Không phải tên tuổi P.N. Thường Đoan mới được nhắc nhiều khi văn đàn dậy sóng với sự giống nhau đến kỳ lạ của bài thơ “Buổi sáng” và “Bạch lộ”. Tên của người “Đếm cát” đã được lưu lại từ thế hệ thơ nữ của thập niên 90 của thế kỷ trước, và đi cùng những tập thơ chị cho ra mắt trong những năm tháng sau này: “Lục bát cho khát vọng”, “Người đàn bà làm thơ và trăng”, “Rũ người”, “Nghĩ về hoàng hôn mẹ”, “Buổi sáng có nhiều chuyện kể”… . P.N. Thường Đoan (tên thật Nguyễn Thanh Bình, đang công tác tại báo Văn Nghệ TP.HCM) là mẫu người dễ ngỡ thân thuộc, hiểu rõ lắm nhưng khi đối diện với chị, chạm đến những điều không tên trong tâm hồn chị, mới nhận ra rằng, những điều nghĩ về chị lâu nay chỉ là phần nổi của tảng băng.





P.N THƯỜNG ĐOAN: TÔI THẤY MÌNH NHƯ VỪA BƠI QUA SÔNG DÀI

@ Tâm trạng chị hiện giờ thế nào?
PN Thường Đoan: Tôi thấy mình như vừa bơi qua sông dài và giờ đang nằm trên cát để thở. Tôi tạm chấp nhận thư xin lỗi của Phan Huyền Thư với lời trần tình Bạch lộ “ra đời sau” bài Buổi sáng, nhưng không có nghĩa hoàn toàn yên tâm. Chỉ khi nào Thư thừa nhận đã lấy thơ tôi, hoặc lấy ý tưởng từ bài hát Catinat café sáng (nhạc sĩ Phú Quang phổ từ lời thơ Buổi sáng), tôi mới cho đó là lời nhận lỗi thực lòng. Giờ tôi cũng không biết phía trước mình còn có những nguy hiểm gì nữa, tự nhiên đang yên đang lành lại bị đặt lên nghi án: ai lấy thơ ai? Bản thân bị rơi vào vòng nghi ngờ, mệt mỏi. Chuyện này, nếu hai mươi năm trước có lẽ tôi sẽ xuề xòa cho qua. Nhưng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có trả lời phỏng vấn rằng: “Một trong hai người chắc chắn sẽ có người đạo thơ và chắc chắn người đó sẽ biết cách bảo vệ mình như thế nào”. Câu nói này khiến tôi phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ danh dự của mình.

@ Suốt mấy mươi năm làm thơ, chị có từng phải trải qua một bầu khí quyển mệt mỏi với thơ ca như thế này?
PN Thường Đoan: Đây là lần đầu tiên tôi gặp phải tình huống khó lường và buộc phải lên tiếng nhiều đến vậy. Từ khi bước vào thi đàn, tôi xác định rõ không tham gia bất kỳ cuộc thi thơ nào. Từ đó lòng tôi rất bình yên, làm thơ chỉ để cho mình, các tập thơ in ra chia sẻ cùng bạn bè, nếu có người đồng cảm tri âm thì biết ơn, trân trọng. Ai không thích, chê bai thì cũng là quyền của người ta. Tôi luôn nghĩ thơ là của riêng, nếu dự giải chắc chắn bị xem xét câu chữ, phân tích săm soi. Có khi những ý kiến bàn luận đó chưa chắc đã đúng với suy nghĩ của mình. Giai đoạn khoảng từ năm 1985-2000, tôi cảm thấy đời sống thơ rất đẹp đẽ, thăng hoa, yên ả và nhiều vinh quang. Sau này thì cảm giác bất an thường trực, chuyện con người, chuyện nhân cách, chuyện đạo thơ và đến giờ thơ cũng không còn nhiều đất sống như thời gian trước nữa.

@ Chị có chạnh lòng khi có ý kiến nói rằng “nhờ” vậy mà cái tên P.N. Thường Đoan trở nên nổi tiếng hơn?
PN Thường Đoan: Tôi lúc nào cũng chỉ muốn mình sống những ngày bình thường, sáng tác, làm việc, vui sống và bước vào cõi riêng thi ca của mình. Những ngọt ngào, vinh quang với thơ tôi đã trải qua hết rồi. Ai muốn nghĩ thế nào cũng được, tôi chẳng chạnh lòng gì. Mà cuộc sống này, có lẽ chẳng ai muốn vận mệt mỏi vào mình để được nổi tiếng theo cách như thế này. Tôi thà chọn sự yên tĩnh mỗi ngày.

