thuê viết “thơ ông chạm đến các cung bậc cảm xúc của trái tim tôi”. Hôm ra mắt, tôi nhận được một tập thơ in bìa cứng. Trong ruột của nó có thơ TGĐ, nhạc phổ thơ, ảnh chụp nhà thơ TGĐ với các nhà thơ tên tuổi. 
Sau khi MC thả hết ngôn từ ngợi ca, đến lượt tác giả lên tâm tình, cuối cùng là phần ý kiến của mọi người. Nhưng có lẽ vì thiếu kinh nghiệm và cả tay nghề nên ông không chuẩn bị người phát biểu, thành ra mọi người trong đó có cả tôi cứ ngồi đực mặt ra vì chả biết nói gì. Thơ ông thì chưa ai đọc vì quả tình nó cũng chưa bao giờ được loan truyền trong thiên hạ. 
Cuối cùng là cùng dự một bữa gọi là cơm trưa nhưng thực ra là bữa tiệc ở một nhà hàng lớn có rượu Maccalân. Khi ra về giở tập thơ nặng trĩu, tôi cứ buồn buồn cám cảnh vì nền thơ nước ta đang trĩu xuống vì những tập thơ tự in.
Đầu năm ngoái, tôi dự cuộc ra mắt tập thứ ba trong bộ “thơ bạn thơ” do hai vợ chồng ông bà Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên tuyển chọn và bỏ tiền in thơ của bạn bè xa gần. Buổi ra mắt hôm đó được tổ chức ở nhà sách Đông - Tây. Nhìn tập thơ bìa cứng, có bìa và tranh minh họa của con gái ông bà Phương - Bảy là họa sĩ Phượng Ngọc. Một họa sĩ có lối vẽ giản dị đang ăn khách thị trường tranh ở Mỹ. Mở đọc những bài thơ của những người yêu thơ bình dị, và cả những nhà thơ có tên tuổi được in trang trọng. Chứng kiến sự hồ hởi của vợ chồng Bảy - Liên với mục đích “sẽ có một bộ nhiều cuốn “thơ bạn thơ” để thơ được gìn giữ và đọc đúng giá trị của nó” khi ra về, tôi cảm thấy vui vui vì một nghĩa cử đẹp, không cầu danh, cầu lợi, một tình yêu và quý trọng văn chương chân chính
Tối 14/11, tại gác hai câu lạc bộ ở đường Lý Quốc Sư, tôi được mời dự cuộc ra mắt tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều tái bản sau 23 năm đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1992. Dưới ánh nến lung linh, những giọng đọc thơ của các bạn thơ của Thiều và của chính tác giả lần lượt vang lên, rồi nhìn hơn hai chục bức tranh minh họa đã đạt độ những họa phẩm của các họa sĩ Lê Thiết Cương, Đỗ Dũng, Trần Vinh… Nghe những lời bình phẩm, đánh giá đầy học thuật của nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà phê bình Chu Văn Sơn… quả tình thêm một lần tôi hiểu được sự nghiêm cẩn và hào hoa của thi ca đích thực.
Dẫn ra ba cuộc ra mắt sách để thấy rằng trong thời buổi thương mại văn hóa đọc đang vì điều này điều kia sa sút bởi sự cạnh tranh dữ dội nhưng văn chương vẫn còn sức hấp dẫn của nó. Chỉ có điều ai yêu và hết lòng vì nó bằng tài năng và tình yêu chân thực sẽ tạo ra niềm vui, còn ai coi nó như phương tiện đánh bóng cho tên tuổi của mình thì chỉ chuốc lại sự riễu nhại và tiếng cười mỉa mai.