20-11 năm nay, có một ấn phẩm đáng lưu ý. Sự đánh động không hẳn nằm ở câu rao “cuốn sách hay nhất về tình thầy trò” mà nằm ở việc gộp hai tác phẩm “Mái trường thân yêu” của Lê Khắc Hoan và “Thầy giáo của những học sinh giỏi toán” của Đỗ Quốc Anh, để thành một quyển. Đây là một cách làm hơi mới và hơi lạ, giống như cô gái mặc áo dài phối với quần thể thao, để có bộ thời trang ấn tượng! Hai tác phẩm chẳng liên quan gì với nhau về tư duy thẩm mỹ, về hàm lượng thông tin cũng như về thể loại văn học. Chỉ hai tác giả có gắn bó với nhau: đều xuất thân từ nhà giáo, đều làm báo ngành và bây giờ Lê Khắc Hoan tuổi 78 đã nghỉ hưu trong sự sung túc, còn Đỗ Quốc Anh tuổi 63 vẫn oai phong chức Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo Dục – Đào Tạo. Thực sự cầm “cuốn sách hay nhất về tình thầy trò”, rất khó đoán tên sách là gì. “Mái trường thân yêu” gồng gánh cho “Thầy giáo của những học sinh giỏi toán”, hay ngược lại?



PHỤ HỌA CHO CUỐN SÁCH HAY NHẤT VỀ TÌNH THẦY TRÒ

LÊ THIẾU NHƠN

“Mái trường thân yêu” từ khi ra đời đến nay hơn 50 năm, được đánh giá là truyện dài có chất lượng hàng đầu viết về giáo dục. Còn “Thầy giáo của những học sinh giỏi toán” xuất hiện vào thập niên 80 của thế kỷ trước, có thể tạm chấp nhận là một ký sự thường thường bậc trung. Khi in chung hai tác phẩm, “Mái trường thân yêu” từ trang 7 đến trang 270 và “Thầy giáo của những học sinh giỏi toán” từ trang 271 đến trang 357, chắc chắn nhà đầu tư cũng tiên liệu được sức ảnh hưởng của tác giả đứng sau sẽ thúc đẩy phát hành hàng vạn “cuốn sách hay nhất về tình thầy trò” vào hệ thống giáo dục!

Theo cách quảng bá phổ biến trên thị trường, “cuốn sách hay nhất về tình thầy trò” định hướng cho bạn đọc bằng những ý kiến mang màu sắc tán tụng, được gọi là lời tựa, lời bạt và phụ lục. Chỉ có mấy dòng của Luật sư Trần Vũ Hải là đáng tham khảo, còn những đoạn ngăn ngắn khác đều mang tính xã giao “hát với nhau”.

“Cuốn sách hay nhất về tình thầy trò” giá bìa 88 ngàn đồng, cũng đáng mua vì có “Mái trường thân yêu”. Xem như, mua bia thì mua luôn… đậu phộng, cho vừa bụng người bán hàng tận tụy! Ngoài đời, ai đó có thể hài lòng hoặc không hài lòng với Lê Khắc Hoan, nhưng “Mái trường thân yêu” vẫn là những trang văn xuất sắc, phản ánh không khí trường lớp của một thời chật vật và trong trẻo!

Cách làm hơi mới và hơi lạ của "cuốn sách hay nhất về tình thầy trò", còn nằm ở phần giới thiệu tác giả. Lê Khắc Hoan liệt kê giải thưởng, còn Đỗ Quốc Anh liệt kê... chức vụ! Thì ra, cấp bậc hành chính cũng là một thứ bảo chứng cho tác phẩm chăng? Ghế càng cao thì văn càng nồng chăng? Hay, văn mỗi ngày cần bé lại để ghế mỗi ngày được to thêm?

Lê Khắc Hoan là giáo viên dạy Văn nổi tiếng sắc sảo trước khi về báo Người Giáo Viên Nhân Dân, còn Đỗ Quốc Anh là giáo viên dạy Vật Lý ở Hạ Long trước khi về Công Đoàn Giáo Dục làm anh cán bộ phong trào khéo léo và khôn ngoan.

Báo Người Giáo Viên Nhân Dân đổi tên thành báo Giáo Dục & Thời Đại, Lê Khắc Hoan cùng Nguyễn Vũ Tiềm và Lê Khắc Hân đóng vai những nhân tố đầu tiên xây dựng chi nhánh tại TPHCM. Nhân không khí đổi mới báo chí (và nhìn thấy tạp chí Văn có phụ bản Kiến Thức Ngày Nay rất ăn khách) báo Giáo Dục & Thời Đại tung ra phụ bản Thế Giới Mới, Lê Khắc Hoan với tư cách Phó Tổng Biên tập đã rước Đỗ Quốc Anh về đảm trách Thư ký Tòa soạn.

Theo đà phát triển, Thế Giới Mới đứng riêng, như một tạp chí độc lập của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo. Lê Khắc Hoan tài ba đáo để nhưng không phải Đảng viên, không thể làm Tổng Biên tập. Không khéo cấp trên tìm tay Vụ trưởng nào để đưa vào, thì nguy to. Lê Khắc Hoan đành đẩy Đỗ Quốc Anh qua đầu mình, để chiếm lĩnh vị trí cao nhất.

