Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Báo Nông Nghiệp VN, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - người có nhiều truyện ngắn đặc sắc in trên các giai phẩm báo Tết của Nông Nghiệp VN chia sẻ những tâm tư của ông về nông thôn Việt: “Tôi nhớ truyện đầu tiên tôi in ở Báo Nông Nghiệp VN là truyện “Thiên văn” (năm 1991). Truyện in sai lung tung, đoạn sau chồng lên đoạn trước, ấy vậy mà bạn đọc vẫn cứ hiểu được. Dựa theo bản in sai trên báo, tiến sỹ Đoàn Cầm Thi ở Pháp thậm chí còn viết hẳn một bài bình luận khá đặc sắc. Năm 2000, tôi in truyện “Sống dễ lắm”. Đây là một truyện ngắn “xuất thần”, ông M. Gatti, giám đốc nhà xuất bản đã in sách của tôi ở Ý gọi đây là “một truyện ngắn kỳ lạ”. Trên Báo Nông Nghiệp VN tôi còn in các truyện “Bài học Tiếng Việt”, “Chăn trâu cắt cỏ”, “Chú Hoạt tôi”... Mỗi lần in là một kỷ niệm. Điều khó chịu nhất là biên tập viên cứ hay sửa chữa lung tung trên bản thảo của tôi mà chẳng hỏi ý kiến gì cả".



NÔNG THÔN LÀ SỰ SỐNG, SỰ TỬ TẾ

@ Nông thôn trong truyện Nguyễn Huy Thiệp hiện lên trong sự tương sánh về cái nhìn: nông thôn đặt trong quan hệ với thị thành. Nông thôn hiện lên ở khung cảnh không gian, ở những con người chủ thể (Quyên trong “Thương nhớ đồng quê”, Hiếu trong “Những bài học nông thôn”, chị Thư trong “Chăn trâu cắt cỏ”…). Những con người biểu tượng cho thị thành ấy, hiện lên có sự sai khác với những con người gốc gác nông thôn. Phải chăng điều ông muốn cảnh báo về một tương lai mà những bản chất tốt đẹp của nông thôn sẽ mai một và mất dần, nay đã thành sự thực?
Nguyễn Huy Thiệp: Con đường đi từ đời sống kinh tế, xã hội nông thôn ra đời sống kinh tế, xã hội đô thị và thành phố là con đường của văn minh, đồng thời cũng là con đường của sự tha hóa và suy đồi. Nó diễn ra không phải chỉ trong một đời người mà diễn ra từ thế hệ này đến thế hệ khác trong mấy ngàn năm nay ở Việt Nam. Chúng ta đi lên văn minh cũng là khi ta rời bỏ đạo, rời bỏ gốc gác của mình. Có mấy người nhớ “mẹ tôi là nông đân, còn tôi sinh ở nông thôn”.

@ Bên cạnh con người tự nhiên, sống hài hoà với tự nhiên hoặc ít học, sống hồn nhiên, trong truyện của mình, ông dẫn Nietzsche - người mang đến thứ triết học thực tế bậc nhất. Phải chăng, theo ông, muốn sống được trong thời đại này, con người cần sống với sự trần lực và mạnh mẽ, bớt đi những bi luỵ và trăn trở?
Nguyễn Huy Thiệp: Tôi không biết. Chính tôi cũng đang đi tìm xem nên sống như thế nào. Nhân nói về Nietzsche, tôi muốn nhắc lại một tư tưởng quan trọng của ông ấy là: “Bình đẳng với những kẻ bình đẳng. Bất bình đẳng với những kẻ bất bình đẳng. Không bao giờ bình đẳng hóa những bất bình đẳng!”.

@ Trong văn của ông đã đề xuất kiểu con người thực tế, kiểu con người sống thật với mình, với nghĩa cá nhân (individu). Ông đã đưa ra những mẫu người dám sống cho bản thân. Đồng hành với việc đề xuất đó, ông đã bài bác nông thôn. Ông cho rằng nông thôn là một địa tầng ngàn năm bình lặng, không thay đổi. Đến nay, sau nhiều năm không cầm bút viết văn, cái nhìn về nông thôn của ông có thay đổi hay không?
Nguyễn Huy Thiệp: Văn học rất gần với đạo, với chính trị, với tôn giáo. Tương truyền Khổng Tử trước khi mất 7 ngày, có nói với học trò mà rơi nước mắt: “Thiên hạ loạn từ lâu mà không một ông vua nào chịu theo lời khuyên của thầy. Thầy sắp đi đây!”. Lão Tử cũng từng nói “Lời (dạy) của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm mà thiên hạ không ai hiểu được, làm được. Lời của ta có tôn chỉ, việc của ta có căn bản. Vì thiên hạ không hiểu ngôn luận của ta nên không hiểu ta (không hiểu đạo)". Trước sau gì, “nhất tâm bất loạn” tôi chỉ là một nhà văn, tôi chỉ là một người kể chuyện của thời đại tôi đang sống. Tôi có đúng có sai, tôi luôn cố gắng sống để làm sao viết được cho hay. Còn xét đoán ra phải tùy bạn đọc. Với tôi, nông thôn và tự nhiên nói chung đấy là sự sống, là sự tử tế. Đấy là đạo, xa đạo thì chết. Tôi nhớ trong sách “Đạo đức kinh”, Lão Tử viết rằng: “Có một lời mà người xưa dạy, nay tôi cũng dùng để dạy lại, là “cường bạo thì sẽ bất đắc kỳ tử”. Tôi cho đó là lời khuyên chủ yếu. Báo NNVN năm nay kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Nhân dịp này tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tờ báo của các bạn.

@ Xin cám ơn nhà văn!


            KIỀU MAI SƠN ( thực hiện)