Đầu năm ngoái có trang Những Thằng Nham Hiểm soi mói nội bộ báo Tuổi Trẻ, thì cuối năm nay lại có trang Nguyễn Công Khế bới móc nhiều chuyện ở báo Thanh Niên với mục đích hạ nhục cựu Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế. Ghét hoặc yêu thế nào, cũng phải thừa nhận Nguyễn Công Khế có công xây dựng báo Thanh Niên từ một tuần tin trở thành một nhật báo hàng đầu Việt Nam. Dù cách lập luận và diễn giải hơi non nớt, nhưng loạt bài trên mạng nhằm đánh gục Nguyễn Công Khế có rất nhiều chứng từ hồ sơ nội bộ, ít nhiều cho thấy thế lực phía sau không hề đơn giản.
Với vị trí Nguyễn Công Khế có được từ thời đổi mới đến hôm nay, được thua hay thắng bại của Nguyễn Công Khế đều là một phần của lịch sử báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, lớn giọng chưa hẳn đã có lý. Mọi lời đàm tiếu đều vô nghĩa, khi sự thật vẫn bị bao phủ bởi một lớp màn sương mù đồn thổi và đố kỵ. Nguyễn Công Khế vẫn còn cây bút trong tay, Nguyễn Công Khế vẫn còn nghề báo chưa mai một. Nguyễn Công Khế hoàn toàn có quyền bác bỏ hoặc thừa nhận làn sóng công kích kia, bằng chính bản lĩnh của mình. Sự im lặng, ở trường hợp Nguyễn Công Khế bây giờ, không phải giải pháp đúng đắn. 

  
Nhà báo Nguyễn Công Khế, như tôi biết

NGUYỄN THÔNG

Hôm trước, có người hỏi mà cũng như trách tôi rằng sao với trường hợp phóng viên Nguyễn Hoài Nam bị báo Thanh Niên sa thải, tôi không có lấy một lời. Đúng là tôi từng làm ở báo Thanh Niên, từng biết Nguyễn Hoài Nam là phóng viên rất giỏi của báo, nhưng thực ra với vụ việc lùm xùm ấy, tôi lại không tường tận, nhất là chính tôi đã nghỉ việc ở đó gần cả năm nay rồi. Cùng cơ quan với nhau nhưng mỗi người mỗi phận, ở bộ phận khác nhau, ít có cơ hội tìm hiểu về nhau, chỉ ráng làm sao đối xử với nhau tốt cũng là mừng lắm. Tôi có nghe chuyện Nam bị trù dập, rất thương anh ấy, nhưng bảo rằng tôi phải lên tiếng thì hơi khó, bởi mình có nắm được mô tê thực chất gì đâu mà bày tỏ này nọ. Không biết làm sao nói. Nếu Nam đọc được những điều này, tôi nghĩ Nam hiểu tôi nói thực.
Vào báo Thanh Niên năm 1996, ra khỏi báo đầu năm 2015, tôi có gần 20 năm gắn bó với tờ báo này. Với khả năng, trình độ có hạn, lại cộng thêm bản tính “hung hăng chẳng chừa ai”, tôi suốt đời chỉ làm lính. Phận làm thuê cho nhà nước (báo Thanh Niên là tờ báo của nhà nước), làm được thì làm, không làm được thì nghỉ, ai đối xử thế nào mặc họ, tôi chả lăn tăn. Có lẽ cũng chính vì thế mà dù suốt 20 năm ấy tôi biết ơn báo Thanh Niên đã cho tôi công ăn việc làm, tay làm hàm nhai, có chút thu nhập nuôi sống gia đình, nhưng may mắn là không phải chịu ơn bất cứ cá nhân nào. Nếu được nâng đỡ thế này thế khác như người ta, bây giờ lại khó ăn khó nói. Thiên hạ vẫn nhắc nhở “chả ai cho không ai cái gì”.
