Trong "Thi nhân Việt Nam", hai thi sỹ Xuân Diệu, Huy Cận được đánh giá rất cao. Có thể coi, đó là hai "chủ tướng" của phong trào Thơ mới. Thơ Xuân Diệu được tuyển chọn 15 bài. Thơ Huy Cận được tuyển chọn 11 bài. Thơ Thái Can được tuyển chọn 5 bài. Riêng Quỳnh Dao chưa được chọn bài nào, mà chỉ được nhắc đến trong hai trường hợp. Tuy vậy, thơ của Quỳnh Dao cũng rất được đề cao trong bạn đọc. Theo ông Lê Tràng Kiều, nhà phê bình, đồng thời là chủ bút của báo "Tiểu thuyết thứ năm", số ra ngày 11/4/1939, đã  viết "Chưa bao giờ các bạn yêu mến thơ được vừa lòng, được say sưa như bây giờ, khi giở những trang thân yêu của tờ báo thân yêu này. Nó đã trình bày không biết bao nhiêu tác phẩm có giá trị, những vần mơ màng của Quỳnh Dao, những vần nhẹ nhàng của Anh Thơ, những vần diễm ảo của Thanh Tịnh, những vần thành thực giản dị của Nguyễn Bính, những vần đầy mộng ảnh, đầy âm nhạc của Yến Lan và những vần đặc biệt của Phạm Huy Thông, Lưu Trọng Lư…".


THI SĨ QUỲNH DAO: MỘT ĐỜI NGẮN NGỦI MÀ SÔI ĐỘNG
VŨ TỪ TRANG
Đánh giá về vai trò, vị trí của phong trào Thơ mới (1930-1945), nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng khẳng định "Thơ mới" đã mở ra "một thời đại trong thi ca". Trong "Thi nhân Việt Nam", cuốn sách hệ thống và nhận định từng tác giả của phong trào Thơ mới (do Hoài Thanh - Hoài Chân thực hiện, xuất bản năm 1942), các tác giả có nhắc và trích thơ của nhiều thi nhân, riêng đất Hà Tĩnh có bốn tác giả. Đó là: Thái Can, Xuân Diệu, Huy Cận và Quỳnh Dao. Bốn thi sĩ này, có một số điểm gần nhau, đó là tuổi đời của họ xêm xêm nhau. Thái Can sinh năm 1910, Xuân Diệu sinh năm 1916, Huy Cận sinh năm 1919, Quỳnh Dao sinh năm 1918. Họ đều có thiên hướng phát tiết tài năng văn chương rất sớm, đều có những tác phẩm đầu tay khi còn rất trẻ.
- Tập "Những nét đan thanh" của Thái Can (Nhà sách Ngân Sơn Tùng Thư,  Huế, xuất bản năm 1934), khi 24 tuổi.
- Tập "Thơ thơ" của Xuân Diệu (Nhà xuất bản Đời Nay, Hà Nội, xuất bản năm 1938), khi 22 tuổi.
- Tập "Lửa thiêng" của Huy Cận (Nhà xuất bản Đời Nay, Hà Nội, xuất bản năm 1940), khi 21 tuổi.
- Tập "Tơ trăng" của Quỳnh Dao (Nhà in Asiatic, Hà Nội, xuất bản năm 1939), khi 21 tuổi. Đấy là chưa kể trước đó, năm 1937, Quỳnh Dao đã có cuốn văn thơ "Tiếng chuông chiều", in chung với Liêu Kỳ Lộc, khi ông 19 tuổi.
