Thế kỉ mới mở ra cơ hội lớn đồng thời đặt nhà văn trước thách thức không nhỏ, trong đó sự ra đời và phát triển phương tiện sản xuất mới (internet) luôn ở thế như muốn đẩy Hội Nhà văn Việt Nam về phía lạc hậu. Lâu nay lực lượng sản xuất thơ văn thuộc biên chế Hội Nhà văn và những ứng viên đã buộc lòng chấp nhận chờ đến phiên mình để được đăng bài vở như một cách phân phối tem phiếu thời bao cấp, từ khi văn chương mạng ra đời, cả bộ phận lớn hội viên tách đàn mà không một lần ngoảnh lại báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, tạp chí Nhà văn nữa. Xong bài nào họ post lên mạng bài nấy. Rồi thì nhà văn lập website, blog riêng, sau nữa là Facebook. Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam mất thế giá nghiêm trọng dưới mắt hội viên lẫn độc giả. Đến khi những người trách nhiệm nhìn ra vấn đề thì mọi chuyện đã quá muộn. Website của Hội đã làm lỗi thời lúc nào không hay.



VĂN CHƯƠNG TAN RÃ
 [& về những ảo tưởng bị đổ vỡ]

INRASARA

Phân rã, không còn hạn định ở không gian và ý hệ phân định địch ta rõ ràng như thời trước 75; cũng không còn thuộc phạm trù chính trị bạn thù như thập niên sau đó; càng không phải ở quan điểm văn chương [thuần túy] như thời Đổi mới, mà là cái gì nhỏ lẻ hơn, vụn vặt đời thường hơn, nên tệ hại hơn. Một tan rã thuộc hàng vô tiền [khoáng hậu] trong lịch sử văn học Việt Nam.

1.
Năm 1987 khởi động cho sự tan rã ấy qua sự xuất hiện của Nguyên Ngọc trong tư cách Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Tổng biên tập báo Văn nghệ. Ở đó cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với non trăm văn nghệ sĩ vào tháng 10-1987 được xem là bước ngoặt.
Cởi trói, phong trào đổi mới tiểu thuyết và cách tân thơ nở rộ. Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Dương Hướng… nổi lên như những hiện tượng sáng giá, đẩy bao tên tuổi cũ với lối viết cũ vào hậu trường.
Tình trạng kéo dài đến đầu năm 1990, khi Hữu Thỉnh thay Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, tờ báo của Hội Nhà văn bị giới lãnh đạo chính trị cho là đi chệch đường quá xa, cần định hướng lại. Phe bảo thủ dần dần thắng thế và lật ngược thế cờ. Các tác phẩm đổi mới bị phê phán, đỉnh điểm là tiểu thuyếtNỗi Buồn chiến tranh của Bảo Ninh – giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1992 bị mang ra mổ xẻ.
Khác biệt về quan điểm sáng tác giữa cánh nhà văn bảo thủ và các đồng nghiệp trẻ cấp tiến báo hiệu sự khởi đầu cho những phân rã sắp tới.

2.
Công cuộc đổi mới dù chỉ qua thời đoạn ngắn ngủi đã có ảnh hưởng rộng lớn, lan xa đến tận cộng đồng văn học Việt hải ngoại.
Tại Mỹ, tạp chí Hợp lưu do Khánh Trường chủ biên ra mắt vào tháng 10-1991, tiếp đến là tạp chí Thơ, do Khế Iêm sáng lập và chủ biên ra số đầu tiên vào năm 1994; ở Úc, tạp chí Việt do Phan Việt Thủy (chủ nhiệm) và Nguyễn Hưng Quốc (chủ bút) cho ấn hành vào đầu năm 1998, vân vân… trong đó tác giả quốc nội đóng góp bài vở đáng kể. Ở chiều ngược lại, đã thấy tác phẩm của nhà văn, nhà thơ hải ngoại xuất hiện rải rác trên báo chí trong nước.
Trong các tuyển tập thơ văn Việt Nam, văn thơ người Việt hải ngoại góp mặt ngày càng dày dặn hơn, vài tác phẩm của tác giả đang sống ở nước ngoài được in trong nước: Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Thơ đến từ đâu? của Nguyễn Đức Tùng… Sau đó, website của người Việt ở bên kia đại dương như:Tienve, Talawas, Damau… nhận được nhiều bàn tay đóng góp của văn thi hữu trong nước.
Sự thể tạo ảo tưởng về một thứ “hợp lưu” văn học trong ngoài. Thế nhưng các nhà quản lí văn học mà đầu óc luôn bị ám bởi sự “xâm lăng văn hóa” không nhìn nhận vấn đề đơn giản thế. Ảo tưởng chỉ dừng lại ở ảo tưởng.