Tuy danh nghĩa Đỗ Quốc Anh làm Tổng Biên tập, nhưng mọi chuyện lớn nhỏ ở Thế Giới Mới đều dựa vào sự điều hành mạnh mẽ đôi khi đến mức bá đạo của Lê Khắc Hoan. Nhận phóng viên hay mua máy tính, Lê Khắc Hoan quyết. Quăng chổi cùn hay vứt giẻ rách, cũng Lê Khắc Hoan quyết. Năm 1997, Lê Khắc Hoan về hưu, Đỗ Quốc Anh mới thực sự làm chủ Thế Giới Mới.
Trong nền báo chí tự do như một nền kinh tế chỉ huy, cái nghề Tổng Biên tập lắm phen phải nhún nhường, lắm phen phải hiu hắt, lắm phen phải gieo neo nhưng vẫn có gương mặt với diện mạo đường hoàng. Đỗ Quốc Anh làm Tổng Biên tập tờ báo do mình sáng lập, hoàn toàn có cơ hội để ghi tên vào lịch sử báo chí Việt Nam ( như Nguyễn Công Khế với báo Thanh Niên, như Hữu Ước với báo An Ninh Thế Giới). Đáng tiếc, Đỗ Quốc Anh lại nuôi dưỡng ước vọng khóc cười theo chức tước mưa móc!

Đỗ Quốc Anh không có cái bất phàm của người cầm bút. Đỗ Quốc Anh luôn luôn thức thời và sẵn sàng xu phụ, nên cái uy Tổng Biên tập mờ mịt dần. Mấy lần bị gã phóng viên côn đồ Phanxipang dí nắm đấm vào mặt mình, Đỗ Quốc Anh vẫn cắn răng cam chịu, thì thôi xem như là rộng rãi không chấp thuộc hạ. Thế nhưng, khi Phanxipang thô bạo vung tay tát một nữ nhân viên hành chính (tên Huệ) đang mang bầu ngả lăn quay ra đất, khiến mọi người trong tòa soạn rất bức xúc, mà Đỗ Quốc Anh cũng lờ đi thì thật khó tin Đỗ Quốc Anh từng là cán bộ công đoàn lớn giọng hô hào bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động!

Báo in xuống dốc, Thế Giới Mới tồn tại nhờ mối quan hệ của Đỗ Quốc Anh. Báo ế, Đỗ Quốc Anh đi về các tỉnh vỗ vai Giám đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo và cười duyên dáng, lập tức có ngay hợp đồng mua báo. Thiếu hụt tiền lương tiền thưởng ư, Đỗ Quốc Anh bốc điện thoại gọi cho Hiệu trưởng các trường Đại học lớn, hoặc các Công ty thiết bị trường học đang phát vận phát lộc, lập tức có ngay quảng cáo trên giấy couché rực rỡ chói lòa.

Tạp chí Thế Giới Mới chỉ suy sụp hoàn toàn, khi Đỗ Quốc Anh được Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển ban cho cái ghế Vụ trưởng – Giám đốc văn phòng đại diện Bộ Giáo Dục Đào Tạo tại TPHCM. Thế Giới Mới tiếp tục sống sót lay lắt trong tay Phó Tổng Biên tập phụ trách Vũ Trọng Thanh, rồi chuyển về trực thuộc NXB Giáo Dục để thua lỗ triền miên trong tay Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Đức và chính thức giải thể trong tay Phó Tổng Biên tập phụ trách Vĩnh Thắng khi con số nợ nần lên đến 5 tỷ đồng!

Sự kiện Đỗ Quốc Anh làm Vụ trưởng – Giám đốc văn phòng đại diện Bộ Giáo Dục Đào Tạo tại TPHCM, cũng khiến nhiều người bất ngờ. Vì trước Đỗ Quốc Anh, không hề có cái chức danh này.
Đỗ Quốc Anh là con trai của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Huân, nên từ nhỏ đã yêu cái đẹp. Tuy nhiên, Đỗ Quốc Anh yêu cái đẹp của thiên nhiên thì ít, và yêu cái đẹp của chữ nghĩa càng ít, nhưng yêu cái đẹp của… lãnh đạo thì nhiều vô bờ vô bến.

Giai đoạn Nguyễn Minh Hiển làm Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo, thì Thế Giới Mới đã bắt đầu khó khăn. Thế nhưng, Đỗ Quốc Anh thờ ơ với tạp chí bao nhiêu thì hăng hái hầu hạ Bộ trưởng bấy nhiêu. Không văn bản nào quy định một Tổng Biên tập báo ngành thì phải lăng xăng cơm dâng nước rót cho tư lệnh của cơ quan chủ quản. Sự chu đáo hết lòng hết dạ với Nguyễn Minh Hiển, là do Đỗ Quốc Anh tự nguyện một cách hoan hỉ. Hễ nghe tin Nguyễn Minh Hiển đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, thì Đỗ Quốc Anh đon đả chạy theo tháp tùng, cung thỉnh nơi cửa xe, vuốt ve nơi diễn đàn.