Điều đặc biệt, cả bốn thi sỹ này đều có chí hướng tham gia cách mạng rất sớm. Tính lý tưởng sớm định hình trong nhận thức và thái độ sống của họ. Năm 1945, nhà thơ Thái Can từng làm bác sỹ quân y ở Quân khu bốn, từng tham gia chiến dịch Lê Lợi và bị thương. Nhà thơ Xuân Diệu tham gia Việt Minh từ cuối năm 1943, đầu năm 1944. Nhà thơ Huy Cận tham gia mặt trận Việt Minh bí mật từ cuối năm 1941. Năm 1945, Huy Cận đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào, được bầu vào Chính phủ lâm thời. Nhà thơ Quỳnh Dao cũng tham gia hoạt động cách mạng ngay từ khi tuổi trẻ. Năm 1944-1945, từng bị bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội). Nhà thơ Quỳnh Dao trong diện hơn một trăm tù chính trị tổ chức vượt ngục, từ 11 đến 16-3-1945, để tỏa về các địa phương chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
Trong "Thi nhân Việt Nam", hai thi sỹ Xuân Diệu, Huy Cận được đánh giá rất cao. Có thể coi, đó là hai "chủ tướng" của phong trào Thơ mới. Thơ Xuân Diệu được tuyển chọn 15 bài. Thơ Huy Cận được tuyển chọn 11 bài. Thơ Thái Can được tuyển chọn 5 bài. Riêng Quỳnh Dao chưa được chọn bài nào, mà chỉ được nhắc đến trong hai trường hợp. Tuy vậy, thơ của Quỳnh Dao cũng rất được đề cao trong bạn đọc. Theo ông Lê Tràng Kiều, nhà phê bình, đồng thời là chủ bút của báo "Tiểu thuyết thứ năm", số ra ngày 11/4/1939, đã  viết "Chưa bao giờ các bạn yêu mến thơ được vừa lòng, được say sưa như bây giờ, khi giở những trang thân yêu của tờ báo thân yêu này. Nó đã trình bày không biết bao nhiêu tác phẩm có giá trị, những vần mơ màng của Quỳnh Dao, những vần nhẹ nhàng của Anh Thơ, những vần diễm ảo của Thanh Tịnh, những vần thành thực giản dị của Nguyễn Bính, những vần đầy mộng ảnh, đầy âm nhạc của Yến Lan và những vần đặc biệt của Phạm Huy Thông, Lưu Trọng Lư…". Hãy thử đọc thơ của Quỳnh Dao:
Cành cây yếu yếu say như gió
Hôm ấy đương mê khúc nhạc chiều
Hôm ấy, lòng ta chừng ớn lạnh
Ơi nàng, ta lại thấy xiêu xiêu…
(Nhạc chiều, trong tập "Tơ trăng", 1939)
Trong bài thơ "Bệnh tưởng" viết tặng Hàn Mặc Tử, khi Quỳnh Dao 21 tuổi, đã viết:
Cây đứng bên bờ say rũ rượi
Một hai đòi xuống nước xanh xanh!
Đùi ngon ai nhúng trong hồ lộn?
Sóng liếm mê tơi gãy cả cành.
Đúng như nhận định của Lê Tràng Kiều "Thơ Quỳnh Dao càng đọc càng lạ… Tâm hồn Quỳnh Dao là một tâm hồn đầy mộng, khát khao yêu đương… Quỳnh Dao cố tìm tòi những cái khác lạ". Vẫn đẫm chất lãng mạn, nhưng ở "Bài thơ Huế", những câu thơ của Quỳnh Dao đã mở ra vẻ đẹp khoáng đãng và trong trẻo hơn:
Cầu trắng phau phau màu ánh sáng
Mây xanh lanh lảnh cánh chim chiều…
Cách dùng điệp từ trong câu thơ còn phảng phất hơi hướng thơ cũ. Nhưng tiếp hai câu thơ sau, đã mở ra cảm xúc mới mẻ:
Một hàng Tôn nữ cười trong nón
Sông mở lòng ra đón bóng yêu…
Hai câu  thơ này, được Hoài Thanh đánh giá cao và dẫn ra trong tiểu luận tổng quát phong trào Thơ mới, in trong cuốn "Thi nhân Việt Nam".
Truyện thơ "Dưới cầu Giang Tô" viết về chuyện tình đôi nam nữ Hàng Châu thời kháng chiến chống phát xít Nhật. Quỳnh Dao đã gửi gắm bao lòng yêu nước và tinh thần dám hy sinh vì đất nước. Mở đầu là cảnh non nước thanh bình "Cả trời vừa chớm sang thu/ Cành lê một nửa lá đu đưa vàng…". Tiếp đó, là cảnh chiến trận máu chảy đầu rơi đầy tang tóc:
Từ đô thành tới cô thôn
Bom rơi đạn xé căm hờn ngút mây
Đồng khô xương trắng phơi đầy
Chiều sương nặng cánh diều bay tha mồi…
        Để rồi:
…Khói đen trên Bích Dương lầu tan hoang
Năm tên lính Nhật xếp hàng
Lia ngang loạt súng một tràng đạn bay
Tây Hồ sẫm nước đùn mây
Rưng rưng trăng vẽ nét mày hồng nhan…
Nếu giai đoạn đầu, thơ Quỳnh Dao phảng phất ảnh hưởng của "trường thơ Loạn", xa rời đời thực, thì sau đó, Quỳnh Dao đã tự chuyển thơ mình gần với cuộc sống hơn, mà truyện thơ "Dưới cầu Giang Tô" đã minh chứng cho điều đó. Chặng đường thi ca của Quỳnh Dao không dài, chỉ trong vòng 5 năm, nhưng đã có những sự đổi thay quan niệm và cảm hứng sáng tác đáng kể. Ông từng là cộng tác viên tích cực và được coi là một trong số các cây bút chủ lực của báo "Tiểu thuyết thứ năm", một tờ báo có uy tín trên văn đàn khi đó. Tiếc là năm 1940, báo "Tiểu thuyết thứ năm" phải đóng cửa.