Tháng 5.1996, sau khi trúng tuyển vào báo, tôi được nhận về Ban Văn nghệ, anh Phan Bá Chức làm trưởng ban. Giữa năm 1997, có lẽ ai đó nhận ra sự cẩn thận, chỉn chu của mình, tôi được về Ban Thư ký tòa soạn, do anh Nguyễn Khắc Nhượng đóng chức trưởng ban, anh Nguyễn Quang Thông làm Phó ban. Kể từ đó, tôi miệt mài như anh thợ cạo giấy, làm biên tập viên tới khi đủ tuổi và nhận quyết định nghỉ việc. Gần hai thập niên làm lính, qua hai trào Tổng biên tập là anh Nguyễn Công Khế và anh Nguyễn Quang Thông, chưa kể có một thời gian ngắn “không có vua” chỉ do anh Đặng Thanh Tịnh “Phó tổng biên tập phụ trách”, tôi là kẻ có cũng được mà không có cũng chẳng sao.
Những ngày qua, trên mạng internet xuất hiện nhiều thông tin về anh Nguyễn Công Khế. Nhiều ý kiến trái chiều, khen chê đủ cả. Dư luận đang đánh giá rất khác nhau về một con người. Điều nguy hiểm là có những thông tin không chính xác (theo như tôi biết) nhưng lại được phổ biến rộng rãi, gây đúng sai, trắng đen lẫn lộn. Và đáng nói nữa là rất nhiều người đã từng hiểu, từng nắm rõ thực chất vấn đề, kể cả từng “chịu ơn” Nguyễn Công Khế (những người dạng này ở báo Thanh Niên hiện nhiều lắm) lại nín thinh, không hề lên tiếng nói ra sự thực khách quan, ngoại trừ anh Nguyễn Quốc Phong, từng là Phó tổng biên tập phụ trách tòa soạn Hà Nội, người đã sát cánh với ông Nguyễn Công Khế nhiều năm trời. Tôi chả dám chê ai, biết đâu người ta có cái lý của riêng mình để ngậm miệng, nhưng thấy buồn cho nhân tình thế thái. Các cụ xưa chả nói rồi “Khi vui thì vỗ tay vào/Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”, hình như khá đúng trong vụ này.
Như trên đã nói, tôi những năm làm công ăn lương ở Thanh Niên chả phải chịu ơn ai, kể cả anh Khế tổng biên tập. Giờ tôi có viết gì đi chăng nữa cũng chả phải để trả ơn bởi có ơn đâu mà trả. Với một người phận lính lác quá bình thường như tôi, anh Khế cũng không cần tôi phải này nọ. Người ta bảo “phù thịnh chứ không phù suy”, tôi không phù ai, chỉ nói ra những điều mình biết. Biết thế nào, nói thế ấy, không thêm thắt, bịa đặt.
Những bài “đánh” nhà báo Nguyễn Công Khế trên mạng, tôi có đọc, thậm chí đọc kỹ. Họ bảo rằng ông Nguyễn Công Khế làm giàu từ mồ hôi nước mắt cán bộ công nhân viên, phóng viên báo Thanh Niên, lừa “táng tận lương tâm” với đội ngũ của tờ báo này. Nghe rất kinh. Ai không biết, thì có thể tin đó là thật hoặc có thể hồ nghi. Là người ở báo Thanh Niên suốt thời ông Khế làm Tổng biên tập, tôi dám chắc đó là nói lấy được với ý đồ xấu. Nhân vô thập toàn, ông Khế không phải người toàn diện, được ai cũng yêu cũng quý. Có người ghét, thậm chí thù ông bởi ông đụng chạm đến quyền lợi của họ (tôi xin phép không kể tên ra đây), nhưng nếu nói ông cựu tổng biên tập ấy “táng tận lương tâm” với tập thể dưới quyền, có khó gì đâu mà không kiểm chứng được. Bây giờ ông Khế đối với những người đã và đang làm ở báo Thanh Niên không còn quyền hành gì nữa, họ đâu có ngại hoặc sợ nếu phải nói về ông ấy. Cũng như tôi, chẳng bị ràng buộc gì. Tôi tin một cách rất chủ quan nhưng có cơ sở rằng, nếu hỏi những con người “bị đối xử tàn tệ” ấy nghĩ về ông Khế thế nào, hầu hết đều sẽ nói biết ơn ông ấy. Chính tôi nữa, trong cái ơn chung này, cũng giống như mọi người, chịu ơn ông Khế. Chả có lý gì để ai đó nói xấu về con người đã từng tốt với mình, chăm lo cho mình bằng công ăn việc làm, chỉ trừ trường hợp mình là kẻ vô ơn.
