Ý kiến của nhạc sĩ Đỗ Bảo: “Phê bình dĩ nhiên là khái niệm gây mỏi mệt. Phê bình, tiếp thu phê bình rồi phản biện phê bình là những công việc mà ít ai ham thích, càng ít người sẵn sàng trả công cho chúng. Nói thế để chúng ta khỏi bất ngờ, cũng dễ dàng thực lòng chia sẻ với sự vắng mặt của phê bình âm nhạc tại Việt Nam. Ngày nay, âm nhạc ngày càng giống một thứ nhãn mác hợp thị hiếu cho các mặt hàng khác, cho hoạt động quảng bá và kinh doanh. Theo đó, lời ngợi khen cùng sự tôn vinh đâu đó còn có thể được mua bằng tiền thì những nhà phê bình càng khó để được chào đón. Một khi phần lớn thanh niên, trung niên tham gia mạng xã hội đều có thể vào vai các nhà phê bình mọi lĩnh vực, những khái niệm "auto bình luận" hay  "auto chửi" đã thành lối sống, thì những ý kiến nghiêm túc dễ trở thành điều kì cục gây mất vui”.



VIỆT NAM CHƯA CÓ PHÊ BÌNH ÂM NHẠC

ĐỖ BẢO

“Việt Nam chưa có phê bình âm nhạc" không còn là tin mới nóng. Những ý kiến sớm nhất đã được hai cây đa cây đề của giới âm nhạc là nhạc sĩ Tô Vũ và nhạc sĩ Thế Bảo nêu lên vào 12 năm trước. Mười năm sau, nhạc sĩ Dương Thụ cũng khẳng định lại chính điều này, hay như nhà lý luận âm nhạc Hữu Trịnh, nhà báo của Báo Thể thao & Văn hóa đã có hẳn một loạt bài bình luận và phỏng vấn diễn tả sự yếm thế và những nguy cơ hoàn toàn mất dấu của phê bình âm nhạc. Năm 2013, Hội Nhạc sĩ Việt Nam thừa nhận chưa có những tác phẩm phê bình âm nhạc đúng nghĩa, hoặc "phê bình báo chí lấn át phê bình chuyên nghiệp"  như một tít bài của Báo Văn nghệ Công an gần đây.

Một số trang web hướng nghiệp tại Anh, Mỹ, hiện mô tả điều kiện cho những ai theo đuổi công việc phê bình âm nhạc bao gồm: yêu âm nhạc, có thể nghe các thể loại âm nhạc khác nhau, có kỹ năng viết hoàn hảo, có kỹ năng giao tiếp và phỏng vấn, tư duy cởi mở và đề cao sự công bằng, sẵn sàng tham gia những khóa học trang bị thêm kiến thức âm nhạc..., hầu như không có đòi hỏi người ta phải là một nhạc sĩ hay người chơi nhạc cụ. Người phê bình âm nhạc giống như người "phiên dịch" âm nhạc, người có khả năng nhận ra âm nhạc từ tốt đến xấu...Vị trí làm việc của người phê bình âm nhạc là ở các nhà xuất bản âm nhạc, các tờ báo, tạp chí, trang mạng âm nhạc, kèm theo là một số đặc điểm khác nhau giữa công việc của một nhà báo âm nhạc và một nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp.
Như vậy, nếu phê bình âm nhạc ở ta còn là một dấu hỏi với một số ít cá nhân hoạt động khá âm thầm, thì nó vẫn là một ngành nghề chuyên sâu tồn tại ở xã hội phương Tây với các tiêu chuẩn, ý nghĩa, cùng phương hướng tồn tại khá minh bạch. Nhưng khoan đã, đừng vội phê bình việc phê bình âm nhạc trong nước. Cả khi đang thuộc về hệ thống mà ở đó công việc phê bình âm nhạc có chỗ đứng lẫn giá trị của nó, kết thúc bài viết về hiện trạng phê bình âm nhạc tại Mỹ, Ted Gioia, nhà phê bình nhạc jazz, nhạc sử gia người Mỹ, vào năm 2014, đã viết: "Giờ không quá muộn để sửa chữa mớ hỗn loạn, nhưng điều đó sẽ không xảy ra cho đến khi các nhà phê bình chấm dứt hành động như nhà báo chuyên mục tin đồn, và bắt đầu nắm bắt âm nhạc nghiêm túc trở lại".

