"Xin lỗi, có phải là... ở đầu dây không ạ? Tôi có thể nói chuyện một chút được không?" - Giọng nói khẽ khàng, thủ thỉ như một hơi thở nhẹ. Lời chào hỏi đầy trân trọng. Lời mở đầu hội thoại lễ độ, khiêm cung, lúc nào cũng đề cao vị thế của đối tượng giao tiếp, lúc nào cũng sợ làm phiền hay xâm phạm đến tự do cá nhân - dù người đó là nhà báo, nhà văn, quan chức cấp cao hay chỉ là đứa học trò... Đó chính là thái độ giao tiếp của thầy tôi - nhà thơ, nhà lý luận phê bình, Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển, cựu giáo viên văn Trường THPT chuyên ban Lê Quý Đôn (nguyên là THPT Công nghiệp A Hà Đông) Hà Nội, tác giả bài thơ "Mẹ vắng nhà ngày bão" thân thương với nhiều người từ thuở học lớp ba...



Người thầy, người mẹ

LÊ THỊ TUYẾT HẠNH

Sinh năm 1939, thầy bằng tuổi mẹ tôi. Là thầy giáo, học rộng, tài cao, kiến văn sâu rộng, lại luôn cập nhật thời sự, chính trị, khoa học, xã hội… trong nước và quốc tế; là tác giả của 12 tập thơ, 3 tập truyện ký, 5 tập kịch và 6 tập lí luận phê bình văn học (nhiều tập đã được giải thưởng của các báo, các cuộc thi và Hội VHNT các cấp); vậy mà trong tiềm thức sâu xa, tôi lại luôn có cảm giác thầy giống mẹ. Cái sự giống ấy, có lẽ điển hình là sự lo toan và thái độ ân cần, tận tụy, hy sinh theo mẫu hình "chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo phần con"…
Người thầy giáo đức trọng, tài cao của tôi, sau 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, thầy đã được nghỉ hưu. Nhưng sự nghiệp văn chương hơn 40 năm của thầy thì vẫn đang sung sức, cũng như tấm lòng nhà giáo của thầy chưa bao giờ nguôi trăn trở bởi "nỗi đau trồng người"… Thầy là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cộng tác viên thường xuyên của Báo Giáo dục & Thời đại, là biên tập viên Tạp chí Tản viên sơn của Hội VHNT tỉnh nhà, là nhà thơ, nhà phê bình thường xuyên có bài và tác phẩm mới trong mỗi chặng đường đời. Mấy năm nay, hầu như năm nào thầy cũng ra ít nhất một cuốn sách - những cuốn sách thầy ấp ủ "thai nghén" từ lâu, trong suốt 40 năm dạy học, viết văn của mình…
Mỗi một dịp "đứa con tinh thần" ra đời như vậy, thầy có nhu cầu chia sẻ niềm vui với bè bạn khắp nơi, với học trò mình. Và thầy gọi cho tôi, cho những "học trò cưng" của thầy. Mỗi lần như thế, lại thấy giọng thầy ở đầu dây bên kia nhỏ nhẹ, khẽ khàng như một cậu học trò, e lệ như một cô dâu mới. Tất cả chỉ trong vòng vài phút. Thầy thông báo nhanh về cuốn sách mới ra đời, về sự kiện văn nghệ mà thầy tham gia hoặc mong muốn trò cùng hưởng ứng, về một hành động nghĩa cử hay thân phận khó khăn ngoài đời hoặc trò cũ mà thầy muốn trò cùng giúp đỡ, sẻ chia.
Có lẽ lúc nào thầy cũng hình dung ra trò của mình trong vị trí người giáo viên lên lớp, nhà khoa học bên chồng bài vở nghiên cứu, và không ngoại trừ là người vợ, người mẹ với bao thứ bếp núc, tương cà phải lo toan… Bao giờ thầy cũng nói rất nhanh, sau khi hỏi xem người đối thoại có đang bận gì không, có bị làm phiền hay không… Tặng sách cho tôi, khi nào thầy cũng cẩn thận đề tặng cả tên hai vợ chồng, có khi là cả gia đình. Và bao giờ thầy cũng ghi trân trọng chức danh, học hàm, học vị… người được tặng, còn người tặng thì khiêm cung và cẩn trọng với danh vị "thầy giáo cũ".