3.
Thế kỉ mới mở ra cơ hội lớn đồng thời đặt nhà văn trước thách thức không nhỏ, trong đó sự ra đời và phát triển phương tiện sản xuất mới (internet) luôn ở thế như muốn đẩy Hội Nhà văn Việt Nam về phía lạc hậu. Lâu nay lực lượng sản xuất thơ văn thuộc biên chế Hội Nhà văn và những ứng viên đã buộc lòng chấp nhận chờ đến phiên mình để được đăng bài vở như một cách phân phối tem phiếu thời bao cấp, từ khi văn chương mạng ra đời, cả bộ phận lớn hội viên tách đàn mà không một lần ngoảnh lại báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, tạp chí Nhà văn nữa. Xong bài nào họ post lên mạng bài nấy. Rồi thì nhà văn lập website, blog riêng, sau nữa là Facebook. Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam mất thế giá nghiêm trọng dưới mắt hội viên lẫn độc giả. Đến khi những người trách nhiệm nhìn ra vấn đề thì mọi chuyện đã quá muộn. Website của Hội đã làm lỗi thời lúc nào không hay.
Đó là lần thứ hai lực lượng sản xuất bị phân rã!

4.
Năm 2007, qua Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa, sinh hoạt văn chương Việt Nam đánh dấu một phân rã khác, quyết liệt hơn.
Khi tình yêu nước bị đánh động, nhà văn Việt Nam nhập cuộc, bằng thơ văn và cả xuống đường. Chưa trọn tháng, chuyên đề “Viết cho Hoàng Sa – Trường Sa” trên mạng Tienve.org thu hút cả trăm tác phẩm của các khuôn mặt đã hay chưa thành danh, tạo nên một phong trào sáng tác tự nguyện chưa từng có về một chủ đề liên quan trực tiếp đến sự kiện chính trị xã hội.
Phía ngoại vi thì vậy, trong khi đó các nhà văn chính thống hoàn toàn im lặng, một sự im lặng đầy ngờ vực. Mãi 40 tháng đi qua, sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa tái diễn, khi hành động ở phía Trung Quốc ngang nhiên và bạo ngược hơn đẩy sự kiện vào thế bấp bênh mang chứa nhiều nguy cơ bùng nổ hơn; để khi được “phép”, các nhà văn chính thống mới ồ ạt làm thơ, văn yêu nước. Khác với cánh ngoại vi, nhà văn chính thống chỉ chống Trung Quốc từ xa, mà không dám nhìn vào thực tế đang diễn ra hàng ngày trên đường phố ở Sài Gòn, Hà Nội với những cuộc biểu tình, chống biểu tình, bắt bớ…
Một sự kiện – hai thời điểm. Hai tâm thế và tâm thức sáng tạo khác biệt ấy – qua một sự kiện chung kết nối bởi tình cảm chung – tưởng sẽ là cơ hội đưa văn nghệ sĩ Việt [trong nước và hải ngoại, chính thống và phi chính thống] xích lại gần nhau, thế mà nhìn ở bề sâu, nó như đang đào sâu thêm cái hố phân cách ngoại vi/ trung tâm của văn học Việt Nam đương đại.

