Ngày 16 tháng 10 năm 1866, nữ tốc ký viên trẻ tuổi Anna Snhitkina đã đến nhận công việc trợ giúp Dostoievsky hoàn tất cuốn tiểu thuyết mới mang tựa đề “ Con bạc”. Không ngờ cuộc gặp gỡ sáng ấy đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của người đàn bà này.  Vào năm ấy Anna Snhitkina 20 tuổi . Sau cái chết của người cha-một quan chức nhỏ, cô gái vừa tốt nghiệp với chiếc huy chương bạc trường nữ trung học kèm một khóa huấn luyện cách viết tốc ký, vội vàng tìm công việc làm như muốn kiểm tra vốn học vấn đã tích góp được. Vào tháng 10, lần đầu tiên Anna tiếp xúc với nhà văn 44 tuổi Fedor Dostoievsky. Sách của ông Anna đã làm quen từ thời niên thiếu. Cô gái trẻ cần trợ giúp nhà văn hoàn tất cuốn tiểu thuyết đang viết với thời hạn là một tháng.Tại thành phố Saint- Petersburg, trong ngôi nhà nằm ở gần ngã tư giữa phố Mesansky Nhỏ  với phố Stoliarnyi nhà văn bắt đầu đọc những chi tiết, cốt truyện cho Anna ghi lại.Trong 26 ngày Anna và Fedor Dostoievsky đã hoàn tất cuốn tiểu thuyết” Con bạc”. Nếu ví như đến ngày tháng đó cuốn tiểu thuyết không nộp nhà xuất bản đúng giao kèo, nhà văn sẽ buộc phải nhượng bản quyền và tất cả khoản nhuận bút cho “ông chủ”- một người giàu có đến độ -theo lời của Fedor Dostoievsky- “có đủ tiền để mua cả nền văn học Nga”. 



ĐỨC HY SINH CỦA BÀ VỢ VĂN HÀO DOSTOIEVSKY

TÔ HOÀNG
( Theo “ Nhân chứng và Sự kiện “ CHLB Nga )