Không phải ngẫu nhiên mà các thế hệ học sinh chuyên văn Lê Quý Đôn đặt cho thầy cái biệt danh "mẹ Hiển" và rất sợ thầy, dù thầy rất hiền. Chả là chúng "sợ" sự kiểm tra, đôn đốc âm thầm mà kiên nhẫn, tận tụy đến phát nể của thầy. Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, những lớp chuyên văn đầu tiên của THPT Công nghiệp A mới ra đời. Học trò từ khắp nơi trong tỉnh đến, đặc biệt là các học trò từ vùng thôn quê, lại thường là con gái, phải ở nội trú lại trong trường. Chúng ngô nghê, non nớt về tuổi đời, về kinh nghiệm sống. Chúng mộc mạc, hồn nhiên. Chúng lại đang độ tuổi "băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời", thích tìm hiểu cái mới, thích sự phiêu lưu. Lại là nữ sinh, mà là nữ sinh học văn, mơ mộng và yếu đuối… Nhất định chúng thuộc nhóm đối tượng "dễ bị tổn thương" trong xã hội rồi. Và thầy tôi, với trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm, dù không ai giao công việc cụ thể, nhưng luôn tự cho mình có bổn phận phải trông nom cẩn thận đàn con ấy trước khi truyền dạy cho chúng những kiến thức học đường. Và thầy lẳng lặng đến trường sau giờ làm việc, kiểm tra xem chúng ăn, chúng học ra sao. Vô phúc đứa nào trốn học đi chơi mà thầy tóm được, nhất là những đứa vừa tấp tểnh yêu đương!
Thầy không đánh mắng đứa nào, nhưng như vậy có nghĩa là thầy sẽ đến thăm hằng ngày, đúng vào giờ đấy, và có mặt thầy thì chẳng thể trốn mà đi đâu được nữa! Thầy cứ thường xuyên, liên tục, "bất thình lình" như vậy trong việc kiểm tra kí túc xá học sinh suốt những năm thầy làm chủ nhiệm lớp chuyên văn.
Không chỉ kiểm tra, giám sát, mà thầy cũng là sợi dây kết nối mọi người, mọi thế hệ học trò thành "vòng tay lớn". Con người đa cảm từng là cậu bé tám tuổi một mình đạp xe từ nơi tản cư về thăm mẹ và mang theo hơi ấm "chiếc hôn của mẹ" đến cuối cuộc đời, cũng là người thầy giáo mau nước mắt, trầm lặng đau buồn rất lâu trước sự mất mát của mỗi học trò. Khi tôi làm nghiên cứu sinh ở trường đại học, có hai cô bé năm thứ nhất đến tìm và tôi có thêm hai người em gái qua lời gửi gắm của thầy. Đến một ngày, một trong hai em bị bệnh nan y đã ra đi không bao giờ về nữa. Mái tóc thầy như cũng bạc thêm.
Bài thơ viếng em cùng với nhiều bài thơ khác khóc học trò mất vì bạo bệnh, học trò ngã xuống nơi chiến trường khiến chúng tôi hiểu hơn tấm lòng thầy giáo. Thầy đã không thể quên tiếng khóc của cô trò nhỏ giỏi văn khi nghe lời bình câu ca dao "trời mưa bong bóng phập phồng" để từ đó hiểu và cảm thông hơn hoàn cảnh mồ côi cha của em.
Trong sâu thẳm lòng mình, thầy tự thấy mình có trách nhiệm bù đắp cho em, quan tâm đến em hơn. Nhưng chỉ sau khi em mất, tiếng "con" yêu thương, đau đớn mới bật ra ở lời thơ nức nở của thầy: "Bình minh của ta ơi, sao sớm tắt/ Cỏ chưa mọc trên mồ, sương xuống buốt lòng ai". Nỗi đau và tình thương rất thực của thầy khiến người mẹ tột cùng đau khổ của em đã phải nghị lực hơn để động viên lại thầy: "Mặc dù cháu Ng. không đền ơn trả nghĩa thầy nhưng sẽ có trăm nghìn học trò khác sẽ thay Ng. trả nghĩa thầy…". Thầy cũng không quên giấc mơ tuổi thơ hạnh phúc của cô học trò nghèo ra đi vì tai nạn giao thông: "Ôi giấc mơ em lại chính là mộng ác, trong cõi người rất thực/ Giáng xuống lòng ta những nhát búa nặng nề" (Khóc em A. T).