5.
Khía cạnh khác không thể không nói lên, là quan hệ văn học Bắc Nam, trước và sau khi đất nước thống nhất. Cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, các nhà thơ đương đại danh giá ở các tỉnh phía Bắc đã có mặt đường hoàng trong các tuyển tập thơ được tổ chức ở miền Nam: Thơ Tự do (NXB Trẻ, 1999), Thơ hôm nay(NXB Đồng Nai, 2003)…
Cạnh đó, không ít tác giả quan trọng ở miền Nam cũ tái xuất hiện, hay tác phẩm của họ được cho tái bản. Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê… chiếm không gian không nhỏ trong các hiệu sách lớn. Đó là vài khuôn mặt “vô can” về chính trị tư tưởng, ngược lại các tác giả nhạy cảm như một Phạm Công Thiện chỉ có thể có mặt ở bộ phận thứ yếu qua hình hài thể loại thơ, còn các sáng tạo làm nên tên tuổi của ông cứ nằm trong bóng tối của cấm đoán. Võ Phiến thì chỉ được phép tái xuất qua bút danh cũ ít được biết đến: Tràng Thiên. Năm 2007, 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu được tái bản tạo cảm giác về một tín hiệu mở, nhưng rồi chúng bị thu hồi không lâu sau đó đã gây hụt hẫng lớn. Riêng các tên tuổi cộm cán như Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo… thì hoàn toàn vắng bóng.
Lần nữa ảo tưởng bị đổ vỡ.

6.
Đầu thế kỉ XXI, nhóm Mở Miệng xuất hiện tự mở nhà xuất bản Giấy Vụn cho ra đời hàng loạt tác phẩm photocopy của nhóm cùng sáng tác của người viết đồng chí hướng. Vòng tròn sáu mặt (6 tác giả) in năm 2002 đẩy nhanh trào lưu in chui qua các nhà xuất bản ngoài luồng khai trương cấp tập.
Ngoài luồng, nhưng phong trào đã tạo ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt văn học trong nước. Ảnh hưởng vào tận trường học, mà thế giá của nó được đánh dấu qua luận án tiến sĩ của Trần Ngọc Hiếu nhấn mạnh đến “trò chơi” của nhóm Mở Miệng. Sự thể được đẩy lên đỉnh điểm với tên tuổi Nhã Thuyên mà luận văn “Vị trí kẻ bên lề…” được xem như chuyên luận đầu tiên về văn chương và sinh hoạt của các nhóm văn chương ngoài luồng này.
Đánh hơi nỗi nguy hiểm nhỡn tiền, tại Hội nghị Tam Đảo ngày 4-5 tháng 6-2014, Chu Giang gióng hồi chuông báo động đỏ bằng bài tham luận nảy lửa tố giác từ luận văn, người làm luận văn cho chí hội đồng chấm luận văn, mở màn cho trận đánh lớn sau đó. Phan Trọng Thưởng khẳng định đinh đóng đây là “luận văn nguy hiểm”, dẫn tới việc thu hồi bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên, mất việc của giáo sư hướng dẫn là Nguyễn Thị Bình, chiếc ghế của nhiều vị có liên can cũng lung lay, tác động dây chuyền đến môi trường sinh hoạt học thuật của Đại học Việt Nam mà cửa mới he hé mở.
Đến đây, phân rã không còn thuộc phạm vi trong hay ngoài nước, Nam Bắc, trước hay sau 75, ngoại biên hay chính thống nữa, mà phân rã ngay trong trung tâm sinh hoạt văn học chính thống.