Đỗ Quốc Anh vốn hoạt ngôn, khả năng biện luận gấp năm gấp mười Nguyễn Minh Hiển. Vậy mà, ở chốn đông người, mấy câu phát biểu sáo rỗng của Nguyễn Minh Hiển chưa kịp dứt, thì Đỗ Quốc Anh đã trầm trồ khen hay, đã xuýt xoa khen tuyệt!

Nét độc đáo của Nguyễn Minh Hiển so với các đời Bộ trưởng tiền nhiệm như Phạm Minh Hạc hay Trần Hồng Quân, có lẽ là mái đầu lúc nào cũng bóng mượt như tay hề chèo. Noi gương sếp, Đỗ Quốc Anh cũng xịt keo, chải tóc ngược ra sau, rất đỏm dáng! Chất hào hoa công tử Hà thành của Đỗ Quốc Anh khi khom lưng uốn lưỡi bên cạnh Bộ trưởng, trông cứ tồi tội!

Ngoài thái độ nhất bộ nhất bái với Nguyễn Minh Hiển, thì Đỗ Quốc Anh rất có ý thức bảo vệ thanh danh cho Bộ trưởng.

Cha ruột của Nguyễn Minh Hiển là ông Nguyễn Minh Sơn ở Kiến Xương – Thái Bình, có mối quan hệ thâm giao với nhà văn Nguyễn Khoa Đăng khi cả hai cùng công tác giáo dục tại quê hương năm tấn. Lúc Nguyễn Minh Hiển ngất ngưởng lên chức Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo, ông Nguyễn Minh Sơn đã viết cho nhà văn Nguyễn Khoa Đăng một lá thư, đại ý: “Con đẻ của tôi năng lực thế nào, thì tôi biết rõ chứ. Cháu nó chỉ đủ sức làm trưởng phòng thôi. Bây giờ cháu nó trót làm Bộ trưởng rồi, nếu anh có điều kiện thì bảo ban thêm cho cháu nó…”.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng rất đắc chí, đem lá thư đến báo Giáo Dục & Thời Đại đóng cùng trụ sở với tạp chí Thế Giới Mới, để khoe khoang ầm ĩ: “Tôi được nhờ cậy giúp đỡ Bộ trưởng đấy!”. Thính giác Đỗ Quốc Anh rất nhạy bén, lập tức hỏi mượn lá thư ấy và… không bao giờ trả lại. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng sốt ruột đòi, Đỗ Quốc Anh bóp trán, rồi nhíu mày, rồi giả lả: “Em để đâu… lạc mất rồi!”. Một lá thư có giá trị báu vật, đối với một kẻ ôm mộng sĩ đồ như Đỗ Quốc Anh, mà bị bỏ quên đâu đấy thì thật kỳ khôi. Lá thư bốc hơi bí ẩn ấy, cỡ thám tử Sơ Lốc Hôm cũng chào thua, may ra có.. . Thượng Đế mới biết số phận nó trôi dạt chốn nào!

Đỗ Quốc Anh có thể mưu mẹo biến hóa trợ giúp cho Nguyễn Minh Hiển thủ tiêu lá thư của ông bố Nguyễn Minh Sơn khỏi những cặp mắt soi mói bá tánh thảo dân, nhưng không thể nào xả thân tương cứu Nguyễn Minh Hiển khi ngài Bộ trưởng đã có quyết định về hưu rồi vẫn tự nhận một suất học bổng du học sang Anh để… bồi dưỡng ngoại ngữ phục vụ công tác! Sự tham lam đến độ ê chề dư luận ở Nguyễn Minh Hiển, chứng tỏ cái nhìn của ông Nguyễn Minh Sơn về đứa con ruột hoàn toàn chính xác: Nguyễn Minh Hiển chỉ có tầm vóc của một trưởng phòng! 

Bước ra từ một môi trường ưu đãi, Đỗ Quốc Anh rất thông minh, rất sáng sủa, rất biết người biết của, nhưng không thành một nhân vật giáo dục, và cũng không thành một nhân vật truyền thông. Đỗ Quốc Anh lấp lánh một mẫu người thành đạt kiểu đặc trưng xã hội Việt Nam! Nói cách khác, Đỗ Quốc Anh là một dạng bi kịch trí thức loay hoay giữa quan trường lưỡng cực, tiền và quyền, danh và lợi!


Trong những người từng nổi tiếng làng báo, chân dung Đỗ Quốc Anh thật khó đoán định, quan chức không ra quan chức, nhân sĩ không ra nhân sĩ, mà thư lại cũng không ra thư lại. Đỗ Quốc Anh cho tái bản “Thầy giáo của những học sinh giỏi Toán” chung với “Mái trường thân yêu” của Lê Khắc Hoan, như một cách quay lại với chữ nghĩa chăng? Với trải nghiệm êm ái và hào hứng của Đỗ Quốc Anh, có thể viết một cuốn sách cảnh tỉnh lương tri cộng đồng, đại loại như: “Tôi đã bẻ bút để phù thịnh ra sao?”.