Hồi tôi vào báo Thanh Niên, nhân sự lúc đó tất tần tật kể từ tổng biên tập đến chị Hồng, chị Nhụy lao công cũng chỉ vỏn vẹn hơn 50 người, tính luôn cả các văn phòng địa phương. Rồi cứ nhiều dần lên, tới lúc ông Khế rời báo là khoảng 450 người, gấp 9 lần. Lo chèo chống, nuôi cả bộ máy ngày càng đông đảo, chừng ấy con người (và tất nhiên còn bao nhiêu miệng ăn kèm theo ở gia đình họ nữa) chả phải chuyện thường. Tất nhiên không phải công lao chỉ mình ông Khế, nhưng tôi dám chắc mỗi người ở báo được như bây giờ có công rất lớn của ông. Những người viết bài đánh ông họ chả dại gì mà đi hỏi nhân chứng ở báo Thanh Niên.
Ngay cả vụ Dự án khu nhà ở của cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Thanh Niên do Ban biên tập mà đứng đầu là ông Khế chủ trương, những bài “đánh” kia có vẻ dựa vào điều này thứ nọ để bảo rằng ông Khế chiếm đoạt, cướp đoạt tiền của người đóng góp mua suất đất. Tôi lúc ấy không được xét mua đất bởi đã có nhà rồi, nhưng những người bạn tôi, chị Trương Nguyễn Mỹ Hạnh, chị Võ Thị Tạo chẳng hạn, có tên trong danh sách, đã đóng tiền mấy lần, từng rất bực bội, khó chịu do dự án kéo dài, nhưng rồi cuối cùng ai cũng được trả tiền và đền bù thỏa đáng. Chả ai hỏi những người ấy bị thiệt thòi gì, thiệt thòi bao nhiêu, dại gì mà hỏi bởi không ai thiệt cả.
Việc lập ra Công ty cổ phần Truyền thông Thanh Niên, lúc đầu sôi nổi thế nào, ai ở báo Thanh Niên cũng rõ. Sau do quá trình làm ăn, do quan hệ lỏng dần, báo Thanh Niên rút dần và mở công ty riêng khác. Đó là chuyện bình thường. Nhưng bảo ông Khế chiếm đoạt Công ty tập đoàn truyền thông Thanh Niên, chiếm đoạt vốn liếng của cổ đông, thì không dễ thế đâu. Ban Biên tập báo Thanh Niên bây giờ, cả những cán bộ phóng viên bây giờ, họ có nể ông Khế mấy đi chăng nữa, cũng dễ gì để ông ấy chiếm. Không làm ăn được với nhau thì thôi, chứ làm sao chiếm được của nhau. Ngay chính tôi, hồi công ty mới mở cũng hào hứng vay tiền mua cổ phần. Tôi nghỉ việc, giờ cổ phần của tôi vẫn còn đó, cổ phiếu vẫn của tôi, lãi hằng năm vẫn có, nếu tôi muốn bán cổ phần vẫn có người mua, chả ai chiếm đoạt cả.
Cách đối xử của ông Nguyễn Công Khế với cấp dưới, mỗi người mỗi kiểu. Ở báo Thanh Niên, nhiều, rất nhiều người được ông quan tâm, nâng đỡ, bồi dưỡng, sắp đặt vào vị trí này nọ. Tôi nói không ngoa, hầu hết bộ máy lãnh đạo báo Thanh Niên bây giờ phải chịu ơn ông Khế về chuyện đó. Tất nhiên không phải tất cả, thậm chí có người mai phục kiểu Câu Tiễn chờ ngày quật ông, có những người bị ông ấy trừng trị thì ghét ra mặt. Nhiều người trong số ấy bây giờ ăn nên làm ra, phú quý giàu sang, địa vị… nhưng họ quên ông Khế hoặc cố tình lờ đi.