@ Hơn thế nữa, là sự yên tĩnh đến cô độc…?
PN Thường Đoan: Sự thật là như vậy. Đôi khi tôi nghĩ mỗi người sinh ra là đã được ban cho một tính cách, một số phận. Nếu được chọn lại, tôi cũng sẽ chọn thơ ca. Tôi nghĩ bất kỳ người phụ nữ nào, cho dù có chồng hay không, cười vui hay không, một khi làm thơ thì họ đều là những người rất cô đơn, mà xa hơn nữa là sự cô độc. Thơ là cõi riêng, chứa đựng mọi cung bậc cảm xúc của người sáng tạo. Cõi riêng đó thừa nhận mọi dấu lặng trong trái tim mỗi người, nỗi đau, những khúc quanh, u uất, gánh nặng, nước mắt… mọi thứ đều được trải vào thơ. Con chữ là để bắc cầu cho trái tim một người nói ra tất cả những đau đớn trong lòng mình mà không thể nói được với một ai khác, hoặc không đủ niềm tin để nói với một ai. Phụ nữ làm thơ là một oan nghiệt, vây quanh họ sẽ là một cõi cô độc trùng trùng.

@ Vì vậy mà thơ của chị là những nhịp rung của nỗi buồn, lặng thắt. Có lẽ nào chẳng bao giờ P.N. Thường Đoan chạm đến nhịp hạnh phúc trên đường đời?
PN Thường Đoan: Làm gì có hạnh phúc nào trọn vẹn trong cuộc đời này. Hạnh phúc là thứ mà con người ta mãi đi tìm, đôi lúc cứ ngỡ đã tìm thấy đó, chạm vào đó nhưng cũng không phải. Yêu một người và cưới được người đó, chưa chắc là ta đã đến được trạm cuối của hạnh phúc. Cười vui bây giờ nhưng không phải ai biết được ngày mai. Có những niềm tin trong cuộc đời mình đã gieo, đã chăm tưới và nâng niu nó như tất cả những gì đẹp đẽ nhất của mình, nhưng rồi cũng có lúc tan vỡ. Nó trở thành những vết sẹo đi dọc thời gian để từng năm, từng tháng đi qua, vẫn nhắc ta nhớ rằng ngày này năm cũ, ta từng phải trải qua những đớn đau nào. Nhắc nhớ đến mức vào một hôm con mèo con chết, thì những dòng thơ viết cho con mèo cũng khiến lòng đau một nỗi đau khác: “Con mèo chết vẫn tin mèo đực là mẹ - Tôi vẫn tin người đàn ông ấy có yêu mình…”.

@ Phải chăng trái tim người phụ nữ, có mạnh mẽ như thế nào trong cuộc đời thì cuối cùng cũng dễ dàng rũ xuống vì tình yêu - cội nguồn của mất mát rạn vỡ và cũng là cội nguồn của thơ…?
PN Thường Đoan: Chắc chắn rằng người phụ nữ nào cũng cần một người đàn ông bên cạnh để được che chở. Người phụ nữ nào cũng mong mình có một tình yêu đẹp nhưng cuộc sống không bao giờ trọn vẹn được như mong ước. Có những ký ức quá đẹp đẽ mãi mãi không tan đi, mãi mãi trở thành nỗi nhớ gặm nhắm, ăn mòn trái tim mình trong bình yên rã rời. Cái gánh nặng vẫn đeo mang trên vai mỗi người cũng đâu phải vì họ muốn mang theo mà vì họ đã bỏ chạy nhưng không cách gì có thể buông bỏ được. Một người phụ nữ đứng một mình đã không yên rồi mà phải mọc ra thêm hai ba nhánh để gánh những thứ khác nữa. Bên này đầy thì bên kia lại vơi, phải gồng sức mình lên thêm gấp nhiều lần trong từng đoạn năm tháng. Có lúc đứng trên đỉnh của sự chịu đựng, tôi chỉ còn biết tự nhủ với mình: ráng uống nhiều nước, mà phải là nước thật lạnh để biết mình phải tỉnh táo mà đi tiếp. Tôi đã chọn thơ là điểm tựa, con chữ mãi mãi là bức tường vững chãi.

@ Phía sau nụ cười, những câu chuyện phiếm, sau câu thơ buồn “Mơ hồ tôi thấy anh về - tìm anh qua khắp nẻo - tôi gánh nỗi buồn đầy vơi…” (bài Mơ hồ, được nhạc sĩ Phan Khanh phổ thành ca khúc cùng tên) còn có rất nhiều những dấu lặng khác trong lòng chị?
PN Thường Đoan: Tôi xây cho mình một ốc đảo và chọn cách im lặng, giữ cho mình tất cả những gì thuộc về cõi riêng. Đối với người nổi tiếng có thể bà y ra gia đình, cha mẹ, con cái, ngày hôm nay đi sự kiện nào, làm từ thiện ở đâu… Nhưng đối với người làm thơ, tôi không muốn bất kỳ điều gì khác về bản thân mình phơi ra trước công chúng, trừ các tác phẩm của mình. Những gì tôi muốn chia sẻ, cần chia sẻ đều đã nằm trong những con chữ. Cuộc sống này, người tốt nhiều mà người xấu cũng không ít, người ta biết nhau rất nhiều nhưng hiểu được nhau rất ít. Một khi không hiểu thấu cho nhau mà muốn chứng tỏ rằng mình hiểu người ta lắm thì cũng là một dạng gây tổn thương. Khi đó buồn đau của người này có thể trở thành câu chuyện mổ xẻ làm vui của người khác. Tôi nhìn xung quanh tôi bạn bè làm thơ nhiều, mà cũng có mấy ai vui. Xung quanh người làm thơ, nhất là với phụ nữ, luôn có những cái lạnh lẽo vây quanh mà không ai có thể nhìn thấy, chạm tới, thấu hiểu được. Tôi chỉ cần thấy mình xanh um trên ốc đảo của mình, là được.

