Trên tờ lịch cũ vướng lại vài câu thơ
Thuở hai mươi, Thiên Hà đã nổi tiếng với hai bài thơ được phổ nhạc: “Nhớ nhau hoài” và “Gió về miền xuôi”. Nếu tự mãn, chả cần viết gì th...
http://www.lethieunhon.vn/2015/11/tren-to-lich-cu-vuong-lai-vai-cau-tho.html
Thuở hai mươi, Thiên Hà đã nổi tiếng với hai bài thơ
được phổ nhạc: “Nhớ nhau hoài” và “Gió về miền xuôi”. Nếu tự mãn, chả cần viết
gì thêm, cứ thảnh thơi mà nhấm nháp cái cảm giác bùi ngùi “em ở nơi nào, có còn
mùa xuân không em, rừng ngàn lá gió từng đêm nhắc nhở thì thầm, nắng ở trên đầu
nắng trong lòng phố, gió ở trên non gió cuốn mây về” và cái cảm giác nôn nao
“đường em đi đường nở hoa khắp luống cày, đường anh đi hoa nở khắp chiến trường”,
cũng đủ đắc ý với bản thân. Tuy nhiên, Thiên Hà cứ khao khát sáng tạo. Sau nhiều
năm lăn lộn làm báo, Thiên Hà quay lại với thơ và rì rào tuôn xuống trang giấy
bao nhiêu tâm sự ngổn ngang: “còn đó bức tranh đời mây khói, rất mong manh điệp
khúc da vàng”.
TRÊN TỜ LỊCH CŨ VƯỚNG LẠI VÀI CÂU THƠ
Ở tuổi 75, Thiên Hà vẫn còn nguyên mơ mộng để cầm
bút. Gian nan và bạc bẽo của dòng đời xuôi ngược dường như ở ngoài tâm hồn ông.
Sống được như vậy đã đáng nể, sống được như vậy đã là thi sĩ mà không cần trích
dẫn thêm bất kỳ câu thơ nào! Đồng nghiệp thường ví von Thiên Hà với nhân vật
lão ngoan đồng Châu Bá Thông trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung!
Thiên Hà tên thật Dương Cao Thâm, sinh năm 1940 tại
Đầm Dơi, Cà Mau. Từ năm 1960, ông lên Sài Gòn gia nhập giới viết lách và tự nhận
mình là “kẻ ngẩn ngơ giữa trường văn trận bút”. Thế nhưng, ông lại là tác giả của
nhiều tác phẩm có tiếng vang như tập truyện “Khoảng tối sau lưng” và kịch bản
phim “Một ngày nào đó”. Sau năm 1975, Thiên Hà làm báo Tuổi Trẻ và báo Công An
TPHCM. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng đánh giá về Thiên Hà: “Một đời cầm bút,
Thiên Hà ít nói, chịu lắng nghe, chắt lọc, miệt mài làm việc bất kể ngày đêm, lặn
lộn trên khắp nẻo đường đất nước…”
Nghỉ hưu đã lâu, nhưng trái tim Thiên Hà vẫn cứ dào
dạt khôn nguôi trước cảnh, trước người. Vì vậy, mà bây giờ ông lại có “101 bài
thơ tình trên tờ lịch cũ”.
Thuở hai mươi, Thiên Hà đã nổi tiếng với hai bài thơ
được phổ nhạc: “Nhớ nhau hoài” và “Gió về miền xuôi”. Nếu tự mãn, chả cần viết
gì thêm, cứ thảnh thơi mà nhấm nháp cái cảm giác bùi ngùi “em ở nơi nào, có còn
mùa xuân không em, rừng ngàn lá gió từng đêm nhắc nhở thì thầm, nắng ở trên đầu
nắng trong lòng phố, gió ở trên non gió cuốn mây về” và cái cảm giác nôn nao
“đường em đi đường nở hoa khắp luống cày, đường anh đi hoa nở khắp chiến trường”,
cũng đủ đắc ý với bản thân. Tuy nhiên, Thiên Hà cứ khao khát sáng tạo. Sau nhiều
năm lăn lộn làm báo, Thiên Hà quay lại với thơ và rì rào tuôn xuống trang giấy
bao nhiêu tâm sự ngổn ngang: “còn đó bức tranh đời mây khói, rất mong manh điệp
khúc da vàng”.
Thơ Thiên Hà chuộng vần điệu và giàu tiết tấu. Không
nhiều ẩn dụ ý tứ, không nhiều đột phá ngôn ngữ, Thiên Hà chọn thơ như một
phương tiện giải bày nhẹ nhàng. Thái độ ấy giúp tác phẩm của Thiên Hà có lối đi
riêng: đồng hành, sẻ chia và gần gũi với bạn đọc đương thời vốn đã quá mệt mỏi
với những bất trắc thế thái nhân tình!
“101 bài thơ tình trên tờ lịch cũ” chủ yếu ghi lại
những kỷ niệm, có chút xa vắng quá khứ, có chút bồng bềnh hiện tại, có chút ngậm
ngùi chia xa. Biết làm sao được, khi ở độ tuổi của Thiên Hà, ngoảnh lại sau
lưng thấy muôn trùng ký ức: “Em còn đó qua mấy chồng thư cũ. Tình chưa phai
theo dấu hẹn hò. Bàn chân son còn in lên lối cỏ. Mà dòng sông mờ khuất bóng con
đò”.
Ưu điểm dễ nhận thấy ở “101 bài thơ tình trên tờ lịch
cũ” là mỗi bài đều có cơn cớ để xuất hiện. Một người dưng vừa gặp, một lối quen
vừa qua, một ánh mắt vừa khuất đều rõ ràng và thao thức. Chất đa mang của Thiên
Hà lặn vào làng quê “Ngày mới lớn trăng lên miền sông nước. Lễ hội được mùa điệu
múa Lâm Thôn” và chuồi vào phố xá “Nửa chiều nghiêng góc tình trốn nắng. Ta chờ
ta đợi gió gọi mây về”.
Thơ Thiên Hà phần lớn viết dài, cho thỏa nỗi niềm
riêng tư “bài thơ tình viết trên tờ lịch cũ, bốn mươi năm nét chữ cũng mờ phai,
bút tích nguyên sơ cuộc tình sóng vỗ”. Đôi khi có chớp sáng nào đấy, lại chưng
cất thành những câu ngắn thú vị: “Ngất ngưởng mà không say. Làm sao có được bầu
rượu cũ. Mời bạn cùng nâng ly”.
“101 bài thơ tình trên tờ lịch cũ” chứng minh một
Thiên Hà trải lòng với mọi người, dẫu trôi dạt, dẫu cách ngăn: “Xin được cảm ơn
số phận. Chưa kịp tước đi tất cả”. Vâng, thật dạ mà tri ân tờ lịch cũ còn vướng
lại vài câu thơ, để tin yêu và để hy vọng “ta còn ta hôm nay, như bóng chuồn
cõng nắng, chưa hề mỏi cánh bay”!
LTN