7.
Cùng thời điểm, tháng 3-2014. Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam do trưởng ban là nhà văn Nguyên Ngọc kí ngày 3-3-2014, đánh dấu một phân rã mới. Thông báo vừa đưa ra, hàng chục nhà văn nhập cuộc chơi đầy hào hứng; để rồi nỗi hào hứng kia bỗng xì hơi xẹp lép khi, trước áp lực từ cơ quan, gia đình hay bạn văn [cả lo cho nhau], một số hối hả rút tên khỏi danh sách, tạo nên cái hẫng cho cả hai.
Đánh giá nguy cơ Văn đoàn gây nhiễu tinh thần hội viên, Hội Nhà văn Việt Nam lập tức tỏ thái độ. Cảnh báo đầu tiên được đưa ra: 9 nhà văn có tên trong Ban vận động được đề nghị gạch tên khỏi danh sách đại biểu dự Đại hội Hội Nhà văn sắp tới. Thế là các tên tuổi từng góp công lớn vào nền văn học Việt Nam hiện đại: Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Ý Nhi, Dạ Ngân, Nguyễn Duy… bị đồng nghiệp loại bỏ thẳng thừng. Để ngày 11-5-2015, nhóm 20 nhà văn phản ứng bằng cách đưa lên mạng xã hội cái quyết định tuyên bố rút tên khỏi Hội Nhà văn Việt Nam.
Văn đoàn Độc lập tưởng nỗ lực hướng văn học về phía tự do và độc lập ở tương lai mở, ai dè bị chụp cho cái mũ chính trị với bao mắt nhìn soi mói, dị nghị.
Đây là phân rã mang tính tập thể rõ nét nhất.

8.
Cuối cùng, như đối trọng với “tan rã 7”, hình thức tan rã mang tính cá thể nảy sinh tiếp liền sau đó nói lên đủ đầy sự phân rã lực lượng sản xuất nơi phần phân mảnh nhất của văn chương Việt Nam hôm nay. Ở đó vụ án “Bạch lộ” vào tháng 10-2015 như dòng lũ ống cuối cùng đổ vào đập thủy điện Sông Tranh, ban tặng cho khối người làm chữ Việt Nam cơ hội xả lũ.
Chuyện tưởng đóng khung giữa hai cá nhân nữ hội viên thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, không ngờ nó được nâng cấp lên hàng quốc gia, gây tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí trong suốt cả tuần lễ Ngày Phụ nữ Việt Nam.
Hội Nhà văn Hà Nội đã xin lỗi độc giả, Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan sau đó đã dàn hòa; phiền nỗi phát ngôn lạc điệu của các quan văn cùng cách nhập cuộc của hàng trăm đồng nghiệp đang chung mái nhà, chẳng những không mở sáng môi trường mà còn khiến nó rối mù thêm lên, mà dư hưởng của khói bụi gây ô nhiễm khí quyển văn chương Việt Nam chưa biết bao giờ tan biến.
Lê Thiếu Nhơn ra tối hậu thư với Phan Huyền Thư thì còn hiểu được, vì các comments bênh Thư đã xúc phạm cá nhân anh; riêng Vi Thùy Linh, sau khi đổ lên đầu đồng nghiệp cơ man hình dung từ: “là một trò trí trá của con buôn”, “lươn lẹo và trơ trẽn”, “quanh co bịp bợm”… còn đề nghị: “Đài truyền hình VN: không nên tiếp tục để Phan Huyền Thư làm chương trình “Giai điệu tự hào”, một chương trình tôn vinh những giá trị tốt đẹp của đất nước chúng ta, vì hình ảnh Phan Huyền Thư là một vết nhơ trong đời sống văn hóa”. Thật hết nước!
Phân hóa sinh hoạt văn học Việt Nam không còn dừng lại ở tư tưởng, quan điểm học thuật hay đoàn nhóm, càng không còn hạn định ở phía trung tâm hay ngoại vi nữa, mà lây sang tận tranh giành địa vị, quyền lợi đến cả phần “thấp” nhất của quyền lợi: miếng ăn. Không tội sao? Hội Nhà văn Việt Nam lâu nay vốn được xem/ tự nhận là một khối thống nhất được định hướng sáng tác dưới ánh sáng của mĩ học Mac – Lênin, trong đó các bộ phận còn lại chỉ được xem như phần ngoại biên không đáng kể – từ Đổi mới, đã lở từng mảng lớn và phân rã đến không còn cơ may cứu chữa.
Có cần nhìn nhận mấy tan rã kia như là một tính hiệu tốt lành?

                             Sài Gòn, 27-10-2015