Ngoài bài thơ: “Trên biển lớn lênh đênh sóng nước. Ngoảnh đầu về xóm mới khuất xa. Cỏ non nay chắc đã già. Buồn tênh lại giở thư nhà ra xem” in trong tập “Chân dung nhà văn”, chất hãnh tiến của Hồ Phương còn được Xuân Sách ghi lại trong một bài khác, anh không đưa vào tập: “Thuyền đã ghé bến quen Cồn Cỏ. Nhằm quân thù anh nổ súng ran. Dưới cờ của Đảng vinh quang. Kan Lịch ơi hãy nhịp nhàng tiến lên. Tính tính tính tang tang tang tiền” (“Nhằm thẳng quân thù mà bắn” là tên một truyện ký của Hồ Phương viết về Nguyễn Viết Xuân, còn “Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng” là tên một hồi ký của tướng Song Hào, Hồ Phương ghi)



XUÂN SÁCH VÀ CHÂN DUNG CÁC ĐỒNG NGHIỆP

VƯƠNG TRÍ NHÀN

Kỳ 3:


Trên biển lớn lênh đênh sóng nước
Ngoảnh đầu về xóm mới khuất xa
Cỏ non nay chắc đã già
Buồn tênh lại giở thư nhà ra xem

Như Xuân Sách đã kể, bài thơ chân dung thực thụ đầu tiên là bài viết về Hồ Phương. Nhà văn này là một thứ ngọn cờ trong văn học thời kỳ đầu chiến tranh, một giá trị của thời chiến. Nhưng ngay lúc ấy, nhiều người đã sớm nhận ra ở ông có sự phù phiếm của một người làm hàng. Đặt Hồ Phương vào giữa các nhà văn cùng lứa, người ta đọc ra nỗi thất vọng đến sớm của những người tưởng như thành đạt, song lại sớm rơi vào bế tắc, bế tắc vô nghĩa ngay trong sự trơn tru thành đạt. Xuân Sách dựa chắc vào những cái đó mà khái quát cái tình thế nghề nghiệp của cả một lớp người.
Chung quanh Hồ Phương có một chuyện vặt nữa mà cả cơ quan truyền tụng, đó là thói quen làm việc vội vội vàng vàng băm băm bổ bổ (Vũ Cao cũng có lần nói đùa là cái ông này sáng sáng vừa nhá bánh mì vừa viết lia lịa!), làm lấy được, bất cần chất lượng. Người khác còn mất công đi lại, Hồ Phương chỉ láng tráng vào B5 gặp nhân vật một chút đã có ngay được Kan Lịch, hoặc vào khoảng 1966-1967 không cần ra đảo như Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Khải, chỉ nghe một cán bộ Cồn Cỏ là Trần Đăng Khoa kể lại, mà cũng viết được một cuốn “Chúng tôi chiến đấu ở Cồn Cỏ”.
Chất hãnh tiến của Hồ Phương còn được Xuân Sách ghi lại trong một bài khác, anh không đưa vào tập
Thuyền đã ghé bến quen Cồn Cỏ
Nhằm quân thù anh nổ súng ran
Dưới cờ của Đảng vinh quang
Kan Lịch ơi hãy nhịp nhàng tiến lên
Tính tính tính tang tang tang tiền

(“Nhằm thẳng quân thù mà bắn” là tên một truyện ký của Hồ Phương viết về Nguyễn Viết Xuân, còn “Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng” là tên một hồi ký của tướng Song Hào, Hồ Phương ghi)

Theo hướng này Xuân Sách đã viết hai bài về Hữu Mai, cũng là một thứ chân dung sắc sảo:
Bài một:
Hỏng đôi mắt đâu phải là mất hết
Khi trong lòng còn hồi ức Điện Biên
Có đồng đội anh sợ gì cái chết
Cao điểm cuối cùng quyết chí xông lên

Bài hai:
Ơn Đảng Bác chắp cho đôi cánh
Phía trước là mặt trận rồi phải đánh
Dải đất hẹp này không một đứa ngóc đầu lên
Ôi những tháng năm không thể nào quên

Hai bài tập hợp gần hết tên các tác phẩm của Hữu Mai, và điều quan trọng hơn là bắt được cái chất lý trí cả quyết đầy tham vọng của nhà văn này. Đây là một điều không ai ở nhà 4 Lý Nam Đế lạ gì. Một mặt ai cũng chia sẻ, ai cũng khâm phục - nói cho cùng đây là đặc điểm chung của cả thế hệ, chẳng qua đến Hữu Mai nó bộc lộ rõ hơn. Nhưng mặt khác nhiều người cứ thoáng cảm thấy ngài ngại. Liệu cái đó có làm nên giá trị văn học bền vững?!

Sau những bài viết về Hồ Phương và Hữu Mai, có vẻ như Xuân Sách đã tìm được hướng đi và giọng điệu. Anh dần dần hướng tới những người khác. Cùng với Nguyễn Khải Nguyễn Minh Châu, hàng ngày Xuân Sách đã theo dõi hình ảnh các đồng nghiệp với một nụ cười kín đáo. Và sau nụ cười đó, có cả sự cảm phục lẫn sự nghi ngại.

 ( còn nữa)