@ Vậy rồi đi bao lâu trong cuộc đời, chị lại “ngồi một mình - khuấy loãng thời gian” để tự làm xanh um chính mình?
PN Thường Đoan: Đôi khi đi như một nhu cầu cần đi, không phải để hết buồn cũng không phải tìm kiếm niềm vui mà thích một mình gặm nhấ m chính mình. Giống như người ta nói con thằn lằn tự ăn cái đuôi của nó, tôi muốn mình tự “ăn” nỗi cô đơn của mình. Tôi tìm thấy sự thanh thản trong đơn độc. Có lúc tôi đi xe đò lên Đà Lạt, ngồi một mình ở góc quán cà phê nào đó trên đồi rồi đi về. Thành phố xa lạ không một ai biết mình, tôi thấy mình tồn tại trong một ý niệm đẹ p đẽ và sâu lắng nhất của chính mình. Vậy là đủ.

@ Có bao giờ chị nghĩ về những năm tháng thơ ấu, nghĩ về vô thường của cuộc sống đã đưa mình đi theo một hành trình chẳng thể định lượng được?
PN Thường Đoan: Tôi luôn nhớ rất rõ những gì đã diễn ra trong cuộc đời mình, kỹ đến từng chi tiết mà nếu nhắc lại, tôi sẽ kể rõ như thể điều đó mới diễn ra vào hôm qua. Tôi nhớ mình ba tuổi đã dời nhà từ Vĩnh Long lên Mỹ Tho (Tiền Giang) sống, sau đó chạy lên Buôn Ma Thuột rồi lại về Mỹ Tho. Nhớ mình có lúc từng là một tiểu thư trở thành con nhỏ đồng ruộng lần đầu biết thế nào là nhổ cỏ năng, cấy lúa… Nhớ những năm ở trường THCS Nguyễn Đình Chiểu mới lớp 6 bé tẹo bày đặt làm thơ gửi báo Tin Sáng, lúc đó ký bút danh Lê Đình Miên (vì hâm mộ nhạc sĩ Miên Đức Thắng, chữ Đình trong suy nghĩ muốn… đình chiến, và chữ Lê trong cụm từ… lê la). Lúc đó nhà thơ Trương Đạm Thủy biên tập bài, cho đăng và độc giả thì gửi thư ngỏ lời làm quen với anh Lê Đình Miên! Nhớ lúc in tập thơ Người đàn bà làm thơ và trăng mang tặng mẹ, bà bảo “hay con làm thơ về mẹ cho mẹ đọc, chứ thơ yêu đương mẹ đọc… không vô”. Nhớ mãi lời mẹ dặn: làm gì cũng phải nhìn lại rồi hãy bước đi, nếu còn thiếu sót phải làm cho xong…

@ Vậy chị thấy mình đã có những điều gì chưa làm được?
PN Thường Đoan: Tôi đã hoàn thành xong hai bản thảo thơ mà vẫn chưa có dịp in. Tôi từng nghĩ khoảng hai năm mình sẽ cho ra một tập thơ, nhưng từ tập Buổi sáng có nhiều chuyện kể (2009) đến nay tôi lại không cho ra mắt được tác phẩm mới nào cả. Có quá nhiều thứ phải nghiêng vai trong từng năm tháng nên đành phải gác lại những gì của riêng mình.

@ Cái nghiêng vai đó không chỉ cho người, công việc mà còn cho cả lũ mèo hoang nữa…?
PN Thường Đoan: Thật tình tôi không có cách gì bỏ rơi được lũ mèo hoang. Có “đứa” tôi nhặt dưới chân cầu vào một đêm mưa người ta bỏ rơi, có khi một sáng thức giấc thấy ai đó đã mang mèo con bỏ trước cửa nhà mình. Nhiều con lúc tôi nhặt được chỉ còn da bọc xương, nhìn thương lắm! Nếu tôi không nuôi, ai sẽ cưu mang bọn mèo hoang ấy bây giờ? Nhưng đổi lại, chúng cũng mang lại cho tôi nhiều niềm vui không tưởng. Tôi có thể cáu gắt, mệt mỏi với con người, công việc nhưng con Bông, con Lem, con Bỗng… chúng vẫn vô tư nô đùa và đợi tôi về mỗi cuối ngày.
                     TIỂU QUYÊN ( thực hiện)

Nguồn: Báo Phụ Nữ TPHCM