Những cây bút chủ chốt của báo, như Phạm Huy Thông, Phạm Huy Thái, Vũ Trọng Can… người mất, người sang nước ngoài sinh sống. Quỳnh Dao từ quê ra Hà Nội, gây dựng và phục hồi lại tờ tạp chí "Đông Tây", ông vừa là chủ nhiệm, vừa kiêm chủ bút. Ông đã tập hợp được những cây bút tiêu biểu khi đó, như Mộng Tuyết, Yến Lan, Đỗ Huy Nhiệm, Nguyễn Bính, Anh Thơ… Quỳnh Dao có quan hệ thân thiết với các văn sĩ, thi sĩ, như Vũ Ngọc Phan, Hằng Phương, Ngân Giang, Vân Đài… Trong  hồi ký của nhà thơ Anh Thơ, bà có nhắc lại: Quỳnh Dao có đến yết kiến với các cụ thân phụ của bà, để xin bà ra làm báo cùng. Ngày đó, Quỳnh Dao đã có chủ trương làm báo với mục đích "Tập hợp lực lượng văn sĩ, thi sĩ có tài để đóng góp xây dựng cho nền quốc văn Việt Nam ngày một phong phú và đổi mới…".
Mùa xuân 1942, tạp chí "Đông Tây" ra được 7 số, lại phải đóng cửa, vì sự kiểm duyệt gắt gao và kinh tế hạn hẹp. Quỳnh Dao đành trở lại quê nhà. Sống trong một gia đình giàu lòng yêu nước, cụ Đinh Nho Huề (thân phụ Quỳnh Dao), từng đảm nhiệm việc đưa các ông Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh, Nguyễn Khoa Hiền sang Hương Cảng (Trung Quốc) hoạt động cách mạng. Năm 1930, cụ Huề bị bắt, Quỳnh Dao từng phải lên đồn đem cơm cho cha, nên lòng yêu nước càng thấm đẫm trong con người ông. Đến khi bị Nhật, Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội (năm 1944-1945), mọi người mới biết Quỳnh Dao hoạt động cách mạng lâu rồi.
Thì ra những chuyến đi về giữa quê và Hà Nội, là con đường liên lạc cách mạng của người thi sĩ trẻ tuổi này. Những ngày bị tù giam ở Hỏa Lò, Đinh Nho Diệm (tên thật của thi sĩ Quỳnh Dao) luôn lấy thi ca là phương tiện đấu tranh cách mạng. Sau cuộc vượt ngục Hỏa Lò, Quỳnh Dao cùng các chiến sỹ cách mạng khác tỏa về các địa phương để tham gia Tổng khởi nghĩa.
Từ tháng 10/1946, Quỳnh Dao đưa vợ con ra ở hẳn Hà Nội. Cũng từ đấy, quê hương biệt tin ông. Nào có biết đâu, sau thời gian không lâu, trên đường công tác, ông đã hy sinh. Ông ngã xuống trong trận mưa đạn xối xả của thực dân Pháp, khi tuổi đời còn quá trẻ, lẫn giữa bao xác người vô danh.
Câu chuyện người em trai của Quỳnh Dao là giáo sư Đinh Phạm Thái kể lại về những cuộc đi tìm kiếm phần mộ người anh trai - thi sĩ Quỳnh Dao - thật cảm động. Năm 1999, Nhà xuất bản Thanh Niên cho phát hành cuốn "Văn phẩm Quỳnh Dao" do nhà thơ Anh Chi sưu tầm, biên soạn; giáo sư Đinh Phạm Thái (cũng là nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) trân trọng mang sách đến tặng nhà thơ Huy Cận.
Như một giao cảm bất ngờ, mở tập sách, nhà thơ Huy Cận liền kể lại cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông và thi sĩ Quỳnh Dao khi hai người cùng trên đường lên chiến khu Việt Bắc. Đấy là bến sông Lô, ngày đầu năm 1947. Lần theo lời kể của nhà thơ Huy Cận, giáo sư Đinh Phạm Thái liền đi tìm lại dấu vết người anh trai của mình. Qua bao cuộc gặp gỡ và bao nhân chứng, nhưng thời gian đã xóa nhòa tất cả. Ông chỉ còn biết đem một nắm đất nơi anh trai mình ngã xuống về lập ngôi mộ ở quê nhà. Chuyện riêng của thi sĩ Quỳnh Dao không chỉ bùi ngùi vậy. Người vợ trẻ của ông đằng đẵng thủ tiết thờ chồng nuôi con mấy chục năm trời. Người con trai duy nhất của ông bà, đảng viên Đảng Cộng sản, theo con đường cách mạng của người cha, năm 1966 cũng đã hy sinh tại chiến trường miền Nam, khi 25 tuổi.
Bình tĩnh đọc lại những tác phẩm thơ của Quỳnh Dao để lại, chúng tôi càng thêm trân trọng những vần thơ tuổi trẻ cháy bỏng khát khao, ngập tràn lãng mạn. Càng trân trọng hơn khi nhận ra dưới vẻ đắm say khát khao và lãng mạn kia, là ý chí cách mạng sục sôi của một thi sĩ dám dấn thân vì đất nước. Một người phát lộ tài năng thi ca rất sớm, lại có lý tưởng cách mạng kiên cường, Quỳnh Dao xứng đáng là một thi sĩ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới.