Tiêu chí Dân tộc, Nhân văn, Sáng tạo, Hội nhập của LHP 19 có thể coi là cái đích phấn đấu dài dài cho nền điện ảnh nước nhà mươi, mười lăm, hai mươi năm nữa. Đúng cả thôi, nhưng xa vời thành thử có phần viển vông. Cái đích mà các nhà làm phim, các bộ phim ở nước ta cần tuân thủ và nắm bắt ngay từ hôm nay, ngay năm bẩy năm tới chỉ nằm ở mấy tiếng: Không được quay lưng lại với cuộc sống và đã gọi là điện ảnh thì phải biết tìm tòi, khám phá trong tất cả các khâu thuộc quy trình làm phim ( kịch bản, dàn dựng, quay phim, âm thanh, âm nhạc..) Nếu đồng ý như vậy thì “ Đập cánh giữa không trung”- tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp cũng đáng khuyên một vòng tròn đỏ tại LHP lần này. Sự bơ vơ, nỗi thất vọng của giới trẻ ngày hôm nay là điều có thật, thậm chí đã trở thành hồi chuông đáng dóng lên, tuy hơi muộn..


LIÊN HOAN PHIM VIỆT NAM BỎ QUÊN NHIỀU NHÂN TỐ SÁNG GIÁ

TÔ HOÀNG

Với Liên Hoan Phim VN lần thứ 19, bộ phim “Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, chuyển thể theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Thọ hầu như trắng tay, tức không hề nhận được một giải thưởng nào, cho dù cách xử thế xưa nay của các Hội diễn sân khấu, các Liên hoan phim ở nước ta bao giờ cũng là một cuộc chia phần kẻ nắm xôi, người miếng thịt để ra về ai ai cũng hỉ hả. Trong khi đó- theo ý riêng của chúng tôi, “Quyên” là  một bộ phim giàu tính điện ảnh nhất, được dàn dựng công phu, hoành tráng nhất trong tất cả các bộ phim tham gia giành giải. Còn theo tiêu chí Nhân văn của LHP ư? Phim kể lại một cách chân thực, đầy xúc động về thân phận của những người công dân của một đất nước  vừa giành được niềm vinh quang sau chiến thắng 30 tháng Tư, nhưng phải phiêu bạt sang Liên Xô cũ để bán sức lao động, kiếm miếng ăn. Liên Xô và hệ thống XHCN tan rã, những công dân của một xứ sở tự do, độc lập này một lần nữa phải làm một cuộc “ vượt biên” như đồng bào của họ ở trong Nam, vượt qua dẫy núi Alpơ để tìm miếng ăn ở các nước phương Tây. Tôi đã chứng kiến nhiều người xem thế hệ tôi rưng rưng nước mắt trước tấn thảm kịch này. Cũng cần phải nói ngay, với phim “ Quyên” không hề nhận ra một dấu vết của cái đích đạt doanh thu, điều mà phim ảnh hôm nay đang rốt ráo theo đuổi. Còn nếu căn bệnh của loại phim “ hài nhảm”, phim “ thảm họa” – như báo giới đã đặt tên, là kể những chuyện vu vơ, tào lao, không can hệ gì với đời sống áo cơm của cả triệu triệu người dân Việt, thì với phim “Quyên”đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã trừng mắt nhìn thẳng vào một trong những mảng hiện thực thương tâm, đen tối nhất của thời kỳ hậu chiến, để từ màn ảnh kêu gọi sự sẻ chia, cảm thông với khối cộng đồng của mình đang lưu lạc phía bên kia trời Tây. 
Tiêu chí Dân tộc, Nhân văn, Sáng tạo, Hội nhập của LHP 19 có thể coi là cái đích phấn đấu dài dài cho nền điện ảnh nước nhà mươi, mười lăm, hai mươi năm nữa. Đúng cả thôi, nhưng xa vời thành thử có phần viển vông. Cái đích mà các nhà làm phim, các bộ phim ở nước ta cần tuân thủ và nắm bắt ngay từ hôm nay, ngay năm bẩy năm tới chỉ nằm ở mấy tiếng: Không được quay lưng lại với cuộc sống và đã gọi là điện ảnh thì phải biết tìm tòi, khám phá trong tất cả các khâu thuộc quy trình làm phim ( kịch bản, dàn dựng, quay phim, âm thanh, âm nhạc..) Nếu đồng ý như vậy thì “ Đập cánh giữa không trung”- tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp cũng đáng khuyên một vòng tròn đỏ tại LHP lần này. Sự bơ vơ, nỗi thất vọng của giới trẻ ngày hôm nay là điều có thật, thậm chí đã trở thành hồi chuông đáng dóng lên, tuy hơi muộn đã được các tác giả của bộ phim phản ánh đậm đặc, nhiều tâm huyết và đạt tới độ chân thực khiến nhiều lúc người xem không dám nhìn