 “ TÔI SẴN SÀNG QUỲ GỐI TRƯỚC ÔNG..”
Công việc vai kề vai như vậy đã như đẩy hai người xích gần lại bên nhau. Chẳng bao lâu sau giữa Anna và nhà văn đã trò chuyện khá thoải mái-những cuộc trò chuyện ấy sau này đã được Anna Snhitkina ghi lại trong hồi ký của mình. Rồi có một lần nhà văn đặt ra tình huống yêu cầu cô gái trẻ Anna nhập vào vai nữ nhân vật, còn ông vào vai một chàng họa sỹ đang tỏ tình với cô gái kia, nhà văn muốn lắng nghe nhân vật nữ kia trả lời ra sao.
            Anna Snhitkina kể lại trong hồi ký:
“ Gương mặt nhà văn biểu lộ mối xúc động cùng những giằng xé nội tâm đến mức cuối cùng tôi chợt nhận ra đây không còn là một tình huống thể nghiệm văn học nữa. Tôi sẽ  xúc phạm đến lòng tự trọng và sự kiêu hãnh ở ông nếu tôi trả lời quanh co. Tôi nhìn thẳng vào gương mặt đã trở nên thân quen, đang căng thẳng của ông và nói: Chàng họa sỹ ơi, em yêu anh và sẽ yêu suốt đời ! “.
            Đọc những trang hồi ký của bà Anna Snhitkina cảm nhận ra, thứ cảm xúc xâm chiếm lấy bà thuở đó từa tựa như niềm sùng bái thiêng liêng, nỗi khâm phục vô bờ của một cô gái trẻ trước một tài năng quá lớn lao, quá xuất chúng.
            Anna Snhitkina viết:
“ Ước mơ, nỗi khát khao được làm người bạn đường của ông; chia sẻ với ông những khó khăn, trở ngại; được chăm nom, săn sóc ông; mang lại hạnh phúc cho ông..tất cả đã xâm chiếm mọi ý nghĩ của tôi. Và thế là Fedor Dostoievsky bỗng trở thành vị thánh, thần tượng của tôi và tôi có cảm giác như sẵng sàng quỳ gối trước ông suốt cả cuộc đời mình.”
Và Anna Snhitkina đã thực hiện được ước mơ, nỗi khát khao ấy để trở thành chỗ dựa đầy tin cậy trong cuộc đời của nhà văn.    
Hai người tổ chức đám cưới tại Nhà thờ Thánh Ba Ngôi ở Saint-Petersburg vào ngày 15 tháng Hai năm 1867. Đối với văn hào đây là cuộc hôn nhân lần thứ 2 ( Bà vợ đầu của ông tên là Maria đã mất vì bệnh lao phổi, nhưng chỉ với cuộc hôn nhân lần hai này nhà văn mới nhận ra đâu là hạnh phúc gia đình.
“ TÔI CẦN PHẢI HY SINH THỨ HẠNH PHÚC ĐƯỢC GẦN GỤI VỚI ÔNG “
            Lễ thành hôn của hai người chỉ diễn ra sau buổi làm quen lần đầu đúng 5 tháng. Và chỉ ít lâu sau Anna hiểu ra rằng mọi sự phức tạp trong cuộc sống vợ chồng buộc bà phải nhẫn nhục chịu đựng. Những cơn điên khùng thất thường của một con bệnh thần kinh xẩy ra thường xuyên ở Fedor Dostoievsky vừa khiến người vợ trẻ kinh sợ, vừa gợi lên lòng xót thương ở bà.
“ Nhìn thấy gương mặt thân yêu, quá đỗi quen thuộc bỗng tái xám,nổi lên những đường gân xanh mét tôi hiểu ngay rằng ông đang đau khổ và tôi biết tôi hoàn toàn cũng không thể làm gì để cứu giúp ông. Đó là nỗi buồn đau khi tôi nhận ra rằng tôi cần phải hy sinh thứ hạnh phúc được xích lại gần ông”-bà Anna Snhitkina nhớ lại.
            Hai vợ chồng nhà văn không chỉ bị bệnh tật của ông dày vò. Thu nhập của gia đình cũng khá eo hẹp. Những món nợ đã tích tụ từ ngày Fedor Dostoievsky gửi sách tới cách nhà xuất bản không thành công. Có giả thuyết cho rằng hai ông bà quyết định sang Đức cũng là một cách đi trốn nợ. Có giả thuyết khác nêu lý do chuyến đi ấy xuất phát từ mối mâu thuẫn giữa người vợ trẻ của nhà văn với những người bà con phía bên nhà chồng.
            Bản thân Fedor Dostoievsky thì luôn nghĩ chuyến sang Đức thuở ấy hoàn toàn không phải là một cuộc du lịch lãng mạn của hai người đang yêu nhau.. Theo lời ông, ông ra đi với “ sự giá băng trong lòng”.
            “ Tôi cũng không nghĩ rằng, ở nước ngoài tôi sẽ chịu những ảnh hưởng xấu về đạo đức. Với sự hồn nhiên có những người cố gắng chỉ cho tôi thấy những điều kỳ quái ở nước Đức. Nhưng bản thân tôi thấy trong cái hồn nhiên kia ẩn chứa sự chưa từng trải, cũng lại là lòng chân thành của họ. Khốn khổ thay chính nhận xét đó lại dày vò tôi, khiến tôi đau khổ…Tính cách của tôi là của một con bệnh mà! Và tôi đã nhìn thấy trước điều này sẽ hành hạ cô vợ trẻ của tôi”. Fedor Dostoievsky đã thú nhận như vậy với nữ thi sỹ Apollna Maikova.
            Du ngoạn ở châu Âu, cặp vợ chồng văn hào đã tới thành phố Bazen, Thụy Điển. Ý nghĩ phải làm giàu một cách nhanh chóng, phải thắng đậm trong các cuộc đỏ đen- nổi trội lên trên các suy nghĩ khác, đã choán lấy tâm tư Dostoievsky sau lần ông chơi trò sấp ngửa thu được tới 4000 franc. Niềm say mê có phần bệnh hoạn này không buông tha ông. Kết quả ông đã mất hết, kể cả đám đồ nữ trang của người vợ trẻ.
            Anna Snhitkina đã gắng gỏi giúp đỡ ông chồng chống lại niềm mê say chết người đó.Cho tới năm 1871 nhà văn đã vĩnh viễn từ bỏ sức cuốn hút của trò đỏ đen đó.
“ Cần phải làm nhiều công việc ý nghĩa khác. Tan biến thứ mong tưởng nhớp nhơ dày vò tôi trong suốt 10 năm ròng. Lẽ đương nhiên tôi vẫn mong ước mình thắng cuộc. Mong ước một cách nghiêm chỉnh, da diết…Nhưng bây giờ mọi chuyện đã kết thúc. Tôi sẽ điểm lại toàn bộ cuộc đời của tôi. Và khi đó tôi sẽ nói lời cám ơn với em-thiên thần tội nghiệp của tôi ! “-Fedor Dostoievsky đã viết như thế dành cho người vợ của mình.
            Theo hồi ức của những người bạn của nhà văn, thời kỳ tươi sáng trong cuộc đời của hai vợ chồng văn hào chỉ trở lại khi hai người quay về Saint-Peterburg. Fedor Dostoievsky ngập lút trong sáng tác , trong nỗi lo lắng đến gia đình và chăm sóc con cái ( vào thời điểm này hai vợ chồng đã có 3 đứa con ). Anna Snhitkina gồng vai lên đỡ lấy hầu hết gánh nặng việc nhà.Nhờ sự tháo vát, toan tính của bà nợ nần dần dần được tháo gỡ.Rồi cũng chính bà tìm đến các nhà xuất bản giới thiệu các tác phẩm của ông, theo dõi công việc in ấn, phát hành cho tận tới khi những cuốn sách chào đời.
            Fedor Dostoievsky mất vào năm 1881. Lúc đó bà vợ văn hào mới 35 tuổi. Sau khi chồng mất bà ở vậy thờ chồng, không tái giá. Suốt những năm tháng còn lại bà dành để nuôi nấng, dạy dỗ con cái và tiếp tục những công việc ông còn dang dở: thu thập bản thảo, các ghi chép, các chứng từ và nhật ký của ông. Để dần dần cho công bố khiến chúng ta có trong tay thứ vàng mười hôm nay.
            Cứ thế Anna Grigorievna Snhitkina sống thêm 36 năm nữa và mất vào 1918, ở tuổi 71. Hiện nay ngôi mộ của Anna Snhitkina nằm cạnh ngồi mộ của nhà văn tại Tu viện Aleksandr Nhepsky tại Saint –Peterburg .