Nhân nghĩa, yêu thương là tấm lòng thầy. Chu đáo, ân cần, tận tụy là cách ứng xử của thầy với mọi học sinh. Nhưng bao dung, vị tha mới chính là thầy. Chưa bao giờ thầy phàn nàn, trách móc, chê bai học trò nào, dù trong suốt hơn 40 năm làm thầy giáo của thầy, chắc không thiếu những học trò đã vì bận bịu mưu sinh, sơ suất hay vô tình mà quên công lao của thầy, trong đó có tôi…
Thầy đã "nhìn" ra tôi trong chiếc áo bông quê mùa giữa lớp học thi đội tuyển văn toàn quốc của tỉnh nhà. Cô bé mắt to đến từ một huyện miền núi xa xôi, nghe như nuốt từng lời giảng về chủ nghĩa lãng mạn và hiện thực, về hình tượng cái ô cửa nhỏ bằng bàn tay trông ra khoảng trời không biết là sương hay nắng của cuộc đời cô Mỵ! Thầy đã phát hiện ra và động viên tôi ngay từ bài viết đầu tiên, đã khiến tôi bớt phần mặc cảm nhỏ bé trong chiếc áo bông to xù. Và cũng chính thầy là người đã viết thư báo tin tôi trúng tuyển thẳng đại học, giục tôi ra nhập trường, dù chẳng hiểu sao giấy báo nhập học thất lạc nơi nào mà không đến tay tôi!...
Bốn năm đại học trôi qua với bao nhọc nhằn, vất vả và cũng tràn ngập niềm vui của một thời sinh viên sôi động. Quãng đường từ Cầu Giấy về Hà Đông khi ấy cũng thật xa, nhất là khi chúng tôi không có phương tiện gì để đi lại, kể cả một chiếc xe đạp cà tàng. Việc về thăm hay thư từ cho thầy thưa thớt. Rồi chúng tôi ra trường, được đứng trên bục giảng như thầy.
Một ngày, cũng vào dịp 20-11 như thế này, trong tâm trạng biết ơn và biết lỗi, trong cảm xúc nhớ thương, ân hận tràn đầy, tôi đã thức thâu đêm, viết một mạch lá thư dài để tri ân và tạ lỗi với thầy. Thư gửi đi rồi, lòng tôi còn bồi hồi, xúc động, xen lẫn nỗi hổ thẹn vì tự thấy mình là kẻ vô ơn. Tôi không phải chờ lâu. Một phong thư khiêm nhường tự gấp cùng nét chữ nhỏ thân quen của thầy. Không phải là một bức thư. Thầy không trả lời vào những câu hỏi của tôi, không xoa dịu tâm trạng hối lỗi của tôi, lại càng không trách móc tôi. Bức thư vỏn vẹn mấy dòng, như thầy chẳng mấy khi viết dài.
Nếu có lần nào em nghĩ đến tôi
Khi em hái hoa đầu trong sự nghiệp
Khi hạnh phúc em sáng hồng trang giấy đẹp
Khi em đi chân bước trước gai đời
Thì đó là hạnh phúc của tôi
Nếu có lần nào em nghĩ đến tôi
Khi trên gạch, trên than, trên giấy trắng, bảng đen
Giọt giọt mồ hôi rơi
Trong lòng em vẫn vẳng lên câu hát
Khi em đi vượt gió cát của đời
Thì đó là hạnh phúc của tôi
Và cả khi không lần nào em nghĩ đến tôi
Chỉ hạt mầm kia trong vườn xanh vẫn nở hoa kết trái
Để đến lượt em, lại dâng cho tay đời lượm hái
Thì đó là hạnh phúc của tôi
Người làm vườn vô danh trên mảnh đất người đời
Ba mươi ba năm trôi qua rồi. Có thể tóm tắt mọi buồn vui thế sự trong cuộc đời làm thầy qua bài thơ "Hạnh phúc". Tôi nhớ lời của mẹ: "Nước mắt mãi chảy xuôi"… Làm trò rồi lại làm thầy. Học văn rồi lại dạy văn. Đứng trước thầy, tôi vẫn chỉ là cô trò nhỏ. Bài học mà tôi học được từ thầy mãi là bài học lớn về lẽ sống làm người, về trách nhiệm và hạnh phúc của người làm thầy, của người thầy giáo dạy văn… Tôi đã học, đang học và sẽ còn học mãi.

Nguồn: Văn Nghệ Công An