 Phê bình dĩ nhiên là khái niệm gây mỏi mệt. Phê bình, tiếp thu phê bình rồi phản biện phê bình là những công việc mà ít ai ham thích, càng ít người sẵn sàng trả công cho chúng. Nói thế để chúng ta khỏi bất ngờ, cũng dễ dàng thực lòng chia sẻ với sự vắng mặt của phê bình âm nhạc tại Việt Nam.
 Ngày nay, âm nhạc ngày càng giống một thứ nhãn mác hợp thị hiếu cho các mặt hàng khác, cho hoạt động quảng bá và kinh doanh. Theo đó, lời ngợi khen cùng sự tôn vinh đâu đó còn có thể được mua bằng tiền thì những nhà phê bình càng khó để được chào đón. Một khi phần lớn thanh niên, trung niên tham gia mạng xã hội đều có thể vào vai các nhà phê bình mọi lĩnh vực, những khái niệm "auto bình luận" hay  "auto chửi" đã thành lối sống, thì những ý kiến nghiêm túc dễ trở thành điều kì cục gây mất vui.

 Bên cạnh số đông "khán giả phê bình" trên các mạng xã hội là các nhà báo viết về âm nhạc mà phần lớn bài viết là những báo cáo sinh động về lối sống, bao gồm các câu chuyện xoay quanh hoạt động thường nhật của nghệ sĩ, quần áo, việc vay nợ, các cuộc gặp hay chuyện tình cảm... Nếu so sánh phê bình âm nhạc là những chiếc xe cứu hộ, xử lý tình huống... thì dường như chúng không có đường vào để giúp gì cho những va chạm hay tai nạn giữa những đám đông hỗn loạn, vốn thường ngày lòe loẹt và thừa tự tin. Bù lại, chúng ta có một không gian phê bình nghệ thuật bình dân trải rộng và quả thực không thể tin được. Từ một góc nhìn nào đó, chúng ta đã vô vọng để biết ưu nhược điểm của các tác phẩm tác giả âm nhạc, không rõ âm nhạc đã đang và nên đi về đâu, cách nào để cho tất cả trở nên tốt đẹp hơn, khi mà phê bình âm nhạc, cái cỗ máy chiếu sáng ý thức nghệ thuật không mấy khi được dùng tới. 

Hãy tưởng tượng xem nếu hai người này đổi vai cho nhau: một ca sĩ danh tiếng như cồn sở hữu xe ôtô tiền tỉ và fanpage hàng triệu like và 1 nhà phê bình âm nhạc ít ai biết tên vừa đến với buổi phỏng vấn trên chiếc honda cà tàng. Vậy sao anh lại phê bình tôi, sao chính tôi lại không phải người phê bình anh? Sự cách biệt hoặc không tương thích giữa người phê bình và những người được/bị phê bình có thể là một lý do không những không giúp thúc đẩy việc gắn kết hai phía, mà còn khoét rộng hào ngăn cách họ, ở giữa là các tác phẩm hay sự kiện âm nhạc không còn cần được nhìn nhận đúng mực. Cũng không loại trừ bởi những so đo tiêu cực mà chính các nhà phê bình (nếu họ đang hoạt động) lại bất đắc dĩ trở thành các "bác sĩ phẫu thuật" không còn bình tâm và khéo léo, ai biết lúc họ sẽ "cắt đi" những "bộ phận cơ thể" lành lặn của đối tượng khác. Trang Wikipedia trích lời nhà âm nhạc học Winton Dean nhận định rằng: "âm nhạc có lẽ là (bộ môn) nghệ thuật khó khăn nhất để phê bình".
Khi mà "yêu âm nhạc" luôn là tiền đề mà người phương Tây đòi hỏi ở các nhà phê bình âm nhạc, thì tại Việt Nam: "cốt lõi trong phê bình là sự chân thành, cầu tiến"  - nhạc sĩ Thế Bảo đã từng nhận định. Cá nhân tôi cho rằng, đây là những tiền đề vắn tắt và căn bản của phê bình và tiếp nhận phê bình âm nhạc. Theo nghĩa đó, chúng là những đặc điểm tư chất chủ quan của và từ con người, không can dự nhiều tới chính âm nhạc. Và cũng theo nghĩa đó, khi nói nhạc Việt không có phê bình âm nhạc, chúng ta cũng đang nói về những tiền đề thuộc về tâm lý trong con người mà chúng ta còn thiếu. Nếu nền âm nhạc thiếu đi phê bình âm nhạc, đó là vì chúng ta đã chưa thực sự yêu (âm nhạc), chưa đủ chân thành và chưa cầu tiến.

Nguồn: Văn Nghệ Công An