vào màn ảnh. Sao phim bị quy vào tội “ bôi đen” khi những vụ đâm chém, nhẩy lầu, tự tử trên sông ngày nào chả gặp trên mặt báo? Khi sự suy thoái đạo đức đến mức tha hóa đang là nỗi lo đến mất ăn mất ngủ của các bậc phụ huynh? Điều đáng kể hơn nữa, “Đập cánh giữa không trung” kể lại chuyện đó thông qua những nỗ lực, những tìm tòi các thủ pháp của nghề; thể hiện bằng được và đạt được hiệu ứng cái gọi là ‘ngôn ngữ điện ảnh”. Nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp, tuy mới vào nghề nhưng đã có ý thức đánh thức người xem giật mình nhớ rằng điện ảnh là phải như thế..như thế; chứ không phải là một cành lá xanh tươi, đầy chồi nụ bỗng bị vặt trơ trụi để trở thành cái chổi quét sân như phần nhiều bộ phim thương mại hiện nay.
“Bước khẽ đến hạnh phúc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh là một bài ca đẹp về lòng yêu nước, sự đóng góp tiền bạc và tâm huyết của cô bác bà con Việt Kiều cho quê hương, đất nước. Điều đáng nói, đáng kể và cũng ít người nhận ra là với sự từng trải việc làm phim và độ vững tay nghề, “ Bước khẽ đến hạnh phúc” là một bộ phim hiếm hoi khi nhân vật điện ảnh đã khắc họa được tính cách.
Một Giải vàng rất xứng đáng đã trao cho nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc với kịch bản phim “Thầu Chín ở Xiêm”. Cần nói thêm, đây có lẽ là tác phẩm điện ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh dung dị, sinh động, uyển chuyển, nhiều sự truyền cảm nhất trong số phim về đề tài này.
“Trúng số” có thể coi là mẫu hình của loại phim hút người xem tới rạp để đạt doanh thu, nhưng tuyệt nhiên không thuộc loại “ hài nhảm” hoặc phim “ thảm họa”. Câu chuyện kể từ màn ảnh có cốt kịch hợp lý, tự nhiên; có nhân vật bằng xương bằng thịt, hài đan xen với bi; cười thoải mái đấy mà cũng giật mình buộc phải ngẫm nghĩ về nhân tình, thế thái…
Kể về những bộ phim bị “văng ra khỏi trục “ như trên để đi tới điều này: Xét về tài năng, tay nghề, tâm huyết là công sức lao động dành cho bộ phim của các đạo diễn, một Giải Vàng trao riêng cho Victo Vũ e hơi “hẻo”. Đội ngũ ấy cần phải xếp hàng dài thêm nữa, gồm các tên tuổi:Nguyễn Phan Quang Bình, Nguyễn Hoàng Điệp, Lưu Trọng Ninh, Dustin Nguyễn,Bùi Tuấn Dũng, Đinh Tuấn Vũ.
Một Giải Bạc cùng nhiều giải khác dành cho phim “Cuộc đời của Yến” của đạo diễn trẻ dưới tuổi 30 Đinh Tuấn Vũ là một sự chính xác. Phim kể một câu chuyện không có gì đáng đưa lên màn ảnh, nhưng phim vẫn là phim; phim đã được gấy ấn tượng và nỗi xúc động với người xem- điều này nói lên bản lĩnh và sự tinh tế của một đạo diễn đang đặt những bước chân đầu tiên vào lĩnh vực điện ảnh.
LHP 19 đã gượng gạo trao một giải Bạc cho kịch bản bộ phim “Người trở về” của Hãng phim QĐNDVN. Khiên cưỡng, áp đặt, sống sít – những căn bệnh thời điện ảnh bao cấp lồ lộ ở bộ phim này. Còn sự giản lược, ấu trĩ, ngô nghê về tay nghề thể hiện trong phim  thì ngay đến thời ngành phim truyện ở nước ta mới có những “ Chung một dòng sông”, “ Vườn cam”, “ Vật kỷ niệm của người đã mất” người ta cũng có ý thức để né tránh những căn bệnh đó.
Với Giải Vàng dành cho “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tôi không có ý kiến gì. Hình như đã có cả một chiến dịch ngợi ca bộ phim này trên báo viết, báo hình và kỷ lục doanh thu trên 80 tỷ dọn đường cho bộ phim đi tới đỉnh cao Giải Vàng phim truyện năm nay. Còn nếu hỏi tôi có thích bộ phim này không? Câu trả lời là Không thích ! Còn vì sao ư? Đơn giản vì còn quà nhiều khập khễnh về nghề cùng khá nhiều chỗ chưa ổn về xây dựng và khắc họa tính cách nhân vật.
Nhưng thôi, nghe nói “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sẽ nhanh chóng được công chiếu trên truyền hình. Bà con cô bác sẽ có dịp tự mình phán xét.