Hồi ông còn đương chức, chắc khá nhiều cán bộ phóng viên của báo không đồng tình với việc ông quá trọng dụng anh Hoàng Hải Vân. Nói cho công bằng, anh Sánh (HHV) là nhà báo có tài, rất giỏi (theo tôi, báo Thanh Niên có 3 người giỏi nghề nhất, là anh Sánh, Đỗ Hùng, và ông Khế), nhưng ông Khế tin quá, giao cho quyền nhiều quá, mà cái gì thái quá cũng đều không hay, dẫn đến những tai hại. Tôi nghĩ có lẽ ông Khế ngẫm nghĩ nhiều về trường hợp này.
Hồi nhà báo Nguyễn Việt Chiến viết về vụ PMU 18, khi thấy nguy cơ Chiến có thể bị bắt, ông Khế rất thương Chiến nhưng biết không thể cứu được. Tôi nhớ hồi tháng 3.2008, Chiến vào Sài Gòn, tôi là người gặp đầu tiên. Hai đứa ngồi trò chuyện ngoài hành lang lầu 3, Chiến (hơn anh Khế mấy tuổi) bảo Khế nó biết thế nào tao cũng bị bắt nên nó mua vé máy bay cho tao vào, cho đi đây đi đó Đà Lạt, Phan Thiết thỏa thích cho đỡ buồn, kẻo mai vào tù chả biết khi nào ra. Chiến còn nói, đó là cách cư xử của tay hảo hán, tao chịu Khế chỗ đó, mày ạ (ai không tin cứ hỏi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến).
Với tôi, ông Khế chỉ coi như mọi tên lính khác, tôi cũng chả hề muốn ông phải để ý gì cá nhân mình. Tính tôi thẳng, gặp cái gì không nên không phải là bộp luôn. Trong một buổi họp toàn cơ quan cuối năm 2006, giữa văn võ bá quan, tôi chê thẳng thừng báo cáo của Ban Biên tập là tô hồng, giáo điều, chưa đi vào thực chất, nói như thế thì ai chả nói được. Có người sầm mặt xuống, còn ông Khế đứng lên cảm ơn tôi, nói “chúng tôi chân thành cảm ơn anh Thông đã góp ý, chúng tôi sẽ sửa chữa, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn”. Giờ giải lao, ông còn ra hành lang bắt tay tôi và bảo “cơ quan rất cần những người thẳng thắn như ông”.
Tôi hay viết blog, đụng chạm này nọ. Cấp chủ quản (Trung ương Đoàn) phàn nàn, không ít vị lãnh đạo đe nẹt, thậm chí bực bội. Anh Đặng Thanh Tịnh chỉ cười “chúng nó bắt mày có ngày”. Riêng ông Khế lần nào gặp tôi cũng bảo “Tôi tôn trọng những suy nghĩ, quan điểm cá nhân của ông, tôi không cấm ông, ông cứ viết thế nào cho phải thì thôi. Cá nhân tôi sẽ bảo vệ ông”. Vì vậy tôi cứ viết. Khi ông Khế bị mất chức Tổng biên tập được một thời gian thì tôi cũng buộc phải đóng blog bởi chỉ có 2 lựa chọn: hoặc làm thì đừng viết, hoặc viết thì thôi làm. Không ai trong lãnh đạo cơ quan ra mặt cấm nhưng lệnh từ cấp trên là vậy. Không còn ai bảo vệ tôi nữa.
Một người như ông Khế, đương nhiên là lắm kẻ thù, ganh ghét. Nhưng những gì tôi biết, chiêm quan, tận mục, tôi cho rằng người yêu ông, biết ơn ông, nể trọng ông vẫn nhiều hơn.